Quyền về môi trường (environmental rights) là vấn đề đã được để cập từ lâu trên thế giới nhưng vẫn còn rất nhiều khía cạnh lý luận, pháp lý và thực tiễn còn đang được thảo luận bởi các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các nhà nghiên cứu. Trong vài thập kỷ gần đây, sự gia tăng ô nhiễm môi trường trên toàn cầu, sự nóng lên của trái đất và những biến đổi bất thường về khí hậu đã gây ra những lo ngại đặc biệt với vấn đề bảo vệ môi trường và thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế với các quyền về môi trường. Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và hàng ngàn công trình nghiên cứu về những vấn đề này được tổ chức và công bố trong mấy thập kỷ gần đây.

Là một trong những quốc gia được xác định là có nhiều thiên tai và nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên bảo vệ môi trường và quyền về môi trường cũng là những vấn đề đặt ra có tính chất đặc biệt cấp thiết ở Việt Nam. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với việc tham gia ký kết một số điều ước và thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và quyền về môi trường, khung pháp luật của Việt Nam về vấn đề này đã được củng cố một cách đáng kể. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên hiến định quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người, cho thấy cách tiếp cận rất triệt để của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề quyền về môi trường. Tuy nhiên, ý thức về bảo vệ môi trường, nhận thức về quyền về môi trường của một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ, các quyền về môi trường chưa được bảo đảm một cách thực sự hiệu quả trên thực tế. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là do khung pháp luật hiện hành của nước ta về bảo vệ môi trường và quyền về môi trường vẫn còn những bất cập, hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện.

Trong thời gian qua ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu về môi trường, song chủ yếu từ góc độ phân tích thực trạng môi trường và bảo vệ môi trường, còn thiếu những nghiên cứu dưới góc độ quyền về môi trường. Từ bối cảnh đó, ngày 27/02/2019, trong khuôn khổ Chương trình đào tạo Thạc sỹ Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, mà cụ thể là Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, đã tổ chức hội thảo: “Quyền về môi trường: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và trường đại học, viện nghiên cứu. Trong hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kiến thức, thông tin và thảo luận về các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn cập nhật xung quanh các quyền về môi trường ở trên thế giới và Việt Nam.

Xuất phát từ tầm quan trọng và tính chất thời sự của vấn đề, chúng tôi quyết định chọn lọc, biên tập các tham luận trong hội thảo để biên soạn cuốn sách này, trước hết là nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu trong Chương trình đào tạo Thạc sỹ Pháp luật về Quyền con người của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó là để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan làm tài liệu tham khảo trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và quyền về môi trường ở nước ta.

Các bài viết trong cuốn sách tập trung làm rõ nội dung, triết lý, lịch sử phát triển của quyền về môi trường (hay còn được gọi là “quyền môi trường”, “quyền sống trong môi trường trong lành...), cũng như khuôn khổ pháp luật của các quốc gia, chuẩn mực quốc tế bảo vệ quyền này.Cạnh đó, các cơ chế bảo vệ quyền ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế cũng được giới thiệu, phân tích. Nhiều tồn tại, vấn đề thực tiễn phát sinh, vai trò của các chủ thể (nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân...) liên quan đến việc thực thi quyền môi trường cũng được thảo luận trong các bài.

Do giới hạn trong phạm vi nghiên cứu của các tham luận của một cuộc hội thảo, chắc chắn cuốn sách này vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Cũng do tính chất là các tham luận hội thảo, có những nội dung được đề cập và phân tích bởi nhiều tác giả. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý chân tình của độc giả để có thể xuất bản những ấn phẩm tốt hơn. Hy vọng cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy các quyền về môi trường ở Việt Nam.