1. Tổng quan về giáo dục quyền con người tại Khoa Luật – Trường Đại học Công đoàn
Giáo dục nhân quyền (human rights education - HRE) đã trở thành một xu hướng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, từ quan điểm của Đảng đến sự điều chỉnh của pháp luật vấn đề nhân quyền đã được quan tâm sâu sắc thông qua các chế định về nhân quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp, các luật nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời có cơ chế bảo đảm, bảo vệ các quyền này. Bên cạnh đó, các tổ chức hoạt động về nhân quyền ngày càng nhiều và hoạt động hiệu quả ở Việt Nam. Đây là nguồn hỗ trợ rất lớn cả về kinh nghiệm, đào tạo và bảo vệ các trường hợp cụ thể trên thực tế cho Việt Nam trong sự nghiệp HRE. Đặc biệt là các hoạt động giáo dục HRE của họ được tổ chức rất thường xuyên, sâu, rộng đều sử dụng phương pháp kết hợp lý luận và thực tiễn xử lý các “ca” cần hỗ trợ về nhân quyền. Qua đó, phương pháp giáo dục nhân quyền hiện đại kết hợp lý luận và thực tiễn có cơ hội lan tỏa và kiểm chứng được tính hiệu quả cao.
Trong bối cảnh vấn đề nhân quyền ngày càng được quan tâm bởi các tầng lớp trong xã hội, điều đó dẫn đến một lối tư duy và hành động mới về nhân quyền trong đó nhu cầu tìm hiểu về nhân quyền cũng như nhu cầu bảo vệ nhân quyền ngày càng có xu hướng gia tăng ở cấp độ cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Do đó, giáo dục nhân quyền tại Trường đại học Công đoàn đã có những điều chỉnh tích cực trong những năm gần đây từ phía nhà quản lý giáo dục đến giảng viên và người học.
Về phía nhà quản lý đào tạo đã đánh giá đúng tầm quan trọng của sự cần thiết của giáo dục nhân quyền trong chương trình đào tạo đại học. Chương trình đào tạo đại học ngành Luật của Trường đại học Công đoàn là một trong số ít các chương trình đào tạo đại học đã xây dựng học phần riêng biệt về quyền con người. Theo đó, cùng với cung cấp một số vấn đề quyền con người trong học phần Luật hiến pháp, Công pháp quốc tế và các học phần luật chuyên ngành khác thì từ năm 2017 Chương trình đào tạo cử nhân luật học của Nhà trường đã xây dựng học phần Pháp luật về quyền con người với khối lượng 02 tín chỉ (tương ứng 30 giờ học tín chỉ) là một trong hai học phần thay thế dành cho sinh viên không viết khóa luận tốt nghiệp học tại kỳ 8 trước khi ra trường.
Về phía giảng viên: Giảng viên được sắp xếp giảng dạy học phần là người có trình độ chuyên sâu ở cấp độ chuyên gia về lĩnh vực quyền con người (Tiến sĩ nghiên cứu về quyền con người) do đó có khả năng cung cấp các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn mang tính chuyên sâu cho người học đồng thời có nhiệt huyết trong chia sẻ tính pháp lý và thúc đẩy tinh thần bảo vệ quyền con người đối với người học.
Về phía người học: pháp luật về quyền con người là học phần nặng tính lý thuyết bởi khi học sinh viên “phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức lý thuyết lớn bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người”[1]. Do đó, cần cân đối để sắp xếp học phần cho phù hợp với khả năng tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người học. Trường Đại học Công đoàn đã có sự sắp xếp hợp lý khi cho sinh viên năm cuối học học phần có nội dung về quyền con người trên cơ sở sinh viên đã có các kiến thức chuyên ngành luật, có tư duy pháp lý tương đối đầy đủ qua quá trình đào tạo nên đây là nhóm người học không đơn thuần chỉ muốn tiếp nhận tri thức ở mức độ lý luận thông thường mà nhu cầu được giải quyết tình huống thực tiễn trong hoạt động tương tác của bài học tăng lên. Người học có khả năng thực tập ngay lập tức các tình huống tự vệ, bảo vệ hoặc được người khác bảo vệ nên khả năng ứng dụng sẽ cao. Do đó, đây là thời điểm lý tưởng để kết hợp lý luận và thực tiễn trong đào tạo giáo dục quyền con người để người học có thể tiếp cận vấn đề quyền con người một cách toàn diện, đa chiều và có khả năng giải quyết các case study pháp lý liên quan, phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, người học là một thế hệ có tư duy mở, có khả năng tiếp nhận cái mới và trách nhiệm cao với bản thân và cộng đồng. Điều này là thuận lợi rất lớn cho việc kết hợp lý luận và thực tiễn thực hiện quyền con người. Người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nhóm đối tượng đã đạt đến trình độ nhận thức nhất định nhưng quan trọng hơn cả là họ có khả năng kết nối với cộng đồng, kết nối với thế giới rất nhanh và hiệu quả đồng thời họ sớm định hình được trách nhiệm cá nhân đối với bản thân và cộng đồng. Do đó, việc tiếp nhận HRE đối với sinh viên Luật là cần thiết như một nhu cầu của sự hiểu biết và khám phá cũng như mục tiêu của hoạt động nghề nghiệp, hoàn thiện nhân cách.
2. Nội dung giáo dục quyền con người có sự kết hợp giữa lý luận với thực tiễn thực hiện quyền con người
Cộng đồng quốc tế ngày càng bày tỏ sự đồng thuận về đóng góp quan trọng của giáo dục nhân quyền đối với việc thực hiện quyền con người cũng như ngăn chặn lâu dài các vi phạm nhân quyền và xung đột bạo lực. Trong hệ thống trường học, HRE là một thành phần quan trọng của quyền được giáo dục, vì nó cho phép hệ thống giáo dục thực hiện các mục tiêu cơ bản là thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của nhân cách con người và đánh giá cao phẩm giá con người, tăng cường tôn trọng các quyền con người và cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, giáo dục nhân quyền đóng góp thiết yếu vào việc bảo vệ quyền con người và hỗ trợ các cộng đồng và xã hội nơi các quyền con người của tất cả mọi người đều được coi trọng và tôn trọng.
Với việc thông qua Tuyên bố của Liên hợp quốc về Giáo dục và Đào tạo Nhân quyền vào ngày 19 tháng 12 năm 2011 — đã bày tỏ sự đồng thuận về tầm quan trọng của giáo dục nhân quyền như một quá trình xây dựng kiến thức, kỹ năng và thái độ thúc đẩy hành vi đề cao quyền con người. Có thể khẳng định rằng, “giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con nguời và tự do căn bản cho tất cả mọi người …”[2]. Tuy nhiên, nếu chỉ có nhận thức được các vấn đề lý luận về nhân quyền mới dừng lại ở việc hình thành tri thức về nhân quyền mà chưa đạt được mục đích tối cao đó là sự thụ hưởng, tôn trọng và thực thi nhân quyền trên thực tế. Đặc biệt là việc giáo dục vấn đề này cho sinh viên luật – những người tương lai sẽ thực hành nghề nghiệp liên quan đến bảo vệ công lý, xác lập và bảo vệ các quan hệ pháp luật đa chiều, đa dạng gắn liền với quyền con người thì việc đào tạo không thể chỉ ở góc độ lý luận,
Do đó, trong quá trình đào tạo sinh viên ngành luật tại Trường Đại học Công đoàn, nội dung về quyền con người được tiếp cận ở hai mức độ khác nhau:
Thứ nhất, đối với các học phần có lồng ghép vấn đề về quyền con người nội dung giáo dục pháp luật về quyền con người được các học phần tiếp cận gắn liền với đặc thù của học phần đó và quyền con người gắn liền với nhóm chủ thể được luật đó điều chỉnh. Chẳng hạn, học phần Luật hiến pháp nội dung quyền con người gắn liền với quyền công dân (quyền được chăm sóc, giáo dục, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng….), học phần Luật lao động nội dung quyền con người gắn liền với quyền của người lao động (quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được nghỉ ngơi…), học phần Luật tố tụng hình sự nội dung quyền con người gắn liền với quyền của người bị buộc tội (quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền im lặng….), quyền con người của bị hại (quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe,danh dự…) … Qua các quy định của pháp luật chuyên ngành, các quyền con người của nhóm người cụ thể được nghiên cứu, phân tích, đánh giá và được sinh viên vận dụng trong các tình huống cụ thể từ đó người học vừa nhận thức được vấn đề lý luận vừa tích lũy được kỹ năng giải quyết tình huống.
Thứ hai, đối với học phần chuyên biệt về Pháp luật về quyền con người cung cấp cho người học “những kiến thức toàn diện về lý luận và pháp lý về quyền con người, bao gồm: khái niệm, nguồn gốc, tính chất, đặc điểm, lịch sử phát triển của tư tưởng về quyền con người trên thế giới và Việt Nam; hệ thống các quy định pháp luật quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam về quyền con người; các cơ chế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; quan điểm và chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người….”[3]. Mặt khác, thông qua hoạt động thực hành, các lý luận về quyền con người sẽ được kiểm chứng tính đúng đắn, tính nhân văn, sinh viên có khả năng xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến quyền con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong hoạt động nghề nghiệp
3. Phương pháp giáo dục quyền con người có kết hợp giữa lý luận với thực tiễn thực hiện quyền con người
Giáo dục pháp luật về quyền con người là một hoạt động đào tạo đòi hỏi phải có sự kết hợp linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn bởi nội dung đào tạo tuy gắn liền với mỗi cá nhân song tương đối trừu tượng, đặc biệt việc nhận thức về quyền và nhận diện được sự xâm phạm để tự vệ, bảo vệ là rất khó khi việc đánh giá theo hướng định tính nhiều hơn định lượng. Để triển khai phương pháp này, cần sử dụng những cách thức phù hợp để tránh tình trạng quá thiên về lý luận hoặc quá nghiêng về thực tiễn. Việc không cân đối trong kết hợp hai yếu tố lý luận và thực tiễn sẽ dễ dẫn đến sự nhận thức trong tư duy hoặc trong hành động có thể bị sai lệch.
Việc tổ chức lớp học theo phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục nhân quyền phụ thuộc rất lớn vào người thực hiện (giảng viên) thông qua cách thức mà họ sử dụng. Quá trình tổ chức lớp học, tại cơ sở đào tạo đã sử dụng một số hình thức giảng dạy thông qua tương tác giữa người học với giảng viên và tương tác giữa người học với nhau về vấn đề lý luận hoặc các tình huống thực tế (case study) liên quan đến quyền con người. Để thực hiện phương pháp này, có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ để tiến hành một trong các hình thức sau:
Hình thức 1: Giảng viên cung cấp cho mỗi nhóm một tình huống và câu hỏi thảo luận. Yêu cầu các nhóm đọc to hoặc trình chiếu câu chuyện của mình và trả lời các câu hỏi đã được liệt kê trên tờ giấy.
Khi mỗi nhóm hoàn thành câu hỏi, các nhóm cùng nhau thảo luận về các câu trả lời và cách giải thích khác nhau mà câu chuyện gợi ra.
Giảng viên sẽ hỏi những vấn đề nhân quyền nào xuất hiện trong mỗi trường hợp và liệt kê những vấn đề này lên bảng. Yêu cầu sinh viên liên kết những điều này với các quy định của pháp luật về nhân quyền.
Hình thức 2: Yêu cầu học viên chọn một vấn đề của cộng đồng hoặc trường mà học viên đang học và sử dụng nó để tạo một vở kịch ngắn. Sinh viên đóng vai và thực hiện:
- Xác định vấn đề nhân quyền trong tình huống
- Xác định các thành viên cộng đồng bị ảnh hưởng trong tình huống
- Xây dựng một giải pháp khả thi và xác định trách nhiệm của các chủ thể (chính phủ, nhà trường, giáo viên, sinh viên, gia đình…)
- Biểu diễn vở kịch trước lớp hoặc ở quy mô lớn hơn (toàn khoa hoặc toàn trường).
Hình thức 3: Tiếp cận vấn đề lý luận qua giải quyết các tình huống thực tế (Case study)
- Người dạy sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại (powpoit, giáo án điện tử…) để tổ chức các buổi học lý thuyết xen lẫn với các tình huống thực tiễn (nổi cộm theo từng thời điểm) qua các clip, hình ảnh thực tế. Qua đó, người học xem và thảo luận đưa ra các quan điểm về các video nhân quyền cũng như nghiên cứu các vấn đề xung quanh về nhân quyền. Từ đó, người dạy khái quát lại lý luận về quyền con người, chỉ ra cách tiếp cận vụ việc phù hợp cho người học. Cách kết hợp này là đi từ góc nhìn của thực tiễn để đối chiếu với lý luận, làm cho người học có nhận thức đa chiều về vấn đề, chỉ ra mức độ phù hợp giữa lý luận và thực tiễn để rút được bài học trong các tình huống tương tự trong tương lai.
- Thảo luận các giải pháp khả thi
- Xác định những vấn đề nào có thể bị ảnh hưởng khi thực hiện hành động giải quyết
4. Một số đề xuất phát triển giáo dục quyền con người tại cơ sở đào tạo đại học ngành luật
Tại khoản 3 Điều 3 Tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp phù hợp với các nhóm đối tượng, có tính đến những nhu cầu và điều kiện cụ thể của họ”. Do đó, dù là sử dụng phương pháp nào để giáo dục nhân quyền cũng cần xác định đối tượng hướng đến và mục tiêu đào tạo và điều kiện của Nhà trường. Để hoạt động giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học cho sinh viên luật đạt hiệu quả cao, góp phần hình thành các thế hệ người hành nghề luật, người hiểu biết pháp luật có tri thức về pháp luật nhân quyền quốc tế, quốc gia và có tinh thần thúc đẩy phát triển nhân quyền trong tương lai, theo tác giả cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng các học phần về quyền con người trong chương trình đào tạo
Trên cơ sở mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của từng đơn vị đào tạo Nhà trường nên xây dựng các học phần chuyên biệt giáo dục về quyền con người nói chung và học phần giáo dục về quyền con người có gắn liền với đối tượng thụ hưởng mà ngành đào tạo của nhà trường hướng đến đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Chẳng hạn, hiện nay việc hỗ trợ, bảo vệ các nhóm yếu thế trong xã hội (trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân buôn bán người…). Vì vậy, các cơ sở đào tạo nên bổ sung học phần Quyền con người của các nhóm người dễ bị tổn thương trong chương trình đào tạo để đào tạo nên các nhà hoạt động xã hội, các luật sư, các nhà hoạch định chính sách….có tri thức và thực tiễn bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương trong tương lai.
Thứ hai, các học phần về quyền con người nên được xây dựng đảm bảo tương xứng giữa thời lượng giảng dạy lý luận và thực tiễn
Yêu cầu này cần được người dạy tuân thủ tuyệt đối vì giữa lý luận và hoạt động thực tiễn đều có vai trò ngang nhau. Trong đó, lý luận là đầu vào của nguồn tri thức, tạo nên tư duy logic, tư duy trí tuệ còn thực hành là đầu ra của tri thức, là sự kiểm chứng của tri thức nhưng cao hơn cả là tạo nên một thái độ tiếp nhận hoặc bài trừ tri thức do lý luận cung cấp.
Tuy nhiên, việc lựa chọn tỉ lệ giữa lý luận và thực hành có thể sẽ thay đổi theo từng nội dung của từng bài giảng nhân quyền dựa trên mục tiêu của bài giảng và tính thực tiễn của nó. Chẳng hạn, có những quyền thường xuyên được sử dụng hoặc thường xuyên bị lạm dụng, xâm hại (như quyền sống, quyền an toàn tình dục, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền ưu tiên tư pháp…) thì có thể cân nhắc việc tăng thời lượng giải quyết tình huống thực tế và ngược lại. Như vậy, cần có sự linh hoạt trong phân bổ thời lượng giảng dạy giữa lý luận và thực tiễn theo từng nội dung nhưng phải đảm bảo tổng thời lượng phân bổ về hai khía cạnh này trong toàn chương trình đào tạo.
Thứ ba, giảng viên phải đáp ứng trình độ lý luận và thực tiễn
Việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục nhân quyền tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một phương pháp hiện đại, hiệu quả nhưng không dễ dàng. Người học đã đạt đến một trình độ nhận thức nhất định, họ có khả năng tiếp nhận và phản biện thông tin do giảng viên truyền đạt, đồng thời họ cũng có khả năng đánh giá và phản biện các vấn đề xã hội dù dưới góc độ nhân quyền hay góc độ khác. Do đó, buộc giảng viên phải đáp ứng được cả về trình độ lý luận về quyền con người như việc nắm chắc, hiểu sâu, rộng các vấn đề quyền con người và đáp ứng được khả năng giải quyết các tình huống thực tế để học viên có thể tham vấn và giải quyết các phản biện của học viên.
Bên cạnh đó, giảng viên cần có khả năng thúc đẩy sự phát triển tư duy, sáng tạo của học viên trong quá trình đào tạo sử dụng phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để học viên tham gia hiệu quả trong việc thảo luận, đánh giá các vấn đề xã hội liên quan đến nhân quyền nói chung và nhân quyền gắn với nghề nghiệp của họ trong tương lai nói riêng; đồng thời thúc đẩy khả năng tiềm ẩn, sức sáng tạo cả về cách thức thể hiện đến nội dung truyền tải khi học viên tham gia các hoạt động từ diễn kịch, diễn thuyết, phản biện, tranh luận đến việc thực hiện các dự án thiện nguyện về nhân quyền.
Thứ tư, người học phải xác định được vị trí của mình trong và sau khi tham gia đào tạo
Người học khi tham gia các chương trình đào tạo nhân quyền theo phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn sẽ đồng thời đặt mình trong vị trí của nhiều chủ thể khác nhau: khi tiếp thu tri thức lý luận về nhân quyền, họ là người học cái mà họ cần thực hiện đó là tiếp nhận các thuật ngữ, các khái niệm, các nội dung và giá trị của các quyền con người cụ thể; tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận mà không có sự trải nghiệm qua các tình huống thực tế hoặc qua việc thảo luận sâu về một vấn đề thì sự đọng lại hệ thống tri thức đó sẽ không bền vững. Do đó, khi học viên được chuyển sang hình thức học thực hành thì buộc họ phải có sự vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề cụ thể, họ phải đặt mình vào vị trí của các chủ thể khác nhau hoặc thậm chí trải nghiệm qua các nhân vật thông qua các vở kịch nhân quyền.
Từ đó, ở người học dần hình thành một phương pháp luận và tư duy về nhân quyền. Điều này rất quan trọng bởi khi tư duy nhân quyền được hình thành và phát triển thì việc hành động vì nhân quyền sẽ là một kết quả tất yếu. Từ đó, sau khi được đào tạo mỗi học viên sẽ trở thành một nhà hoạt động nhân quyền và một thế hệ được đào tạo sẽ tạo ra một xã hội nhân quyền.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần xây dựng không gian tràn ngập nhân quyền thông qua việc treo các slogan, áp phích về nhân quyền tại các địa điểm tụ tập đông người, dễ nhìn đặc biệt trong các ngày kỉ niệm liên quan đến nhân quyền.
Thứ năm, nên đa dạng hóa các hoạt động giảng dạy nhân quyền để thúc đẩy nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của người học
Việc tổ chức lớp học với phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn có thể được thực hiện qua các hoạt động tương tác giữa giảng viên – sinh viên, giữa sinh viên – sinh viên thông qua các case-study, các vấn đề pháp lý tuy nhiên cũng nên thường xuyên tổ chức cho người dạy, người học đến các cơ sở mà ở đó vấn đề nhân quyền được quan tâm như các nhà tạm lánh dành cho trẻ em bị bạo hành, các tổ chức chuyên bảo vệ nhân quyền để có thể hỗ trợ giải quyết các “ca” qua đó có được các case-study có tính chân thực, sinh động và đặc biệt là tăng khả năng xử lý tình huống.
Ngoài ra, các Nhà trường, Khoa nên tạo môi trường đào tạo nhân quyền trong Nhà trường, trong Khoa như tổ chức mít tinh kỷ niệm, các hoạt động thiết thực, nhân đạo nhân các ngày nhân quyền hàng năm như Ngày Nhân quyền, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày quốc tế người cao tuổi, Ngày quốc tế Người khuyết tật….; thường xuyên tổ chức các cuộc thi dưới mọi hình thức hung biện, tranh biện, hội diễn… về các tình huống nhân quyền nổi bật trong từng thời điểm của xã hội.
Tóm lại, giáo dục về nhân quyền tại Trường Đại học Công đoàn hiện nay đã được Nhà trường quan tâm từ xây dựng chương trình đào tạo, nhân lực giảng dạy cũng như các điều kiện vật chất khác để tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội trong thời gian tới Nhà trường, Khoa Luật cần cân nhắc một số đề xuất để sinh viên sau khi ra trường có tri thức về nhân quyền và có thái độ, có khả năng nhận diện các tình huống vi phạm nhân quyền và có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển nhân quyền trong xã hội gắn liền với nghề nghiệp, công việc trong tương lai.
TS.Vũ Thị Phượng
Khoa Luật – Trường Đại học Công đoàn
Trích nguồn Tạp chí Pháp luật quyền con người
[1] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/2901-giao-duc-quyen-con-nguoi-cho-sinh-vien-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.html, truy cập ngày 25/9/2021
[2] Điều 1, Tuyên bố của Liên hợp quốc về Giáo dục và Đào tạo Nhân quyền năm 2011
[3] Đề cương Pháp luật về quyền con người Trường Đại học Công đoàn năm 2019