Hiến pháp là đạo luật cơ bản, tối cao của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải được bảo vệ đặc biệt. Nhà nước pháp quyền có mục tiêu cao nhất nhằm bảo vệ các quyền và tự do của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp ở một số quốc gia chưa được bảo vệ giá trị pháp lý tối cao, chưa được ghi nhận là đạo luật nền tảng cho hệ thống pháp luật. Khi đó, nhu cầu giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp được đặt ra nhằm mục đích bảo vệ Hiến pháp, đồng thời bảo vệ nền dân chủ, quyền lực mà nhân dân đã trao cho Nhà nước, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, Hiến pháp và cơ chế pháp lý giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp trở thành công cụ thiết yếu nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm về quyền con người và các vấn đề khoa học pháp lý, tác giả đã biên soạn cuốn sách Cơ chế pháp lý giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Cuốn sách là một công trình khoa học kết nối hai vấn đề giám sát Hiến pháp và bảo đảm quyền con người mang tính chuyên sâu, có giá trị tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Pháp luật về quyền con người trong các cơ sở đào tạo. Cuốn sách cũng là tài liệu nghiên cứu góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về vai trò của việc hoàn thiện cơ chế pháp lý giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế pháp lý giám sát thực hiện Hiến pháp ở Việt Nam.

Trong quá trình biên soạn cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế nhất định. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.