1. Khái niệm phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm). Đây là trường hợp phổ biến trong thực tiễn xét xử được hướng dẫn nhiều của Tòa án nhân dân tối cao1, được luật hình sự nhiều nước quy định2, đồng thời là quy định phản ánh rõ nét yêu cầu của Nhà nước là khuyến khích, động viên công dân chủ động đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Nghiên cứu lịch sử lập pháp hình sự cho thấy, trước khi ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên (năm 1985), để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và bảo đảm trật tự xã hội chung, Nhà nước đã ban hành nhiều Luật, Sắc luật, văn bản tổng kết như: Luật số 103/SL ngày 20/5/19573; Bản Tổng kết số 452/SL ngày 10/6/19704 của Tòa án nhân dân tối cao cũng đề cập đến quyền tự do thân thể, trường hợp sử dụng vũ khí trong thi hành công vụ và việc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao đã tổng kết thực tiễn xét xử và ban hành Chỉ thị số 07/CT ngày 22/12/1983 về việc xét xử các hành xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ. Đến khi pháp điển hóa lần thứ nhất, khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1985 đã ghi nhận khái niệm phòng vệ chính đáng trên cơ sở các văn bản đã nêu.

Phần II Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985” tiếp tục đề cập đến các vấn đề về phòng vệ chính đáng (nội dung, điều kiện, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng); v.v..5

Như vậy, khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1985 và sau đó khoản 1 Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ ghi nhận phòng vệ chính đáng như là một định nghĩa pháp lý mà chưa chỉ rõ với các điều kiện nào thì một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng trên những cơ sở chung. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, xét về mặt ngôn ngữ thì khái niệm phòng vệ chính đáng đã được thay đổi một số cụm từ so với khái niệm này trong Bộ luật Hình sự năm 1985, như thay cụm từ “của tập thể” bằng “của tổ chức” hay “bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác” bằng cụm từ “bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác”. Đặc biệt, các nhà làm luật nước ta trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đã thay thế cụm từ “tương xứng” bằng cụm từ “cần thiết”. Bởi vì, nếu sử dụng cụm từ “tương xứng” dễ dẫn đến cách hiểu máy móc là: “Người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp gì, thì người phòng vệ cũng phải sử dụng công cụ, phương tiện, pháp pháp tương tự... cũng như chưa xuất phát từ cái nhìn của người trong cuộc...”6.

Ở đây, xét về mặt hình thức, phòng vệ chính đáng đã có các dấu hiệu của tội phạm nhưng các nhà làm luật lại không coi phòng vệ chính đáng là tội phạm vì có căn cứ hợp pháp - đây là hành vi có ích cho xã hội. Thiệt hại do người phòng vệ gây ra đối với người có hành vi xâm hại trong phòng vệ chính đáng chính là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể (của cơ quan, tổ chức)… phù hợp với lợi ích yêu cầu chung của toàn xã hội. Do đó, phòng vệ chính đáng không những không bị coi là tội phạm mà còn được Nhà nước và xã hội động viên, khuyến khích thực hiện vì đây là hành vi có ích, có lợi cho xã hội.

Đến Bộ luật Hình sự năm 2015, phòng vệ chính đáng đã được thay đổi lớn so với quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo nội dung Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các nhà làm luật đã đặt việc bảo vệ quyền, lợi ích của chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức cho phù hợp với thực tiễn xét xử và yêu cầu đề cao quyền tự do và an ninh cá nhân con người, bảo vệ quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Như vậy, phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi công dân, song cũng đồng thời là nghĩa vụ đạo đức của mỗi người trước những hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra cho xã hội, cho cơ quan, tổ chức, cho người khác hay cho bản thân mình. Nghĩa vụ đạo đức này của họ sẽ trở thành nghĩa vụ pháp lý trong trường hợp người ở trong hoàn cảnh đó là chủ thể mà theo quy định của pháp luật phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích hợp pháp của công dân.

Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, nên được coi là trường hợp không phải là tội phạm và người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Các điều kiện áp dụng

Trên cơ sở nội dung Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể chỉ ra các điều kiện của phòng vệ chính đáng như sau:

a) Có hành vi trái pháp luật đang xâm hại đến các lợi ích hợp pháp - cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng

Nhà nước sử dụng pháp luật để bảo vệ các quan hệ xã hội bằng cách quy định chế tài để áp dụng đối với người có hành vi vi phạm và ở các mức độ khác nhau đều có chế tài tương ứng. Ngoài ra, nhằm ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra, Nhà nước còn quy định cho mọi công dân được quyền “chống trả” (tự vệ được pháp luật cho phép thành phòng vệ) lại hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp (“Nhà nước” không thể có mặt tại đó để bảo vệ kịp thời nên “ủy quyền” cho công dân). Do đó, quyền phòng vệ chính đáng được đặt ra khi một người đứng trước hành vi trái pháp luật đang hiện hữu xảy ra xâm phạm đến lợi ích chính đáng bao gồm bốn nhóm - quyền, lợi ích chính đáng của mình, của người khác, của Nhà nước và của cơ quan, tổ chức. Đây chính là cơ sở pháp lý để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của công dân.

Tính trái pháp luật của hành vi xâm hại thể hiện nó phải là hành vi nguy hiểm ở mức độ đáng kể. Tính trái pháp luật biểu hiện về mặt pháp lý của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Người có hành vi trái pháp luật ở đây thể hiện ở chỗ về mặt khách quan đã thể hiện dấu hiệu của tội phạm, tuy nhiên đó không phải lúc nào cũng là hành vi phạm tội bởi chủ thể thực hiện nó có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc người bị mất năng lực hành vi... Như vậy, hành vi xâm hại phải là hành vi trái pháp luật (ví dụ: cầm dao, kiếm đâm, chém người khác).

Lưu ý, sẽ không có phòng vệ chính đáng nếu hành vi xâm hại là hành vi của người đang thi hành công vụ được pháp luật cho phép. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cho thấy, cũng có một số trường hợp hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp của người khác do người có chức trách trong bộ máy cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện. Việc chống trả lại hành vi xâm phạm của người đang thi hành công vụ không được coi là phòng vệ chính đáng.

Cho nên, chỉ khi hành vi của người đang thi hành công vụ là trái pháp luật7 rõ ràng (căn cứ, thẩm quyền, thủ tục) và bản thân người chống trả nhận thức được rõ ràng tính trái pháp luật và tin chắc rằng việc chống trả lại nhà chức trách là một cách duy nhất để bảo vệ lợi ích nào đó của xã hội, của bản thân trước một hành vi phạm tội, đồng thời thỏa mãn các điều kiện khác mới coi là phòng vệ chính đáng trên cơ sở chung8.

b) Hành vi xâm hại đến các lợi ích hợp pháp phải đang diễn ra, đang hiện hữu và có thật, chứ không phải do suy đoán tưởng tượng

Logíc đương nhiên là có hành vi phòng vệ đồng nghĩa với việc phải có sự tồn tại, hiện hữu của hành vi xâm hại đang xảy ra trên thực tế. Hành vi tấn công “đang diễn ra” có nghĩa là đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc, hành vi đang xâm hại đến các lợi ích hợp pháp được luật hình sự bảo vệ.

Trong điều kiện này, sự tấn công của hành vi xâm hại là phải có thật, hiện hữu chứ không phải do suy đoán, do tưởng tượng. Sự tấn công đang xâm phạm đến các lợi ích được pháp luật bảo vệ nên cần phải được ngăn chặn, phòng vệ kịp thời. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho người phòng vệ có thể chủ động, phản ứng kịp thời và có hiệu quả chống trả lại sự tấn công, thực tiễn cho thấy, có trường hợp đặc biệt9 cho phép họ thực hiện quyền phòng vệ ngay cả khi hành vi xâm hại chưa xảy ra trong thực tế nhưng có đủ cơ sở để xác định có thể xảy ra ngay tức khắc nếu không kịp thời ngăn chặn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nếu như người thực hiện hành vi phòng vệ chỉ được thực hiện khi hành vi xâm hại đang diễn ra thì sẽ không còn có hiệu quả nữa.

c) Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công - nơi phát sinh nguồn nguy hiểm để bảo vệ các lợi ích hợp pháp

Các lợi ích hợp pháp được Bộ luật Hình sự bảo vệ đang bị xâm hại đến (có thể là quyền, lợi ích chính đáng của mình, của người khác, của Nhà nước và của cơ quan, tổ chức). Cho nên, lúc này, để ngăn chặn và hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại cho xã hội, hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công được coi là nơi phát sinh nguồn nguy hiểm. Như vậy, điều kiện thứ ba này xuất phát từ động cơ của sự phòng vệ là ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó phải nhằm vào chính nguồn nguy hiểm, có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm phạm lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ và ngăn chặn kịp thời, giảm tới mức thấp nhất các thiệt hại cho xã hội, đặc biệt là bản thân người phòng vệ.

Hành vi chống trả của người phòng vệ chỉ được chấp nhận khi gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người có hành vi tấn công chứ không được gây các thiệt hại khác như về tài sản, danh dự hay nhân phẩm bởi vì chỉ cần gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người đang có hành vi tấn công đã đủ làm tê liệt nguồn gốc làm phát sinh sự tấn công, bảo vệ lợi ích hợp pháp nên gây thiệt hại cho các lợi ích khác của người tấn công là không cần thiết10 và thực tiễn cũng không coi hành hành vi gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người có hành vi tấn công là phòng vệ chính đáng.

d) Hành vi phòng vệ được coi là chính đáng khi đó là hành vi chống trả là cần thiết

Xác định đúng, chính xác sự “cần thiết” sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và của bản thân người phòng vệ và phát huy hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, qua đó, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Ngược lại, xác định không đúng dẫn đến lạm dụng quyền phòng vệ để xâm phạm quyền và lợi ích của người khác, của Nhà nước và của cơ quan, tổ chức, cũng như làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm. Trước đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có các văn bản hướng dẫn quy định hướng dẫn vấn đề này11. Việc xác định mức độ “tương xứng” đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thay thế, mặc dù cụm từ này đã thay bằng “cần thiết” trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và giữ nguyên trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ “cần thiết” của quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây:

- Tính chất mối quan hệ xã hội bị xâm hại (khách thể), hành vi xâm hại đến mối quan hệ xã hội càng quan trọng thì cường độ của hành vi phòng vệ phải càng cao thì mới có thể chống trả được;

- Tính chất của hành vi tấn công, phương pháp tấn công, công cụ, phương tiện được sử dụng, cường độ tấn công: Nếu phương pháp tấn công càng tinh vi, sử dụng công cụ phương tiện nguy hiểm cùng cường độ tấn công lớn thì đòi hỏi sự chống trả phải ở mức quyết liệt mới có khả năng bảo vệ lợi ích hợp pháp;

- Số lượng, quy mô người tham gia tấn công; sự quyết tâm, quyết liệt của người tấn công, nếu người đó quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng đòi hỏi hành vi chống trả phải kiên trì và quyết liệt;

- Không gian, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra sự việc;

- Nhân thân người phạm tội...12.

Ngoài ra, khi đánh giá mức độ tương xứng và cần thiết giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công còn phải chú ý đến thái độ tâm lý của người phòng vệ, điều kiện xảy ra để từ đó có kết luận khách quan, chính xác và toàn diện.

Tóm lại, cụ thể hóa Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng sơ đồ sau đây:

Chưa xảy ra             Đang xảy ra             Đã xảy ra

Hành vi xâm hại

Phòng vệ sớm      Được phép phòng vệ    Phòng vệ muộn

Hành vi phòng vệ

   Phải chịu             Không phải chịu           Phải chịu

Trách nhiệm hình sự

3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chặt chẽ những điều kiện của phòng vệ chính đáng đã hạn chế phần nào các hiện tượng tiêu cực trong xã hội song vẫn chưa thực sự loại bỏ được việc lạm dụng quy định này một cách triệt để và toàn diện. Cho nên, bên cạnh việc quy định khuyến khích thực hiện hành vi trong phòng vệ chính đáng thì việc quy định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người thực hiện hành vi đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm do việc thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cũng như loại trừ những biểu hiện lạm dụng trong thực tế, gây thiệt hại cho công dân, cho xã hội.

Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1985 trước đây quy định: “Nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự”. Sau đó, Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã đưa ra nội dung về khái niệm vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và khẳng định một cách dứt khoát “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015, tiếp tục bổ sung thêm cụm từ “theo quy định của Bộ luật này” để bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của quy định đã nêu.

Như vậy, việc xác định một hành vi phòng vệ là chính đáng hay không chính đáng rất quan trọng. Bởi vì phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm và người có hành vi phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, căn cứ pháp lý đánh giá vấn đề có thể tham khảo sử dụng hướng dẫn trong các văn bản của Tòa án nhân dân tối cao (mặc dù thời gian tới cần ban hành văn bản thay thế hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015)13.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015), song trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này cũng được giảm nhẹ, do động cơ, mục đích của người vượt quá là vì lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của bản thân mình (thực hiện hành vi có ích cho xã hội)14.

4. Phân biệt phòng vệ chính đáng với phòng vệ tưởng tượng

Hiện nay, trong khoa học luật hình sự vẫn tồn tại thuật ngữ “phòng vệ tưởng tượng” bên cạnh thuật ngữ “phòng vệ chính đáng”. Do đó, cũng cần làm rõ và phân biệt bản chất pháp lý, cũng như từ đó xác định trách nhiệm hình sự của người có hành vi xâm hại một cách chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật.

Theo đó, tại điểm 2, tiểu mục 1 Phần I trong Chỉ thị số 07-TANDTC/CT “Về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ” của Tòa án nhân dân tối cao ngày 22/12/1983 cũng đã nêu yêu cầu xét xử còn đòi hỏi phải phân biệt giữa phòng vệ chính đáng với phòng vệ tưởng tượng. Cụ thể, theo văn bản này thì hướng dẫn về vấn đề phân biệt giữa phòng vệ tưởng tượng và phòng vệ chính đáng, cũng như trách nhiệm hình sự trong từng trường hợp tương ứng với các ví dụ như:

Phòng vệ tưởng tượng là việc gây thiệt hại cho người khác do tưởng lầm rằng người đó hiển nhiên có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội15.

Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây thiệt hại cho người khác chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi hoàn cảnh cụ thể cho phép người đó tin một cách hợp lý rằng có sự xâm hại thực sự và người đó không biết rằng mình đã tưởng lầm. Trong hoàn cảnh cụ thể nhất định, người phòng vệ tưởng tượng không nhận thức được, không buộc phải nhận thức được, và không thể nhận thức được là không có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội.

Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây thiệt hại cho người khác do tưởng lầm một cách không có căn cứ là có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội, được coi là phạm tội do cố ý theo quy định chung của pháp luật.

Như vậy, mặc dù hướng dẫn trên đây đã không còn hiệu lực nhưng vẫn có giá trị tham khảo hữu ích cho các cơ quan và người có thẩm quyền khi áp dụng pháp luật hình sự, qua đó, bảo đảm nhận thức thống nhất và đáp ứng thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cũng như các lợi ích của Nhà nước, của xã hội.

5. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự năm 2015, chúng tôi cho rằng, để phù hợp với thực tiễn xét xử và yêu cầu đề cao quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quy định về chế định này cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Quy định các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng

Để tăng cường sự chủ động phòng vệ của người phòng vệ, khuyến khích, động viên họ thực hiện hành vi có ích cho xã hội, khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chuyển việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phòng vệ lên trước, sau đó mới đến của người khác, của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức cho phù hợp với thực tiễn là rất chính xác. Tuy nhiên, cũng có một nội dung mà Dự thảo Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015 ngày 12/10/2014 trước đó đã có quy định về các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, nhưng đến khi ban hành chưa thể hiện các trường hợp này, để mỗi người phòng vệ không phải lo ngại trước sự phán xét của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi thực hiện hành vi chủ động, có ích, có lợi cho xã hội. Chúng tôi cho rằng cần bổ sung các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, bởi lẽ:

Một là, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định trong Bộ luật Hình sự một số nước trên thế giới (đã nêu)16 và kinh nghiệm lập pháp mà nhiều nước đang tiến hành để phòng ngừa và chống người đột nhập vào chỗ ở của người khác thực hiện hành vi phạm tội.

Hai là, phù hợp với lịch sử cha ông trước đây, chẳng hạn trong Quốc triều Hình luật (Hình luật triều Lê) năm 1428 đã được các nhà làm luật thời đó ghi nhận như sau: “Những kẻ ban đêm vô cớ vào nhà người ta, thì xử tội đồ; chủ nhân đánh chết ngay lúc ấy, thì không phải tội; nếu đã bắt được mà đánh chết, đánh bị thương, thì phải tội như tội đánh nhau chết hay bị thương, mà giảm ba bậc. Kẻ lạ vào trong vườn người ta, thì cũng xử tội biếm; đàn bà thì được giảm một bậc”17.

Ba là, trước yêu cầu của thực tiễn - đó chính là để phòng ngừa, chống các tội phạm xâm phạm tự do, an ninh cá nhân của con người (công dân và người thi hành công vụ) như: tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội cướp tài sản, tội phạm về ma túy... mà thực tiễn một số vụ án ở Nghệ An, Bình Phước... là minh chứng rõ nét.

Do đó, Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau đây:

a) Chống trả lại người đang dùng vũ khí tấn công người bắt giữ hợp pháp hoặc tiếp tục phạm tội;

b) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, chống phá trại giam, các khu vực an ninh quốc gia, quốc phòng;

c) Chống trả lại người đang có hành vi dùng vũ khí tấn công tại chỗ ở của người khác vào ban đêm.

3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

...

b) Ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử và tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, theo chúng tôi, Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành các quy định tại Chương IV - “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”, trong đó đặc biệt hướng dẫn, giải thích rõ nội dung cụm từ “cần thiết” trong quy định về phòng vệ chính đáng tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn, tránh lạm dụng quyền phòng vệ chính đáng khi thi hành công vụ, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm nhiệm vụ phòng ngừa và chống tội phạm, duy trì sự ổn định, trật tự xã hội18.

Theo chúng tôi cần có hướng dẫn làm rõ những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của Bộ luật Hình sự năm 2015 với một số nội dung sau:

Về Điều 22 - Phòng vệ chính đáng

1. “Cần thiết” là sự đánh giá mức độ của hành vi phòng vệ đối với hành vi tấn công, do người phòng vệ tự cân nhắc, đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể, từ đó có thể ngăn chặn kịp thời thiệt hại gây ra cho quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.

Giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công không có nghĩa là sự ngang bằng về mặt cơ học, tức là người tấn công sử dụng công cụ, phương tiện gì thì người phòng vệ cũng sử dụng công cụ, phương tiện đó hoặc người có hành vi tấn công gây thiệt hại đến mức độ nào thì người phòng vệ cũng được quyền gây thiệt hại đến mức độ đó.

2. Sự “cần thiết” ở đây là về tính chất và mức độ giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công, có đánh giá hành vi tấn công cũng như hoàn cảnh cụ thể, các mối tương quan khác khi xảy ra sự việc và đánh giá sự tương xứng đó với quan điểm biện chứng, nhìn nhận sự việc trong mối quan hệ tổng hòa với các mối quan hệ khác và trong trạng thái vận động, đồng thời căn cứ vào các dấu hiệu sau:

a) Tính chất mối quan hệ xã hội bị xâm hại (khách thể), hành vi xâm hại đến mối quan hệ xã hội càng quan trọng thì cường độ của hành vi phòng vệ phải càng cao thì mới có thể chống trả được;

b) Về tính chất của hành vi tấn công dưới góc độ phương pháp tấn công, công cụ, phương tiện được sử dụng, cường độ tấn công. Nếu phương pháp tấn công càng tinh vi, sử dụng công cụ phương tiện nguy hiểm cùng cường độ tấn công lớn thì đòi hỏi sự chống trả phải ở mức quyết liệt mới có khả năng bảo vệ lợi ích hợp pháp;

c) Số lượng, quy mô người tham tấn công;

d) Sự quyết tâm của người tấn công, nếu người đó quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng đòi hỏi hành vi chống trả phải kiên trì và quyết liệt;

đ) Không gian, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra sự việc;

e) Nhân thân người phạm tội...

3. Khi đánh giá mức độ tương xứng và cần thiết giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công cần đánh giá tổng hợp những căn cứ nêu trên đồng thời cũng phải chú ý xem xét thái độ tâm lý của người phòng vệ bởi vì thông thường trong điều kiện cấp bách khi xảy ra hành vi tấn công thì người thực hiện hành vi phòng vệ có thể khó có thể có được sự bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn cách thức, công cụ cũng như mức độ gây thiệt hại phù hợp cho người tấn công. Chỉ khi nào có sự không tương xứng một cách rõ ràng giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công thì hành vi phòng vệ mới bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

4. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do xuất phát từ động cơ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.

5. Trong một số trường hợp đặc biệt (như: cần kịp thời xử lý, ngăn chặn các đối tượng có hung khí, dao, kiếm... trong người đang đi tìm người trả thù; các đối tượng tham gia giao thông đang lên cơn say ma túy, ngáo đá, không đội mũ bảo hiểm, bỏ trốn...) mặc dù hành vi xâm hại chưa xảy ra trong thực tế nhưng người thi hành công vụ có cơ sở chắc chắn (căn cứ vào các điều kiện, tình huống cụ thể, tương quan lực lượng, mức độ và tầm quan trọng của quan hệ xã hội cần được bảo vệ…) hành vi này sẽ xảy ra ngay tức khắc nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì dựa vào mức độ thiệt hại, người thực hiện hành vi phòng vệ trước được coi là phòng vệ chính đáng hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...

...

(Lưu ý, nếu sau Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bổ sung thêm trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, thì cần hướng dẫn cụ thể các trường hợp này - TG).

• PGS.TS. Trịnh Tiến Việt*

(*) Phó Chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tài liệu trích dẫn

(1) Xem thêm: Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - Phần chung (Giáo trình Sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.441-442.

(2) Ví dụ: Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 (Điều 37); Bộ luật Hình sự Nhật Bản năm 1907, sửa đổi năm 2011 (Điều 35, Điều 36); Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2005 (mục 1)… Xem cụ thể hơn: Trịnh Tiến Việt, Trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.276-282.

(3) Xem: Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập I (1945-1974), Hà Nội, 1975, tr.23.

(4) Xem: Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập I (1945-1974), Hà Nội, 1975, tr.24.

(5) Xem thêm: Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành: Văn bản pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.101.

(6) Xem: Uông Chu Lưu, Những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản trong Phần chung Bộ luật Hình sự, Số chuyên đề về Bộ luật Hình sự năm 1999, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hà Nội, 2000, tr.36.

(7) Lưu ý, xét về bản chất pháp lý, thì hành vi làm trái công vụ cũng là hành vi trái pháp luật nhưng được thực hiện dưới danh nghĩa thi hành công vụ… do đó, cũng có thể phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xem thêm: Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr.123-124.

(8) Xem cụ thể hơn: Nguyễn Ngọc Hòa, Vấn đề thi hành công vụ và chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 2/2012.

(9) Lưu ý, trường hợp đặc biệt này cần được đánh giá hết sức toàn diện, đầy đủ và các cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các điều kiện, tình huống cụ thể, tương quan lực lượng, mức độ và tầm quan trọng của quan hệ xã hội cần được bảo vệ và chỉ trong trường hợp thật đặc biệt khi có đủ cơ sở vững chắc nhận biết sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc mà thôi (TG).

(10) Xem: Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ nhất - Những quy định chung, Nxb. Thông tin Truyền thông, Hà Nội, 2017, tr89-90.

(11) Ví dụ như: Chỉ thị số 07/TANDTC ngày 22/12/1983 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

  (12) Xem: Bộ Công an, Tài liệu của Ban Chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 1999, Nhà in Bộ Công an, Hà Nội, 2000, tr.36.

(13) Ví dụ như: Chỉ thị số 07/TANDTC ngày 22/12/1983 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an, Tài liệu của Ban Chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 1999, Nhà in Bộ Công an, Hà Nội, 2000, tr.36.

(14) Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm c khoản 1 Điều 51).

(15) Thực tiễn cho thấy, cơ sở để phát sinh phòng vệ tưởng tượng có thể xuất phát từ việc không có một sự tấn công nào nhưng đã nhầm tưởng có sự tấn công hoặc có thể có sự tấn công nhưng đã nhầm lẫn người tấn công...

(16) Xem: Đinh Bích Hà (dịch), Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.44-45; Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch), Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.50-52.

(17) Xem: Viện Sử học, Quốc triều Hình luật (Hình luật triều Lê), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2013, tr.199.

 (18) Quy định này hướng dẫn dựa trên nội dung Chỉ thị số 07/TANDTC ngày 22/12/1983 và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Tài liệu của Ban Chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 1999, Nhà in Bộ Công an tháng 6/2000.