Cùng với công bằng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, bình đẳng giới…, công bằng trong lĩnh vực xã hội được xác định là mục tiêu quan trọng của thời kỳ đổi mới. Những kết quả, thành tựu nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu công bằng suốt gần 4 thập niên vừa qua là minh chứng khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước, chế độ và xã hội. Để bảo đảm sự công bằng trên mọi lĩnh vực, phương diện của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong bối cảnh mới, cần có những giải pháp hữu hiệu, tối ưu.
Kết quả, thành tựu nổi bật
Sau gần 40 năm đổi mới và thực hiện mục tiêu công bằng trong lĩnh vực xã hội, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật. Trong giai đoạn 2012 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung ở khu vực thành thị của nước ta duy trì trong khoảng từ 3% - 4%, tỷ lệ thất nghiệp chung trên cả nước ở mức thấp (2% - 3%) và Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%.
Một thời gian ngắn sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta có sự chuyển biến tích cực, rõ ràng, phát triển với tốc độ ngày một cao hơn; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân. Với tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm, trong giai đoạn 2012 - 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta tăng gấp 2,2 lần, từ 2 triệu đồng/tháng lên 4,25 triệu đồng/tháng. Tốc độ tăng thu nhập bình quân ở nông thôn cao hơn thành thị đã góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, cũng như giữa các vùng, miền. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2020 đạt 2,3 triệu đồng/tháng, tương đương 54,5% thu nhập bình quân đầu người chung của cả nước và đang có xu hướng tăng lên(1). Tuy chưa hoàn thành mục tiêu đề ra về công bằng thu nhập, song khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% dân số giàu nhất cả nước và nhóm 20% dân số nghèo nhất ở nước ta đang được thu hẹp, từ 9,3 lần năm 2012 giảm xuống còn 8,07 lần vào năm 2020. Năm 2023, hệ số Gini (chỉ số dùng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam là 0,374, ở mức độ trung bình.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta giảm bình quân khoảng 2%/năm và xuống dưới 4,5% vào năm 2015. Ở các huyện nghèo giảm trung bình là 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Mặc dù áp dụng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và chuẩn nghèo thu nhập được nâng lên cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vẫn giảm mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo nhất cả nước giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 23,42% vào cuối năm 2020. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chỉ còn 3,4%.
Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng trợ giúp. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên đều tăng lên hằng năm. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu người, chiếm khoảng 3,356 % dân số, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Từ ngày 1-7-2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 38,9% so với mức trợ cấp trước đó.
Thành tích, kết quả đạt được trong việc bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản suốt gần 40 năm đổi mới là một bước tiến, thành tựu quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu công bằng của Việt Nam. Thành tựu đó được thể hiện trên một số lĩnh vực sau:
Lĩnh vực giáo dục
Năm 2017, Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2020, ngành giáo dục tiếp tục duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 100% số đơn vị cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mục tiêu phổ cập giáo dục hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.
Lĩnh vực y tế
Việc hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức thực hiện tạo bước đột phá về tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2022, số đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 24,72 triệu người. “Năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân”(2).
Những năm qua, hệ thống y tế cơ sở tích cực phát huy vai trò trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng, thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Hiện nay, 99% số xã, phường, thị trấn trong cả nước có trạm y tế, 92,4% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân về công tác y tế cơ sở, ngày 5-4-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25-10-2023, của Ban Bí thư về “Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới”.
Về chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, giai đoạn 2011 - 2015, Nhà nước triển khai thực hiện hỗ trợ 531.000 hộ nghèo. Năm 2020, từ nguồn vận động, tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng…, các tổ chức, đoàn thể đã xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 22-12-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Nhà ở năm 2023 có những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thu nhập thấp khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Năm 2023, có 97,2% số hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố. “Trong năm 2023, 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng với 19.853 căn. Trong số đó, 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị với quy mô 8.815 căn”(3). Vấn đề nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên,... đang từng bước được cải thiện.
Lĩnh vực an sinh xã hội
Nhằm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đầu tư, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn, gia đình là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người lao động có thu nhập thấp,... vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch COVID-19, tính đến cuối năm 2022, Trung ương và các địa phương đã phân bổ ngân sách hơn 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo để giúp đỡ, hỗ trợ cho hơn 68,67 triệu lượt người lao động, người nghèo... Đây là chương trình hỗ trợ an sinh xã hội nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, có quy mô, kinh phí rất lớn, diễn ra rộng khắp trên toàn quốc.
Về bảo đảm nước sạch và thông tin, truyền thông
Tiếp cận nước sạch là một nhu cầu cơ bản của con người, đồng thời là một tiêu chí để đánh giá về công bằng giữa các nhóm, tầng lớp, khu vực, vùng miền. Trong giai đoạn 2012 - 2020, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% lên 88,5%. Năm 2023, có 98,6% số hộ gia đình trên toàn quốc có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân nông thôn trong cả nước sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 92%, trong đó 57% số người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam.
Nhằm bảo đảm công bằng trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, việc phát triển hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở được Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng. Từ năm 2017, cả nước đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Năm 2020, có 100% số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã. Đến năm 2023, trên 98% số xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng, 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân…
Trên thế giới, thực hiện công bằng trên lĩnh vực xã hội luôn là vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào trình độ phát triển, nền tảng xã hội, ngân sách quốc gia… Trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, công bằng xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, theo lộ trình từng bước từ thấp đến cao. Tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều có quyền và cơ hội tham gia thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đồng thời được thụ hưởng thành quả đạt được từ những chính sách phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với sự cống hiến, đóng góp của từng chủ thể.
Một số hạn chế, bất cập
Về khoảng cách thu nhập bình quân đầu người
Từ việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong gần 40 năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta tăng lên đáng kể. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% dân số giàu nhất cả nước và 20% dân số nghèo nhất nước đang được thu hẹp, song chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng ở những vùng kém phát triển. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng chênh lệch giàu nghèo chưa giảm(4). Nhóm người DTTS có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn khá nhiều so với nhóm người Kinh(5). Số lượng và chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng sâu, vùng xa còn thấp. So với các vùng khác, người dân ở đây gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận những dịch vụ cơ bản.
Về thực hiện chiến lược phát triển nhà ở
Theo thống kê, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tổng số hộ gia đình có nhà ở kiên cố và bán kiên cố là 97,2%(6). Tuy nhiên, hiện còn nhiều hộ DTTS đang ở nhà tạm, nhà đơn sơ. Một số hộ có cuộc sống khó khăn, không có khả năng tự bổ sung, trang trải kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Một số hộ người già, neo đơn không có khả năng trả nợ vốn vay ưu đãi để xây dựng, cải tạo nhà ở.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là nhà ở đối với nhóm đối tượng là người có thu nhập thấp. Nhà ở của nhiều hộ gia đình chưa đáp ứng những tiêu chuẩn chung về diện tích, chất lượng. Một số lượng đáng kể người lao động ở các khu công nghiệp, công trường,… phải sinh sống tại những khu nhà trọ diện tích nhỏ hẹp, môi trường sống, an ninh, trật tự chưa thực sự bảo đảm... Việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho cư dân sinh sống ở những địa bàn có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, xâm nhập mặn,… còn nhiều bất cập.
Về tỷ lệ thất nghiệp và lao động phi chính thức
Hiện nay, có khoảng 4 triệu người đang làm những công việc mang tính tự sản, tự tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, không ít thanh niên chưa hoàn thành các khóa học tập, đào tạo, chưa có tay nghề, kỹ năng nên chưa thể tham gia lực lượng lao động. Năm 2023, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn còn lớn, chiếm 62,7%(7). Tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn còn khá cao. Số lao động này nằm ngoài độ bao phủ của chính sách, pháp luật về lao động, chính sách thị trường lao động, cũng như chính sách an sinh xã hội. Thị trường lao động còn chậm phát triển, thiếu tính bền vững, nhiều chính sách phát triển thị trường lao động đã được triển khai thực hiện, song hiệu quả chưa cao, đặc biệt, nhóm lao động phi chính thức còn chưa được quan tâm thích đáng.
Về khoảng cách phát triển, chêch lệch giàu nghèo giữa nông thôn, miền núi và thành thị
Những số liệu khảo sát về phân hóa giàu nghèo cho thấy, trong giai đoạn 2002 - 2022, khoảng cách này được thu hẹp đáng kể, song còn khá rộng. Thực tế cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ mức sống kinh tế đến đời sống văn hóa tinh thần, từ cơ hội tham gia thị trường lao động, việc làm đến khả năng, cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế… Sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội về sở hữu tài sản, nhà ở được thể hiện rõ nhất. “Xu hướng chung là các nhóm giàu và khá giả thường được hưởng lợi nhiều hơn và nhanh hơn so với các nhóm nghèo và gần nghèo”(8). Trên thực tế, có sự khác biệt lớn về phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa và đồng bằng, giữa người DTTS và người Kinh... Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa có chiều hướng thu hẹp, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Về công bằng trong lĩnh vực giáo dục
Mặt bằng giáo dục, học thức, trình độ dân trí,… giữa đồng bào các dân tộc thiểu số so với người Kinh vẫn còn khoảng cách đáng kể. Tình trạng trẻ em bỏ học, nhất là trẻ em người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn còn khá cao. Tỷ lệ trẻ em DTTS đi học còn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS còn thấp so với nhu cầu thực tế. Việc đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng người yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Tỷ lệ người DTTS tham gia đào tạo nghề còn khá thấp, chủ yếu là các khóa học dưới 3 tháng. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục, hướng nghiệp của nhóm người khuyết tật, người DTTS rất ít người, người sau cai nghiện,… còn khá hạn chế. Một số chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Về công bằng trong lĩnh vực y tế
Mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhưng tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương còn xảy ra. Do đó, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại ở tuyến trên. Hệ thống y tế cơ sở, dự phòng được quan tâm phát triển, song chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp, lao động phi chính thức, người DTTS... Mức độ thụ hưởng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo còn thấp hơn khá nhiều so với nhóm người khá giả, thu nhập cao. Hệ thống y tế tư nhân phát triển còn chậm, chưa bảo đảm sự công bằng giữa y tế công và y tế tư nhân…
Nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu công bằng trong lĩnh vực xã hội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Tình hình, bối cảnh hiện nay
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, tăng trưởng, thịnh vượng. Mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ nghèo đói trong xã hội ngày một giảm, an sinh xã hội, công bằng xã hội ngày càng được quan tâm, bảo đảm. Theo mục tiêu đề ra đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động, đặc biệt là vấn đề xung đột vũ trang, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh phi truyền thống…, Việt Nam phải đối mặt, đương đầu với không ít khó khăn, thách thức về công bằng xã hội:
Một là, quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do, cơ học,… gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như quá tải hạ tầng đô thị, nhu cầu nhà ở đô thị tăng cao, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, xung đột về lao động, cơ hội việc làm, an toàn xã hội, biến đổi hệ giá trị văn hóa, đạo đức, chuẩn mực xã hội… Đây là những vấn đề xã hội cấp bách, tác động, ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu công bằng trong lĩnh vực xã hội, cần sớm được giải quyết.
Hai là, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo,… làm thay đổi nhiều vấn đề về lao động, việc làm, như: tốc độ dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ việc làm có năng suất, thu nhập thấp sang việc làm có năng suất, thu nhập cao… Xu thế phát triển này đặt ra những yêu cầu khách quan ngày càng cao về trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp,… đối với lực lượng lao động. Đây là những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu công bằng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, lao động, việc làm…
Ba là, sự biến đổi về cơ cấu xã hội - giai cấp, nghề nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra theo xu hướng hợp lý, tích cực, song chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương trong khu vực phi chính thức còn cao. Cơ cấu ngành nghề thay đổi, lao động tự do tăng nhanh. Trình độ chuyên môn, kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, ý thức, kỷ luật lao động chưa cao. Cơ cấu xã hội, vùng miền còn có sự chênh lệch khá lớn về thu nhập, trình độ văn hóa, học thức...
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thứ nhất, nghiên cứu, hoạch định, xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam toàn diện về thể chất, năng lực, trình độ, văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp; đổi mới, tạo bước đột phá toàn diện về giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, đồng đều, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn kết quá trình hướng nghiệp, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm nói chung và của từng khu vực, vùng, miền.
Thứ hai, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động, giảm thiểu số lao động phi chính thức; tăng cường gắn kết giữa các chính sách về việc làm và chính sách bảo hiểm xã hội; triển khai, đồng bộ hóa các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm tiêu chuẩn về mức sống, điều kiện sống của người dân ở tất cả các vùng, miền; thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển, đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh, sinh kế và từng bước nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.
Thứ ba, xây dựng, ban hành, thực thi chính sách nhà ở, bảo đảm cơ hội tiếp cận về nhà ở cho tất cả mọi người dân; xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo; ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp về đất đai, vốn, tín dụng, bảo đảm cơ hội tiếp cận nhà ở cho người có thu nhập thấp, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực thành thị, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo đảm quyền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của các cá nhân, người lao động chính thức và phi chính thức.
Thứ tư, duy trì, phát triển BHYT toàn dân, phấn đấu đạt trên 95% dân số tham gia BHYT; đa dạng hoá các loại hình BHYT, dịch vụ y tế cơ bản và hiện đại; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại đối với mọi người dân; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho hệ thống y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS.
Thứ năm, xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa nhóm người có thu nhập cao và người nghèo, các đối tượng chính sách, người yếu thế; kết hợp bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống với việc đầu tư phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS; đầu tư, phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể dục, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ sáu, xây dựng, ban hành chính sách phù hợp về cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn, vệ sinh nguồn nước; bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch, môi trường sống trong lành cho mọi người dân, các cơ sở giáo dục, y tế; xây dựng, hoàn thiện chính sách đồng bộ về nguồn nước, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước; giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải, khí thải; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị đông đúc, mật độ dân cư cao, khu công nghiệp…
Thứ bảy, đầu tư, phát triển hệ thống thông tin cơ sở hiện đại ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phổ cập dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số; hỗ trợ, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người dân, các nhóm yếu thế trên môi trường mạng, thông tin, liên lạc; đầu tư, xây dựng các nền tảng số cung cấp thông tin, truyền thông chính sách; bảo đảm thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.
TS Bùi Sỹ Lợi
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/968502/ket-qua%2C-thanh-tuu-thuc-hien-cong-bang-ve-linh-vuc-xa-hoi-trong-gan-40-nam-doi-moi-dat-nuoc-va-nhiem-vu%2C-giai-phap-thuc-day-cong-bang-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.aspx
---------------------------
(1) Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số là 1,034 triệu đồng. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số là 2,3 triệu đồng, tương ứng với 54,5% thu nhập bình quân đầu người của cả nước
(2) Xem: Bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và bền vững, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 24-4-2024
(3) Xem: Phát triển nhà ở là nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Môi trường Xây dựng điện tử, ngày 26-12-2023
(4) Năm 2010, thu nhập bình quân/người của 20% nhóm hộ giàu nhất cao gấp 9,2 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Đến năm 2018, khoảng cách thu nhập này vẫn còn khá cao
(5) Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của nhóm người DTTS số là 1,86 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 51,4% mức thu nhập tương ứng của người Kinh và người Hoa; hộ nghèo DTTS chiếm khoảng 50% trong tổng số hộ nghèo của cả nước
(6) Năm 2023, có 97,2% số hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ còn một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ
(7) Mặc dù có giảm, song lao động nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động: năm 2012 có 37,03 triệu người, chiếm 70,4%; đến năm 2023 lao động ở khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%
(8) Xem: Đỗ Văn Quân, Nguyễn Ngọc Huy: Kiểm soát phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 5-3-2024