Thực tế công tác giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Học viện Chính trị luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp lãnh đạo, chỉ huy trực thuộc Học viện quan tâm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện. Nghị quyết Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI xác định: “đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ”1, góp phần “xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực”2. Giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị của Học viện trong đó xác định giáo dục quyền con người là một nội dung rất cần thiết. Về nội dung giáo dục quyền con người ở Học viện Chính trị hiện nay được xác định theo đối tượng. Cụ thể là:

Đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ trong toàn Học viện, nội dung giáo dục quyền con người được xác định trong Kế hoạch học tập chính trị hàng năm (dựa theo chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện). Chẳng hạn, năm 2021, nội dung giáo dục pháp luật tập trung vào 05 chuyên đề: nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020; nội dung cơ bản của Luật Cư trú năm 2020; nội dung cơ bản Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; nội dung cơ bản của Bộ Luật lao động năm 2020; nội dung cơ bản của Thông tư số 56/2020/TT-BQP ngày 5/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quản lý và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng.

Kết quả là, 100% cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ toàn Học viện đều được tiếp cận những nội dung giáo dục pháp luật chung trong đó có giáo dục quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, qua đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể đúng quy định của pháp luật; hạn chế và giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người.

Đối với đối tượng học viên đang đào tạo tại Học viện, nội dung giáo dục quyền con người được thông qua kênh giáo dục chính khóa mà chủ yếu là qua 03 môn học: Nhà nước và Pháp luật; Pháp luật; Lý luận và pháp luật về quyền con người, áp dụng đối với từng đối tượng học viên. Các môn học này trang bị, cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản, hệ thống về nhà nước và pháp luật, về quyền con người, pháp luật về quyền con người nhằm nâng cao sự hiểu biết về pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về quyền con người; trên cơ sở đó nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật cho học viên. Từ đó, học viên sẽ vận dụng những kiến thức được trang bị vào thực hiện, xây dựng và quản lý đơn vị trên từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mỗi người sau khi ra trường.

Hiện nay, với các đối tượng đào tạo cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn trình độ đại học; đào tạo chính ủy cấp trung, sư đoàn binh chủng hợp thành, quân chủng, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển; đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự ở Học viện chưa có môn Lý luận và pháp luật về quyền con người được giảng dạy với tư cách là môn học độc lập mà nội dung giáo dục quyền con người cơ bản thông qua môn học Nhà nước và Pháp luật với 08 chuyên đề xoay quanh vấn đề Nhà nước và pháp luật; trong từng chuyên đề giảng viên sẽ lồng ghép việc giáo dục quyền con người vào nội dung bài giảng để truyền tải vấn đề quyền con người đến người học. Ví dụ như: trong chuyên đề: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân”, giảng viên sẽ lồng ghép nội dung bảo đảm quyền con người, quyền công dân vào mục các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, qua đó học viên sẽ thấy được bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta và trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Với đối tượng đào tạo hoàn thiện đại học cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn; đào tạo giảng viên cho Quân đội nhân dân Lào hiện cũng chưa có môn học cụ thể về quyền con người. Đối tượng này được tiếp cận các kiến thức về quyền con người thông qua môn học Pháp luật với 11 chuyên đề trong đó có một số chuyên đề có nội dung liên quan đến giáo dục quyền con người, đó là:

- Chuyên đề Luật hình sự Việt Nam xác định những quyền con người được luật hình sự bảo vệ, những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền con người bị Luật hình sự coi là tội phạm và trừng trị nghiêm khắc, những chính sách hình sự nhằm bảo vệ quyền con người của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như người chưa thành niên, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người già, người khuyết tật.

- Chuyên đề Luật dân sự Việt Nam tập trung giáo dục quyền con người thông qua giảng dạy nội dung liên quan đến các quyền dân sự của con người: quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền sử dụng đất…

Đối với đối tượng đào tạo, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị. Đây là đối tượng duy nhất ở Học viện hiện nay có một môn học cụ thể về quyền con người, đó là môn học “Lý luận và pháp luật về quyền con người” với 06 chuyên đề trực tiếp liên quan đến lý luận và pháp luật về quyền con người góc độ thế giới và ở Việt Nam. Cụ thể là:

- Chuyên đề: “Lý luận về quyền con người” trang bị cho học viện những vấn đề lý luận cơ bản nhất về quyền con người và quyền công dân.

- Chuyên đề: “Pháp luật và cơ chế quốc tế về quyền con người” cung cấp cho học viên nhận thức được sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế về quyền con người; các quyền con người cơ bản theo quy định của pháp luật quốc tế trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nội dung quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; cơ chế quốc tế, khu vực và quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

- Chuyên đề: “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, quyền công dân” cung cấp cho người học toàn bộ quá trình nhận thức của Đảng ta về vấn đề quyền con người, quyền công dân và nội dung quan điểm của Đảng ta về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

- Chuyên đề: “Pháp luật Việt Nam về quyền con người, quyền công dân”, mang đến cho học viên nắm được khái quát hệ thống pháp luật nước ta quy định về quyền con người, quyền công dân; nội dung các quyền con người, quyền công dân; quyền của nhóm dễ bị tổn thương được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện nay.

- Chuyên đề: “Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam”, trang bị cho người học nắm được khái quát mô hình các thiết chế trong hệ thống chính trị nước ta có vai trò và chức năng bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hiểu được phương thức bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong hệ thống chính trị nước ta.

- Chuyên đề: “Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay” cung cấp cho học viên hiểu được quan niệm, đặc điểm, phương thức và cơ sở chính trị, pháp lý của đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam; nắm được vị trí, vai trò và thực tiễn đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

Có thể khẳng định, qua quá trình giảng dạy trực tiếp 06 chuyên đề trên, 100% học viên đều khẳng định học phần này rất bổ ích và có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi học viên trong cuộc sống và trong công tác.

Đánh giá chung về nội dung giáo dục quyền con người ở Học viện Chính trị hiện nay cho thấy bên cạnh những ưu điểm đạt được (như phân tích ở trên) vẫn còn một số hạn chế nhất định:

- Dung lượng kiến thức về giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các nhà trường quân đội trong đó có Học viện Chính trị còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới của Quân đội (60 tiết giảng áp dụng cho hai hình thức chính khóa và ngoại khóa).

- Chưa có một chương trình chi tiết về giáo dục quyền con người thống nhất cho các đối tượng (chỉ có 01 đối tượng học viên có môn học trực tiếp về quyền con người, các đối tượng còn lại chỉ học lồng ghép), do đó, nội dung về quyền con người khi lồng ghép vào bài giảng rất sơ sài, chỉ mang tính chất giới thiệu, không thể đi sâu vào vấn đề quyền con người cụ thể. Điều này dẫn đến việc học viên chỉ được tiếp xúc với vấn đề nhân quyền ở mức rất hạn chế, rời rạc, không hệ thống nên không thể có cách nhìn toàn diện về quyền con người, từ đó khó có thể hình thành ý thức tôn trọng nhân quyền.

- Đội ngũ giáo viên giảng dạy chính trị và đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học liên quan đến quyền con người ở Học viện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục quyền con người; phần lớn đội ngũ này không được đào tạo chuyên sâu, bài bản về quyền con người; chất lượng của giảng viên không đồng đều dẫn đến chất lượng giảng dạy về quyền con người tại Học viện Chính trị còn hạn chế.

Về hình thức và phương pháp giáo dục quyền con người ở Học viện Chính trị hiện nay được tổ chức rất linh hoạt và có chương trình, kế hoạch theo từng năm, phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể như sau:

- Đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ hình thức giáo dục pháp luật quyền con người được sử dụng là hình thức giáo dục ngoại khóa chủ yếu thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình học tập chính trị pháp luật hằng năm (tuyên truyền miệng qua đội ngũ giáo viên giảng dạy chính trị của Học viện và thông qua đài phát thanh của Học viện); các cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; đóng góp ý kiến vào các dự án luật; tự nghiên cứu theo hướng dẫn (đọc sách, báo, nghe đài, xem tivi…) về các nội dung liên quan đến pháp luật về quyền con người; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên (chủ công là Khoa Nhà nước và Pháp luật) tham gia các lớp đào tạo; các hội thảo về quyền con người ở các cơ sở đào tạo bên ngoài…

- Đối với học viên, ngoài hình thức giáo dục quyền con người ngoại khóa (như trên) thì hình thức giáo dục quyền con người chính khóa là một kênh rất quan trọng để trực tiếp truyền tải thông tin đến người học. Hằng năm, bằng hình thức lên lớp, thảo luận, kiểm tra được thể hiện ở việc tổ chức giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy môn Nhà nước và pháp luật; Pháp luật; Lý luận và pháp luật về quyền con người.

Đặc biệt, giáo dục quyền con người ở Học viện hiện nay còn được lồng ghép thông qua ngày chính trị và văn hóa tinh thần, ngày pháp luật được tổ chức vào ngày thứ 2 tuần đầu tiên của tháng. Đây là những buổi sinh hoạt dân chủ trực tiếp của các đơn vị trong Học viện nhằm kịp thời cung cấp những văn bản của Nhà nước, Quân đội, Học viện liên quan đến quyền lợi, chính sách, nghĩa vụ của quân nhân; giải đáp mọi ý kiến của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ trong từng đơn vị qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phát hiện những vi phạm trong đó có vi phạm về quyền.

Về phương pháp giáo dục quyền con người, chủ yếu là phương pháp thuyết trình; phương pháp giải quyết tình huống. Hai phương pháp này được thể hiện rõ nét trong quá trình giảng viên giảng bài cho người học. Khi sử dụng các phương pháp này, giảng viên sẽ thuyết trình một vấn đề cụ thể, đặt các câu hỏi và kết luận để người học nắm được vấn đề cụ thể về quyền con người. Bên cạnh đó, giảng viên trong quá trình giảng dạy có thể giả định các tình huống pháp luật, trong đó có tình huống nhận diện, đấu tranh xử lý hành vi xâm phạm quyền con người.

Hạn chế lớn nhất về hình thức và phương pháp giáo dục quyền con người ở Học viện hiện nay là hình thức còn đơn điệu, rập khuôn; phương pháp thuyết trình còn mang nặng tính truyền thống, một chiều; tình huống vận dụng chưa sâu, chưa rõ.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người ở Học viện hiện nay

Quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về công tác giáo dục, đào tạo; công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở Học viện trong thời kỳ mới, đồng thời để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ ở Học viện, việc nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người ở Học viện trong thời gian tới, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ với các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các tổ chức, lực lượng đối với giáo dục quyền con người ở Học viện Chính trị hiện nay.

Hoạt động giáo dục quyền con người ở Học viện chỉ có thể đạt kết quả tốt khi các tổ chức, lực lượng trong Học viện mà trước hết là các chủ thể giáo dục quyền con người nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, vai trò, có trách nhiệm và năng lực đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng. Ở Học viện Chính trị, các tổ chức đảng, các tổ chức chỉ huy, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân… và lực lượng cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ là những tổ chức, lực lượng có vai trò rất lớn đối với công tác giáo dục pháp luật quyền con người.

Tổ chức đảng các cấp từ Đảng ủy Học viện đến đảng ủy cơ sở trực thuộc cần xác định rõ giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội trong đó có giáo dục quyền con người là một nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chặt chẽ không được xem nhẹ, buông lỏng, khoán trắng cho cơ quan chức năng hoặc một cá nhân nào. Cần nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm trong đó có nội dung giáo dục quyền con người từ đó kịp thời cụ thể hóa các văn bản để đưa vào nghị quyết lãnh đạo công tác giáo dục pháp luật hàng tháng, hàng quý, hàng năm, kịp thời tổ chức triển khai, có hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, tổ chức đảng các cấp cần nắm chắc tình hình, thực trạng kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật ở Học viện; căn cứ vào thực tiễn của từng đơn vị học viên đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn của khóa học và chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Học viện có vai trò quan trọng, tư vấn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người; chỉ đạo và duy trì sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác này trong Học viện theo chỉ thị, kế hoạch giáo dục pháp luật của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị.

Các Hệ quản lý học viên là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động học tập, rèn luyện của học viên. Mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ huy của các Hệ quản lý học viên đều có liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật quyền con người cho đối tượng trên.

Đối với đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật ở Học viện hiện nay có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với chất lượng giáo dục quyền con người cho các đối tượng trong Học viện. Hiện nay, ở Học viện, Khoa Nhà nước và Pháp luật là Khoa chủ công trực tiếp, thường xuyên giảng dạy, huấn luyện học viên và tham gia tổ giáo viên giảng dạy chính trị. Do đó, đội ngũ giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của giáo dục pháp luật quyền con người, không nên coi đó chỉ là công việc của đội ngũ cán bộ khung, quản lý học viên, của các cơ quan chức năng để từ đó có kế hoạch cụ thể, chủ động lồng ghép việc giáo dục pháp luật vào quá trình giảng dạy chuyên môn của mình; thực hiện tốt chức năng của người giảng viên trong môi trường quân sự; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững các tri thức pháp luật, nâng cao trình độ năng lực sư phạm, kết hợp chặt chẽ đào tạo, bồi dưỡng với tự bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên, chú trọng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy để mỗi giảng viên giảng dạy pháp luật thực sự biết kết hợp nhiều phương pháp đa dạng vào quá trình giảng bài, từ đó tạo hứng thú từ người học, đó cũng chính là lúc người giảng viên đang thực hiện tốt việc giáo dục quyền con người cho người học.

Phòng chính trị, phòng đào tạo, cơ quan văn phòng là các cơ quan giúp việc Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng và quyền hạn quy định. Đối với giáo dục quyền con người ở Học viện, các cơ quan trên có vai trò rất quan trọng, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giáo dục pháp luật quyền con người cho các đối tượng ở Học viện hiện nay.

Hội đồng quân nhân là tổ chức đại diện cho mọi quân nhân để thực hiện và phát huy dân chủ ở đơn vị cơ sở. Đối với giáo dục quyền con người, Hội đồng quân nhân cần nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức hoạt động, chế độ sinh hoạt và mối quan hệ của Hội đồng quân nhân. Định kỳ và theo yêu cầu của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Hội đồng quân nhân tổ chức sinh hoạt dân chủ trong đơn vị để thảo luận, bàn bạc biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị; đấu tranh với những hành vi, dư luận xấu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và những việc làm tốt của cá nhân, tập thể, thông qua đó để giáo dục pháp luật cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, xây dựng đơn vị.

Các tổ chức quần chúng ở Học viện (công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên) là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện đoàn viên; hội viên, thanh niên. Do vậy, các tổ chức này có vai trò quan trọng trong giáo dục quyền con người. Để nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người, các tổ chức quần chúng cần thường xuyên giáo dục cho đoàn viên, hội viện nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, các chế độ, quy định, kỷ luật của Học viện; tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ các hoạt động của tổ chức quần chúng, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, diễn đàn đoàn viên, hội viên, thanh niên về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, pháp luật về quyền con người thông qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nội quy, quy chế của Học viện, quy định của đơn vị.

Với mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ trong Học viện cần nhận thức đúng vai trò của kiến thức về quyền con người và trách nhiệm tìm hiểu, thực hiện đúng pháp luật, điều lệnh, điều lệ. Bằng hành động cụ thể của mình, nỗ lực thực hiện đầy đủ các nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật quyền con người được Học viện đề ra. Luôn đề cao trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, tự tu dưỡng học tập và rèn luyện vươn lên giành kết quả cao nhất. Thường xuyên đấu tranh với chính bản thân mình và trong tập thể quân nhân về những biểu hiện sai trái, lệch lạc, nhận thức chưa đúng về quyền con người.

Hai là, tổ chức tốt nguồn nhân lực, vật lực cho giáo dục quyền con người.

Đội ngũ giảng viên và báo cáo viên pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục quyền con người ở Học viện hiện nay. Vì vậy, tăng cường công tác tổ chức cán bộ và bảo đảm vật chất cho giáo dục quyền con người là rất quan trọng. Trong những năm tới, Học viện cần: tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; duy trì nền nếp hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong giáo dục quyền con người, nhất là tổ chức công đoàn, phụ nữ các cấp trong Học viện.

Bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực kể trên thì việc đầu tư giáo trình, tài liệu tham khảo cho các đơn vị trong Học viện là rất cần thiết. Mặc dù, trong thời đại bùng nổ thông tin, trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy vô số các thông tin về nhân quyền, tuy nhiên, cần thống nhất nguồn tài liệu chính thống nhằm định hướng nội dung bảo đảm tính nhất quán theo quan điểm, đường lối của Đảng, giúp quân nhân nhận diện và phòng, chống các thông tin xấu độc về nhân quyền. Do đó, việc bảo đảm vật chất, tài liệu học tập chính thống cho công tác này ở Học viện cần được quan tâm thực hiện.

Ba là, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thực tiễn chỉ ra rằng, nội dung, chương trình chưa thống nhất, đầy đủ thì các chủ thể giáo dục rất khó có được hình thức, phương pháp giáo dục thống nhất và hiệu quả. Do vậy, cần chuẩn hóa và công nghệ hóa nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục quyền con người nhằm đảm bảo sự thống nhất về chất lượng giáo dục quyền con người ở Học viện hiện nay. Chú trọng đổi mới hình thức trong giáo dục quyền con người cho cán bộ, chiến sĩ, như: sân khấu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, v.v. Tăng cường hơn nữa nội dung quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế vào chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ hằng năm.

Giáo dục quyền con người là nhiệm vụ cần thiết. Việc thực hiện các giải pháp trên góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ ở Học viện Chính trị về thực hiện quyền con người trong thực thi nhiệm vụ được giao./.

Trung tá, ThS Nguyễn Thị Đắc Hương

Chủ nhiệm bộ môn Luật học – Khoa Nhà nước và Pháp luật

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng


1,2 Đảng bộ Học viện Chính trị, Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, tháng 10/2020, tr. 71; tr. 73.