Đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người tại các diễn đàn của Liên hợp quốc
ThS Nguyễn Thế Anh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Quyền con người (QCN) hiện nay đã trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận thế giới, là một trong ba trụ cột của Liên hợp quốc. QCN trong quan hệ quốc tế thể hiện xu thế chung là vừa hợp tác nhằm thực hiện các mục tiêu chung, vừa đấu tranh giữa các nước có sự khác biệt về ý thức hệ, lợi ích chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa. Những nỗ lực đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người tại các diễn đàn của Liên hợp quốc đã và đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam. Qua đó, cộng đồng quốc tế đã có những nhìn nhận tích cực, khách quan về các thành tựu thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở nước ta.
Từ khóa: Quyền con người; đối thoại; đấu tranh; Liên hợp quốc
Quyền con người (QCN) gắn liền với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. QCN có những giá trị chung, nhưng không có một chuẩn mực nhất định áp dụng cho tất cả các quốc gia bởi sự khác nhau về văn hóa, kinh tế, xã hội. Do đó không thể đem tất cả quan niệm QCN của quốc gia này để áp đặt hay làm thước đo đánh giá QCN ở một quốc gia khác. QCN hiện nay đã trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận thế giới, là một trong ba trụ cột của Liên hợp quốc; trở thành nguyên tắc hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; là công cụ trong chính sách đối ngoại của nhiều nước và là vấn đề của toàn cầu.
Đối thoại về QCN đang ngày càng rộng mở hơn từ song phương đến đa phương, từ cấp độ khu vực đến toàn cầu. Đấu tranh QCN sẽ vẫn diễn ra dai dẳng, phức tạp giữa các lực lượng và dưới nhiều hình thức khác nhau, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, pháp lý, đến kinh tế, xã hội và văn hóa.
Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Không chỉ thể hiện vai trò là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, Việt Nam đang thực sự nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải tại các diễn đàn đa phương. Mới đây nhất, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là một trong những minh chứng nổi bật cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.
1. Phương thức đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực QCN của Việt Nam ở các diễn đàn Liên hợp quốc
Đối thoại trên lĩnh vực QCN là sự trao đổi, thương lượng giữa các bên trên cơ sở bình đẳng, căn cứ vào các quy định của pháp luật nhằm đạt được sự đồng thuận trong giải quyết một vấn đề cụ thể có liên quan tới cách hiểu, cách tiếp cận, thực hiện khác nhau về quyền, lợi ích, hay danh dự, nhân phẩm của các bên tham gia đối thoại. [1]
Đấu tranh trên lĩnh vực QCN là sự chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, phản bác, ngăn chặn, xử lý bằng pháp luật nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng QCN như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay. [2]
Trên hết, đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực QCN cần phải dựa trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời kết hợp linh hoạt các cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị, pháp lý, nhằm thực hiện đối thoại, đấu tranh có hiệu quả. Thông qua các phương thức đó, các bên có thể nhận thức sâu thêm về nhau và đạt được sự thống nhất, một mục đích chung trong việc giải quyết. Bên cạnh đó, đấu tranh trên lĩnh vực QCN cần cần kết hợp tốt các cách thức, phương pháp và biện pháp đấu tranh, như nhận diện kịp thời, phê phán, phản bác nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc sử dụng QCN làm công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở nước ta.
Đối với các diễn đàn ở Liên Hợp quốc, (Hội đồng QCN, Hội đồng Kinh tế và xã hội, Ủy ban NGOs thuộc ECOSOC...), và tại các ủy ban được thành lập theo các điều ước quốc tế về QCN, việc đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực QCN thực hiện dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc nên phải tuân thủ một mặt bảo đảm chủ quyền quốc gia mặt khác thực hiện theo nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc và thành viên công ước mà Việt Nam đã tham gia. Trên cơ sở đó, lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đối thoại thích hợp với từng vụ, việc cụ thể và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc với quy chế của mỗi ủy ban công ước. Đối với các các thông tin sai lệch về tình hình QCN ở Việt Nam cần chủ động tiếp xúc, trao đổi, giải thích và bác bỏ.
2. Kết quả đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực QCN tại một số diễn đàn Liên hợp quốc
2.1. Với tư cách thành viên Ủy ban nhân quyền nhiệm kỳ 2001-2003 và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016:
Việt Nam đã và đang tham gia ngày một rộng rãi và hiệu quả hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc. Việt Nam đã được bầu vào Uỷ ban Nhân quyền (2001-2003) và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014-2016)[3].
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (United Nations Human Rights Council-UN HRC) là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006 theo Nghị quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Liên hợp quốc về Nhân quyền đã chấm dứt hoạt động năm 2006.
Việc là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng giúp Việt Nam có thêm công cụ đấu tranh, phản bác những luận điệu, thông tin sai lệnh về tình hình nhân quyền trong nước; hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước; thêm bạn bè; thêm kinh nghiệm tham gia các cơ chế đa phương, thực sự chuyển từ tham dự sang tham gia, từ tham gia sang đóng góp, định hình luật chơi với vấn đề từng được xem là rất nhạy cảm, đó là QCN.
Trong 3 năm đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các thành viên khác tại các khóa họp, hội nghị cấp cao; phối hợp với một số nước và tổ chức quốc tế tổ chức sự kiện bên lề khóa họp hay hội nghị cấp cao nhằm thông tin, đối thoại về QCN. Chẳng hạn, tại Khóa 31 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 3/2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao Khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật. Tại Khóa 32 (tháng 6/2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; cùng Bangladesh và Phillipines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Tại Khóa 33 (tháng 9/2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillipines, Trung Quốc và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.[4]
Trong vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, chúng ta đã chủ động, tích cực cùng các nước thành viên, trong đó có tất cả các nước lớn trên thế giới, giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy QCN. Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề QCN; đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiêu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại. Với bất kỳ vấn đề nào ở Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẵn sàng tham gia phát biểu, bình luận hay thậm chí là phê phán. Ở các cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, một số quốc gia không tham gia bỏ phiếu để tránh đưa ra lập trường nhưng Việt Nam chưa bao giờ làm như vậy. Dù lá phiếu có thể là phiếu thuận, phiếu chống hay phiếu trắng nhưng Việt Nam luôn thể hiện lập trường rõ ràng. Trong nhiều trường hợp Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng, và ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. Thậm chí, một số nước phương Tây còn cử đoàn sang trao đổi về Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; (Mỹ có đoàn riêng; các nước châu Âu trao đổi qua kênh đối thoại song phương). Sở dĩ các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam, bởi Việt Nam không chỉ trích một quốc gia nào mà luôn nhìn dưới góc độ và từ kinh nghiệm của Việt Nam. Từ kinh nghiệm cụ thể, Việt Nam đã có đóng góp vào những giá trị chung của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Trong một số trường hợp, Việt Nam cũng được các nước tín nhiệm đứng ra làm trung gian hòa giải.[5]
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh các chính sách, thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm QCN; thúc đẩy được các vấn đề Việt Nam có lợi ích (quyền kinh tế - văn hóa – xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu và QCN…).
2.2. “Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát” (UPR)[6]:
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã tham gia đủ 3 chu kỳ UPR vào các năm 2009, 2014 và 2019. Việt Nam là một trong các quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong UPR, với số các quốc gia tham gia phần đối thoại tương tác rất lớn (76 quốc gia tham gia lần thứ nhất, 106 quốc gia tham gia lần thứ hai, và 121 quốc gia tham gia lần thứ ba).
Toàn bộ các văn bản liên quan đến UPR của Việt Nam trong 3 chu kỳ, bao gồm báo cáo của ba bên (Nhà nước, Liên hợp quốc, và các bên liên quan), báo cáo của Nhóm Công tác về UPR, Kết quả UPR và Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền thông qua kết quả UPR của Việt Nam, cùng với bản lưu các webcast phiên đối thoại tương tác và phiên toàn thể thảo luận và thông qua kết quả tại Hội đồng Nhân quyền được đăng công khai trên trang về Việt Nam tại trang web của OHCHR.
UPR là một cơ chế nhân quyền quốc tế được nhà nước Việt Nam coi trọng, có lẽ vì đây là một hình thức đối thoại với nhiều quốc gia nhất tại Liên hợp quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam đặc biệt coi trọng và nghiêm túc thực hiện UPR – một cơ chế thành công của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác; coi đây vừa là nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đồng thời là cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ QCN"[7].
UPR lần thứ nhất của Việt Nam (5/2009)
Trong lần UPR đầu tiên này, báo cáo của Chính phủ Việt Nam đã được chuẩn bị với sự tham gia của một số Bộ, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo. Báo cáo cũng đã có sự tham vấn với một số tổ chức chính trị xã hội trong nước. Về Báo cáo của các bên liên quan, 12 tổ chức đã trình báo cáo lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc trước phiên UPR. Trong số này không có báo cáo nào từ các tổ chức xã hội dân sự trong nước.
Trong quá trình đối thoại tại UPR lần thứ nhất, 76 phái đoàn của các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tham gia đối thoại với phái đoàn Việt Nam. Việt Nam đã nhận được 146 khuyến nghị từ 60 quốc gia; và đã chấp nhận 94 khuyến nghị; trả lời chung 05; để ngỏ 01 và từ chối 46 khuyến nghị. [8]
Đồng thời, Việt Nam cũng đã đề xuất 84 khuyến nghị cho 38 quốc gia. Những vấn đề mà Việt Nam đưa ra khuyến nghị nhiều nhất cho các quốc gia khác là: quyền phụ nữ, quyền trẻ em và quyền phát triển.
UPR lần thứ hai của Việt Nam, 2/2014
Việc đóng góp thông tin cho kỳ UPR thứ hai diễn ra rộng rãi hơn so với kỳ thứ nhất. Báo cáo quốc gia đã được chính phủ tham vấn mở với các tổ chức chính trị xã hội và một số tổ chức phi chính phủ và mạng lưới. Về báo cáo của các bên liên quan, OHCHR công bố 59 báo cáo được coi là hợp lệ, trong đó 12 báo cáo chung. Trong số này có 17 báo cáo riêng và một báo cáo chung được gửi từ các tổ chức và mạng lưới đóng tại Việt Nam.
Tại phiên UPR lần thứ hai, phái đoàn Việt Nam do ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu, gồm 22 đại diện từ 11 cơ quan chính phủ. Trong phiên họp thứ 18 ngày 07 tháng 2 năm 2014, Nhóm công tác về UPR đã thông qua báo cáo về Việt Nam. Việt Nam đã bảo vệ báo cáo thực hiện QCN theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát và nhận được 227 khuyến nghị từ đã có tới 106 quốc gia tham gia đối thoại. Phần lớn các ý kiến này đều mang tính xây dựng. Rất nhiều các khuyến nghị mà các quốc gia đưa ra cho Việt Nam liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về QCN; tăng cường các cơ chế thúc đẩy và bảo vệ các QCN và đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về cho các chủ thể nghĩa vụ thực hiện quyền (cán bộ, công chức, viên chức) cũng như chủ thể quyền (người dân nói chung). Việt Nam đã chấp thuận 182/227 khuyến nghị, đạt 80,17%[9]. Đây là một tỷ lệ chấp thuận khá cao.
UPR lần thứ ba của Việt Nam (1/2019)
Phiên UPR thứ ba của Việt Nam với 121 quốc gia tham gia gửi trước 77 câu hỏi và đưa ra 291 khuyến nghị. Đã có 77 báo cáo của các bên liên quan được gửi tới cho Phiên kiểm điểm này, gồm 57 báo cáo đơn và 20 báo cáo chung, trong đó có 25/57 báo cáo đơn và 8/20 báo cáo chung đến từ các tổ chức và liên minh trong nước.
Trong khuôn khổ Nhóm làm việc về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu với sự tham gia của 11 bộ, ngành liên quan, đã đối thoại với 122 nước thành viên Liên hợp quốc về tình hình thúc đẩy và bảo vệ QCN tại Việt Nam.
Việt Nam chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị (trong đó chấp nhận hoàn toàn 220 khuyến nghị và chấp nhận một phần 21 khuyến nghị) mà các quốc gia đưa ra, đạt tỷ lệ gần 83%, gồm những nội dung quan trọng, toàn diện của công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các biện pháp bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và tăng cường thể chế bảo vệ quyền con người và các vấn đề mới đặt ra về di cư, biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững.
2.3. Đối thoại theo các Thủ tục đặc biệt
Bên cạnh các cơ chế khác (như UPR nêu trên), HRC (trước đây là CHR) còn thực hiện việc điều tra những tình huống vi phạm quyền diễn ra ở một quốc gia, khu vực cụ thể thông qua các nhóm công tác (working group) hoặc các báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay chuyên gia độc lập (independent expert). Trong một số trường hợp, Tổng Thư ký cũng có thể chỉ định các đại diện đặc biệt (special representative) để thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tục kể trên, gọi chung là thủ tục đặc biệt, được bắt đầu triển khai từ năm 1980 theo hai hình thức: a) điều tra những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền (không hạn chế về lãnh thổ, gọi là điều tra theo chủ đề - thematic procedures) (chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, Nhóm công tác về các vụ bắt giữ tuỳ tiện...); và b) điều tra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở một quốc gia (gọi là điều tra theo quốc gia - country-based procedures) (chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về Campuchia, Báo cáo viên đặc biệt về Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên...). Các chủ thể này có thẩm quyền: 1) thực hiện các chuyến thăm quốc gia (khi được quốc gia mời); 2) nhận các khiếu nại từ các cá nhân cho rằng mình là nạn nhân của sự vi phạm các QCN; 3) hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các nghiên cứu chuyên đề; 4) báo cáo hàng năm đến HRC và Đại hội đồng Liên hợp quốc... Việc thiết lập, gia hạn hoặc chấm dứt một “Thủ tục đặc biệt” phải được thông qua bằng một nghị quyết của Hội đồng nhân quyền. Hay như Ủy ban Tư vấn là cơ chế gồm các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân, do các nước thành viên đề cử và được Hội đồng nhân quyền bầu bằng bỏ phiếu kín trên cơ sở cân bằng địa lý. Nhiệm vụ của Ủy ban này là cung cấp ý kiến tư vấn hoặc nghiên cứu chuyên đề theo yêu cầu của Hội đồng nhân quyền, nhưng không được ra nghị quyết, quyết định hoặc xem xét tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể...
Gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện việc báo cáo theo cơ chế UPR tại HRC vào năm 2009, có một số báo cáo viên và chuyên gia độc lập đã đến Việt Nam theo lời mời, cụ thể là: Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo (trong năm 1998), Chuyên gia độc lập của về các vấn đề người thiểu số, Chuyên gia độc lập về nhân quyền và đói nghèo (trong năm 2010), Chuyên gia độc lập về tác động của nợ nước ngoài với việc thụ hưởng QCN, Báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe (trong năm 2011), và Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa (trong tháng 11/2013), Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng (2014)...
Kết quả là các cuộc trao đổi với các Báo cáo viên đặc biệt diễn ra một cách cởi mởi, thẳng thắn, có tính xây dựng với nhiều thông tin khác nhau. Qua đó giúp các Báo cáo viên đặc biệt hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật và thực tiễn đảm bảo QCN trong những lĩnh vực cụ thể ở Việt Nam. Các Báo cáo viên đặc biệt, nhìn chung đã đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các QCN. Việt Nam hiện đã gửi lời mời chính thức tới Báo cáo viên đặc biệt về quyền của người lao động di cư, về chống tra tấn sau khi gia nhập CAT, về phòng chống buôn bán phụ nữ và mại dâm trẻ em,v.v....
Với tư cách là nước liên quan, Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt. Các báo cáo trao đổi đã nêu bật tình hình thực tiễn bảo đảm QCN ở Việt Nam trên các lĩnh vực cụ thể, bác bỏ các nhận định chưa chính xác, thiếu khách quan, toàn diện và có tính chọn lọc mà Báo cáo viên nêu trong báo cáo, đồng thời khẳng định tinh thần hợp tác, đối thoại của ta nhằm giải quyết các khác biệt về quan điểm trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đại diện của Việt Nam cũng làm rõ khung pháp lý và các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hưởng thụ các QCN; đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong nước, nâng cao nhận thức của người dân và tiếp tục hợp tác, đối thoại xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt cũng như các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.
- Thực thi nghĩa vụ trả lời và giải quyết kháng thư: Kể từ khi trở thành thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã hai lần bị đưa ra xem xét kín về vấn đề nhân quyền theo thủ tục 1503[10] tại phiên họp của Ủy ban QCN vào các năm 1994 và 2000. Kết quả là: trên cơ sở những thành tựu đạt được trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là có chính sách, pháp luật mở rộng dân chủ, bảo đảm QCN cho nhân dân trên thực tế, và Việt Nam đã nỗ lực đối thoại để không bị đưa ra xem xét công khai theo Thủ tục 1235[11].[12]
Cách trả lời kháng thư là trình bày trực tiếp, cụ thể đối với các vấn đề được nêu trong kháng thư. Việc đưa ra các lập luận sắc bén phải gắn với những bằng chứng cụ thể, để bác bỏ các nhận định phiến diện, không đúng sự thật được nêu trong kháng thư. Đây là cách làm thuyết phục, thể hiện sự hợp tác, tôn trọng đối với cơ chế của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc trước đây và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc hiện nay. Cách làm này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc trả lời kháng thư nói riêng, và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực QCN nói chung.
- Đối thoại về QCN tại Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc - ECOSOC[13]: ECOSOC là cơ quan chính duy nhất của Liên hợp quốc có khung khổ chính thức cho sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ thuộc Ủy ban NGOs. Số lượng các tổ chức phi chính phủ được ECOSOC cấp “Quy chế tư vấn” đã tăng nhanh chóng từ con số 41 tổ chức năm 1946 lên hơn 4.000 tổ chức vào năm 2016.
Đối với Việt Nam, cho đến nay Ủy ban NGOs thuộc ECOSOC, đã cấp quy chế tư vấn đặc biệt cho 3 tổ chức: Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (2007) và Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (2009) và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (7/2014). (Ngoài ra còn có một vài tổ chức của người Việt ở nước ngoài tham gia Ủy ban NGOs thuộc ECOSOC,).
Với “Quy chế tư vấn”, các tổ chức Việt Nam ở trong nước có cơ hội để tham dự các sự kiện quốc tế, tham gia ý kiến, đóng góp về mặt chuyên môn, giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo dựng mạng lưới và vận động hành lang, bày tỏ quan điểm tại các diễn đàn quốc tế nhằm góp phần đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân Việt Nam.
2.4 Đấu tranh, đối thoại trên lĩnh vực QCN theo Cơ chế dựa trên công ước
Việt Nam bắt đầu gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về QCN từ đầu những năm 80 của Thế kỷ XX, không lâu sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977. Trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, việc sớm gia nhập các Công ước quốc tế về QCN chính là một minh chứng rõ nét về cam kết và nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các QCN theo các chuẩn mực quốc tế. Cho đến nay Việt Nam đã tham gia 7/ 9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về QCN; và ở mức độ khác nhau, đã tham gia gia đối thoại tại những ủy ban công ước này. Công tác đối thoại tại tất cả các ủy ban công ước đều được hỗ trợ bởi Đơn vị Công ước thuộc Ban Công ước Nhân quyền của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR)[14]. Các ủy ban công ước họp tại Geneva hoặc New York. Các chuyên gia, các đoàn đại biểu, và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự có thể cùng tham gia công việc của các ủy ban công ước thông qua sự hỗ trợ của OHCHR.
Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có nghĩa vụ soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện công ước. Việc soạn thảo và xây dựng các báo cáo quốc gia về việc thực hiện các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên đều có sự tham gia đầy đủ của tất cả các bộ, ban, ngành có liên quan.
Trong những năm 1980 đến đầu những năm 1990, do có những khó khăn về đối ngoại cũng như tài chính, bên cạnh đó, có một thực tế là việc gia nhập và thực thi nhiều công ước quốc tế về QCN đã làm gia tăng gánh nặng nghĩa vụ báo cáo khiến Việt Nam, cũng giống như khá nhiều nước đang phát triển khác, thường nộp báo cáo muộn hơn so với thời hạn quy định và thường xuyên phải làm báo cáo gộp nhiều kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do phạm vi điều chỉnh của các công ước nhân quyền thường rất rộng, nên việc thu thập, tổng hợp, đánh giá thông tin thường gặp khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và công sức, trong khi nguồn thông tin có giá trị và cập nhật từ các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân vẫn chưa được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.
Trong những năm gần đây, về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo quốc gia gồm những quan điểm, sự đánh giá chính thức của Nhà nước Việt Nam về thực tế thực hiện các QCN theo quy định của các công ước quốc tế về nhân quyền. Sự toàn diện và phong phú của các báo cáo quốc gia đã góp phần quan trọng nâng cao sự hiểu biết của các cơ quan Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế về tình hình QCN ở Việt Nam.
Kết quả là, trên cơ sở đó đã góp phần duy trì quan hệ đối thoại thân thiện với các uỷ ban theo dõi việc thực hiện các công ước; góp phần vô hiệu hoá các ý kiến chì trích, phê phán Việt Nam về tình hình thực hiện các QCN, và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
2.5. Bài học kinh nghiệm trong đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực QCN ở Liên hợp quốc của Việt Nam
- Tăng cường tính chuyên nghiệp trong đối thoại, trong đó cần chú trọng đến các vấn đề sau: Một là, tiến độ báo cáo thực hiện đảm bảo theo quy định của các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Hai là, chú trọng khâu phân công, phối hợp cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị trong việc đối thoại, đấu tranh trên các diễn đàn về QCN; Ba là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực đối thoại chuyên nghiệp tại các diễn đàn quốc tế.
- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và quốc tế; tôn trọng quyền bình đẳng của các quốc gia, dân tộc trong đối thoại, đấu tranh QCN. Không áp đặt điều kiện và chuẩn mực cho quốc gia khác trong đối thoại, đấu tranh.
- Chủ động giới thiệu lập trường, quan điểm của mỗi bên, đặc biệt cần giới thiệu chính sách, pháp luật của Việt Nam về vấn đề QCN; Làm rõ lập trường, quan điểm, chính sách, pháp luật và thiện chí với đối tác nhằm bảo đảm sự đồng thuận và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong quá trình đối thoại, đồng thời chủ động, mềm dẻo, ghi nhận lập trường, quan điểm của đối tác; Giải thích và bác bỏ những thông tin sai lệch từ phía đối tác nêu ra; có thể bảo lưu sự khác biệt và ý kiến phản biện, nhưng tránh đối đầu, không chính trị hóa theo “kiểu đối lập, chống đối”, nhằm bảo đảm quá trình đối thoại diễn ra bình đẳng, đồng thuận, có kết quả và tác dụng thực tế./.
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Lý luận và pháp luật về QCN. Nxb Lý luận chính trị, 2018. Tr.249,250
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Lý luận và pháp luật về QCN. Nxb Lý luận chính trị, 2018. Tr.253.
[3] Ngày 12/11/2013 (theo giờ Mỹ), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016
[4] Báo điện tử Đại tiếng nói Việt Nam, 3 năm là thành viên Hội đồng nhân quyền và dấu ấn Việt Nam. Truy cập 10/7/2017.
[5] Báo điện tử Đại tiếng nói Việt Nam, 3 năm là thành viên Hội đồng nhân quyền và dấu ấn Việt Nam. Truy cập 10/7/2017.
[6] Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát còn được gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), viết tắt là UPR, là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thường được gọi là UN-UPR, cơ chế này được thành lập theo nghị quyết Đại hội đồng 60/251 ngày 3 tháng 4 năm 2006. UPR định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Cơ chế này nhằm bổ sung, không trùng lặp với hoạt động của các cơ chế nhân quyền khác, bao gồm cả các cơ quan điều ước nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Đây là cơ chế nhân quyền quốc tế đầu tiên giải quyết vấn đề nhân quyền ở tất cả các quốc gia và tất cả các QCN..
[7] http://daidoanket.vn/chinh-tri/viet-nam-dac-biet-coi-trong-va-nghiem-tuc-thuc-hien-upr-tintuc428472.
[8] UN. Report of the Human Rights Council on its twelfth session. Tài liệu A/HRC/12/50
[9] UN. Report of the Working Group on the Universal Periodic Review: Vietnam. Tài liệu A/HRC/26/6/Add.1
[10] Thủ tục kín 1503 dựa trên Nghị quyết ECOSOC 1503 thông qua vào năm 1970 cho phép gửi các đơn kiện lên văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về QCN ở Geneva. Các đơn này sau đó sẽ được một nhóm chuyên gia của Tiểu ban về thúc đẩy và bảo vệ QCN xem xét. Thủ tục này chủ yếu áp dụng cho các hành vi vi phạm rộng rãi về QCN
[11] Nghị quyết 1235 do Hội đồng Kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thông qua năm 1967, để cho phép Uỷ ban QCN giải quyết các vụ vi phạm QCN rộng khắp và mang tính hệ thống trên toàn thế giới, theo thủ tục công khai.
[12] Bộ Tư pháp, Việt Nam với vấn đề QCN, Hà Nội, 2005, tr.329.
[13] Hội đồng Kinh tế ‐ Xã hội Liên Hợp Quốc (viết tắt là ECOSOC) do ĐHĐ bầura (Điều 61 Hiến chương). Các chức năng cơ bản của ECOSOC (Điều 62 Hiến chương) bao gồm: (a)… thực hiện những nghiên cứu và báo cáo về những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và kiến nghị về các vấn đề này cho ĐHĐ, các nước thành viên Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn hữu quan; (b)… đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người; (c)… chuẩn bị dự thảo các điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình lên ĐHĐ”; (d)… triệu tập các hội nghị quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, theo các thủ tục do Liên Hợp Quốc quy định”.
[14] Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp Quốc (tiếng Anh: Office of High Commissioner for Human Rights- OHCHR) là một cơ quan thuộc Liên hợp Quốc do Đại hội đồng thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1993 có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ các QCN được bảo hộ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và luật quốc tế ngay sau Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tổ chức tại Viên, Áo