Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã khai mạc lớp tập huấn cho các tác giả, cán bộ quản lý về kỹ năng biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung quyền con người ở các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp. Tham dự khóa tập huấn có các học viên là cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy các môn pháp luật, môn chính trị, các môn chung của các trường cao đẳng, trung cấp trong cả nước. Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn là những chuyên gia về quyền con người và các giảng viên thuộc Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh việc lồng ghép nội dung quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng chính là nhằm triển khai Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hoạt động cần thiết nhằm giúp người học nắm được các vấn đề cơ bản và hệ thống về vấn đề quyền con người, đồng thời hình thành kỹ năng đưa nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo, thực hành một số kỹ năng, phương pháp lồng ghép giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo.
Các giảng viên dự lớp tập huấn qua hình thức trực tuyến |
Bên cạnh các ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, với tư cách là thường trực Ban Điều hành Đề án giáo dục quyền con người theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ghi nhận những nỗ lực của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc triển khai các nội dung của Đề án trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện cũng như những đặc thù của giáo dục nghề nghiệp so với giáo dục phổ thông. Đây là nhiệm vụ chính trị đối với các Bộ, ngành cũng như các cơ sở giáo dục nên các cơ sở cần nghiêm túc triển khai để hoàn thành các mục tiêu của Đề án.
Kết thúc khóa tập huấn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn khoảng 30-40 giảng viên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để trở thành những hạt nhân tiếp tục tập huấn mở rộng cho giáo viên các trường, tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Đề án, từ đó hướng dẫn các trường tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu nội dung về quyền con người lồng ghép vào chương trình đào tạo tại cơ sở mình theo yêu cầu của Đề án./.
Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.