Nói về lịch sử quyền con người, người ta thường nhắc tới những văn kiện mang tính khai sáng của nhân loại, đó là: “Luật về các quyền của Anh” năm 1689; “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ; “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1789 của Pháp. Tuy nhiên, chỉ từ khi Liên hợp quốc ra đời, quyền con người mới được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Ngày 10-12-1948, Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bởi Nghị quyết 217A (III). Năm 1950, Đại hội đồng Liên hợp quốc lại một lần nữa ra Nghị quyết 423 (V) về Văn kiện này và kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội lấy ngày 10-12 hằng năm làm Ngày Nhân quyền thế giới. Từ đó đến nay, hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức chính tri - xã hội xem việc kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới là dịp để nhắc nhở các nhà nước và cộng đồng xã hội rằng, quyền con người luôn là mục tiêu mà các quốc gia, dân tộc phải hướng tới.

Còn nhớ, trong khi ở nhiều quốc gia, ngay từ thế kỷ XVII, XVIII, người dân ít nhiều được hưởng các quyền con người mà nhà nước đã tuyên bố, thì ở Việt Nam, dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, nhân dân ta vẫn phải chịu cảnh nô lệ, lầm than. Chỉ đến khi, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành thắng lợi, mang lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam mới được quan tâm đúng mức. Điều này cho thấy, quyền con người đến với dân tộc ta không như ở các nước tư bản phát triển, là thành quả của cách mạng dân chủ tư sản, mà là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

70 năm qua, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và bảo đảm quyền công dân và quyền con người là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Nhằm đảm bảo các quyền con người thực thi trong cuộc sống, trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt; đồng thời, đã cụ thể hóa các quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, so với các công ước quốc tế về quyền con người, văn kiện này đã thể hiện, tích hợp một cách khoa học, đầy đủ nhất các nguyên tắc và các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Chương II, Hiến pháp năm 2013, các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định một cách đầy đủ và tương thích với hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đó là: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” năm 1966. Trong chương này, các quyền dân sự, chính trị của người dân được xem là “nhạy cảm” cũng đã được quy định đầy đủ. Chẳng hạn, công dân có quyền: tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25).

Các nguyên tắc về quyền con người cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 bao gồm: Nguyên tắc trách nhiệm của Nhà nước với người dân. Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nguyên tắc “hạn chế” quyền đối với nhà nước và người dân. Khoản 2, Điều 14 quy định rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nguyên tắc “suy luận vô tội” cũng được quy định tại Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Cũng tại điều này, quy định về quyền được bồi thường của người dân và trách nhiệm phải xử lý người vi phạm pháp luật, đó là: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”, v.v.

Năm 2013, Việt Nam đã ký “Công ước chống tra tấn, 1984”. Theo đó, Công ước quy định Nhà nước bảo hộ quyền của tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh đều được tôn trọng nhân phẩm, không bị tra tấn, hạ nhục. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận, sửa các điều luật liên quan nhằm chống bức cung, nhục hình trong điều tra các vụ án, điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất đề cao và hướng tới bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người. Trong thời gian tới, các quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (như quyền thể hiện ý nguyện của người dân, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình - Điều 25) sẽ tiếp tục được thể chế bằng luật để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân vững chắc hơn nữa.

Cùng với đó, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Theo Báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông cho đến tháng 12-2014, cả nước có: 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; 90 báo và tạp chí điện tử; 215 trang, cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.

Đặc biệt là, với quan điểm, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, như: Chương trình 134, 1353, v.v. Nhờ đó, đời sống của các dân tộc thiểu số được nâng cao đáng kể. Hiện đã có 92% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% số xã có điện; 65% số xã có công trình nước sinh hoạt. Hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển rộng khắp; 99% số xã có trạm y tế và 94% số thôn, bản có cán bộ y tế. Hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện được xây dựng đồng bộ trên tất cả các vùng đồng bào dân tộc; tỷ lệ biết chữ (từ 10 tuổi trở lên) trong đồng bào dân tộc thiểu số là 83,8% .

Về quyền của các tôn giáo, quan điểm nhất quán của Đảng ta là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (Nghị quyết Trung 7, khóa IX). Trên tinh thần đó, các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hằng năm của nhiều tôn giáo đã được tổ chức trọng thể với hàng nghìn tín đồ tham gia. Các cơ sở thờ tự được các cơ quan nhà nước giúp đỡ trong việc cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng; nhiều chức sắc và nhà tu hành người Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ). Cùng với đó, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật (trong đó có các nạn nhân chiến tranh) và người nhiễm HIV/AIDS được Nhà nước bảo đảm và có nhiều chính sách giúp đỡ, v.v.

Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo. Chẳng hạn như: “mục tiêu về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói” Việt Nam đã “cán đích” từ năm 2002. Mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, Việt Nam cũng đã về đích vào năm 2010. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ, tỷ lệ nữ giới tham gia Quốc hội vào loại đứng đầu các nước ASEAN. Năm 2013, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với số phiếu cao nhất (184/192) trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (khóa 2014 - 2016). Sự kiện này, thêm một bằng chứng nữa về sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với việc bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, khẳng định mục tiêu nhất quán của Đảng ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

TS. CAO ĐỨC THÁI, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
______________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 70.

2 - Sđd, tr. 76.

3- Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004 của Tủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.