Tham gia Lễ Khai mạc, Về phía đoàn đánh giá có GS. Suzeini Bunti Abd Halim – Trưởng đoàn, GS. Yu Un Oppusunggu – Thành viên, Bà Piyapat Kultanan – Thư ký đoàn. Về phía Khoa Luật có, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa, TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Nguyễn Trọng Điệp – Phó Chủ nhiệm Khoa và lãnh đạo các đơn vị thuộc Khoa.

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết, với định hướng của ĐHQGHN, Khoa Luật rất chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng đào tạo ở các bậc đào tạo, một trong những hoạt động đó chính là hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Nổi bật là năm 2016, chương trình đào tạo đại học ngành Luật học đã được đánh giá chất lượng và đến nay, đây là chương trình đào tạo Luật học duy nhất trong cả nước được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN – QA. Khoa Luật nói riêng và ĐHQGHN nói chung luôn đánh giá cao các tiêu chí mà tiêu chuẩn AUN – QA đưa ra, từ các tiêu chí này, Khoa có thể nhìn nhận được những điểm mạnh và những điểm cần cải thiện để nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị mình. Với mục tiêu của ĐHQGHN là đến năm 2020 tất cả các chương trình đào tạo đều sẽ được kiểm định với các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, Khoa Luật rất vinh dự được tham gia lần đánh giá thứ 95 này cho một chương trình đào tạo tiên phong là thạc sĩ về Quyền con người.

Để đoàn đánh giá hiểu hơn về chương trình đào tạo tham gia đánh giá, PGS.TS. Vũ Công Giao đã có những giới thiệu cơ bản về chương trình và đưa ra những dẫn chứng về kết quả mà chương trình đào tạo đã đạt được trong thời gian vừa qua. Chương trình thạc sĩ chuyên ngành Pháp luật về Quyền con người được xây dựng theo định hướng nghiên cứu nhằm đào tạo những chuyên gia có kiến thức cơ bản, toàn diện và chuyên sâu về các vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền con người ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Với dung lượng là 47 tín chỉ thực hiện trong suốt thời gian đào tạo, sau khi tốt nghiệp, học viên của chương trình có thể làm công tác nghiên cứu, tư vấn, quản lý hoặc công tác thực tiễn tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đặc biệt là tại các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo, các viện, các trung tâm khoa học chuyên ngành pháp luật về quyền con người hoặc các chuyên ngành khác gần gũi với chuyên ngành pháp luật về quyền con người.

 

Nhấn mạnh vai trò của việc đánh giá chương trình đào tạo, GS. Suzeini Bunti Abd Halim đánh giá cao việc Khoa Luật đã chủ động triển khai các hoạt động đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực. Đặc biệt, GS. Suzeini Bunti Abd Halim cũng rất vui mừng được biết Khoa đã từng tham gia đánh giá chương trình đào tạo đại học ngành Luật học và Giáo sư hi vọng lần đánh giá này, Khoa sẽ tích cực hỗ trợ để đoàn đánh giá có thể hiểu hơn về chương trình đào tạo Thạc sĩ về Quyền con người.

Kết thúc phiên khai mạc, đoàn đánh giá sẽ có 06 buổi phỏng vấn các nhóm liên quan đến chương trình đào tạo Thạc sĩ về Quyền con người và tiến hành khảo sát thực tế cơ sở vật chất đảm bảo cho chương trình trong 03 ngày từ 21 – 23 tháng 11 năm 2017.

 

Sau chuỗi hoạt động đánh giá, ngày 23/11/2017, tại phiên Bế mạc, đoàn đánh giá đã có nhận xét với 11 tiêu chí đánh giá mà tiêu chuẩn AUN đưa ra gồm: Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; Mô tả chương trình đào tạo; Cấu trúc, nội dung chương trình; Phương pháp giảng dạy, học tập; Đánh giá chương trình từ phía người học; Chất lượng cán bộ giảng dạy; Chất lượng cán bộ hành chính; Chất lượng sinh viên; Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng; Nâng cao chất lượng; Việc làm.

 

 

 

 

 

 

 

Theo đó, đoàn đánh giá chương trình đào tạo thạc sĩ về Quyền con người đã có những nhận xét tích cực dành cho chương trình như: Chương trình xác định rõ nhu cầu và có các phản hồi của các bên liên quan khi xây dựng chuẩn đầu ra; chương trình đã có những tác động tích cực đến các chính sách và góp phần hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách giáo dục nhân quyền của Việt Nam; phương pháp học tập áp dụng cho chương trình là cởi mở, khuyến khích người học suy nghĩ độc lập và có những tương tác đa chiều đã giúp cho người học năng động và phát huy được kiến thức vào thực tiễn. Ngoài ra, nguồn học liệu hỗ trợ cho chương trình cũng được đoàn đánh giá đánh giá cao cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, đoàn đánh giá cũng lưu ý đến việc chương trình cần tăng cường thêm các kỹ năng dành cho người học và khuyến khích xây dựng nguồn học liệu số.

 

 

 

 

 

Có thể thấy, việc tham gia lần đánh giá thứ 95 này cho một chương trình đào tạo tiên phong là thạc sĩ về Quyền con người, Khoa Luật đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía đoàn đánh giá và hi vọng trong thời gian tới, Khoa Luật sẽ sớm nhận được kết quả tốt đẹp từ phía Hội đồng. 

Theo: Đại học Quốc gia Hà Nội