1. Một số thuật ngữ có liên quan
1.1. Quyền con người và quyền trẻ em
Quyền con người hay nhân quyền: đó là quyền cơ bản thuộc về mỗi người chỉ vì anh ấy hay cô ấy là một con người. Quyền con người dựa trên nguyên tắc mỗi người sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi.
Quyền con người đã được quy định trong các văn bản pháp lý khác nhau ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia. Đối với lĩnh vực GDMN, nói đến nhân quyền đó chính là quyền trẻ em.
Quyền trẻ em là các quyền cụ thể được ghi trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em1. Trẻ em có quyền đối với tất cả các quyền con người trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vì là đối tượng dễ bị tổn thương nên trẻ em cần có những quyền cụ thể, thể hiện qua 4 nhóm quyền: quyền được sống còn; quyền được bảo vệ; quyền được phát triển và quyền được tham gia.
Quyền con người cũng có nhĩa là quyền được sống trong nhân phẩm, được tự do. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều được tạo cơ hội đạt được tiềm năng đầy đủ. Tất cả trẻ em - không phân biệt đối xử - phải có khả năng phát triển đầy đủ, được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, lớn lên trong một môi trường thích hợp, được thông báo về các quyền của mình và được tham gia tích cực vào xã hội.
Quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng là công cụ để bảo vệ mọi người/trẻ em khỏi bạo lực và lạm dụng, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người/ mọi trẻ em, kích thích hành động có ý thức, có trách nhiệm để nhận biết và thực hiện quyền tự do của bản thân khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, đồng thời, chấp nhận thái độ, hành vi tôn trọng, hòa nhập, không phân biệt đối xử với người khác.
1.2. Giáo dục quyền con người
Giáo dục quyền con người là hoạt động có hướng đích của nhà giáo dục nhằm trang bị hệ thống kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi cho con người nhằm thực thi quyền con người. Giáo dục quyền con người nhằm giúp mọi người hiểu quyền con người và nhận ra rằng mình có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đầy quyền của tất cả mọi người2. Như vậy, giáo dục quyền con người tập trung vào:
- Trang bị hệ thống kiến thức về quyền con người, nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
- Phát triển ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền con người và thái độ tích cực trong việc ủng hộ, bảo vệ và thực thi trách nhiệm bảo vệ, thúc đẩy quyền con người.
- Phát triển hệ thống hành động tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phù hợp với thực tiễn.
Nói khái quát hơn: Giáo dục quyền con người là giáo dục về và giáo dục cho việc phát triển văn hóa nhân quyền3.
Giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Nguồn: moet.gov.vn
2. Tầm quan trọng của quyền con người trong giáo dục mầm non
Giáo dục quyền trẻ em cho những người làm việc ở cơ sở (GDMN), người lớn ở gia đình và cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, khi làm việc với trẻ em, người lớn thường xuyên phải đối mặt với việc cố gắng xác định hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không được chấp nhận. Thông thường, các quyết định lựa chọn hành vi của người lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm của họ hoặc các giá trị cá nhân. Giáo dục quyền trẻ em cho người lớn để cung cấp cho họ hệ thống kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi có liên quan hay nói các khác- cung cấp một khuôn khổ rõ ràng về quyền trẻ em để họ có thể đánh giá và lựa chọn thời điểm và cách tác động phù hợp, được chấp nhận đối với trẻ em - đối tượng được họ chăm sóc, giáo dục.
Việc giáo dục quyền trẻ em cho trẻ mầm non cũng đảm bảo rằng trẻ em biết những quyền của mình, tôn trọng quyền của trẻ em khác. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người khi trẻ lớn lên. Giáo dục quyền trẻ em còn củng cố các hành vi tích cực liên quan đến sự phản ánh, phê phán và tăng cường ý thức trách nhiệm của trẻ, giúp phát triển lòng tự trọng và sự tham gia tích cực của trẻ vào hoạt động của nhóm, của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nó cũng khuyến khích trẻ đồng cảm với người khác thông qua việc khuyến khích trẻ suy nghĩ về cách chúng tương tác với người khác và về cách chúng có thể thay đổi hành vi để phản ánh tốt hơn các giá trị của quyền con người.4 Nhờ đưa giáo dục quyền con người vào GDMN mà chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ em “nền móng” năng lực để tham gia vào việc xây dựng một thế giới không có vi phạm về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng một cách bền vững hơn.
3. Nội dung giáo dục quyền con người trong bậc học mầm non
3.1. Nguyên tắc đưa nội dung quyền con người vào giáo dục mầm non
(1) Đảm bảo tính pháp lý: Các quyền trẻ em được lựa chọn đưa vào trong GDMN Việt Nam phải được thể hiện trong các văn bản pháp lý được thừa nhận, đó là Luật Trẻ em năm 2016.
(2) Nguyên tắc “lấy trẻ em làm trung tâm”: nội dung giáo dục quyền con người đưa vào GDMN phải dựa trên nhu cầu, hứng thú và gần gũi với kinh nghiệm sống của trẻ, kích thích và tạo cơ hội cho trẻ chơi và trải nghiệm đa dạng, phù hợp, qua đó hình thành ở trẻ năng lực không chỉ “biết” về các quyền cụ thể và “thực hiện” các kỹ năng, hành vi cần thiết, mà còn được giáo dục để trẻ “trở thành” và “sống cùng nhau” trong một xã hội không vi phạm quyền con người.
(3) Nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhà trường- gia đình – cộng đồng: các nội dung quyền con người đưa vào GDMN được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để giới thiệu, truyền dạy các kiến thức, thái độ, kỹ năng và hành vi trong thực hiện, tôn trọng và thúc đẩy các quyền trẻ em, đồng thời, tạo cơ hội giúp họ chia sẻ, giao tiếp, gắn kết các thành viên trong nhà trường, gia đình, cộng đồng và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động, sự kiện của nhà trường với trẻ, qua đó thực hiện được mục tiêu giáo dục.
3.2. Yêu cầu lựa chọn nội dung quyền trẻ em đưa vào giáo dục mầm non
(1) Đảm bảo đầy đủ 4 nhóm quyền của trẻ em, đó là quyền được sống còn; quyền được bảo vệ; quyền được phát triển và quyền được tham gia. Cụ thể:
- Quyền được sống còn: Gồm các quyền liên quan tới điều kiện thiết yếu, cơ bản đảm bảo sự sống còn của trẻ như: dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, an toàn về tính mạng...
- Quyền được bảo vệ: Gồm các quyền liên quan tới quyền của trẻ em được bảo vệ: có họ tên và quốc tịch, được tôn trọng sự lựa chọn, riêng tư, giữ gìn bản sắc; không bị cách li với cha mẹ trừ khi cần thiết vì quyền lợi tốt nhất của trẻ em; chống lại mọi hình thức bỏ rơi, xao nhãng, lạm dụng, bóc lột, buôn bán trẻ em...
- Quyền được phát triển: Trẻ em phải được đảm bảo phát triển một cách đầy đủ theo đúng tiềm năng của trẻ.
- Quyền được tham gia: Trẻ em phải được tạo điều kiện đóng vai trò tích cực trong cộng đồng. Trẻ được tham gia, phát biểu về những vấn đề liên quan tới chúng; tự do biểu đạt; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; tiếp cận với thông tin phù hợp; hưởng đời sống văn hoá theo tôn giáo của mình và sử dụng ngôn ngữ riêng nếu là trẻ em thuộc những cộng đồng thiểu số hoặc bản địa.
(2) Lựa chọn nội dung giáo dục quyền trẻ em bảo đảm tính cơ bản, phù hợp với đặc điểm phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ.
(3) Các nội dung giáo dục quyền trẻ em phải được đưa vào thực hiện trong các hoạt động: chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục (trên 5 lĩnh vực phát triển) của trẻ mầm non.
3.3. Gợi ý các nội dung quyền trẻ em đưa vào giáo dục mầm non
Mỗi quốc gia đều thể chế hóa các quy định về quyền con người trong Công ước về quyền trẻ em đưa vào giáo dục trẻ em. Ở Việt Nam, Luật Trẻ em hiện hành đã quy định cụ thể các quyền trẻ em cần được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy.
Có thể điểm qua một số nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016 như sau:
a) Trẻ em là người dưới 16 tuổi, bao gồm cả trẻ em là người Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần được bảo vệ đặc biệt, đó là trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn...
b) Các quyền của trẻ em gồm 25 quyền (Mục 1, Chương 2), trong đó có các quyền cơ bản, đó là:
- Quyền sống: trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;
- Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân;
- Quyền được bí mật đời sống riêng tư: trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Quyền được sống chung với cha, mẹ: trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ, được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
c) Quy định 3 cấp độ bảo vệ trẻ em: Cấp độ phòng, ngừa; cấp độ hỗ trợ; cấp độ can thiệp. Trong đó, cấp độ phòng ngừa là quan trọng nhất áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em, trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, việc đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp tạm thời.
d) Quy định thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật. Đưa ảnh trẻ em từ 7 tuổi lên mạng phải được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và chính các em.
e) Quy định Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111, hoạt động 24 h tất cả các ngày trong tuần với 8 nhiệm vụ chính, đó là:
- Tiếp nhận thông tin, lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin có liên quan đến bảo vệ trẻ em và báo cáo định kỳ, đột xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em;
- Kiểm tra thông tin và chuyển thông tin này đến cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em;
- Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này;
- Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ...
g)Các quy định cụ thể về xử lý, phạt tù đối với hành vi xâm hại trẻ em: Ngược đãi trẻ em - phạt tù đến 5 năm; Hiếp dâm trẻ em dưới 10 tuổi - phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình; Buôn bán ma túy cho trẻ em - phạt tù từ 7-15 năm...
Như vậy, điểm qua những nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016 cho thấy đối với các đối tượng khác nhau cần lựa chọn các nội dung giáo dục khác nhau về quyền trẻ em:
- Đối với những người lớn làm việc với trẻ em ở cơ sở GDMN, ở gia đình và cộng đồng: rất cần trang bị kiến thức toàn diện về Luật Trẻ em, đặc biệt, từ việc xác định đầy đủ 25 quyền của trẻ em, giúp họ phân tích và vận dụng linh hoạt, hiệu quả Luật Trẻ em vào việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tương ứng với vai trò, vị trí, chức năng của họ, của tổ chức và phù hợp với thực tiễn nơi sinh sống.
- Đối với trẻ em: cần trang bị cho trẻ em hiểu được các quyền cơ bản của mình dưới hình thức phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Muốn vậy, cán bộ quản lý (CBQL), GVMN phải được hướng dẫn cách lựa chọn nội dung và tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể và trải nghiệm đa dạng, phong phú để trẻ em hiểu và thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền cơ bản của bản thân và của trẻ em khác.
3.4. Cách tiếp cận đưa nội dung quyền trẻ em vào giáo dục mầm non
a) Tiếp cận tích hợp:
Tích hợp nội dung giáo dục quyền trẻ em là cách giáo viên lựa chọn các nội dung giáo dục có chứa đựng những quyền cụ thể của trẻ em ở các lĩnh vực khác nhau và đưa vào hoạt động giáo dục trẻ để đạt mục tiêu giáo dục đặt ra. Theo quan điểm giáo dục tích hợp5, việc tích hợp nội dung giáo dục có thể được tiến hành theo những hướng sau:
(1) Tích hợp nội dung giáo dục theo hướng tiếp cận bộ phận.
- Tích hợp nội dung theo chủ đề: dựa trên quan điểm giáo dục "Lấy trẻ làm trung tâm" của Dewey, việc tích hợp nội dung theo các chủ đề gần gũi dựa trên đặc điểm cá nhân, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và nguyện vọng, sở thích của trẻ trên nguyên tắc tự nguyện, chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động cá nhân, của nhóm ở nhà cũng như ở trường mầm non, tạo điều kiện cho trẻ có những cơ hội trải nghiệm học tập và rèn luyện các năng lực, phẩm chất cá nhân; tạo cơ hội cho GVMN hướng dẫn trẻ tìm hiểu, khám phá những sự kiện, hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh trẻ. Khi tìm tòi khám phá chủ đề, trẻ tích cực suy nghĩ, vận dụng những điều đã biết để giải quyết các tình huống gần gũi của cuộc sống, giúp cho trẻ nhanh chóng thích ứng, hoà nhập tích cực vào các mối quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho trẻ hoạt động một cách chủ động, tích cực và sáng tạo theo khả năng, theo nhu cầu, hứng thú của trẻ.
- Tích hợp nội dung trong một hoạt động và nhiều hoạt động giáo dục “liên môn” hoặc “xuyên môn”. Trong một hoạt động, các nội dung được tổ chức thực hiện một cách riêng rẽ nhưng có liên hệ với nhau về tính logic hoặc mức độ khó của nội dung trong quá tổ chức hoạt động nhằm đạt được mục tiêu giáo dục. Tích hợp nội dung trong nhiều hoạt động giáo dục, các hoạt động có mối liên hệ với nhau về mục tiêu, nội dung và được thực hiện qua nhiều hoạt động giáo dục: thể chất, làm quen với toán, ngôn ngữ, đọc, kể chuyện, âm nhạc, tạo hình, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội...
(2) Tích hợp nội dung giáo dục theo hướng tiếp cận tổng thể.
Tích hợp nội dung giáo dục quyền trẻ em theo những mục tiêu chung cho nhiều hoạt động. Mục tiêu tích hợp này được thực hiện thông qua những tình huống tích hợp phức hợp và được giải quyết bằng sự phối hợp những kiến thức lĩnh hội được từ nhiều hoạt động giáo dục khác chứ không phải thông qua những đề tài tạo thành một cơ hội để đưa những kiến thức lĩnh hội lại gần nhau một cách riêng rẽ.
(3) Tích hợp nội dung giáo dục theo hướng tiếp cận hỗn hợp: kết hợp các cách trên với nhau.
Hiện nay, cách tiếp cận kiểu 1 - tích hợp nội dung theo tiếp cận bộ phận (theo chủ đề, theo hoạt động “liên môn” và “xuyên môn”) được sử dụng rộng rãi trong GDMN.
Để thực hiện tích hợp nội dung giáo dục quyền trẻ em vào GDMN cần thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
– Nguyên tắc 1: Nội dung giáo dục quyền trẻ em được tích hợp trong tất cả các lĩnh vực giáo dục: Giáo dục phát triển thể chất; Giáo dục phát triển nhận thức; Giáo dục phát triển ngôn ngữ; Giáo dục phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội; Giáo dục phát triển thẩm mĩ.
– Nguyên tắc 2: Nội dung giáo dục về quyền trẻ em được đưa vào các hoạt động từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ, không gây quá tải.
– Nguyên tắc 3: Nội dung giáo dục về quyền trẻ em được tích hợp trong các hoạt động phải gần gũi với trẻ, gắn với thực tế của nhà trường, địa phương.
– Nguyên tắc 4: Nội dung giáo dục về quyền trẻ em có thể được tích hợp trong cả một hoạt động hay một phần của hoạt động hoặc liên hệ thực tế, đảm bảo phù hợp với trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường.
b) Tiếp cận phát triển
Cách tiếp cận này xem giáo dục là yếu tố định hướng sự phát triển với nghĩa “dẫn dắt” trẻ đi từ “vùng phát triển hiện tại” đến “vùng phát triển gần nhất”6 một cách liên tục. Kết quả của quá trình giáo dục chính là tạo ra năng lực mới của trẻ - sự hiểu biết, thái độ, kỹ năng hành động. Cách tiếp cận này chú trọng nhiều đến trang bị cách học, chú trọng đến từng cá nhân trẻ, nhóm nhỏ, trên cơ sở nhu cầu, sở thích và khả năng của chúng. Các bài giảng được tổ chức dưới dạng các hoạt động tích hợp khác nhau nhằm giúp trẻ em lĩnh hội dần các kinh nghiệm học tập thông qua việc chủ động tham gia giải quyết các tình huống thực tế, đa dạng mang tính trải nghiệm. Vai trò của giáo viên cũng thay đổi, không chỉ đơn thuần truyền thụ tri thức, mà trở thành người cố vấn cung cấp thông tin, người hướng dẫn, gợi mở cách giải quyết vấn đề để trẻ phải tự mình tìm cách giải quyết vấn đề. Cách tiếp cận phát triển trong thực hiện chương trình hay nội dung giáo dục được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ ở bậc học mầm non mà cả các bậc học khác cao hơn.
3.5. Phương thức đưa nội dung quyền trẻ em vào giáo dục mầm non
a) Đưa vào các chủ đề giáo dục và hoạt động giáo dục ở trường mầm non
Đưa vào chủ đề giáo dục
- Xác định tên chủ đề và thời gian thực hiện chủ đề trong năm học, từ đó xác định được mức độ phát triển của trẻ hiện tại;
- Xác định các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần giáo dục quyền trẻ em được thực hiện tích hợp trong chủ đề;
- Xác định các hoạt động giáo dục có thể tích hợp nội dung giáo dục quyền trẻ em.
Thực hiện tích hợp nội dung và sử dụng phương pháp giáo dục quyền trẻ em vào các hoạt động giáo dục trong ngày
Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo chủ đề, giáo viên có thể tích hợp các nội dung và sử dụng các phương pháp giáo dục quyền trẻ em trong các tình huống, thời điểm sinh hoạt một cách phù hợp như:
- Đón trẻ: Giáo viên có thể trò chuyện hoặc cho trẻ xem tranh ảnh hoặc các tình huống liên quan đến thực hiện các quyền trẻ em với bản thân mình, với bạn bè ở trong nhóm, lớp; với anh, chị, em ở nhà. Khuyến khích trẻ liên hệ thực tế và hướng dẫn trẻ thể hiện cách ứng xử phù hợp.
- Hoạt động học: Xác định được các nội dung cụ thể và mức độ tích hợp hợp lý trong các lĩnh vực học của trẻ: phát triển vận động; làm quen với Toán; khám phá khoa học; làm quen với tác phẩm văn học; phát triển ngôn ngữ; âm nhạc, tạo hình…
- Hoạt động ở các góc: Làm sách tranh; tô màu; chơi trò chơi với các nội dung có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em của bản thân và các bạn.
- Hoạt động ngoài trời: Quan sát, trò chuyện, thảo luận về những nơi nguy hiểm cần tránh, những yếu tố/ nhân tố có nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân cần phòng, ngừa. Chơi các trò chơi thực hành kỹ năng thực hiện quyền trẻ em của bản thân và quyền của trẻ em khác.
- Hoạt động vệ sinh, ăn trưa: nhắc nhở trẻ kiên nhẫn, tôn trọng bạn khác, chờ đến lượt...
- Hoạt động chiều: Thực hành các tình huống nguy cơ hay chơi các trò chơi rèn luyện kỹ năng thực hiện quyền trẻ em của bản thân và bạn bè. Nghe kể chuyện, đóng kịch, đọc thơ...có nội dung liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.
b) Hình thức và phương pháp đưa nội dung giáo dục quyền trẻ em vào các hoạt động phối hợp giữa nhà trường với cha, mẹ
Trao đổi trực tiếp với cha, mẹ
Trao đổi trực tiếp với cha, mẹ qua giờ đón, trả trẻ: thời gian này thường rất ngắn, vì vậy, giáo viên nên chọn lọc những thông tin cần thiết nhất về trẻ để trao đổi với cha, mẹ của trẻ. Ví dụ: Cha, mẹ cần ứng xử như thế nào để trẻ không có mặc cảm bị phân biệt đối xử với các anh, chị mình; Cha, mẹ cần dành thời gian trò chuyện và chơi với trẻ ra sao... Có thể trang bị thêm cho cha, mẹ một số tình huống chơi hay trải nghiệm với trẻ để họ thực hiện tại nhà nhằm củng cố các hành vi tích cực của trẻ.
Tổ chức mời cha, mẹ tham quan, tham dự các buổi sinh hoạt của lớp
Tổ chức cho cha, mẹ đến xem các hoạt động ở các góc chơi, các sản phẩm của trẻ, tham dự các hoạt động học, lao động giản đơn... Qua đó, cha, mẹ hiểu biết cụ thể về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cách giáo dục và kích thích trẻ bộc lộ bản thân nhằm phát triển toàn diện, trên cơ sở tính đến đặc điểm cá nhân của mỗi trẻ, tôn trọng sự khác biệt và công bằng trong tạo cơ hội cho trẻ phát triển. Trên cơ sở đó, cha, mẹ có sự hiểu biết, cảm thông và đồng tình với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm quyền trẻ em và tích cực phối hợp với nhà trường trong chăm sóc, giáo dục các em.
Tổ chức họp phụ huynh
Thông thường họp phụ huynh được tổ chức định kỳ 3 lần/năm học. Trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên thông báo và thảo luận với cha, mẹ trẻ về nhiệm vụ, yêu cầu và kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp và nhà trường, thảo luận các nội dung, biện pháp phối hợp thực hiện, trong đó có nội dung giáo dục quyền trẻ em. Nhà trường và giáo viên cũng có thể lồng ghép các nội dung phổ biến kiến thức và kỹ năng, hành vi thực hiện quyền trẻ em trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà cho cha, mẹ.
Sử dụng bảng thông báo
Bảng thông báo nên dán, treo ở nơi cha, mẹ dễ nhìn thấy khi đưa, đón con. Có thể có một số nội dung thông báo như thông tin nóng về vi phạm quyền trẻ em, các quyền trẻ em và các hành vi không được làm đối với trẻ em... Các chữ viết trên bảng cần phải to, rõ ràng, dễ đọc và nên có hình ảnh, sơ đồ, màu sắc, trang trí đẹp mắt, thu hút sự chú ý của cha, mẹ và được thay đổi, cập nhật kịp thời. Đặc biệt, nên có mục “những việc cha, mẹ cần làm ngay” để đưa ra những nội dung, yêu cầu cha, mẹ phối hợp với giáo viên để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em.
Trong bảng thông báo nhà trường nên chụp và trưng bày những hình ảnh hoạt động của trẻ ở lớp, ở trường, đồng thời khuyến khích phụ huynh tham gia trưng bày những hình ảnh hoạt động của trẻ ở nhà và khu phố, cộng đồng có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Sử dụng sổ liên lạc/ thông tin liên lạc qua điện thoại, qua mạng xã hội hay thư thông báo.
Sổ liên lạc có thể được sử dụng trao đổi hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng với cha, mẹ để thông báo, nhận xét về sự phát triển của trẻ sau một giai đoạn phát triển/ chủ đề giáo dục và những đề nghị cụ thể đối với gia đình trẻ trong việc phối hợp với giáo viên, nhà trường để chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm quyền trẻ em. Thư thông báo sử dụng trong trường hợp cần thông tin nhanh, sự việc đơn lẻ. Ví dụ: thông báo họp phụ huynh, mời tham dự buổi nói chuyện/ tuyên truyền/ tọa đàm... với nội dung thực hiện quyền trẻ em hay giáo dục quyền trẻ em cho cha, mẹ như phòng, chống bạo lực với trẻ em gái, các biểu hiện tình yêu thương chân thật của cha, mẹ với con hay thực hành kỷ luật tích cực với trẻ em trong gia đình...
Tổ chức phát thanh tuyên truyền trong nhà trường hay trong cộng đồng (thôn/ bản)
Đây là hình thức tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền rất hiệu quả, cung cấp các thông tin cần thiết tới cha, mẹ, nhất là thông tin được phát vào buổi sáng - vào giờ đón trẻ, và chiều – vào giờ trả trẻ. Nhà trường viết bài và đưa tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, chỉ rõ các nhóm quyền cụ thể và các quy định về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em đối với các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng; các hành vi không được làm và mức độ xử phạt, cũng như phổ biến, cập nhật thông tin về các tấm gương điển hình hay các mô hình/ hoạt động có hiệu quả trong thực hiện quyền trẻ em, giới thiệu kết quả phát triển của trẻ mầm non trong cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn cho cha, mẹ các kỹ năng, hành vi cần thiết để tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em trong từng gia đình.
Mời cha, mẹ tham gia các hoạt động nhằm tăng cường kiến thức, thái độ và kỹ năng, hành vi thực hiện quyền trẻ em trong trường mầm non
- Tham gia các buổi phổ biến kiến thức về quyền trẻ em và giáo dục quyền trẻ em cho trẻ mầm non;
- Tư vấn, thiết kế và tham gia các hoạt động xây dựng môi trường giáo dục trong nhóm, lớp và nhà trường đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo hành đối với trẻ mầm non;
- Tham gia góp ý cho CBQL và GVMN về quản lý nhóm lớp và quản lý trẻ, bảo vệ trẻ em, phòng, tránh bạo hành, xâm hại trẻ em và loại trừ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và bạo hành đối với trẻ em;
- Chung tay với nhà trường trong xử lý các tình huống hay tai nạn khẩn cấp đối với trẻ em.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục -Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam