Pháp quyền (rule of law, đôi khi còn được gọi là “pháp trị") và chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism, đôi khi còn được gọi là chủ nghĩa hiến pháp hay hiến pháp trị") là những phạm trù ngày càng trở nên quen thuộc và được thảo luận nhiều ở Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 2011 của Đảng xác định rõ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù vậy, do đây là những lý luận vẫn còn tương đối mới nên xét tổng quát, nhận thức về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến vẫn còn chưa rõ ràng và thống nhất ở Việt Nam. Điều đó đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về hai vấn đề quan trọng này nhằm cung cấp cơ sở lý luận cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Xuất phát từ thực tế kể trên, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức xuất bản cuốn sách này để cung cấp thêm một tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý của nước ta trong việc tìm hiểu pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến từ góc độ những quan điểm và mô hình bên ngoài.
Với mục tiêu như vậy, cuốn sách bao gồm 22 tiểu luận của các học giả nước ngoài đề cập đến các nguyên lý nền tảng, các yếu tố cấu thành và một số vấn đề có thể coi là những yêu cầu chung của mọi nền pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, cụ thể như pháp luật, hiến pháp, dân chủ, quyền con người-quyền công dân, phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước, tư pháp độc lập, tự do báo chí, xã hội dân sự... Ngoài ra, sách còn bao gồm một tập hợp các bài chính luận về chế độ liên bang (thực chất là về những nội dung cơ bản của Hiến pháp) và một bản giới thiệu khái quát về bộ máy chính quyền của nước Mỹ - quốc gia được các nhà luật học trên thế giới xem như là một trong những mô hình tiêu biểu về chính quyền được xây dựng và vận hành theo các nguyên tắc của pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến.
Không giống những ấn phẩm khác trong đó chỉ tập trung giới thiệu tác phẩm của các nhà triết học và luật học cổ và cận đại về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, trong cuốn sách này, ngoài những tham luận về chế độ liên bang, các tiểu luận đều mới được viết trong vài thập kỷ gần đây bởi các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia thời hiện đại. Vì vậy, ngoài việc nhấn mạnh và đào sâu những khía cạnh lý luận mà các số nhà tư tưởng thời cổ và cận đại như Plato, Aristotle, John Locke, John Stuart Mill, Jean-Jacques Rousseau. A.V.Dicey... đã từng đề cập, nhiều tiểu luận trong cuốn sách này còn soi chiếu những lý luận đó với sự phát triển và thực tế đời sống chính trị, pháp lý trên thế giới trong thời gian gần đây để từ đó rút ra những nhận định và kết luận mang giá trị thực tiễn.
Thông qua cuốn sách này, độc giả có thể thấy một bức tranh đa dạng về quan điểm, nhận thức và thực trạng về nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến ở các quốc gia trên thế giới. Mặc dù nội dung của sách tập trung phân tích mô hình nước Mỹ, song đơn thuần chỉ nhằm làm rõ hơn các khía cạnh lý luận của vấn đề, hoàn toàn không có hàm ý rằng hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền của nước Mỹ đã đạt tới mức độ hoàn thiện hoặc cần phải coi là khuôn mẫu cho các quốc gia khác. Thực tiễn cho thấy chưa có một mô hình hoặc một cấu trúc nhà nước nào là hoàn thiện trong lịch sử loài người, xét trên phương diện pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến. Thêm vào đó, lịch sử cũng đã chứng minh rằng, việc sao chép nguyên xi cách thức tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước của một quốc gia này cho một quốc gia khác sẽ không thể thành công. Tuy nhiên, đồng thời cần thấy rằng việc nghiên cứu tiếp thu những tri thức mới, tiến bộ và hợp lý từ bên ngoài, đặc biệt trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, là rất cần thiết cho sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia. Nhà nước pháp quyền, dù hiện nay vẫn còn một số điểm gây tranh cãi, song qua thời gian đã chứng minh là bước phát triển mang tính tất yếu, quy luật trong lịch sử loài người. Lý luận về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến đã được nhào nặn, bồi đắp qua hàng ngàn năm bởi nhiều nhà tư tưởng, học giả và chuyên gia ở nhiều khu vực, thuộc nhiều dân tộc và quốc gia. Vì vậy, tìm hiểu những tư tưởng về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến chính là khai thác kho tàng tri thức về chính trị - pháp lý của nhân loại. Nói như nhà bác học Newton, đây chính là việc: "...đứng trên vai của các bậc vĩ nhân" để có thể phóng tầm nhìn xa hơn và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của xã hội.
Do những hạn chế về nguồn lực và thời gian, cuốn sách này chắc chắn vẫn còn những thiết sót và chưa thể thoả mãn nhu cầu tìm hiểu của độc giả về hai vấn đề rộng lớn và phức tạp là pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến. Mặc dù vậy, chúng tôi hy vọng nó sẽ là một trong những tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu về hai vấn đề này để xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời gian tới. Chúng tôi mong nhận được ý kiến góp ý chân tình của bạn đọc để có thể xuất bản những ấn phẩm tốt hơn về sau./.