Giáo dục quyền con người có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường việc tôn trọng quyền con người và các tự do cơ bản, phát triển đầy đủ nhân cách và tôn trọng phẩm giá con người; thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng, không có sự phân biệt về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội...

Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền, góp phần giúp trẻ biết bảo vệ quyền của mình và bảo vệ quyền của người khác khi có sự vi phạm. Mục đích và lợi ích đem lại của giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông là để xây dựng ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, hiểu biết và tôn trọng và bảo vệ quyền con người, ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc nâng cao nhận thức về giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông càng có ý nghĩa quan trọng.

Ở Việt Nam, quyền con người từ lâu đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Để tăng cường giáo dục về quyền con người, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1309 về Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong  hệ thống giáo dục quốc dân. Kể từ khi triển khai Đề án đến nay, nhiều hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về quyền con người đã được triển khai.

Hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong một số chương trình đào tạo chính khóa như giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung về quyền công dân, quyền trẻ em đã có trong một số môn học như: Đạo đức, Khoa học, Giáo dục công dân, Ngữ văn... Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các lớp, cấp học khác nhau.

Cấp tiểu học được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5 với độ tuổi tương ứng là 6, 7, 8, 9, 10. Đây là thời điểm các em bắt đầu bước vào môi trường học đường, với những đặc điểm tâm lý đặc trưng là tính hồn nhiên, mang nặng màu sắc cảm tính. Chính vì thế, việc đưa nội dung về quyền con người vào chương trình môn học và các hoạt động giáo dục phải được diễn giải để phù hợp với tâm hồn, tâm lý, phù hợp với sự phát triển trí tuệ của trẻ em với những thuật ngữ diễn đạt cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ với mục tiêu là biết tôn trọng bản thân, yêu quý cha mẹ, ông, bà, thầy, cô, bạn bè; làm quen được với các quyền và bổn phận của trẻ em, biết tôn trọng quyền của các bạn trong lớp. Hiểu được trách nhiệm xã hội; tư cách công dân; phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu, quyền.

Giáo dục quyền con người ở bậc tiểu học là hoạt động có hướng đích của nhà giáo dục nhằm trang bị hệ thống kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi cho các em. Đây là độ tuổi quan trọng để thực hiện giáo dục quyền con người. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người ở bậc tiểu học nói riêng được thảo luận ở các hội nghị, diễn đàn, chương trình quốc tế về quyền con người. Các chuẩn mực và nghĩa vụ thực hiện giáo dục quyền con người cũng được xây dựng và ghi nhận trong nhiều văn kiện, hướng dẫn, chương trình quốc tế về quyền con người.

Cuốn Giáo dục quyền con người trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở Việt Nam (Tài liệu hướng dẫn giảng dạy) là kết quả nỗ lực của tập thể tác giả Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số chuyên gia, nhà khoa học của Vụ Giáo dục Tiểu học, cơ sở giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo về quyền con người theo quan điểm, chủ trương của Đảng và của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực nhận thức, năng lực tổ chức, thực hiện và đánh giá các hoạt động giáo dục quyền con người cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường phổ thông nói chung và cấp tiểu học nói riêng.