Sáng 17/4, tiếp tục chương trình Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Các ý kiến nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.
Tăng hỗ trợ trẻ, ưu đãi giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó có có chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khi đến trường.

Đối tượng hỗ trợ chi phí học tập, ngoài đối tượng theo quy định hiện hành, bổ sung đối tượng hỗ trợ chi phí học tập bao gồm cả trẻ mẫu giáo đang học tại các trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quy định nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị quy định chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút, ưu đãi với giáo viên mầm non; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non để thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Chính phủ dự kiến tổng dự toán kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2026-2030 là 116.314 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa) là 1.062 tỉ đồng/năm. Kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo là 2.827,6 tỉ đồng. Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện phổ cập là 3.296,8 tỉ đồng/năm.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn trên và quy định trong nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như: xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hằng năm,...
Về đội ngũ giáo viên mầm non, theo đánh giá tác động dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là 26.522 biên chế/65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu.
Cơ quan thẩm tra cho rằng cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp. Số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 và đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Chính phủ đề nghị bổ sung đối tượng trẻ mẫu giáo 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp được hỗ trợ chi phí học tập. Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục cho rằng đây là thẩm quyền thuộc Chính phủ, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.
Cơ quan thẩm tra nhất trí quy định hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung xây dựng chính sách đối với giáo viên mầm non thực hiện công tác phổ cập.

Thường trực Ủy ban tán thành với chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non và cho rằng, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi đối với cơ sở giáo dục mầm non thực hiện phổ cập trên phạm vi toàn quốc cần nguồn lực lớn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải xác định mục tiêu, lộ trình cụ thể, trong đó tính đến đặc thù của các vùng, miền.
Theo quy định hiện nay, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, việc tập trung ngân sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi sẽ rất khó khăn, Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thống nhất kiến nghị nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo.
Cần chính sách đột phá thu hút tư nhân
Thảo luận, ông Phan Văn Mãi – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính đặt vấn đề có nên cấp đất cho mầm non tư thục tại các khu công nghiệp hoặc sẵn sàng chuyển một số trường mầm non trong khu vực này cho tư nhân quản lý, đảm bảo chất lượng theo quy định hay không, bởi làm được thì sẽ thu hút tư nhân tham gia đầu tư, không tốn tiền vận hành hằng năm.
“Mạnh dạn thì mới huy động được nguồn lực xã hội cho giáo dục mầm non. Phải đầu tư nghiên cứu chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục sớm cho các em. Không nên băn khoăn tố bao nhiêu tiền, thấy việc cần làm thì trăm nghìn tỷ đồng vẫn phải làm”, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm.

Liên quan đầu tư cơ sở mạng lưới cho giáo dục mầm non, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính đề nghị mạnh dạn thí điểm cơ chế nhà nước đầu tư xây dựng sau đó chuyển giao cho tư nhân quản lý, vì họ sẽ làm rất tốt.
Dẫn thực tế từ địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng ở nơi đông dân cư, khu vực phát triển thì nhà đầu tư giáo dục mầm non rất nhiều, còn ở vùng khó khăn chưa được quan tâm. Do đó nếu có đột phá đầu tư mạng lưới trường lớp, chính sách ưu đãi, vượt trội với nhà đầu tư thì sẽ thu hút được xã hội tham gia.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh việc khuyến khích các khu công nghệp dành quỹ đất cho giáo dục mầm non và có chính sách thu hút tư nhân vì họ có vai trò rất lớn.
Cho rằng vướng mắc lớn nhất trong việc xây dựng trường mầm non chính là đất đai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Lê Quang Mạnh đề nghị có cơ chế tiếp cận đất đai tốt hơn đối với các chủ đầu tư trong lĩnh vực này.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025 - 2026, cũng đã có kết luận yêu cầu Đảng ủy Chính phủ, Bộ GD-ĐT, mở rộng đối tượng miễn học phí đối với học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông.
Theo đó, học sinh trường dân lập, tư thục được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định của pháp luật. Hiện, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần này.
NGỌC THÀNH/VOV
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/chinh-phu-de-xuat-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-tu-3-den-5-tuoi-post1192688.vov