Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản của nhà nước, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất với các chức năng hạn chế quyền lực nhà nước, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân; trở thành công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo nhân quyền ở mỗi quốc gia. Hiến pháp Nhật Bản với tính cách là một hiến pháp dân chủ và tiến bộ đã ghi nhận chủ quyền thuộc về nhân dân. Với các quy định về phân quyền, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước, bản hiến pháp này đã góp phần quan trọng vào việc bảm đảm nhân quyền ở Nhật Bản. Bài viết đề cập đến vai trò của hiến pháp nói chung và Hiến pháp Nhật Bản nói riêng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
1. Hiến pháp là công cụ pháp lý đảm bảo quyền con người, quyền công dân[1][2]
Hiến pháp là văn bản có vị trí cao nhất trong thang bậc hiệu lực pháp lý, đóng vai trò là đạo luật gốc, làm cơ sở cho các văn bản khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia. Những nội dung không thể thiếu trong hầu hết các bản hiến pháp, đó là những quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân đã làm cho hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhân quyền. Sau đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể vai trò của hiến pháp trên các phương diện cụ thể.
Thứ nhất; Hiến pháp đóng vai trò là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân.
Muốn đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì trước hết nhà nước phải ghi nhận những quyền đó, nếu không có sự ghi nhận thì sẽ không có sự bảo vệ và thúc đẩy việc hiện thực hóa những quyền này. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp cũng là cách để một quốc gia tuyên bố với thế giới về tình trạng nhân quyền của nước mình.
Lịch sử nhân loại đã cho thấy, ngay từ khi giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tư sản làm thay đổi địa vị của người dân từ “thần dân” sang “công dân”, trở thành những người có quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giai cấp tư sản đã chú ý đến việc bảo vệ thành quả này. Theo đó, điều cần phải làm là ghi nhận những quyền này như một sự tuyên bố về nhân quyền và phải bảo vệ những quyền đó trước sự xâm phạm của mọi chủ thể trong xã hội, kể cả từ phía nhà nước. Muốn đáp ứng được điều đó thì cần có một văn bản pháp lý có hiệu lực cao để ghi nhận các quyền con người với tư cách là thành quả của cuộc cách mạng tư sản. Cũng từ đây, hiến pháp với tư cách là văn bản pháp lý ghi nhận các quyền tự do của con người ra đời. Như vậy, ngay từ đầu, hiến pháp đã là văn bản quan trọng ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Nhờ sự ghi nhận này mà quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, được tôn trọng và được bảo đảm. Có thể nói rằng, hiến pháp sinh ra là để mang sứ mệnh bảo đảm quyền con người. “Nếu như không có vấn đề phải bảo vệ nhân quyền thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản hiến pháp cho mỗi một quốc gia”[3].
Ngày nay, các quốc gia đều ghi nhận quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp của nước mình. Chương về “quyền con người, quyền công dân” thường được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Có thể nói rằng quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của một quốc gia là một sự đảm bảo pháp lý để các quyền đó được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng hiến pháp chính là văn bản đảm bảo nhân quyền ở một quốc gia. Đảm bảo bằng cách ghi nhận những quyền đó. Sở dĩ nói như vậy là vì việc ghi nhận là điều rất quan trọng, là bước khởi đầu cho việc thực hiện các bước tiếp theo đó là bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở một quốc gia. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp của một nước cũng là sự khẳng định và đảm bảo về mặt số lượng cũng như phạm vi các quyền mà các công dân cũng như cá nhân nước ngoài sống tại nước đó được hưởng thụ.
Thứ hai, Hiến pháp đóng vai trò là công cụ hạn chế quyền lực nhà nước để bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trước hết cần phải khẳng định rằng việc hạn chế quyền lực nhà nước là một điều rất quan trọng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở một quốc gia bởi lẽ, những quyền này rất dễ bị xâm phạm từ phía nhà nước. Nhà nước bảo đảm quyền con người nhưng “nhà nước cũng là một trong những nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm nhất cho sự vi phạm nhân quyền vì so với các chủ thể khác trong xã hội, nhà nước có nhiều ưu thế hơn đó là nắm quyền lực trong tay, có nhân lực, có vũ khí, tiền bạc và được quyền bắt, giam, giữ con người khi cho họ là những nghi can, theo quy định mà chính bản thân nhà nước đặt ra. Bảo vệ nhân quyền trước hết và hơn bao giờ hết phải có sự ngăn ngừa từ phía Nhà nước. Ngăn ngừa bằng cách quy định một cách chặt chẽ các cách thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước”[4]. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước cần phải: (i) có phân quyền để tránh tập trung quyền lực vào một cơ quan, tổ chức hay cá nhân; (ii) phải có cơ chế để các nhánh quyền lực chỉ được hoạt động trong phạm vi pháp luật cho phép.
Hiến pháp với tư cách là văn bản quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đã đáp ứng được hai yêu cầu nêu trên nên có thể nói rằng hiến pháp là văn bản hạn chế quyền lực nhà nước. Việc quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong hiến pháp theo tam quyền phân lập có sự phân chia, kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực giúp tránh được kiểu quyền lực tập trung vào trong tay một người hay một nhóm người, dẫn đến quyền lực không có giới hạn giống quyền lực của các vị vua phong kiến chuyên quyền, độc đoán và hệ quả là quyền con người rất dễ bị xâm phạm vì ở đâu có sự độc đoán chuyên quyền là ở đó không có dân chủ và nhân quyền hoặc quyền con người bị xâm phạm nhiều nhất. Bên cạnh đó, việc kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực còn có tác dụng ngăn chặn sự lạm quyền, vượt quyền dẫn đến xâm phạm quyền con người của các cơ quan nhà nước.
Như vậy, với nội dung cơ bản và không thể thiếu trong bất cứ bản hiến pháp nào, đó là quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân quyền, hiến pháp đã trở thành công cụ pháp lý giới hạn quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự vượt quá giới hạn về quyền lực của các cơ quan, cán bộ nhà nước, bắt buộc họ chỉ được phép sử dụng quyền lực được giao trong phạm vi cho phép. Nhờ đó mà có sự đảm bảo cần thiết cho quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.
Thứ ba; Hiến pháp là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của nhà nước để quyền con người, quyền công dân được thực thi.
Việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận từ phía nhà nước về những quyền ấy mà còn là sự khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong việc hiện thực hóa những quyền này. Điều đó có nghĩa rằng, khi một nhà nước ghi nhận các quyền cho công dân của mình và cho các cá nhân sống trong lãnh thổ quốc gia thì đồng thời cũng xác lập nghĩa vụ đảm bảo những quyền đó được thực thi. Như vậy, quyền con người, quyền công dân luôn song hành với nghĩa vụ của nhà nước. Do vậy, có thể nói rằng, hiến pháp chính là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân của một quốc gia; đồng thời cũng là văn bản quy trách nhiệm của nhà nước đó trong việc phải tạo ra điều kiện vật chất cũng như cơ chế để hiện thực hóa những gì đã ghi nhận.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước có tính bắt buộc chung đối với toàn xã hội, trong đó và trước hết là những cơ quan, cán bộ nhà nước. Điều đó có nghĩa rằng, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực trong việc tạo ra cơ chế (ban hành thể chế và thành lập các thiết chế) để các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Nếu không tạo điều kiện và cơ chế để hiện thực hóa các quyền con người, quyền công dân ghi trong hiến pháp thì chính nhà nước cũng bị coi là không hoàn thành trách nhiệm và trong một chừng mực nhất định có thể bị coi là vi hiến. Do vậy, có thể nói rằng, trong trường hợp này hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm bằng cách “bắt” nhà nước phải thực hiện chính những gì mà mình đã ghi nhận về quyền con người, quyền công dân trong nội dung của hiến pháp.
2. Hiến pháp Nhật Bản với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Hiến pháp Nhật Bản hay còn gọi là Hiến pháp 1946 gồm 11 chương và 103 điều, có nhiều thay đổi so với Hiến pháp Minh Trị trước đó. Hai trong ba nội dung chính của Hiến pháp đó là chủ quyền thuộc về nhân dân và tôn trọng quyền cơ bản của con người.
Vấn đề chủ quyền thuộc về nhân dân được thể hiện ngay trong lời nói đầu của bản Hiến pháp với khẳng định “quyền lực tối cao thuộc về nhân dân”. Nếu như trước đây Hiến pháp Minh Trị dành 17 điều quy định về quyền hạn của Thiên hoàng với phạm vi quyền hạn rất lớn chẳng khác gì một ông vua chuyên chế thì nay Hiến pháp 1946 chỉ có 8 điều quy định về Thiên hoàng với địa vị và quyền hạn bị hạn chế rất nhiều. Thiên hoàng nay chỉ là biểu tượng của quốc gia và tham gia các hoạt động mang tính chất nghi lễ là chính chứ không nắm quyền lực chính trị. Quyền lực thuộc về Nghị viện (Quốc hội) - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nghị viện gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, cả hai viện này đều được bầu cử trực tiếp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Đây là một sự thay đổi lớn so với quy định trong Hiến pháp Minh trị trước đây. Với sự thay đổi này, Hiến pháp 1946 đã xác lập nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân.
Vấn đề chính thứ hai là tôn trọng quyền cơ bản của con người với ý nghĩa bất cứ ai từ khi sinh ra đều có những quyền này bởi vì họ là con người, đó là các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do học tập và tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền sống, quyền được học tập, quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền yêu cầu tòa án (bảo vệ)...
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là đặc điểm nổi bật trong nội dung Hiến pháp 1946 với 31 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tổng số 103 điều của Hiến pháp. Theo đó, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được mở rộng hơn về số lượng và không bị giới hạn về mặt pháp luật. Đây là một điểm mới so với Hiến pháp Minh Trị, thể hiện sự tiến bộ của Hiến pháp Nhật Bản trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân, làm cho bản hiến pháp này có đầy đủ tính cách của một hiến pháp hiện đại và tiến bộ. Giống như các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới, Hiến pháp Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở nước này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân.
Một trong những lý do cho việc ra đời của Hiến pháp Nhật Bản là để tạo ra căn cứ pháp lý nhằm xây dựng một xã hội Nhật Bản dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 ra đời trên cơ sở thực hiện những quy định trong tuyên bố Potsdam được đưa ra ngày 26/7/1945 yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tuyên bố này cũng xác định rõ những vấn đề mà Nhật Bản cần phải thực hiện sau khi đầu hàng quân Đồng minh, đó là phải loại bỏ tất cả những cản trở để xây dựng một nền dân chủ. Theo đó, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tôn giáo cũng như tôn trọng quyền cơ bản của con người phải được bảo đảm[5]. Để thực hiện được những yêu cầu nêu trên thì Nhật Bản cần có một bản hiến pháp mới. Do vậy, Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi sửa đổi Hiến pháp Minh Trị ban hành năm 1889. Tổng Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh - Douglas MacAthur nói rằng, ông ta và cấp trên của ông ấy ở Washington không đơn phương áp đặt một chế độ chính trị mới cho Nhật Bản mà trái lại, họ khuyến khích các nhà lãnh đạo của Nhật Bản tự đề xuất cải cách dân chủ cho nước này. Tuy nhiên, trong quá trình soạn dự thảo hiến pháp sửa đổi đã nảy sinh bất đồng quan điểm trong một số vấn đề cơ bản giữa các quan chức phía Nhật Bản và quân Đồng minh. Cụ thể là phía Nhật Bản đã đưa ra một bản dự thảo sửa đổi nhưng không được Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh chấp nhận với lý do là bản dự thảo sửa đổi không có gì mới so với Hiến pháp Minh Trị, vẫn mang tính bảo thủ và thiếu tính dân chủ, không đại diện cho ý chí của nhân dân và được cho là chỉ sửa qua loa nội dung của Hiến pháp Minh Trị. Do vậy, MacAthur đã ra lệnh cho cấp dưới của ông ta soạn bản dự thảo sửa đổi hiến pháp mới, dân chủ hơn. Sau khi soạn thảo, phía quân Đồng Minh và Nhật Bản đã trao đổi về bản dự thảo này và có sửa đổi một vài điểm theo yêu cầu của phía Nhật Bản. Chẳng hạn như trong dự thảo do quân Đồng minh soạn ra có đề xuất chế độ Quốc hội một viện nhưng phía Nhật Bản đề nghị sửa thành Quốc hội hai viện và cả hai viện này đều được bầu cử trực tiếp, đề nghị này đã được chấp nhận. Khi hai bên đạt được sự thống nhất, bản dự thảo sửa đổi được Quốc hội thông qua với tư cách là bản sửa đổi của Hiến pháp Minh Trị theo quy định tại Điều 73 của Hiến pháp này về trình tự, thủ tục yêu cầu khi sửa đổi hiến pháp. Dự thảo hiến pháp sửa đổi được đệ trình và thảo luận ở Quốc hội Nhật Bản với tên là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Đế quốc (Hiến pháp Minh Trị). Sau khi thảo luận, chỉnh sửa, bản dự thảo được Thượng nghị viện thông qua ngày 6/10/1946 và được Hạ nghị viện thông qua vào ngày tiếp theo với đa số phiếu tán thành, sau đó được Thiên hoàng Nhật Bản phê chuẩn ngày 3/11/1946 và chính thức có hiệu lực vào ngày 3/5/1947.
Như vậy, có thể thấy rằng những yêu cầu về xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền đã được thể chế hóa vào trong Hiến pháp Nhật Bản thành các quy định về quyền con người, quyền công dân tại nước này. So với hiến pháp của nhiều quốc gia và hệ thống quyền con người cơ bản được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế thì hệ thống các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 khá phong phú và đa dạng, làm cho bản hiến pháp này đứng trong số những hiến pháp ghi nhận số lượng quyền cao trên thế giới.
Qua xem xét sự ra đời của Hiến pháp Nhật Bản, có thể nhận thấy rằng, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân ở nước này. Việc các quyền này được ghi nhận trong hiến pháp là cơ sở pháp lý để các quyền đó được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng Hiến pháp Nhật Bản chính là văn bản đảm bảo quyền con người, quyền công dân tại nước này. Đảm bảo bằng cách ghi nhận những quyền này. Việc ghi nhận là điều rất quan trọng, đó là bước khởi đầu cho các bước tiếp theo là bảo vệ và hiện thực hóa những quyền đã được ghi nhận đó. Việc ghi nhận trong hiến pháp cũng là sự đảm bảo về phạm vi, số lượng các quyền mà công dân hay cá nhân nước ngoài sống ở Nhật Bản được hưởng thụ.
Thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản quy định thể chế tam quyền phân lập là một phương thức bảo vệ nhân quyền.
Cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 theo thể chế tam quyền phân lập với lập pháp thuộc về Quốc hội[6], hành pháp thuộc về Nội các[7] và tư pháp thuộc về Tòa án[8]. Sự phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp là một cách bảo đảm quyền con người ở tầm hiến pháp. Mặc dù phân quyền tại Nhật Bản chỉ là phân quyền mềm (không có sự độc lập tuyệt đối giữa ba nhánh quyền lực) nhưng sự phân chia rõ ràng về mặt hiến pháp giữa ba nhánh quyền lực đã tạo ra sự kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau trên các điểm chính sau:
+ Tư pháp có quyền xem xét tính hợp hiến của những đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác của lập pháp và hành pháp[9].
+ Nội các có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án tối cao và tòa án các cấp[10].
+ Lập pháp được quyền quyết định ngân sách hoạt động của hành pháp và tư pháp[11].
+ Hạ viện có quyền thông qua nghị quyết bất tín nhiệm nội các và nội các phải từ chức tập thể, Thủ tướng có quyền giải tán Hạ viện[12]
+ Thủ tướng nội các (hành pháp) có thể gián tiếp can thiệp vào việc làm luật của Quốc hội (lập pháp) thông qua các nghị sĩ trong đảng của mình bởi vì ở Nhật Bản, Thủ tướng bao giờ cũng là chủ tịch đảng cầm quyền, mà đảng cầm quyền là đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Do vậy, nghị sĩ trong Quốc hội cũng là đảng viên đảng cầm quyền và chịu sự chi phối của chủ tịch đảng (Thủ tướng). Chính vì vậy, có thể nói rằng Thủ tướng (đại diện cho hành pháp) có thể can thiệp gián tiếp vào công việc mà theo Hiến pháp Nhật Bản là chỉ duy nhất Quốc hội được làm, đó là làm luật.
Sự giám sát và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực đã ngăn chặn được sự lạm quyền, độc đoán chuyên quyền và mất dân chủ, kết quả là hạn chế được sự xâm phạm quyền con người từ phía các tổ chức và quan chức nhà nước. Có thể nói rằng, cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước Nhật Bản theo thể chế tam quyền phân lập là một phương thức bảo đảm quyền con người.
Bên cạnh việc quy định về phân quyền, Hiến pháp Nhật Bản còn có những quy định nhằm đảm bảo tính độc lập của tòa án để có một quyền tư pháp mạnh. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo nhân quyền ở Nhật Bản. Sở dĩ nói như vậy là vì chỉ khi tòa án độc lập thì mới đảm bảo được sự công bằng trong xét xử, qua đó mới có thể bảo vệ được quyền con người, quyền công dân vì tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử mà ở đó quyền con người được bảo vệ. Muốn tòa án độc lập thì các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập, tự chủ, có đủ trình độ và nhiệm kỳ dài để họ hoàn toàn yên tâm công tác, khi đó các thẩm phán mới có thể đưa ra các phán quyết công bằng. Dưới góc độ này, những quy định trong Hiến pháp Nhật Bản đã thể hiện những điểm tiến bộ. Cụ thể là ngoài việc hiến định về việc các Thẩm phán độc lập khi xét xử theo lương tâm của họ và chỉ tuân theo hiến pháp và luật[13] thì còn bảo đảm vị trí việc làm cũng như nhiệm kỳ của các thẩm phán. Theo Hiến pháp Nhật Bản, nhiệm kỳ thẩm phán kéo dài 10 năm và vị trí của thẩm phán ít bị can thiệp chỉ trừ khi bị buộc tội hoặc bị chính tòa án tuyên không đủ năng lực cần thiết về trí tuệ và thể chất để thực hiện nhiệm vụ. Không một cơ quan nào trong nhánh hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỷ luật đối với Thẩm phán[14]. Nhiệm kỳ dài hơn cũng giúp thẩm phán tích lũy được nhiều kinh nghiệm xét xử hơn. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, nhiệm kỳ của thẩm phán là 10 năm, thiết nghĩ đây cũng là nhiệm kỳ phù hợp, nên chăng Việt Nam chúng ta cũng quy định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 10 năm, trường hợp được tái bổ nhiệm có thể là 10 hoặc 15 năm. Nhiệm kỳ dài sẽ tạo tâm lý ổn định cho thẩm phán làm việc, khi đã yên tâm làm việc thẩm phán sẽ mạnh mẽ và quyết đoán, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử qua đó góp phần nâng cao khả năng bảo vệ quyền con người, quyền công dân của tòa án.
Thứ ba, Hiến pháp Nhật Bản là văn bản ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước để quyền con người, quyền công dân được thực thi.
Hiến pháp Nhật Bản ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước trên hai phương diện: Một là, theo thông lệ chung, những quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp của một quốc gia thì quốc gia đó phải có trách nhiệm đảm bảo hiện thực hóa những quyền này. Tại Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ, việc Nhà nước Nhật Bản ghi nhận những quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp đồng nghĩa với việc xác lập trách nhiệm của mình trong việc tôn trọng và hiện thực hóa những quyền đó. Theo nghĩa này thì Hiến pháp Nhật Bản chính là văn bản quy trách nhiệm cho Nhà nước Nhật Bản phải thực hiện những gì chứa đựng trong nội dung bản hiến pháp này. Hai là, như trên đã trình bày, Hiến pháp Nhật Bản ra đời trên cơ sở thực hiện những quy định trong Tuyên bố Potsdam được đưa ra ngày 26/7/1945 yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tuyên bố này cũng xác định rõ những vấn đề mà Nhật Bản cần phải thực hiện sau khi đầu hàng quân Đồng minh. Những yêu cầu về dân chủ và nhân quyền trong Tuyên bố Potsdam đã được thể chế hóa thành quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp của Nhật Bản. Do vậy, có thể nói rằng những ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản bên cạnh ý nghĩa là sự công nhận từ phía Nhà nước về những quyền cơ bản của con người còn là nhiệm vụ mà Nhà nước Nhật Bản phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của quân Đồng minh trong Tuyên bố Potsdam mà Nhật Bản đã phải chấp nhận khi đầu hàng vô điều kiện.
Với vị trí và hiệu lực pháp lý cao nhất, hiến pháp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân bằng việc ghi nhận các quyền này, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước trong việc hiện thực hóa các quyền hiến định và hiến pháp còn là văn bản hạn chế quyền lực nhà nước
Hiến pháp Nhật Bản với tính cách là một hiến pháp dân chủ và tiến bộ đã ghi nhận chủ quyền thuộc về nhân dân và ghi nhận sự tôn trọng các quyền con người, quyền công dân, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước Nhật Bản trong việc hiện thực hóa các quyền này. Với quy định về phân quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, Hiến pháp Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân ở nước này.
Nguyễn Ngọc Nghiệp1, Nguyễn Tuấn Việt2
(Nguồn: https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Vai-tro-cua-hien-phap-trong-viec-131)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (2011), Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
2. Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Dung, Những quan điểm, học thuyết hiện đại về Hiến pháp trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
4. Vũ Công Giao (2011), Tiểu luận về Constitutinalism, Nxb Đại học quốc gia.
5. Vũ Công Giao (2009), “Bàn về một số khía cạnh lý luận và thực tiễn của quyền con người”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5.
6. Tsuneo Inako (1993), Tìm hiểu pháp luật Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Phạm Hữu Nghị (2014), “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1.
8. Hoàng Thị Kim Quế (2012), “Trách nhiệm Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân: Nội dung cơ bản và cách thức quy định trong Hiến pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11.
9. Chu Hồng Thanh (2011), Khái lược về Hiến pháp trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
10. Lê Mai Thanh (2013), “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp một số quốc gia”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5.
11. Đào Trí Úc (2011), Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia, Hà nội.
12. Viện nghiên cứu lập pháp (2002), “Hiến pháp những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 10.
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] ThS., Đài Truyền hình Việt Nam
[3] Xem Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà nội, tr. 113.
[4] Xem Nguyễn Đăng Dung (2005) Tlđd, tr. 63-64.
[5] Điều 10 của Tuyên bố Potsdam (Potsdam Declaration).
[6] Điều 41- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất của Nhà nước có chức năng làm luật.
[7] Điều 65- Quyền hành pháp được trao cho Nội các.
[8] Điều 76- tất cả quyền xét xử được trao cho Tòa án tối cao và các tòa cấp dưới được thành lập theo luật.
[9] Điều 81 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Tòa án tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi khác”.
[10] Điều 79 và Điều 80 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Nội các bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao và bổ nhiệm thẩm phán toà án các cấp trên danh sách đề cử của tòa án tối cao.
[11] Điều 83 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Quản lý tài chính quốc gia phải thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội”.
[12] Điều 69 Hiến pháp Nhật Bản.
[13] Xem Điều 76 Hiến pháp Nhật Bản 1946.
[14] Xem Điều 78 Hiến pháp Nhật Bản 1946.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 11 (237) – 2020