1. Mạng xã hội - Phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng của xã hội hiện đại
1.1 Khái niệm về mạng xã hội
“Mạng xã hội” (MXH), là khái niệm được tiếp cận nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau, đến nay đã cơ bản thống nhất coi: “MXH là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chat), chia sẻ âm thanh hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”1.
Theo định nghĩa của Fitcher, nhà xã hội học Hoa Kỳ thì “Mạng lưới xã hội (Social Network), bao gồm nhiều mối quan hệ đôi. Mỗi người trong mạng lưới có liên hệ với ít nhất 2 người khác nhưng không ai có liên hệ với tất cả các thành viên khác”. Dựa trên định nghĩa đó, Barry Wellman nêu: “Khi mạng máy tính kết nối con người, nó là một mạng xã hội”2. Như vậy, mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội được hình thành khi nhóm khởi xướng gửi đi thông điệp mời những người chưa quen tham gia, hội nhập. Các thành viên mới sẽ lặp lại quá trình trên và tạo nên một mạng liên kết rộng lớn không phân biệt không gian địa lý của thành viên tham gia.
Mạng xã hội có các đặc trưng cơ bản là: (1) Có sự tham gia trực tiếp của nhiều cá nhân hoặc chủ thể đóng vai trò như một cá nhân; (2) là một website mở, nội dung của website được xây dựng hoàn toàn bởi các thành viên tham gia. (3) Mạng xã hội là một sự liên kết giữa các cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với cộng đồng được biểu hiện dưới nhiều hình thức để thực hiện chức năng xã hội. (4) Mạng xã hội có những tính năng như gọi, nghe trực tiếp, gọi qua video, email, phim ảnh, chia sẻ blog... (5) Mạng xã hội ra đời giúp mọi người liên kết với nhau thuận tiện hơn, trở thành một phần tất yếu của đời sống mỗi con người hiện đại. Mạng xã hội tồn tại như một dịch vụ để tìm kiếm bạn bè, đối tác dựa theo những nhóm được thiết lập theo tên địa danh, đặc trưng xã hội của từng cá nhân, chủ thể như địa chỉ e-mail hoặc nick name để tìm kiếm bạn bè trên khắp thế giới.
1.2. Sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay
Nói đến sự phát triển của Internet và truyền thông đa phương tiện thì không thể bỏ qua sự phát triển và ảnh hưởng của MXH. Mạng xã hội là mô hình truyền thông mới nhất trong quá trình phát triển xã hội. Nó làm đơn giản hóa các phương thức tương tác và kết nối giữa con người với nhau. Với những chức năng đa dạng kéo theo sự hội nhập ngày càng đông đảo các thành viên, MXH, ở một khía cạnh nào đó, đã làm thay đổi thói quen, tư duy, lối sống, văn hóa của cả cộng đồng xã hội. Cho đến nay, ở Việt Nam, đã có hàng chục MXH khác nhau được thiết lập và sử dụng. Thống kê của trang mạng SimilarWeb, hiện tại, người dùng Việt Nam đang truy cập trang tìm kiếm Google.com.vn nhiều nhất; đứng vị trí thứ 2 là Facebook.com; vị trí thứ 3 thuộc Youtube.com và Google.com ở vị trí thứ 4. Có thể thấy, 4 vị trí dẫn đầu đều là các website nước ngoài, thuộc sở hữu của các tập đoàn công nghệ lớn ở Hoa Kỳ. Trang báo VnExpress ở vị trí thứ 5 và cũng là trang tiếng Việt được truy cập nhiều nhất; vị trí thứ 6 là Zing; sau đó là Yahoo, CocCoc, News.Zing.vn và kênh cung cấp nội dung thông tin dành cho giới trẻ ở vị trí cuối cùng - Kênh14.vn3.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho việc đẩy mạnh các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn đã làm cho khả năng xử lý thông tin được nhân lên gấp bội. MXH là một phần của hệ thống truyền thông hiện đại. Nó tạo ra những điều kiện hết sức to lớn, hiệu quả cho mỗi người, mỗi chủ thể trong nhận thức thế giới và tổ chức các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng. MXH cũng làm tăng đáng kể những tiềm năng sẵn có của con người, giúp mỗi con người, mỗi chủ thể xích lại gần nhau hơn, sống bình đẳng hơn trong tiếp cận, sử dụng thông tin để gia tăng sản xuất, phát triển cộng đồng, tạo ra nhiều hơn của cải vật chất và tinh thần cho xã hội; nhận thức và thực hiện ngày một tốt hơn những quyền tự nhiên, vốn có của mỗi con người.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cuộc cách mạng khoa học công nghệ với các MHX cũng đang đặt ra cho mỗi con người và cả thế giới, những thách thức không nhỏ; nhất là khi các trang MXH này bị kẻ xấu tấn công, lợi dụng; Thông tin đưa ra và bình luận không chính xác; Một bộ phân xã hội, nhất là thanh, thiếu niên tiêm nhiễm những quan điểm chính trị và xã hội cực đoan, độc hại; Thậm chí là nghiện những trò chơi trực tuyến; Cả thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng. Hiểm họa là khôn lường. Nhiều quyền con người bị vi phạm. Đây đang là vấn đề đặt ra một nguy cơ lớn.
2. Những thời cơ trong sử dụng mạng xã hội với việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, các MXH bắt đầu du nhập và thiết lập từ cuối những năm 90, thế kỷ XX, thập kỷ đầu thế kỷ XXI dưới hình thức các trang tin điện tử. Đến nay, có khoảng 270 MXH được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 35 triệu người dùng, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào MXH hơn 2 giờ. Đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là những người thuộc nhóm tuổi từ 15-45 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động. Nhìn chung, họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính, mạng internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cùng những trào lưu tư tưởng mới trên thế giới. Ngày nay, bất kỳ ai có sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng, máy tính xách tay hay máy tính để bàn, có kết nối internet, đều có thể tham gia vào MXH. Với nhiều nội dung phong phú, lại dễ sử dụng, MXH đã mang lại rất nhiều tiện ích, đặc biệt trong bảo đảm quyền con người của mình. Cụ thể, MXH giúp mỗi người những tiện ích sau đây:
2.1. Nắm bắt nhanh, kịp thời, các thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội để bảo vệ và thực hiện các quyền của mình
Trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ thông tin, Internet và MXH đã nhanh chóng, kịp thời đưa các thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cho cộng đồng. Ngày nay, chỉ cần tiếp cận được với các phương tiện nối với mạng Internet, mỗi người có thể cập nhật thông tin cả trong nước và quốc tế, từng giờ, từng phút. Một sự kiện nào đó diễn ra trên trái đất, thậm chí trong vũ trụ, đều được các hãng tin trên thế giới cập nhật và phát hành rộng trên phạm vi toàn cầu. Nhờ các MXH, người tiếp cận thông tin có quyền lựa chọn, đối chiếu, so sánh, xác minh những thông tin mà mình thu nhận được để sử dụng một cách chính xác, hiệu quả. Quyền tiếp cận và sử dụng các thông tin của con người ngày càng được bảo đảm.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã sử dụng một cách có hiệu quả MXH, giúp người dân tiếp cận kịp thời các chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể nhất, trên các trang MXH, đường lối, quan điểm của Đảng được đưa ra trong các kỳ Đại hội, các Hội nghị Trung ương đã được đưa lên mạng. Tương tự, các chính sách và các văn bản pháp luật được Nhà nước ban hành cũng đã được thông tin kịp thời tới người dân trên các trang MXH. Mỗi người dân Việt Nam và cả người nước ngoài có quan tâm đều có thể tiếp cận với những văn bản có tính chính trị, pháp lý này trên các trang mạng chính thức đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là việc làm không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn khuyến khích họ đồng hành cùng Chính phủ, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách và pháp luật đã được ban hành. Ví dụ, tháng 10/2015, Chính phủ đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” nhằm đăng tải những chính sách và các quy định pháp luật mới nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục ngàn người đã truy cập hai trang mạng này để tìm hiểu và sử dụng những thông tin đã được đăng tải, giúp mọi người hiểu và giải quyết đúng đắn những vấn đề kinh tế, xã hội đang đặt ra với họ. Cũng nhờ vậy, các cơ quan nhà nước thấu hiểu hơn về những tâm tư nguyện vọng của người dân; hoạch định và thực hiện ngày càng đúng đắn, phù hợp hơn các chính sách và quy định pháp luật. Đây chính là yếu tố góp phần bảo đảm việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền về dân sự, chính trị và quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi người dân trong xã hội đang đổi mới và hội nhập sâu rộng ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người, bảo đảm thực hiện đúng các quyền con người
Để mỗi con người sống, hưởng thụ các quyền cơ bản của mình, mỗi người cần có tri thức và kỹ năng sống, lao động phù hợp với những yêu cầu của thời đại. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy mà mỗi con người được tham gia đào tạo, giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng, bao gồm MXH có vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay cho thấy, MXH đang ngày càng trở thành nơi cung cấp thông tin về tri thức, kỹ năng sống và lao động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về những lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó, giúp họ có thể nắm bắt được thực trạng vấn đề, nhu cầu xã hội, các quy định pháp luật và hệ thống các thiết chế xã hội có liên quan đến việc giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị mà xã hội đang đặt ra hiện thời. Trên những cơ sở này mà mỗi người, mỗi chủ thể có thể nhanh chóng đưa ra những quyết định kịp thời về kế hoạch học tập, rèn luyện những tri thức và kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phát triển và quản lý phát triển xã hội. Hiện tại, đã có khá nhiều trang MXH truyền dạy các kỹ năng sống, kỹ năng lao động, nghề nghiệp, ngoại ngữ, và cả cách thức giao tiếp, quản lý và tâm lý... Những chuyên mục này của các trang MXH, thực tế, đã giúp không ít người có được những kỹ năng cơ bản, cần thiết cho các hoạt động sống và lao động trong một xã hội hiện đại mà không phải đến lớp, giảm được các chi phí đào tạo. Hiện nay, một bộ phận đáng kể người dân đang tận dụng tất cả những lợi thế của MXH để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống và làm việc, hội nhập nhanh và hiệu quả vào dòng chảy của thời đại. Vì những lợi thế có được này mà quyền con người càng được bảo đảm và hiện thực hóa.
2.3. Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng, giúp mỗi người bảo vệ được những sắc thái cá nhân song vẫn bảo đảm được những giá trị của cộng đồng.
Văn hóa MXH là một bộ phận của văn hóa cộng đồng. Nó có ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển của văn hóa cộng đồng. Nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, MXH cho phép người dùng có thể kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng ngày một thuận tiện hơn. Người dùng có thể dễ dàng chia sẻ tâm tư, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn với cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy, sự cố kết cộng đồng được tăng cường. Ở một góc độ nào đó, quyền của mỗi cá nhân được cả cộng đồng biết, tôn trọng và bảo vệ, khi mà những hành vi tốt được khuyến khích, nêu gương; những hành vi xấu bị lên án, loại bỏ.
Thực tế, từ khi MXH phát triển, nhiều công việc chung của xã hội được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiều hành vi vi phạm quyền con người được lên án. Quá trình dân chủ hóa được đẩy mạnh. Nhiều quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và cả quyền chính trị được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc hơn. Công tác xã hội, bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội như: Xóa đói giảm nghèo, điều chỉnh phân tầng xã hội, cứu trợ xã hội, trợ giúp cho các vùng có thiên tai, được thực hiện tốt hơn nhờ sự tham gia, kiểm soát của cộng đồng trên MXH. Nội lực của cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều nhóm xã hội yếu thế được quan tâm giúp đỡ thiết thực và hiệu quả hơn. MXH như một diễn đàn có thể công khai hóa việc biểu dương hoặc phê bình các hoạt động bảo đảm thực hiện các quyền con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây có thể coi là một trong những tác động tích cực của MXH trong bảo đảm thực hiện quyền con người, kể cả quyền của các nhóm xã hội yếu thế.
2.4. Mạng xã hội góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, là phương tiện cho các hoạt động đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.
Mạng xã hội, nhất là MXH xuyên quốc gia như Facebook, Youtube, Zalo,..., đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu trên bình diện quốc tế, thúc đẩy quá trình xích lại gần nhau giữa các dân tộc, quốc gia. Thực tế, trong những năm qua, từ khi mạng xã hội phát triển, mỗi người, mỗi chủ thể trong xã hội có nhiều điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc nhiều hơn với các thông tin, sự kiện liên quan đến thế giới. Thế giới phẳng hơn. Thông qua MXH, thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc. Nhờ MXH, nhiều ý kiến trái chiều của các cá nhân và chủ thể ở bên ngoài được trao đổi thẳng thắn, chân thành, cụ thể đúng với bản chất của sự việc, hiện tượng đã có. Đối thoại và đấu tranh bảo đảm thực hiện quyền con người ở cả Việt Nam và thế giới được thực hiện rõ ràng hơn, hiệu quả hơn. Đây là yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam.
3. Những thách thức trong sử dụng mạng xã hội với việc bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam
Bên cạnh những tác động tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người ở nước ta. Có thể thấy điều này qua những thách thức sau đây:
3.1. Lợi dụng việc đưa các thông tin một cách tự do, một số thông tin trên mạng xã hội dễ bị các lực lượng đối lập, bất đồng quan điểm xuyên tạc.
Hiện tại ở Việt Nam có hàng trăm MXH khác nhau; thông tin mà các trang MXH này đưa ra là khá đầy đủ, phong phú với nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Với một xã hội đang quá trình dân chủ hóa, đây là một điều tốt, thuận lợi. Tuy nhiên, trong những năm qua, các thế lực đối lập đã sử dụng hàng chục trang MXH khác nhau để tiến hành các hoạt động tuyên truyền phá hoại về tư tưởng. Một số trang mạng tập trung tuyên truyền xuyên tạc một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại, vẫn còn những trang MXH của một số người tiếp tục đăng tải những bài viết thiếu tính lý luận, không khoa học, không phản ánh đúng bản chất các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Một số bài viết trên một số trang MXH đã xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường,... để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng. Từ đó, họ cho rằng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sai lầm, thiếu sót, đòi hủy bỏ. Những hoạt động này đã tác động tới nhận thức, thái độ và hành vi của một số người dân, nhất là những nhóm xã hội thiếu thông tin, bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, đang gặp những khó khăn trong đời sống mà chưa được giải quyết. Tư tưởng xã hội, vì vậy, có lúc, có nơi bị tác động, phân tâm. Một bộ phận nhân dân bị những tác động trái chiều về tư tưởng; có những thái độ và hành động cực đoan, không tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội; sa vào mê tín, dị đoan.
Ở một góc độ nào đó, đây cũng là những khuynh hướng tư tưởng đang tác động tới quyền con người trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, làm phát sinh những hành vi sai lệch, chống đối không phù hợp trong cộng đồng.
3.2. Mạng xã hội đang trở thành môi trường để một số người thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm quyền con người
Tuy là môi trường có đặc tính ảo, song MXH lại giúp con người gắn kết, thực hành các hoạt động sản xuất, trao đổi và sinh hoạt thường ngày rất thực tế, hiệu quả. Chính đặc điểm về môi trường này khiến cho các đối tượng phạm tội lợi dụng. Chúng thường sử dụng MXH để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những bí mật về tài chính để tạo tài khoản giả, để kết bạn, làm quen, giả danh các cơ quan quản lý tài chính, luật pháp nhằm lừa đảo. Thủ đoạn thường dùng của chúng là chiếm quyền kiểm soát mật khẩu, tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền và các tài sản có giá trị khác. Đấu tranh chống những tội phạm này khá khó khăn. Rất nhiều tội phạm đang ở nước ngoài, chúng thường lập các cơ sở kinh doanh giả, lập các tài khoản giả (chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn khi chúng thực hiện các hành vi phạm tội). Các chương trình, phương tiện, hồ sơ, chứng từ sử dụng để phạm tội, bọn tội phạm chỉ để tồn tại trong một thời gian ngắn, nên đấu tranh rất khó khăn. Không ít người đã bị lừa đảo, trộm cắp thực hiện qua các mối liên kết trên MXH. Tác động tiêu cực của các vi phạm tội này với quyền con người ngày càng lớn. Đây là một thách thức không nhỏ với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển MXH hiện nay.
Dưới một góc độ khác, MXH còn trở thành phương tiện mà bọn tội phạm lợi dụng để tổ chức việc mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm như: Ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các loại hàng quốc cấm khác. Thách thức của việc sử dụng MXH với việc bảo đảm và thực hiện các quyền con người trên các lĩnh vực dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa ngày càng lớn.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn thể hiện quyết tâm chung tay đẩy lùi những thông tin sai sự thật trên các nền tảng của mình. (Nguồn: SCMP) |
3.3. Mạng xã hội làm tăng nguy cơ xâm hại đời sống riêng tư của mỗi con người, đồng thời làm tăng xung đột giữa quyền con người và quyền của quốc gia, dân tộc.
Mạng xã hội là thành quả to lớn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại mà loài người đã tiến hành từ nửa cuối thế kỷ XX. Cuộc cách cách mạng khoa học công nghệ hiện đại này đã đem thông tin đầy đủ, nhanh chóng, nhiều chiều cạnh đến với mọi người; nó cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một mạng lưới xã hội rộng lớn cho mỗi cá nhân con người. Nhờ vậy, quyền con người được bảo đảm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhưng MXH, với việc giới thiệu một số các đặc điểm cá nhân của mỗi con người trong hoạt động thường ngày, đã tạo ra những nguy cơ không nhỏ cho sự rò rỉ thông tin cá nhân. Đây là yếu tố khiến cho nguy cơ xâm hại đời sống riêng tư của mỗi con người là rất lớn. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã có không ít vụ các cơ quan, tổ chức hành chính, kinh doanh để lộ thông tin của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người. Trong một số trường hợp, việc để lộ thông tin cá nhân đã đưa đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho đời tư của mỗi con người. Hiện tượng “ném đá” không đúng, không trúng là một trong những biểu hiện cụ thể của tình trạng xâm hại này, đang rất cần đấu tranh loại bỏ.
Mạng xã hội cũng làm tăng nguy cơ xung đột giữa quyền cá nhân mỗi con người và quyền quốc gia, dân tộc. Trên thực tế, từ sau cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, sự xích lại gần nhau của các quốc gia, dân tộc đang trở thành một xu thế. Sự nhất thể hóa về kinh tế đang kéo theo sự xích lại gần nhau của các thể chế chính trị. Ranh giới của các quốc gia, dân tộc đang không còn những khác biệt rõ ràng như trước. Quyền con người đang được các nhà cầm quyền ở một số nước phát triển đặt trên quyền của các quốc gia, dân tộc khác. Một số vấn đề quốc tế và quốc gia đã được tiếp cận và giải quyết theo quan điểm này. Tuy nhiên, trình độ và điều kiện phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc là khác nhau. Lịch sử phát triển văn hóa ở mỗi nước, mỗi khu vực cũng còn nhiều khác biệt. Do vậy, việc sử dụng MXH trong điều kiện hiện nay đang làm tăng nguy cơ xung đột giữa việc bảo đảm quyền con người như một quyền tự nhiên tất yếu với quyền độc lập, tự chủ, có bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây cũng là một thách thức cần phải tính đến trong sử dụng MXH ở thời đại mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, hiện nay.
3.4. Mạng xã hội và thách thức đối với quyền phát triển và hưởng thụ các thành tựu văn hóa của con người
MXH phát triển, tuy một mặt làm phong phú hơn những giá trị tốt đẹp của văn minh thế giới, cho nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, song cũng làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc khi mà sự giao lưu và xâm nhập về văn hóa được mở rộng về quy mô, mạnh mẽ hơn về cường độ, tác động đến hầu hết các cá nhân mỗi con người ở mọi cộng đồng. Từ khi Việt Nam Đổi mới, mở cửa, chuyển sang kinh tế thị trường, sự truyền bá của các hệ giá trị và lối sống ngoại lai gia tăng. Đây tuy là một một hệ quả tất yếu của mở cửa, hội nhập, song những mặt trái của quá trình phát triển này đã tác động không nhỏ. Trong đó, sự tuyên truyền, cổ vũ lối sống, phương thức sống của các xã hội bên ngoài; đề cao quá đáng “tự do cá nhân”, lối sống thực dụng, phát tán các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, đi ngược lại những giá trị của văn hóa dân tộc đang có nguy cơ phát triển. Những điều này đã diễn ra cùng với tình trạng thiếu định hướng về truyền thông, đưa thông tin giả lên MXH; thậm chí tung tin đồn thất thiệt, giật gân, câu “like”. Đây là những hoạt động ngày một gia tăng, gây hệ quả không tốt đến tư tưởng, tình cảm cho cộng đồng MXH. Quyền con người và quyền công dân, vì vậy mà bị vi phạm. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho việc bảo đảm, thực hiện quyền con người trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ, thông tin và MXH hiện nay.
4. Khuyến nghị nhằm bảo đảm quyền con người trong phát triển mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay
Từ những phân tích về thời cơ và thách thức trong phát triển và sử dụng MXH, để bảo đảm tốt quyền con người, cần thực hiện một số khuyến nghị sau:
4.1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội
Trước hết, cần tập trung hoàn thiện pháp luật. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng; xây dựng các giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của MXH; Khuyến khích mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của MXH; vừa bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân khi tiếp cận, sử dụng MXH, vừa ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực về nhận thức, tư tưởng và thái độ, hành vi trong sử dụng MXH; đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng MXH để vi phạm các quyền con người.
4.2 Phổ biến, giáo dục về tác động của mạng xã hội.
Cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về những lợi ích và những hạn chế khi tiếp cận và sử dụng MXH. Tuy nhiên, trên MXH, do những quy chuẩn về dân chủ hóa được được đề cao, nhiều quan điểm, nhiều cách thức tiếp cận và bình luận các thông tin, sự kiện, hiện tượng xã hội được cộng đồng mạng đưa ra. Vì vậy, cần truyên truyền, giáo dục để mỗi người, mỗi chủ thể trong cộng đồng xã hội hiểu và chủ động, tích cực phân tích, lý giải các vấn đề trên MXH một cách khách quan, khoa học để sử dụng đúng đắn, hiệu quả các thông tin, sự kiện; góp phần phản bác, đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm và những luận điểm sai lệch; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện trên hệ giá trị và chuẩn mực xã hội chung, trên cơ sở những chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt trên lợi ích của cộng đồng. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc trong bảo đảm quyền con người trên các MXH đang phát triển và mở rộng hiện nay.
4.3. Cần có những quy định rõ ràng trong sử dụng các mạng xã hội, đồng thời tuyên truyền, giác ngộ những người tham gia mạng xã hội chấp hành tốt các quy định vận hành và sử dụng mạng xã hội
Để làm tốt những điều này, mỗi người phải thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên MXH. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, không để cộng đồng bị lôi kéo, dụ dỗ, ủng hộ, chia sẻ, các thông tin độc hại trên MXH. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần biến trang MXH mà mình tham gia thành một kênh truyền thông hữu hiệu về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ về những gương điển hình tiên tiến, những mô hình mới, những cách làm hay của các chủ thể và cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện tốt quyền con người.
Hiện nay ở Việt Nam, MXH đã trở thành phương tiện truyền thông phổ biến, không thể thiếu trong đời sống xã hội. MXH đang tạo ra nhiều điều kiện và cơ hội để mỗi người, mỗi chủ thể hiểu và thực hiện tốt hơn các quyền của mình. Tuy nhiên, MXH cũng đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm, thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quyền con người. Để thực hiện có hiệu quả các quyền con người trong tiếp cận và sử dụng các MXH, cần thực hiện một cách đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, vừa phải hoàn thiện các thể chế quản lý thông tin; nâng cao vai trò của các chủ thể trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng; tuyên truyền giáo dục quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong tiếp cận và sử dụng MXH. Đấu tranh chống các thế lực lợi dụng MXH để chống phá và phạm tội. Huy động tối đa sức mạnh của cộng đồng trong phát triển, sử dụng MXH; bảo đảm, thực hiện tốt nhất các quyền con người, xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Phương Châm (2013), Internet - mạng lưới xã hội và sự thể hiện bản sắc, NXB Khoa học xã hội.
2. Hoàng Thị Thu Hà (2014), Vài nét về ảnh hưởng của mạng internet tới văn hóa đại chúng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội
3. Keith N.Hampton, Lauren S.Goulet, Lee Rainie and Kristen Purcell (2011), Social networking sites and our lives. Pew Research Center.
4. Nicole B. Ellison and Danah M.Boyd (2007), Social Network Sites: Definition, History, and Scholarship. Journal of Computer-Mediated Communication (No.13), pg. 210 – 230.
5. Lưu Hồng Minh (2009), Truyền thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa- Tuyển tập bài nghiên cứu truyền thông của khoa Xã hội học, NXB Dân trí.
6. Tạ Ngọc Tấn (2001), Truyền thông đại chúng, NXB Chính trị Quốc gia.
7. Wellman Barry và các cộng sự (1996), Computer Networks As Social Networks:Collaborative work, Telework and Virtual community, Annual Reviews of Sociology, Vol 22, pg. 213 – 230.4. Tài liệu Internet.
8. https://www.dammio.com/2018/10/08/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-nam- 2018, truy cập ngày 10/05/2019.
9. http://www.safetext.vn/tong-hop-cac-mang-xa-hoi-lon-nhat-viet-nam/,truy cập ngày 11/05/2019.
10. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-27-2018-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-72-2013-ND-CP-su-dung-dich-vu-Internet-376023.aspx, truy cập ngày 10/05/2019.