Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay luôn gắn liền với nghĩa vụ thực hiện có hiệu quả các công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc (ICERD, 1965). Phân tích cơ sở pháp lý và thực tiễn, cũng như luận chứng giải pháp cho vấn đề này là nhiệm vụ trung tâm của bài viết.

Từ khóa: Nghĩa vụ thực hiện; Công ước quốc tế; Quyền của các dân tộc thiểu số.

Abstract: In the context of  far-reaching international integration, ensuring the rights of ethnic minorities in Vietnam today is always associated with the obligation to effectively implement international human rights conventions, especially the International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination (ICERD, 1965). Analysis of legal and practical basis as well as the justification for the solution to this problem are the central task of the article.

Keywords: Obligation to perform; International conventions; Rights of ethnic minorities.

1. Quy định pháp lý về nghĩa vụ thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người

Trong bối cảnh quyền con người đã được thừa nhận là một khái niệm toàn cầu và là chuẩn mực chung của những thành tựu cho các quốc gia, dân tộc, Bộ luật nhân quyền quốc tế quy định, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà họ là thành viên bằng các biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác. Về bản chất pháp lý, nghĩa vụ thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên và được áp dụng đối với tất cả các cơ quan nhà nước ở bất kỳ cấp nào. Đây là nghĩa vụ phù hợp quy định chung của pháp luật quốc tế. Điều 27, Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 quy định, bất cứ quốc gia nào cũng không thể viện dẫn các điều khoản của pháp luật quốc gia như là sự biện minh cho việc không thực hiện các điều ước1. Nghĩa vụ này  bao gồm các nghĩa vụ về nội dung và nghĩa vụ về thủ tục; nghĩa vụ về biện pháp và nghĩa vụ về kết quả; mang tính chủ động và bị động. Các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp hạn chế một số quyền nào đó trong công ước, tuy nhiên sự hạn chế này phải tuân thủ các điều kiện: i) Các biện pháp hạn chế phải được quy định trong luật quốc gia; ii) Không được trái với bản chất của các quyền bị hạn chế; iii) Vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ, pháp quyền (Điều 4, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966). Các quốc gia cần kiềm chế không vi phạm các quyền trong công ước và bất kỳ hạn chế nào về các quyền cũng phải tuân thủ những điều khoản đã được quy định trong công ước. Ủy ban giám sát Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc (ICERD, 1965) đã giải thích: Điều 5 của Công ước (quy định về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm rằng việc thực hiện các quyền và tự do của con người không được mang tính chất phân biệt chủng tộc. Trong trường hợp các quốc gia thành viên áp đặt giới hạn các quyền được quy định tại Điều 5 của Công ước, quốc gia đó phải bảo đảm rằng mục tiêu và tác động của sự giới hạn đều không được trái với quy định trong Điều 1 của Công ước2. Bên cạnh đó, các quốc gia cần có các biện pháp chủ động, tích cực để bảo đảm hiệu quả các quyền, không được viện dẫn những khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội để từ chối thực hiện các quyền trong công ước. Một số công ước quốc tế về quyền con người đã yêu cầu quốc gia thành viên sử dụng: tất cả các biện pháp thích hợp (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966), biện pháp đặc biệt (Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, 1965), biện pháp đặc biệt tạm thời (Công ước về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, 1979) để  thực hiện công ước. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có nhận thức đầy đủ về nội dung cũng như ý nghĩa của các biện pháp tích cực nêu trên.

Để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện công ước quốc tế về quyền con người, các biện pháp chung, phổ biến được các quốc gia áp dụng cần bao gồm: Sửa đổi, bổ sung pháp luật quốc gia nhằm đáp ứng các chuẩn mực đã được công nhận trong các công ước; xây dựng kế hoạch thực hiện công ước; thiết lập các cơ quan quốc gia hỗ trợ việc thực hiện công ước; lồng ghép quyền con người trong các chính sách, chương trình phát triển nhằm đạt được các kết quả thực chất. Hoặc, cần phải hoàn thành một số thủ tục, như: nâng cao nhận thức về công ước thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục; thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện công ước; tôn trọng cơ chế giám sát quốc tế của các cơ quan có thẩm quyền… Đối với việc bảo đảm quyền của các nhóm thiểu số, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện có hiệu quả hơn các văn kiện nhân quyền quốc tế liên quan đến quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ này thường xuất hiện những khó khăn, trở ngại về nhận thức, quan niệm. Chẳng hạn, một số quốc gia thành viên của ICERD đã có quan niệm sai lầm rằng, một quốc gia không bắt buộc phải tuân thủ ICERD vì đối với họ phân biệt đối xử về dân tộc, chủng tộc không tồn tại trong lãnh thổ họ. Hoặc, cũng đã có nhận thức không đầy đủ khi cho rằng, ICERD khi đã được lồng ghép vào trong văn bản pháp luật cao nhất (Hiến pháp) thì không cần phải có hoạt động lập pháp nào nữa. Trong Báo cáo về tình hình thực hiện ICERD, một số quốc gia chỉ tập trung vào hoạt động lập pháp, nhưng lại bỏ qua các biện pháp hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác3… Các hiện tượng này đều phản ánh tính không phù hợp trong việc triển khai các biện pháp thực hiện ICERD, cũng như các công ước quốc tế về quyền con người khác.

2. Biện pháp thực hiện công ước quốc tế trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Là thành viên của ICERD và hầu hết các công ước nhân quyền quan trọng có liên quan, như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm1966, (ICCPR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, (ICESCR); Công ước về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1979 (CEDAW)... Việt Nam đã tiến hành các biện pháp thực hiện theo yêu cầu của công ước, như: a) Ban hành luật về điều ước quốc tế, trong đó có quy định về tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (chẳng hạn, Chương VIII, Luật Điều ước quốc tế năm 2016); b) Nội luật hóa các nguyên tắc, quy định trong các công ước quốc tế về quyền của các DTTS. (Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật khác đã ghi nhận các quyền của các DTTS ở Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người); c) Áp dụng các biện pháp đặc biệt/đặc thù để cải thiện các chỉ số về quyền của DTTS, nhất là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và đối với các nhóm DTTS rất ít người, các nhóm dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; d) Thực hiện Báo cáo quốc gia định kỳ về quyền của các DTTS theo cơ chế Hiến chương hoặc cơ chế Công ước (Việt Nam đã xây dựng Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện ICERD trong các năm 1993 (lần 2-5), 2000 (lần 6-9), 2012 (lần 10-14) và hiện nay đang chuẩn bị cho một Báo cáo lần 15-18. Ngoài ra, quyền của các DTTS còn được phản ánh trong Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát Định kỳ phổ quát (UPR)); đ) Tôn trọng các hoạt động giám sát và thực hiện các khuyến nghị quốc tế về quyền của các DTTS; e) Triển khai các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, phổ biến ICERD và các điều ước quốc tế có liên quan; và thực hiện một số thủ tục khác theo yêu cầu của các Ủy ban quốc tế có thẩm quyền. Tính phù hợp và hiệu quả của các biện pháp nêu trên trong thời kỳ đổi mới đã được khẳng định bằng nhiều kết quả có ý nghĩa về bảo đảm các quyền của DTTS ở Việt Nam như đã được quy định trong ICERD và một số điều ước quốc tế khác về quyền con người, cả trên lĩnh vực chính trị, dân sự cũng như lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện ICERD và các điều ước quốc tế liên quan đến bảo đảm quyền của các DTTS Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề như: Trước tiên, các nguyên tắc, tiêu chuẩn, cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền của các DTTS; các thủ tục liên quan đến thực hiện ICERD và một số điều ước quốc tế nhân quyền khác chưa được tuyên truyền, phổ biến một cách đúng mức, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức hoạch định và thực thi, giám sát chính sách, pháp luật về dân tộc ở Trung ương và địa phương. Ngoài ra, một số tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; các cơ quan báo chí, truyền thông và người DTTS cũng chưa có nhận thức rõ về những vấn đề này; Thứ hai, quy định về một số quyền của DTTS trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay là chưa thật sự tương thích với các điều ước nhân quyền quốc tế trên các khía cạnh: i) nội dung và chuẩn mực các quyền; ii) hình thức pháp lý; iii) và biện pháp bảo đảm; Thứ ba, việc giải thích quyền của các DTTS theo các điều ước quốc tế là chưa đầy đủ, chậm đổi mới, thiếu các chuẩn mực cụ thể, nên khó thiết kế được các biện pháp bảo đảm phù hợp; Thứ tư, lúng túng trong quá trình áp dụng biện pháp để hiện thực hóa các quyền của DTTS phù hợp với quy định trong các công ước quốc tế; các tiêu chí để đánh giá, giám sát việc bảo đảm quyền của các DTTS còn rất chung chung, thiếu độ tin cậy; Thứ năm, nhìn chung Báo cáo quốc gia theo quy định tại Điều 9, ICERD và Báo cáo theo quy định tại Điều 79 (khoản 6) và Điều 81 (khoản 8), Luật Điều ước quốc tế năm 2016 của Việt Nam là chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, nội dung và hình thức; thiếu các thông tin cơ bản, cần thiết về cách thức của nhà nước tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền của các DTTS; thiếu các thông tin về mức độ hưởng thụ hay bị từ chối, vi phạm quyền của các DTTS trên các lĩnh vực. Có thể nói, các báo cáo này vẫn còn thiếu tính toàn diện, thực chất nên chưa thực sự góp phần vào quá trình đổi mới quá trình thực hiện điều ước quốc tế có liên quan đến bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam.

3. Kiến nghị một số giải pháp

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các công ước quốc tế trong bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

a) Đẩy mạnh việc giải thích ICERD và các công ước quốc tế về quyền con người có liên quan

Giải thích công ước ước quốc tế về quyền con người là thẩm quyền của các quốc gia thành viên, nó không chỉ có vai trò quan trọng đối với nâng cao nhận thức của các chủ thể có nghĩa vụ tổ chức thực hiện công ước, mà còn quyết định tính đúng đắn và tính khả thi của văn bản áp dụng pháp luật về bảo đảm các quyền phù hợp với công ước. Về mặt pháp lý, trong thời gian tới, Việt Nam cần bổ sung quy định về giải thích điều ước quốc tế trong Luật Điều ước quốc tế năm 2016 để phù hợp với Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 (Tiết 2, Điều 31-33 quy định về giải thích điều ước quốc tế). Mặt khác, cần cụ thể hóa Điều 159, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 159, Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội quy định tại Khoản 1 Điều này quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Vấn đề hiện nay là thiếu các biện pháp cụ thể để xây dựng các văn bản chính thức của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải thích các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Về mặt khoa học, việc giải thích công ước cần đáp ứng các nguyên tắc: Một là, điều ước cần được giải thích với thiện chí phù hợp với nghĩa thông thường được nêu đối với những thuật ngữ của điều ước trong nguyên bản và chú trọng đến đối tượng, mục đích của điều ước (Khoản 1, Điều 31, Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế, 1969). Hai là, tôn trọng tính mục đích của công ước như đã được quy định tại Điều 5 cả hai Công ước năm 1966. Đối với các DTTS, cần nhấn mạnh mục đích: Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số phù hợp với Hiến pháp, với pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia sẽ góp phần tích cực vào ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc. Ba là, bảo đảm tích lôgic giữa các nội dung của công ước cũng như tính lôgic giữa các công ước về quyền con người. Bốn là, giải thích dựa trên bối cảnh. Cần nhấn mạnh, ICERD cũng như các công ước quyền con người khác là những văn bản sống động, cần được hiểu và áp dụng trong điều kiện của xã hội hiện đại, nhằm biến các điều khoản tĩnh, bất biến thành những điều khoản sống động có khả năng ứng phó, tác động hiệu quả trước những thách thức luôn nảy sinh về quyền con người. Cách tiếp cận này gắn với đánh giá tác động của công ước đối với cải thiện các quyền của DTTS trong bối cảnh cụ thể của quốc gia.

b) Tiếp tục nội luật hóa đầy đủ các quy định trong ICERD và các công ước liên quan về bảo đảm quyền của các DTTS

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu một văn bản pháp lý có hiệu lực cao và toàn diện về các quyền phổ biến và các quyền đặc biệt DTTS cả trên lĩnh vực dân sự, chính trị cũng như lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa (Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định nguyên tắc chung và một số quyền đặc thù của các DTTS). Nếu việc nội luật hóa chỉ giới hạn trong các văn bản của Chính phủ, hoặc phân tán trong một số luật khác thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của bảo đảm các quyền của DTTS theo nghĩa vụ của ICERD và các công ước có liên quan. Triển vọng và tính khả thi cho vấn đề nội luật hóa và xác lập một khuôn khổ pháp lý bền vững cho việc bảo đảm toàn diện các quyền của DTTS ở Việt Nam hiện nay có thể được giải quyết bằng việc thông qua Luật Dân tộc. Do vậy, cần đưa nội dung này vào chương trình công tác nhiệm kỳ tới của Quốc hội. Trong thời gian chưa xây dựng được Luật Dân tộc, vấn đề nội luật hóa nên được tích hợp, chỉnh sửa, bổ sung vào trong các luật hiện có để quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương về dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, cần bảo đảm sự thống nhất giữa việc ban hành pháp luật, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành; cũng như sự thống nhất giữa các văn bản pháp lý liên quan đến bảo đảm quyền của các DTTS theo quy định của ICERD và các công ước liên quan.

c) Coi trọng xây dựng Báo cáo quốc gia có chất lượng về tình hình bảo đảm quyền của các DTTS

Báo cáo quốc gia là một thủ tục pháp lý bắt buộc trong hợp tác với các cơ chế Hiến chương và cơ chế Công ước về quyền con người. Theo quy định của Điều 9, ICERD: Các quốc gia thành viên cam kết sẽ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc một báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp cũng như các biện pháp khác nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước này để Ủy ban đánh giá: a) Trong vòng một năm khi Công ước này có hiệu lực với quốc gia thành viên đó; b) Sau hai năm và bất cứ khi nào Ủy ban yêu cầu. Ủy ban cũng có thể yêu cầu các thông tin khác từ các quốc gia thành viên4. Để thực hiện các cam kết này, trước tiên, cơ quan có thẩm quyền cần nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng Báo cáo quốc gia tình hình thực hiện ICERD. Khắc phục tình trạng đệ trình báo cáo chậm so với quy định. Mặt khác, cần đặt trọng tâm vào cải thiện chất lượng báo cáo tình hình thực hiện quyền của các DTTS, bao gồm cả các thủ tục, quy trình xây dựng báo cáo. Theo hướng dẫn của Ủy ban giám sát ICERD, Báo cáo phải có các nội dung chính như: Thông tin chung về Nhà nước, khuôn khổ chung về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, các thông tin chung về không phân biệt đối xử và bình đẳng, các biện pháp tuân thủ các hướng dẫn. Yêu cầu cập nhật tình hình thực tế thực hiện Công ước, các tiến bộ đạt được, các chỉ số đánh giá việc thực hiện quyền con người; phản hồi các quan ngại do Ủy ban Công ước nêu ra trong kết luận, khuyến nghị và cơ chế cấp quốc gia, sự tham gia của xã hội. Báo cáo phải bám sát các khuyến nghị của Ủy ban giám sát ICERD. Ngoài ra, các hoạt động như tham vấn các cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ cũng cần phải được tuân thủ trong quá trình xây dựng báo cáo. Hiện nay, thông qua hợp tác với các cơ quan Liên hợp quốc hoặc tổ chức khu vực có thể giúp Việt Nam cải thiện chất lượng các Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các công ước quốc tế về bảo đảm quyền của các DTTS.

 d) Thực hiện các Khuyến nghị của Ủy ban các Công ước và của Hội đồng nhân quyền

Khuyến nghị của các Ủy ban Công ước hoặc của Hội đồng nhân quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có chức năng mở rộng ý nghĩa thực tiễn của các công ước quốc tế về quyền con người, vừa có chức năng hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các công ước này trong bối cảnh cụ thể của quốc gia. Các khuyến nghị chung và kiến nghị cụ thể đối với từng quốc gia đã tạo thành một phần của Công ước, nó làm cho các điều luật trở nên sống động, có tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện các chỉ số về quyền con người. Ở Việt Nam, để thực hiện có hiệu quả các công ước trong bảo đảm quyền của các DTTS, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề DTTS cần coi trọng việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước, đặc biệt là ICERD và các Khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền (HRC) theo Cơ chế UPR. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần tiến hành các công việc: Thứ nhất, thống kê, phân loại các khuyến nghị đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận liên quan đến bảo đảm quyền của DTTS trên các lĩnh vực, cả chính trị, dân sự cũng như kinh tế, xã hội và văn hóa. Chẳng hạn, khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền theo cơ chế UPR, chu kỳ 3 (2019), như: Quyền của các DTTS không nói tiếng phổ thông được phổ biến tới họ như thế nào và được bảo vệ như thế nào trong tư pháp ở Việt Nam; Tăng cường giáo dục dạy nghề thông qua tiếp cận tài chính cho người DTTS; Hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận giáo dục dạy nghề và nguồn lực tài chính; Hỗ trợ pháp lý cho người DTTS. Thứ hai, giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, trên cơ sở đó phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện các khuyến nghị. Chẳng hạn, việc thực hiện các khuyến nghị số 207, 208, 209, 210, 211, 212, 213, 217, 219 (UPR, chu kỳ 2) liên quan đến các quyền của DTTS, theo phân công của Thủ tướng chính phủ, cơ quan chủ trì là Ủy ban Dân tộc; cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan theo yêu cầu của cơ quan chủ trì. Tuy nhiên, việc phân công này cần được cải thiện; khắc phục tình trạng chồng chéo khi thực thi các khuyến nghị trong thực tế; Thứ ba, giám sát, đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị. Hoạt động này cũng cần được phân công cụ thể (có thể là Hội đồng Dân tộc). Nhiệm vụ này đòi hỏi thu thập được các thông tin khách quan, phù hợp và có những đánh giá thường kỳ, phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền, phục vụ việc bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế bảo đảm quyền của các DTTS ở Việt Nam hiện nay.

đ) Áp dụng các biện pháp đặc biệt/ đặc thù

Các đặc trưng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, tính dễ bị tổn thương và tình trạng thiếu công bằng của các DTTS trong hưởng thụ các quyền con người yêu cầu các quốc gia, khi tình hình đòi hỏi phải giải quyết, sẽ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, cụ thể nhằm giúp các nhóm DTTS được hưởng thụ công bằng các quyền và tự do cơ bản theo luật. Các biện pháp đặc biệt được ràng buộc theo quy định tại Điều 1, Khoản 4; Điều 2, Khoản 2 và Điều 7, ICERD. Theo Ủy ban giám sát ICERD, khái niệm “các biện pháp đặc biệt” bao gồm các biện pháp mà một số các quốc gia mô tả là “các chính sách đặc thù” hay “các biện pháp kiên quyết”, “hành động kiên quyết”, với mục đích diễn tả ý nghĩa của loại biện pháp được thông qua nhằm đạt mục tiêu hạn chế, loại bỏ bất bình đẳng hiện hữu và ngăn ngừa sự bất bình đẳng xa hơn có thể nảy sinh. “Biện pháp đặc biệt” thể hiện cách tiếp cận dựa trên bối cảnh, coi trọng phương pháp phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể và khuyến khích các quốc gia áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực chung về quyền của các DTTS phù hợp hoàn cảnh cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, dân tộc. Áp dụng các biện pháp đặc biệt là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của các quốc gia thành viên ICERD. Hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số nhóm DTTS, nhất là các nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nhằm tạo điều kiện cho các nhóm DTTS được đối xử bình đẳng, cải thiện đời sống, được bảo tồn các đặc trưng, bản sắc văn hóa, truyền thống của họ. Nhìn chung các quyền của DTTS thường gắn với hành động kiên quyết của Chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành có thể áp dụng các biện pháp đặc biệt để huy động nguồn lực đầu tư dài hạn đối với vùng DTTS và miền núi, có định hướng rõ rệt đối với việc nâng cao mức độ hưởng thụ các quyền bình đẳng của DTTS. Đáp ứng yêu cầu này cần tạo “khung pháp lý” bền vững, bằng cách quy định rõ trong Luật Dân tộc, nhằm tạo thuận lợi để các cơ quan nhà nước như Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai các chính sách, biện pháp đặc thù căn cứ vào tình hình thực tế của các vùng, miền, địa phương nhằm thúc đẩy sự phản ứng sáng tạo, hiệu quả trong bảo đảm quyền của DTTS ở Việt Nam.

e) Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về ICERD và các công ước có liên quan đến bảo đảm quyền của các DTTS

Ở nước ta hiện nay, vấn đề nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về các công ước này vẫn tiếp tục có nhiều thách thức, hạn chế về phương pháp và kinh nghiệm; chưa huy động được các nguồn lực thỏa đáng; tính chất liên ngành, đa ngành chưa được quan tâm đúng mức; kết quả nghiên cứu chưa cung cấp được các luận chứng thật sự khoa học và các kiến nghị hợp lý cho việc sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách; và chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể cho hoạt động giám sát, đánh giá, kiểm tra việc bảo đảm quyền của các DTTS phù hợp với các công ước. Các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực công tác dân tộc chưa thực sự am hiểu các quy định trong các công ước quốc tế về bảo đảm quyền của các DTTS; bên cạnh đó, nhiều nhóm DTTS, nhất là các nhóm ở vùng đặc biệt khó khăn, cách biệt về địa lý, ít thông thạo tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết về các quyền đã được công ước quốc tế công nhận… Do vậy, yêu cầu hiện nay là thông qua các quan hệ hợp tác với một số cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, các quốc gia hoặc các tổ chức phi chính phủ để nâng cao năng lực nghiên cứu, phục vụ hoàn thiện pháp luật, chính sách và thể chế bảo đảm quyền của các DTTS. Hợp tác quốc tế trong tuyên truyền, giáo dục cần bao gồm: Phổ biến, giới thiệu ICERD và các các văn kiện nhân quyền quốc tế có liên quan; các bình luận, khuyến nghị chung của Ủy ban giám sát công ước; các khuyến nghị của các cơ chế quốc tế. Hướng đến tầm nhìn dài hạn và phù hợp với chiến lược phát triển vùng DTTS, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc của chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà trường cần xây dựng và triển khai các Dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục về ICERD cũng như các công ước có liên quan liên quan đối với cán bộ hoạch định và thực thi pháp luật, chính sách về dân tộc; các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; lực lượng quân đội, công an; cán bộ tư pháp; cán bộ, nhân viên các ngành y tế, giáo dục; các cơ quan báo chí, truyền thông và người DTTS.

•TS. Nguyễn Duy Sơn*

(*) Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tài liệu trích dẫn

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Cong-uoc-Vien-Luat-Dieu-uoc-quoc-te-23-05-1969-27-01-1980-86933.aspx (truy cập ngày 20/9/2020).

(2) Viện Nghiên cứu quyền con người (2008), Bình luận và khuyến nghị chung của các Ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.428.

(3) Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa Luật (2010), Quyền con người – Tập tài liệu chuyên đề của Liên hợp quốc, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.215.

(4) Trung tâm Nghiên cứu quyền con người (2002), Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Hà Nội, tr.428