Ngày 11/12/2019, Viện Quyền con người (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), VCCI, UNICEF Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quyền trẻ em và kinh doanh: Giới thiệu hướng dẫn thực hành bình luận chung số 16 của Uỷ ban Công ước quyền trẻ em...
Hội thảo với sự chủ trì của PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người; ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký, Văn phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); bà Rana Flowers, Đại diện Quỹ nhi đồng LHQ, UNICEF Việt Nam.
Đông đảo các đại biểu đến từ Học viện, các bộ, ngành, trường đại học cùng tham dự. Phát biểu tại hội thảo, Bà Nazia, Corporate Alliances, chuyên gia UNICEF Việt Nam chia sẻ, cơ sở pháp lý hiện nay đang có để bảo vệ trẻ em là Công ước về quyền trẻ em. Về vấn đề quyền trẻ em và kinh doanh, khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp trả lời rằng, không liên quan đến trẻ em nhưng thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp đã tác động lớn đến vấn đề này.
Bà Rana Flowers, Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ, UNICEF Việt Nam |
Các doanh nghiệp cần nắm được tuổi tối thiểu để sử dụng lao động trẻ em và cần có những hoạt động để nâng cao năng lực để giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra tình hình lao động trẻ em. Cần có những phân tích hợp phù hợp để các văn bản pháp luật có thể thực thi trong thực tế. Cần phải có chương trình giáo dục đào tạo nghề và chính sách nghỉ thai sản phù hợp, chương trình tập huấn làm cha mẹ toàn diện, tổ chức những chương trình cả ở những cán bộ cốt cán tại doanh nghiệp.
Bà Rana Flowers phát biểu, vấn đề đảm bảo dịch vụ an toàn, hỗ trợ trẻ em, thực tế còn bị bỏ sót. Đôi khi chúng ta có thể bỏ qua những quy cơ tiềm ẩn và chưa trao cho trẻ em những tiếng nói đầy đủ. Do đó, cần tạo điều kiện an toàn cho trẻ cả ở trên mạng. Đây là trách nhiệm của không chỉ Nhà nước, Chính phủ mà cả các Cty về công nghệ. Các Cty về lữ hành, du lịch cũng cần đảm bảo không khai thác lao động trẻ em hoặc có những dịch vụ không phù hợp với trẻ em, làm sao để các doanh nghiệp phối hợp hiệu quả hơn với các tổ chức phi Chính phủ.
Bà Nazia, Corporate Ailliances, chuyên gia UNICEF Việt Nam |
Bà Nazia nêu ví dụ về một Cty viễn thông ở Anh, họ thấy quyền trẻ em rất quan trọng và đã có những hoạt động tích cực để tuyên truyền trên mạng xã hội với chủ đề "Làm cha mẹ trong thế giới số" để hướng dẫn con trẻ truy cập những trang web phù hợp. Hay ở Thái Lan, có dịch vụ tin nhắn dành cho những phụ nữ mới sinh con nhằm hỗ trợ nuôi dạy trẻ em trong hoạt động đầu đời. "Nếu đi sâu hơn vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ can thiệp được vào các nhà hàng thì sẽ hạn chế được việc trẻ em bị bóc lột" - bà Nazia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Lê Minh Thảo, điều phối viên Dự án Thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, cho biết về "Mối quan hệ tương tác giữa trẻ em và Doanh nghiệp". Theo đó, sản phẩm của các doanh nghiệp, các thiết kế quảng cáo, nhân viên của doanh nghiệp có quan tâm đến trẻ em hay không - đó là những vấn đề cần được quan tâm.
Bà Thảo cho hay, cần tích hợp quyền trẻ em vào hoạt động doanh nghiệp, cụ thể: Đưa việc xem xét các quyền trẻ em cụ thể vào chức năng kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo trẻ em được coi như các bên liên quan ngang bằng và các quyền trẻ em được xem xét trong các chương trình quyền con người của doanh nghiệp.
"Đảm bảo quyền tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em là một phần văn hoá doanh nghiệp, đưa hướng dẫn cho các thành viên DN; có chương trình hướng dẫn, thúc đẩy thực hiện tốt trong doanh nghiệp; cảnh báo các nhà cung cấp, khách hàng và đối tác kinh doanh về những rủi ro tiềm tàng với trẻ em; truyền thông cả nội bộ lẫn bên ngoài về những rủi ro lớn nhất doanh nghiệp liên quan đến trẻ em; thúc đẩy quyền trẻ em trong chuỗi giá trị và cung ứng..." - bà Thảo phát biểu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm |
Bà Thảo cũng chia sẻ về 10 nguyên tắc hoạt động trong doanh nghiệp (lao động trẻ em; lao động trẻ, bố mẹ và người chăm sóc; bảo vệ trẻ em và sự an toàn; các sản phẩm và dịch vụ; tiếp thị và quảng cáo; các nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng; các tình huống khẩn cấp; an ninh; môi trường và đất đai).
Để làm rõ hơn về bình luận chung số 16 của Uỷ ban Công ước quyền trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Viện Quyền con người, trình bày Công ước quốc tế về quyền trẻ em có 196 thành viên tham gia.
Uỷ ban CRC đã thông qua 24 bình luận chung về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em. Trong đó, khuyến nghị chung số 16 nêu về nghĩa vụ của nhà nước đối với tác động của khu vực doanh nghiệp lên quyền trẻ em.
Về nghĩa vụ của nhà nước trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến quyền trẻ em trong kinh doanh như: Cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em trong khu vực kinh tế phi chính thức, quyền trẻ em và các doanh nghiệp vận hành toàn cầu, hợp tác với các tổ chức quốc tế, bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp khi có xung đột.
Bà Hải cho biết, liên quan đến tiến trình báo cáo tình hình thực hiện CRC, quyền trẻ em và kinh doanh được đưa vào nội dung báo cáo quốc gia (Tây Ban Nha, Sri Lanka, Quần đảo Marshall...); quyền trẻ em và kinh doanh là một nội dung đánh giá của Uỷ ban Công ước quyền trẻ em. Nhiều quốc gia được khuyến nghị về trách nhiệm của nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em như: Bồ Đào Nha, Mô - zambic, Hàn Quốc, Australia, Bosnia và Herzegovina...
Tại Hội thảo còn thảo luận nhóm (Nhóm: Nâng cao nhận thức, nghiên cứu và thu thập dữ liệu; Pháp luật và các quy định; Chính sách, kế hoạch, chương trình; Giám sát và biện pháp khắc phục) về chiến lược, công cụ để thực hiện Bình luận chung số 16.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/hoi-thao-quyen-tre-em-va-kinh-doanh-173128.html