Lao động di trú là hiện tượng diễn ra từ lâu trong lịch sử nhân loại nhưng phát triển đặc biệt nhanh chóng từ đầu thế kỷ XX đến nay. Theo ước tính của một số tổ chức quốc tế, hiện cử 35 người dân trên thế giới thì có một người sống và làm việc ở ngoài đất nước mình. Tổng cộng trên thế giới hiện có khoảng 175 triệu người lao động di trú, chiếm 3% dân số toàn cầu. Cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế, dự đoán vấn đề lao động di trú sẽ trở nên hết sức phổ biến trong thế kỷ XXI và là một trong những đặc trưng cơ bản của thế kỷ này.
Những nghiên cứu của các tổ chức quốc tế có uy tín đều chứng minh rằng, người lao động di trú có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước gửi (sending countries) và nhận lao động (receiving countries). Ở các nước nhận lao động, người lao động di trú giúp thỏa mãn cơn khát về sức lao động của nhiều ngành kinh tế, góp phần duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của những ngành này, đồng thời là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân công cho những công việc có mức lương thấp, nặng nhọc, độc hại hoặc bị coi là thấp kém, bẩn thỉu mà người lao động bản xứ không muốn làm. Ở các nước gửi, việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là một trong những biện pháp quan trọng trong chính sách tạo việc làm, góp phần làm giảm sức ép của tình trạng thất nghiệp trong nước, tạo cơ hội đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề. Thêm vào đó, thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài gửi vê có thể nâng cao đáng kể đời sống của gia đình họ và góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội của nước nhà.
Với những đóng góp quan trọng trên, người lao động di trú lẽ ra phải được trân trọng và tôn vinh ở khắp mọi nơi, nhưng ngược lại, ở khắp các khu vực trên thế giới, họ đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị, bóc lột, lạm dụng, và bị xâm phạm các quyền và tự do cơ bản. Đây thực sự là một trong những bất công có tính chất toàn cầu.
Song người lao động di trú không hề bị quên lãng. Từ vài thập niên trở lại đây, nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ quốc tế, khu vực và quốc gia đã liên tục đấu tranh để đòi hỏi sự công bằng, bảo vệ các quyền và thúc đẩy điều kiện sống của người lao động di trú. Những nỗ lực không mệt mỏi của các tổ chức này đã tác động đến từng quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, hầu hết quốc gia trên thế giới đã ban hành những văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp để cập đến các quyền và việc bảo vệ quyền của nhóm xã hội ngày càng có vị thế quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương này.
ASEAN là một trong những khu vực có số lượng và tỷ lệ người lao động di trú cao nhất trên thế giới. Đây cũng là khu vực rất đa dạng xét về phương diện di trú lao động, bởi có cả những nước gửi, nước nhận lao động và những nước vừa gửi vừa nhận lao động. Ở một góc độ khác, có thể thấy rõ ràng rằng di trú lao động sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch hợp tác đã nêu trong Hiến chương ASEAN, đặc biệt trong việc tiến tới hội nhập kinh tế của tất cả các nước trong khối trước năm 2015. Chính vì vậy, trong rất nhiều văn kiện chính thức của ASEAN, việc bảo vệ người lao động di trú được coi là một trong các mục tiêu chủ yếu mà ASEAN cần đạt được phù hợp với tầm nhìn của tổ chức là xây dựng ASEAN thành "một cộng đồng chia sẻ và quan tâm lẫn nhau". Bối cảnh đặc biệt này đòi hỏi các nước ASEAN phải có những biện pháp đơn phương, song phương và đa phương để có thể bảo vệ và thúc đẩy mộ cách có hiệu quả các quyền của người lao động di trú. Trên thực tế, trong khoảng hơn một thập kỷ vừa qua, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức công đoàn và Chính phủ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã có những nỗ lực to lớn theo hướng này tức là đồng thời với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia, các nước ASEAN đang cố gắng xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung cho việc Bảo vệ và Thúc đẩy các Quyền của người Lao động Di trú trong khu vực và ở mỗi nước. Tóm lại, giống như nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với một thách thức to lớn là bảo vệ có hiệu quả công dân mình trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực, nơi mà sự dịch chuyển các nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực, từ quốc gia này sang quốc gia khác đã trở thành một quy luật và nhu cầu tất yếu, một quy tắc được chấp nhận chung chứ không phải là một trường hợp ngoại lệ. Để đối phó có hiệu quả với thách thức đã nêu, việc nghiên cứu và tham khảo các quy định pháp luật quốc tế và khu vực về di trú lao động là rất cần thiết. Cuốn sách này được thực hiện từ cách tiếp cận đó. Nó tập hợp những văn kiện quan trọng được tuyển chọn trong hệ thống những văn kiện quốc tế (chủ yếu của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành), văn kiện ở khu vực ASEAN (do Hiệp hội các nước ASEAN và mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, tổ chức Công đoàn và tổ chức xã hội dân sự hoạt động về vấn đề lao động di trú ở ASEAN thông qua) và các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ban hành có liên quan đến việc Bảo vệ và Thúc đẩy các Quyền của người Lao động Di trú. Mục tiêu của cuốn sách là hỗ trợ công tác nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật về đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, cũng như việc bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài của các cơ quan nhà nước và các chủ thể khác có liên quan theo hướng phù hợp và hài hòa với các tiêu chuẩn chung đã được thiết lập trong các văn kiện và đang được áp dụng ở tầm quốc tế và khu vực.
Về mặt phạm vi, cuốn sách này chỉ đề cập đến người lao động di trú (migrant worker) mà theo định nghĩa trong Điều 1(1) Công ước về bảo vệ các quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ của Liên Hợp Quốc, đây là thuật ngữ để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân.
Dưới hình thức một tập hợp văn bản, cuốn sách khó có thể tránh khỏi những hạn chế nhất định về cấu trúc, nội dung và tính cập nhật. Dù vậy, Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người & Quyền công dân vẫn hy vọng cuốn sách sẽ trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích về vấn đề quyền của người lao động di trú và mong muốn nhận được sự góp ý phê bình của các cơ quan, tổ chức và độc giả để những ấn phẩm tương tự về sau của Trung tâm sẽ có giá trị cao hơn.
Nhân đây, Trung tâm xin chân thành cảm ơn Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Dự án hợp tác phát triển nguồn nhân lực ở Đông Nam của Á của Canađa (SEARCH) đã có những hỗ trợ quý báu trong việc xuất bản cuốn sách này.