Tóm tắt: Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với nhiều quốc gia, trong đó có hai FTA thế hệ mới quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bên cạnh những tác động tích cực thì việc gia nhập các FTA này cũng có những tác động tiêu cực đến các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Vì vậy, bảo đảm hoạt động thương mại không dẫn tới việc hạn chế hay thậm chí vi phạm quyền con người là một yêu cầu hết sức quan trọng.

Từ khóa: Bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Abstract: In recent years, Vietnam has continuously signed multilateral and bilateral free trade agreements (FTAs) with many countries, of which two important new generation FTAs ​​are the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) and the Free Trade Agreement between Vietnam and the European Union (EVFTA). Besides the positive effects, joining these FTAs ​​has negative impacts on vulnerable social groups. Therefore, ensuring that commercial activities do not lead to restriction or even violation of human rights is a very important requirement.

Keywords: Secure the rights of vulnerable groups, new generation free trade agreement.

1. Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh thương mại tự do

Khi nói đến các nhóm gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận quyền, một số thuật ngữ thường được sử dụng: “nhóm dễ bị tổn thương” (vulnerable group), nhóm yếu thế (disadvantace group), nhóm bị lề hoá (maginalized group). Tuy nhiên, khái niệm “nhóm dễ bị tổn thương” được sử dụng chính thức hơn trong các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc gia về quyền con người.  

Trong lịch sử, trước khi Liên hợp quốc và bộ máy quốc tế về quyền con người được thành lập, một số nhóm đặc biệt dễ bị tổ thương như nạn nhân chiến tranh bao gồm tù nhân chiến tranh, binh sỹ bị ốm, bị thương trên chiến trường, thường dân... cũng đã được  các công ước Giơ-ne-vơ bảo vệ. Với sự ra đời của các tổ chức quốc tế như Hội quốc liên (1919) và sau này là Liên hợp quốc (1945) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhiều điều ước, tuyên ngôn tuyên bố để ghi nhận xác lập và bảo vệ các quyền của các nhóm đặc biệt như bị buôn bán nô lệ (ví dụ: Công ước về nô lệ năm 1926), người lao động, người thiểu số, trẻ em, v.v.. đã được lần lượt thông qua.

Vấn đề quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương là một hợp phần quan trọng trong hệ thống pháp luật, cơ chế quốc tế, khu vực và quốc gia về bảo vệ quyền con người. Khung pháp luật quốc tế về quyền của nhiều nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người khuyết tật, người tị nạn, người không có quốc tịch, người lao động di trú, người cao tuổi, người bị tước đoạt tự do, người có khác biệt về bản dạng giới và định hướng giới tính... đã được hình thành và phát triển.

Cho đến nay, hệ thống văn bản quốc tế về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương đã lên tới hàng trăm văn kiện không chỉ do Liên hợp quốc mà còn do nhiều tổ chức liên chính phủ quốc tế thành viên của Liên hợp quốc thông qua. Các văn kiện cơ bản về quyền con người như Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, hai công ước năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội văn hoá đều khẳng định bình đẳng, không phân biệt đối xử là những nguyên tắc cơ bản. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ghi nhận “phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới” đồng thời cũng khẳng định “niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ” (Lời nói đầu). Việt Nam là quốc gia thành viên của nhiều công ước chuyên biệt về bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như: các công ước bảo vệ quyền của người lao động của ILO, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW), Công ước về quyền của người khuyết tật, Công ước quyền trẻ em, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc... Do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để thúc đẩy và bảo vệ quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương này.  

Tính dễ bị tổn thương về quyền của các nhóm đối tượng trong xã hội có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế. Trong bối cảnh tự do thương mại, sự phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường, nhiều nhóm xã hội có thể phải chịu ảnh hưởng sâu sắc và gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hưởng thụ quyền con người.

2. Quy định về bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong các FTA Việt Nam phê chuẩn

Để tăng cường hội nhập với nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia nhiều FTA song phương và đa phương. Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã ký 12 FTA song phương và đa phương với các quốc gia và đang trong quá trình đàm phán 3 hiệp định song phương và đa phương khác.1 Trong đó, CPTPP và EVFTA là hai FTA đánh đấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với các quốc gia trên thế giới. Đây là hai hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và đặc biệt là có các quy định về bảo vệ quyền cho một số nhóm dễ bị tổn thương.

Rà soát 12 FTA song phương và đa phương đang có hiệu lực của Việt Nam có thể thấy rằng nội các nội dung liên quan đến bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh tự do thương mại chưa được quy định rõ ràng. Chẳng hạn, văn kiện FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Nhật Bản và các FTA đa phương như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEUFTA) đều chủ yếu tập trung vào các thoả thuận thương mại mà không có điều khoản về phát triển bền vững và  bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Nội dung bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương chỉ được đề cập trong hai hiệp định được phê chuẩn trong thời gian gần đây là CPTPP và EVFTA. 

2.1. Bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một thỏa thuận tự do thương mại giữa 11 quốc gia2 thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1/2019.

CPTPP gồm 30 chương cùng lời nói đầu và các phụ lục, xác lập các tiêu chuẩn về cam kết mở cửa thương mại trên 20 lĩnh vực khác nhau từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; cũng như các quy định để đảm bảo CPTPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh, và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.3

Mục tiêu chính của CPTPP là tăng cường hợp tác kinh tế cũng như các chính sách, quy định thương mại giữa các quốc gia thông qua việc tiến tới xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư. Khác với các FTA khác, điểm khác biệt của CPTPP là hiệp định này không chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh ra khỏi các quy định về thương mại mà đã mở rộng ra cả các vấn đề phi thương mại có liên quan trực tiếp đến quyền con người. Do vậy, khi có hiệu lực, các quy định này chắc chắn tác động đến việc đảm bảo quyền con người.

Nhiều nội dung được quy định trong tổng số 30 chương của CPTPP đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

- Quyền của người lao động là nhóm quyền được bảo vệ trực tiếp nhất trong CPTPP. Lời nói đầu của CPTPP  khẳng định cam kết “bảo vệ và thực thi các quyền lao động, cải thiện điều kiện làm việc và mức sống, tăng cường hợp tác và năng lực của các bên về các vấn đề lao động”.4  Điều 19.3 về quyền lao động của CPTPP khẳng định:

“1. Mỗi Bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực hiện các đạo luật và quy định đó ở nước mình, những quyền sau đây như được nêu trong Tuyên bố của ILO:

(a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;

(b) chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc;

(d) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.”

Chương 19 cũng kêu gọi các quốc gia cần thông qua quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ người lao động như mức lương tối thiểu, giờ làm việc, sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp. Trong chương về lao động các khía cạnh liên quan đến bảo vệ quyền của người lao động khác cũng được đề cập, đó là: thực thi pháp luật lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đối thoại lao động v.v..

- Quyền trẻ em: CPTPP khẳng định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ trẻ em  bằng cách cam kết xoá bỏ lao động trẻ em và các lĩnh thức lao động trẻ em tồi tệ nhất ( Điều 19.3 (c)).

- Quyền của người có HIV và những người bị các bệnh lây nhiễn cộng đồng như lao, sốt rét, covid và các dịch bệnh khác: Chương 18 đưa ra các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, thiết kế công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật thương mại, các hình thức sở hữu trí tuệ khác, và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các lĩnh vực mà các nước CPTPP đồng ý hợp tác. Chương 18 nhằm bảo vệ quyền sức khoẻ, đặc biệt là quyền tiếp cận thuốc điều trị cho các bệnh cộng đồng. Cụ thể hơn, Điều 18.6, khẳng định việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ sẽ không ngăn cản các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ nền y tế công: “Mỗi bên có quyền quyết định các yếu tố tạo nên tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các trường hợp đặc biệt khẩn cấp khác, theo đó có thể hiểu rằng các khủng hoảng liên quan tới sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả những cuộc khủng hoảng liên quan đến HIV/AIDS, lao, sốt rét và các bệnh dịch khác, có thể coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các trường hợp đặc biệt khẩn cấp khác.”5

- Quyền phụ nữ: CPTPP không đưa ra các quy định  về bảo vệ quyền phụ nữ theo nghĩa rộng mà tập trung vào nhóm phụ nữ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Điều 23.3 kêu gọi các quốc cần tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia vào hoạt động kinh tế thương mại và tập trung nâng cao năng lực cho phụ nữ để họ không bị ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động thương mại. Cụ thể điều 23.4 quy định:

“ 1. Các Bên ghi nhận rằng việc tạo thêm cơ hội cho phụ nữ trên lãnh thổ các Bên, bao gồm cả người lao động và chủ doanh nghiệp, được tham gia vào nền kinh tế quốc gia và toàn cầu cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế. Các Bên cũng ghi nhận lợi ích của việc các bên chia sẻ kinh nghiệm đa dạng của mình trong việc thiết kế, thực thi và củng cố các chương trình nhằm khuyến khích sự tham gia của phụ nữ.

2. Do đó, các Bên sẽ cân nhắc thực hiện các hoạt động hợp tác chung nhằm tăng cường năng lực của phụ nữ, bao gồm cả người lao động và chủ doanh nghiệp, để có thể tiếp cận và hưởng lợi toàn diện từ những cơ hội mà Hiệp định này mang lại. Những hoạt động này có thể bao gồm việc tư vấn hoặc đào tạo thông qua trao đổi cán bộ, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong các lĩnh vực:

(a) các chương trình hỗ trợ phụ nữ xây dựng kỹ năng và năng lực, tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường, công nghệ và tài chính;

b) xây dựng mạng lưới các lãnh đạo nữ; và

c) xác định những thực hành tốt nhất về tạo dựng môi trường làm việc linh hoạt.”6

2.2 Bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) là FTA thế hệ mới giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU. Việt Nam phê chuẩn hiệp định này tháng 6/2020. Cũng giống như CPTPP, EVFTA là hiệp định toàn diện, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay nhằm mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ giữa 2 bên, tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, trên cơ sở lợi ích lâu dài. EVFTA bao quát nhiều lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. 

Hiệp định gồm 17 Chương và 2 Nghị định thư quy định về tự do thương mại trong các vấn đề: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Việc bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong EVFTA được quy định cụ thể như sau:

- Quyền tiếp cận thuốc điều trị của các nhóm dễ bị tổn thương về sức khoẻ như người có HIV/AIDS, người bị các bệnh lây nhiễm cộng đồng được bảo vệ tại Chương 12 về sở hữu trí tuệ thông qua việc khẳng định tầm quan trọng của hiệp định TRIPS và Tuyên bố Đô ha.7

- Quyền của người lao động là nhóm quyền được đặc biệt nhấn mạnh trong EVFTA. Toàn bộ Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững đưa ra các quy định về việc thúc đẩy sự đóng góp của thương mại, đầu tư đến vấn đề lao động và môi trường. Cụ thể, EVFTA yêu cầu quốc gia thành viên phải khẳng định “cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các công ước của ILO đã được Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu phê chuẩn”8, đặc biệt là cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả quyền của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. 

- Tương tự như hiệp định CPTPP, việc bảo vệ quyền trẻ em được thể hiện qua cam kết “loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em”9 của các bên tham gia.

3. Bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - nhu cầu, thách thức và giải pháp

3.1. Nhu cầu, thách thức trong bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Theo pháp luật quốc tế về quyền con người, nhóm dễ bị tổn thương cần phải được bảo vệ trong bất cứ một quốc gia, xã hội nào, đó cũng là cam kết chung của Việt Nam và các quốc gia khi thực hiện các FTA thế hệ mới.

Một trong những mục đích quan trọng của cơ chế bảo vệ quyền con người chính là hướng tới xoá bỏ sự phân biệt đối xử và giải quyết khó khăn mà các nhóm xã hội dễ bị tổn thương có thể gặp phải trong đời sống. Những nhóm cụ thể, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, họ ở vị thế yếu và dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật và cần được bảo vệ một cách đặc biệt để thụ hưởng đầy đủ các quyền con người một cách bình đẳng và hiệu quả.

Việc phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam gắn với sự phát triển và hình thành của các FTA thế hệ mới, song việc phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn gắn với đặc tính định hướng xã hội chủ nghĩa rõ nét. Vì vậy, đòi hỏi thực hiện các FTA thế hệ mới để phát triển kinh tế không được trái và đi ngược lại các cam kết quốc tế về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương mà Việt Nam đã tham gia như: các công ước bảo vệ quyền của người lao động của ILO, CEDAW, Công ước về quyền của người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC), Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc… Đó là nhu cầu và cũng là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia các FTA, bên cạnh việc đầu tư nguồn lực để phát triển kinh tế, Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương có thể bị ảnh hưởng bởi sự ra đời của các FTA đó.

Có nhiều nhóm xã hội dễ bị tổn thương được đề cập đến trong pháp luật quốc tế song trong các FTA có thể một số nhóm phải chịu áp lực hơn vì những lý do liên quan trực tiếp tới vấn đề thu nhập và việc làm như: phụ nữ, trẻ em, người không quốc tịch; dân tộc thiểu số quốc gia; lao động nhập cư; người tàn tật; người cao tuổi; người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh những thuận lợi mà các FTA thế hệ mới mang đến cho nền kinh tế thì bất lợi cũng có thể xảy ra với các nhóm dễ bị tổn thương. Cùng với CPTPP thì EVFTA là FTA thế hệ mới quan trọng của Việt Nam trong thời gian gần đây, góp phần thúc đẩy mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU cũng như tăng tốc cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương có thể gặp phải những khó khăn sau:

Một là, thách thức trong việc bảo vệ với quyền có việc làm của người lao động trong một số lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng mất việc làm hoặc không bắt nhịp kịp thời với đòi hỏi của yêu cầu từ cam kết của Hiệp định có thể tác động tới quyền của người lao động trong một số lĩnh vực nhất định. “Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025). Tuy nhiên một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 đến 0,36%/năm”10.

Với thông số như vậy, có thể thấy mặc dù số lượng việc làm tăng lên trong một số lĩnh vực nhưng khả năng rơi vào tình trạng mất hoặc thiếu việc làm lại có thể xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người nông dân.

Hai là, thách thức với việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khoẻ của một số nhóm có thể bị tác động. Nguyên tắc độc quyền sáng chế liên quan tới một số loại dược phẩm có thể tác động tới việc bảo đảm tính sẵn có của quyền chăm sóc sức khoẻ. Các bệnh nhân trong nhóm xã hội dễ bị tổn thương như người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS có thể không đủ nguồn lực kinh tế để tiếp cận nguồn dược phẩm đó.

Ba là, thách thức đặt ra với từng nhóm cụ thể:

Với nhóm người khuyết tật có thể là đối tượng chịu tác động trong FTA: “Khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số”11. Trẻ em nói chung và đặc biệt là trẻ em khuyết tật còn có thể phải chịu tác động bởi tình trạng nghèo đói của gia đình, khó có cơ hội tiếp cận giáo dục như các bạn cùng tuổi khác. Một mặt, CPTPP, EVFTA và các FTA thế hệ mới khác sẽ giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Nhưng những gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp – nơi mà nhóm trẻ em khuyết tật sinh sống có thể bị mất việc làm do thu hồi đất để phục vụ việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phát triển kinh tế hoặc không đáp ứng được yêu cầu đầu ra của sản phẩm theo các Hiệp định đó sẽ gặp những khó khăn đáng kể.

Cơ hội việc làm đối với người khuyết tật là một trong những yêu cầu của ILO, song cơ hội việc làm trong môi trường kinh tế cạnh tranh cao từ việc ký kết và gia nhập các FTA thế hệ mới cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Bên cạnh đó, “cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương”12. Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng về mức sống và khả năng tham gia xã hội đối với người khuyết tật chưa thực sự được như mong đợi. Được tiếp cận với các thiết bị giảm bớt tình trạng khuyết tật như máy trợ thính giác, thị giác, các thiết bị chỉnh hình có thể được bảo vệ bằng sở hữu trí tuệ với giá cả độc quyền cao có thể ảnh hưởng tới việc được sử dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật đó đối với người khuyết tật.

Đối với nhóm người nhiễm HIV/AIDS: từ năm 2017, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm, nhất là khoản kinh phí chi trả cho việc mua thuốc kháng vi rút từ nguồn tài trợ. Khi ký kết các hiệp định FTA, Việt Nam phải cam kết về bản quyền sở hữu trí tuệ, điều đó có thể ảnh hưởng tới việc tiếp cận với thuốc chữa bệnh của nhóm này do chi phí đắt đỏ.

Đối với nhóm phụ nữ: ở các quốc gia, phụ nữ luôn là nhóm dễ bị tổn thương cần được bảo vệ bởi những quy định của pháp luật. Bên cạnh những thuận lợi từ việc ký kết, gia nhập các FTA thế hệ mới, thì những khó khăn cũng có thể xuất hiện với phụ nữ. Đòi hỏi về việc phê chuẩn một số Công ước liên quan tới quyền được bình đẳng trong lao động của phụ nữ, trong đó có Công ước 131 về Tiền lương tối thiểu trong giai đoạn 2016-2020, để đạt được vấn đề Chỉ số SDG 8.5.1 về “Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động nam và nữ, theo nghề nghiệp, tuổi tác và tình trạng khuyết tật”13 vẫn đang trong lộ trình hiện thực hoá. Đó cũng chính là một trong những khó khăn về mặt luật pháp có thể tác động tới bảo đảm bình đẳng với phụ nữ trong quá trình các doanh nghiệp sản xuất trong FTA.

Các FTA thế hệ mới mang đến những cơ hội việc làm, song những đòi hỏi của công nghệ và kỹ thuật cũng có thể lấy đi việc làm của những lao động nữ lớn tuổi vì khả năng đào tạo lại với họ không phải luôn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới, nhất là đối với phụ nữ còn thể hiện ở những áp lực của người lao động nữ đối với các vấn đề bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc. Không chỉ xảy ra trong phạm vi của việc ký kết các FTA, nhưng bối cảnh lao động với những đòi hỏi cao của FTA cũng có thể trở thành nền tảng để quyền của phụ nữ có thể bị vi phạm khi họ cần thiết phải tăng ca, làm thêm giờ hoặc phải làm tại những địa điểm bên ngoài doanh nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cam kết nào với việc phê chuẩn Công ước 190 của ILO về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối tại nơi làm việc năm 2019. Pháp luật Việt Nam đã có quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động."

Mặc dù có quy định về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, song vẫn chưa có quy định cụ thể và chi tiết các “hành vi có tính chất tình dục” và “không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận” cần được giải thích rõ ràng hơn để bảo đảm quyền và giá trị nhân phẩm của người phụ nữ.

Đối với nhóm trẻ em: trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm bảo vệ. Việt Nam đã tham gia CRC từ rất sớm, và mới đây, năm 2017, Luật Trẻ em đã chính thức có hiệu lực. Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhấn mạnh: “các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục”.14 Điều 34 của CRC đã nêu rõ các hình thức bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em mà các quốc gia phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn ngừa bao gồm: a) “Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào; b) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; c) Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn hay các tài liệu khiêu dâm”.15 Trong CPTPP cũng đã nêu rõ Việt Nam cần xoá bỏ lao động trẻ em và nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại điểm c khoản 3 Điều 1916 và có sáng kiến để xoá bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc đối với trẻ em tại khoản 6 Điều 1917. Bên cạnh đó, EVFTA yêu cầu Việt Nam cam kết thực hiện thực hiện có hiệu quả các quyền lao động tại Chương 15 về thương mại và phát triển bền vững. Trong đó, EVFTA nhấn mạnh tới các chuẩn mực về xoá bỏ lao động trẻ em được quy định trong các công ước của ILO18. Đây là các quy định mang tính lợi ích cao đối với trẻ em từ các FTA thế hệ mới, nhưng nó cũng thể hiện áp lực về hợp tác phát triển kinh tế mang tới. Sự phát triển của các doanh nghiệp mang tới cơ hội việc làm cho nhiều người, tăng cường sự trao đổi và đi lại cũng phát triển thương mại, du lịch giữa các quốc gia nhưng cũng chính là căn nguyên, mầm mống có thể tạo nên tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động. Đó là những hình thức vi phạm có nhiều nguy cơ xảy ra trong quá trình doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3.2.  Một số giải pháp bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Một là, nâng cao nhận thức của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các FTA thế hệ mới.

Ký kết FTA thế hệ mới và bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương là hai mặt của vấn đề phát triển. Đảm bảo sự phát triển kinh tế cân bằng với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân là quan điểm xuyên suốt trong các Cương lĩnh, Đại hội của Đảng và chính sách của Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo”19. Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ bảo đảm tính xã hội trong việc phát triển kinh tế để những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo… đều có khả năng thụ hưởng các quyền của họ bằng cách sử dụng những thể chế, nguồn lực, công cụ và chính sách phân phối để điều tiết. Trong xã hội Việt Nam thời điểm này, thời điểm của quốc gia đang trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, mục tiêu phát triển kinh tế không thể rời xa việc bảo đảm quyền con người, vì vậy quan điểm đó là phù hợp và thực sự cần thiết.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan chức năng về quyền con người cũng quan trọng như việc nâng cao năng lực quản lý thương mại trong nước trước những đòi hỏi của việc gia nhập CPTPP và EVFTA, một mặt phải dựa trên quy tắc chung về vận hành kinh tế và một mặt vẫn cần có những quyết sách dựa trên nền tảng của tiếp cận dựa trên quyền con người trong lĩnh vực kinh tế.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền con người.

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp là trách nhiệm của quốc gia, song bảo đảm quyền con người của người lao động và một phần trong việc bảo đảm quyền của các nhóm đối tượng liên quan đến họ như người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV/AIDS trong gia đình họ... là trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp phát triển trong việc ký kết CPTPP và EVFTA. Tự do hoá thương mại, tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại có thể mang tới lợi ích cho nền kinh tế song không phải luôn là yếu tố chủ động để mang tới việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, thậm chí có thể tạo nên những rào cản trong việc tiếp cận quyền con người. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nhận thức được trách nhiệm bảo đảm quyền con người của mình.

Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương.

Trong các FTA thế hệ mới có nhiều lĩnh vực điều chỉnh hết sức mới mẻ, có thể vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ thông thường như lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt, sở hữu trí tuệ…  Đó là những nội dung mà nhiều quốc gia đang phát triển cảm thấy lo ngại khi ký kết FTA bởi đó có thể là một “lá chắn thép” cho các đối tác phát triển của họ. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đáp ứng được các vấn đề đó thì việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương cũng có nhiều thuận lợi. Chẳng hạn các doanh nghiệp phải bảo đảm cam kết về tuổi lao động, tình trạng không phân biệt đối xử theo giới tính, lứa tuổi; bảo đảm các cam kết về môi trường làm việc cho người lao động. Chính vì vậy, Việt Nam cần bổ sung nội dung pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người để có thể tận dụng được lợi thế và hạn chế những tác động tiêu cực của FTA đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong môi trường doanh nghiệp. Hiện nay, Liên hợp quốc đã có một số văn bản liên quan đến doanh nghiệp và quyền con người như: Thỏa ước Toàn cầu năm 2000, Dự thảo Quy tắc về trách nhiệm của các Tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp khác đối với quyền con người năm 2003, Các Nguyên tắc Hướng dẫn về doanh nghiệp và quyền con người (Guiding Principles for Business and Human Rights) năm 2011. Ở Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục xây dựng những hướng dẫn và các văn bản khác để hướng các doanh nghiệp có hành động tôn trọng và bảo vệ quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế. Điều đó đòi hỏi trong quá trình nội luật hoá các cam kết tại các FTA thế hệ mới cần tính đến quyền và lợi ích của nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong quá trình nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản luật như: Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Trẻ em năm 2017…

Bốn là, nâng cao vị thế và năng lực cho nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

 “Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền quốc tế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo...), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi... Theo dòng thời gian, danh sách này có thể còn được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh…”20. Nhận định trên cho thấy, pháp luật quốc tế cũng như bản thân mỗi quốc gia đều thừa nhận các nhóm xã hội dễ bị tổn thương không phải là nhóm nhỏ, mà bao gồm nhiều chủ thể và các chủ thể có thể ngày một tăng thêm theo hoàn cảnh và bối cảnh khác. Chính vì vâỵ, họ cần được tôn trọng, bảo vệ và trao quyền thông qua việc nâng cao vị thể và năng lực. Vì vậy, trách nhiệm của các chủ thể bảo đảm quyền là “làm hết sức mình để bảo đảm các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa cho những người bị thiệt thòi nhất và đảm bảo sự tham gia của họ trong quá trình ra quyết định”21. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để quyền con người được bảo đảm trong thực tế đời sống. Theo đó cần thực hiện một số giải pháp như đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm mới cho nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh ký kết các FTA là một trong những giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường cơ chế giám sát và phản biện xã hội từ các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc bảo đảm quyền con người đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương thông qua hoạt động của các tổ chức này. Ngoài ra còn cần xây dựng cơ chế ngoài tư pháp như cơ chế thanh tra, trọng tài, hoà giải trong việc giải quyết vi phạm quyền con người trong đó có nhóm xã hội dễ bị tổn thương như trẻ em, lao động nữ... do doanh nghiệp gây ra trong quá trình kinh doanh.

• PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Hải*  - TS. Trần Thị Hồng Hạnh**

(*)(**) Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tài liệu trích dẫn

(1) Xem danh mục các hiệp định thương mại đã ký kết và đang trong quá trình đàm phán tại: Trung tâm WTO, https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018. Truy cập ngày 20/4/2021.

(2) 11 thành viên của CPTPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản.

(3) Xem Thư viện pháp luật, Tóm tắt nội dung CPTPP,  tài liệu có tại địa chỉ: http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-TPP//11539/toan-van-ban-tom-tat-hiep-dinh-tpp-bang-tieng-viet, truy cập ngày 1/6/2016.

(4)  Xem Lời nói đầu, Hiệp định CPTPP.

(5) CPTPP, Chương 18, điều 18.6.

(6) CPTPP, Chương 23, Điều 23.4.

(7) EVFTA, Chương 12. Điều 12.39.

(8);(9) EVFTA, Chương 12. Điều 13.4.

(10) https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhung-đieu-can-biet-ve-hiep-đinh-evfta-19434-22.html. Truy cập ngày 10/4/2021.

(11) https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-ch%C3%AD/việt-nam-công-bố-kết-quả-điều-tra-quốc-gia-quy-mô-lớn-đầu-tiên-về-người. Truy cập ngày 10/4/2021.

(12) https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-ch%C3%AD/việt-nam-công-bố-kết-quả-điều-tra-quốc-gia-quy-mô-lớn-đầu-tiên-về-người

(13) LHQ, các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững, CT.232

(14) Điều 3 Công ước quốc tế về quyền trẻ em

(15) Điều 34 Công ước quốc tế về quyền trẻ em

(16) Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Văn bản có tại: http://CPTPP.moit.gov.vn/data/e0593b3b-82bf-4956-9721-88e51bd099e6/userfiles/files/19%20-%20Chuong%20Lao%20dong%20-%20VIE.pdf. Truy cập 10/10/2019.

(17) Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Văn bản có tại: http://CPTPP.moit.gov.vn/data/e0593b3b-82bf-4956-9721-88e51bd099e6/userfiles/files/19%20-%20Chuong%20Lao%20dong%20-%20VIE.pdf. Truy cập: 10/10/2019.

(18) Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Văn bản có tại: http://CPTPP.moit.gov.vn/data/e0593b3b-82bf-4956-9721-88e51bd099e6/userfiles/files/19%20-%20Chuong%20Lao%20dong%20-%20VIE.pdf. Truy cập 10/10/2019.

(19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 269.

(20) Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, NXB Lao động - Xã hội, 2011, tr.229.

(21) Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu tham khảo Luật Quốc tế về quyền con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.376.