Để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”... thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài.
Lấy sức mạnh văn hóa chống thói quan liêu, tham nhũng
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, dùng sức mạnh văn hóa chống thói quan liêu, tham nhũng từ lâu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng.
Ngày 24/11/1946, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến rất gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đến Nhà hát Lớn dự Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.
Tại đây, Người có một bài diễn văn nổi tiếng với mấy luận điểm rất quan trọng. Đó là "Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam". Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", tức là vai trò của văn hóa cực kỳ to lớn, sâu sắc. Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Người còn khẳng định: "Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ". Cuối cùng, Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam đặc biệt quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Sau 75 năm, năm 2021, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhân kỷ niệm sự kiện Bác Hồ đọc diễn văn về văn hóa. Tại đây, Tổng Bí thư của Đảng ta nhấn mạnh "Văn hóa còn thì dân tộc còn" - đây là một thông điệp rất mạnh mẽ, diễn tả sức mạnh nội sinh to lớn của văn hóa.
Vậy sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề văn hóa chống quan liêu, tham nhũng như thế nào?
Ai cũng biết, Người quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức, mà đạo đức chính là cốt lõi của văn hóa. Trong đạo đức có 4 phẩm chất quan trọng là "cần, kiệm, liêm, chính" của người cách mạng, nói rộng ra là của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bác nói có cần, có kiệm, có liêm thì mới có chính được. Mà có đủ cả "cần, kiệm, liêm, chính" thì mới thành người hoàn toàn, thiếu một đức tính đó sẽ không thành người. Đây là yêu cầu với cá nhân.
Còn một dân tộc mà có đủ cả "cần, kiệm, liêm, chính" thì vừa giàu có về vật chất vừa văn minh về tinh thần, tức là sẽ không tham nhũng,cướp bóc, lấy của cải của nhân dân. Tài sản không bị hao hụt thì đấy là giàu có. Văn minh tinh thần tức là đạo đức trong sáng, không dính vào tham nhũng, không vẩn đục bộ máy và thể chế, không hư hỏng cán bộ, nhất là cán bộ có chức có quyền. Điều này cho thấy, Người đặt vấn đề đạo đức là gốc, rất quan trọng trong văn hóa và dùng sức mạnh đó để chống thói quan liêu, tham nhũng.
Đặc biệt ở cương vị người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra một chỉ thị rất mạnh mẽ là "trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng làm gì và bất kể chúng ở cương vị nào" mà nay Đảng ta gọi là "không có ngoại lệ", "không có vùng cấm".
Người còn viết một tác phẩm nhan đề là "Quốc lệnh"- tức là lệnh của nguyên thủ quốc gia - vào dịp đầu năm 1946, khi nước nhà mới ra đời, chính thể mới thành lập.
Trong "Quốc lệnh" này, những người được khen thưởng có công rất lớn, đủ sức để làm động lực kích thích cái tốt đẹp phát triển, nhưng phần trừng phạt thì cũng rất nghiêm khắc. Trừng phạt Việt gian phản quốc, tham ô, lãng phí, gây tổn hại đến nhân dân thì từ điều phạt thứ nhất đến điều phạt thứ 10 trong bản "Quốc lệnh" đó, Người đều ghi mức xử lý cao nhất là tử hình.
Điều này, dù cách đây ba phần tư thế kỷ, vẫn nhắc nhở chúng ta rằng công cuộc chống tham nhũng quan trọng như thế nào, để giữ cho chế độ trong sạch, vững mạnh. Do đó, văn hóa liêm chính, văn hóa tiết kiệm và đạo đức liêm chính của người cách mạng lúc này trở nên rất thời sự, để có thể chống được quan liêu, tham nhũng.
Chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự
Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là không chỉ chống tham nhũng mà còn chống cả tiêu cực, lãng phí, gắn với văn hóa tiết kiệm mà trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII đã đề ra. Ở đây, lãng phí tức là lãng phí sức người, sức của, thời gian, vật chất, tinh thần. Lãng phí là đồng minh của tham nhũng, là kẽ hở dẫn đến tham nhũng. Tiêu cực cũng là ngọn nguồn dẫn đến tham nhũng nên chống cả tiêu cực, chống cả tham nhũng, cả lãng phí, quan liêu là thái độ quyết liệt của Đảng ta hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói, trong cuộc chiến quyết liệt này để giữ vững chế độ, ai mệt mỏi và không muốn làm nữa thì đứng sang một bên để cho những người khác làm. Chúng ta không thiếu những cán bộ trong sạch, liêm khiết, những con người quyết tâm thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, mà xét đến cùng cũng là để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, dân tộc, để chống lại cái phản dân chủ lớn nhất là quan liêu, tham nhũng.
Trong rất nhiều năm, rất nhiều nhiệm kỳ đại hội, ta thừa nhận tham nhũng là một quốc nạn, tức là vấn nạn ở tầm quốc gia, một vấn đề nhức nhối mà chưa sửa chữa được. Phải đến những năm gần đây, nhất là từ Đại hội XII, XIII, Đảng ta mới giương cao ngọn cờ chống tham nhũng một cách quyết liệt nhất, để lấy lại niềm tin của nhân dân, giữ vững được chế độ và làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy lùi bằng được quan liêu, tham nhũng, suy thoái, biến chất.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh tham nhũng bắt nguồn từ lòng tham, một bản tính vốn có của con người, con đẻ của chế độ tư hữu. Cái khác là ở chỗ người cách mạng phải vượt qua được những thói tầm thường đó, nếu còn tính tham lam,tính tư lợi, vụ lợi thì vẫn còn cơ hội để tham nhũng.
Tham nhũng biểu hiện muôn hình vạn trạng, thường là tham nhũng kinh tế, vật chất, tiền của, những cái nhìn thấy ngay. Nhưng diễn biến phức tạp và tinh vi của tham nhũng là từ tham nhũng kinh tế dẫn đến tham nhũng trong chính trị, tham nhũng trong quyền lực; tham nhũng không trừ một ai, hễ có chức quyền dù nhỏ to đều có thể tham nhũng.
"Đây là cuộc chiến rất cam go, phức tạp và lâu dài, diễn biến ngày càng tinh vi, động đến lợi quyền. Nếu ai không trong sáng, không đủ sức dùng sức mạnh đạo đức, lương tâm, danh dự để tự bảo vệ mình thì rất dễ rơi vào tham nhũng. Những vụ việc vừa xảy ra đủ cho chúng ta thấy bài học đau đớn đến mức nào", GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Nói đến các vụ tham nhũng lớn gần đây, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng bởi pháp luật, kỷ cương của chúng ta còn lỏng lẻo, cần phải chấn chỉnh. "Nhân dân hoan nghênh, đồng tình việc xử lý nghiêm khắc này nhưng mặt khác chúng ta tự hỏi tại sao xảy ra cơ sự như vậy? Rõ ràng công tác giáo dục đạo đức cán bộ chưa hiệu quả, kể cả vấn đề nhân sự, vấn đề lựa chọn, vấn đề bố trí cất nhắc, vấn đề kiểm soát như thế nào để không rơi vào tình trạng đau đớn, trả giá đắt như vừa qua, mất mát cán bộ cao cấp nhiều như thế", GS.TS. Hoàng Chí Bảo nói.
Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa liêm chính, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng chính sách, cơ chế để "không dám và không thể tham nhũng", tức là, phải có hàng rào luật pháp chặt chẽ và để không ai muốn tham nhũng vì phải trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự.
Đồng thời, phải tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, ủng hộ cái tích cực và dấy lên công luận xã hội. Dư luận xã hội rất quan trọng, nó thúc đẩy luật pháp, bảo vệ luật pháp và vạch trần những điều xấu xa, gian trá để bảo vệ chính nghĩa, lương thiện.
Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, cần xây dựng văn hóa cẩn thận từ đầu, ngay từ những người trẻ tuổi; nếu từ khi bắt đầu trở thành công chức, được giao trọng trách lớn mà không thường xuyên được giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa thì sẽ xảy ra những điều như trên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng ta đưa ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", không bao giờ mất đi tính thời sự. Bây giờ vẫn là lúc tiếp tục căn cứ vào đó để sàng lọc đội ngũ, kiên quyết "cắt bỏ" những "u nhọt" thì mới có một cơ thể lành mạnh.
Có thể thấy, vấn đề xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng lúc này trở nên vô cùng cấp bách. Nó làm thước đo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, thước đo về phẩm chất, năng lực của cán bộ đảng viên, nhất là người có chức có quyền, là thước đo về sự giác ngộ của nhân dân, trách nhiệm của nhân dân trong việc cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ chế độ, giữ cho chế độ trong sạch, vững mạnh.
Kim Liên (thực hiện)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/xay-dung-van-hoa-liem-chinh-de-khong-dam-va-khong-the-tham-nhung-102220609164104088.htm