Việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Phát biểu tại khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) theo hình thức trực tuyến ngày 22/2 vừa qua tại Geneve, Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Thông tin này ngay lập tức được nhiều thành viên LHQ hoan nghênh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên họp 46 Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên họp 46 Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: TTXVN

Đường lối đúng đắn của Chính phủ Việt Nam

Việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ thể hiện đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phát triển về quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Sự điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở những nỗ lực, ý thức của người dân trong việc chấp hành, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã kêu gọi, vận động người dân ủng hộ, tuân thủ chính sách, đồng thời đem lại quyền lợi cho người dân, bảo đảm quyền chính đáng của cộng đồng.

Đặc biệt, sự ủng hộ của quốc tế trong thời gian qua đã cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng. Điều này được thể hiện rõ nét qua công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Chính phủ đã triển khai hành động kịp thời, quyết liệt, coi việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người dân là ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách, chương trình hành động; nỗ lực đẩy mạnh vấn đề an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cộng đồng quốc tế đã ca ngợi, ghi nhận Việt Nam như là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực hành động về quyền con người, luôn đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Trả lời phỏng vấn VOV, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công An), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ cho biết, việc ASEAN đặt niềm tin cho Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền, một tổ chức quan trọng của LHQ, đã thể hiện sự thống nhất trong ASEAN cũng như sự tín nhiệm của ASEAN đối với Việt Nam. Có được điều này chính là nhờ những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước, đạt được qua việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đàm quyền công dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Chỉ số phát triền con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 - 2019, đưa Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Các chuyên gia LHQ nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội.

Cùng với đó, các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam và được quốc tế ghi nhận. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015). Việc triển khai giảm nghèo bền vững hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm còn khoảng 2,7%.

Quang cảnh 1 phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: The morning
Quang cảnh 1 phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: The morning

Việc thực hiện quyền con người theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã được Việt Nam triển khai hết sức nghiêm túc và hiệu quả. Trong chu kỳ I và II, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo quốc gia, đồng thời tiếp thu những đóng góp của các quốc gia khác.

Và một điều không thể không nhắc tới, đó là những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021) và vai trò chủ tịch ASEAN 2020, đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của các nước ASEAN trong việc đề cử Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc

Tuy nhiên, một số trang mạng ở nước ngoài đã xuyên tạc tình hình Việt Nam, phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam, vu cáo Việt Nam không có đủ năng lực để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nhiều bài viết tuyên truyền, nói xấu chế độ, chính quyền Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, xâm phạm quyền con người.

Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, những luận điệu xuyên tạc này đã đi ngược lại những thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Người dân trong nước hầu hết nhìn nhận, phân biệt được đâu là “phải trái, trắng đen” nên rất ủng hộ cơ quan pháp luật Việt Nam xử lý các trường hợp nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc tình hình Việt Nam, vi phạm luật pháp Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, việc ta xử lý vấn đề nhân quyền là đảm bảo pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với các quy ước, công ước của quốc tế về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam tham gia.

Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công An), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công An), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ.

Bất cứ hành vi lợi dụng quyền tự do để xâm phạm lợi ích của đất nước, tổ chức và cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Điều 19 về công ước, về quyền dân sự, chính trị năm 1966 nêu rõ, quyền tự do ngôn luận phải có một số hạn chế nhất định. Các hạn chế này được quy định bằng pháp luật, tôn trọng các quyền, uy tín của người khác, nhằm bảo vệ quốc gia, trật tự xã hội. Tự do ngôn luận không phải quyền tự do tuyệt đối.

Các thế lực thù địch lên án Việt Nam bắt giữ những đối tượng tự xưng là “cây bút đấu tranh cho dân chủ” thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do công dân với mọi hình thức.

Trao đổi với phóng viên VOV liên quan quyền tự do thông tin, tự do báo chí ở Việt Nam, Đại sứ Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan ban ngành liên quan trong việc tạo dựng các nguồn thông tin. Người dân có thể tìm thấy mọi thông tin ở trên mạng, có thể dùng được cả Facebook, Youtube và các mạng xã hội khác mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Đại sứ Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam. Ảnh: Thi Uyên

Đại sứ Saadi Salama cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho những người sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Việt Nam mong muốn làm bạn của tất cả quốc gia để khẳng định giá trị của quyền con người. Việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là cơ hội rất quan trọng đối với Việt Nam.

Có thể nói, việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời nó cũng khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng để ứng cử vào tổ chức này./.

Hồ Điệp /VOV1

Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-tich-cuc-thao-luan-tai-khoa-hop-thu-48-hoi-dong-nhan-quyen-897264.vov