Quyền con người, cũng như vấn đề dân chủ, độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái là thành quả phát triển lâu dài của các dân tộc, là khát vọng cháy bỏng của nhân loại. Vì lẽ đó, biết bao thế hệ người Việt Nam đã không sợ gian khổ, hi sinh đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ non sông, đất nước và đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp phát triển đất nước nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngày nay, cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá, vấn đề quyền con người cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Một số nước mạo nhận là người bảo vệ dân chủ, quyền con người, dùng chiêu bài dân chủ, quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Không ít học giả phương Tây đã rêu rao chiêu bài “quyền con người cao hơn chủ quyền", hòng tìm cách bao biện cho hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của những nước yếu hơn.

Kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh về quyền con người trong thời gian qua cho thấy, đây là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, cần phải được triển khai trên mọi bình diện, phạm vi khác nhau. Trong điều kiện toàn cầu hoá, khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải hết sức coi trọng, đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu lý luận để khắc phục tình trạng thụ động, thiếu hiệu quả trong hoạt động bảo vệ quyền con người, tăng cường phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội để đảm bảo cơ sở cho việc thực thi hiệu quả các quyền con người, xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi vi phạm quyền con người. Đồng thời, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực để giành thế chủ động trong đấu tranh về quyền con người. Cần phải quán triệt và thống nhất nguyên tắc quyền con người không được phủ nhận chủ quyền, đảm bảo quyền con người phải căn cứ vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội và truyền thống văn hoá của mỗi quốc gia, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng quyền con người để gây rồi, phá hoại. Cần thừa nhận tính phổ biến, tính đặc thù của quyền con người, thừa nhận yếu tố tiến bộ và sẵn sàng đối thoại, học tập lẫn nhau về quyền con người giữa các nền văn hoá, thừa nhận những hạn chế về quyền con người trong truyền thống và hiện tại để có biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền con người.

Với yêu cầu nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, cuốn sách này cung cấp cho người sử dụng những kiến thức lý luận, nhận thức đúng đắn và toàn diện về vấn đề quyền con người trên bình diện quốc tế và quốc gia, những thành tựu cũng như những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phục vụ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người.