Đối với Việt Nam, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Phiên họp Cấp cao của HĐNQ chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự và phát biểu tại Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. |
Những ngày qua, cộng đồng quốc tế cùng hướng theo dõi về Phiên họp Cấp cao của Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) (diễn ra từ ngày 27-2 đến 2-3-2023) tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Phiên họp có sự tham dự và phát biểu của Lãnh đạo Cấp cao các nước, các quan chức cao cấp của LHQ và các tổ chức quốc tế, đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (QCN) trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Phiên họp Cấp cao của HĐNQ chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Quyền con người là ngôn ngữ chung của nhân loại
Cần nhấn mạnh rằng, QCN là một trong ba trụ cột chính của LHQ, cùng với hòa bình - an ninh và phát triển. Thế giới với nhiều đa dạng và khác biệt nhưng đã cùng nhau đồng thuận thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới năm 1948 (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên năm 1993 về QCN (VDPA) - những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ các QCN và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ.
UDHR với nội dung khẳng định mọi người sinh ra tự do, bình đẳng, không phân biệt và khẳng định các QCN người như quyền sống, quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn, không phải làm nô lệ và các quyền khác trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy không phải là văn kiện pháp lý quốc tế nhưng UDHR là nền tảng để xây dựng luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; cũng như được đưa vào các văn kiện về QCN của các cơ chế khu vực và vào pháp luật của các quốc gia.
VDPA khẳng định lại các giá trị của UDHR, đồng thời làm rõ việc bảo vệ và thúc đẩy QCN phải là ưu tiên cao nhất của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế, khẳng định trong khi cần tính tới các đặc thù của mỗi quốc gia, xã hội, các QCN cần được nhìn nhận là giá trị phổ quát, cần được đánh giá trong mối quan hệ cân bằng, phụ thuộc lẫn nhau.
Năm 2023, sau 75 năm ra đời Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới, 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993 về bảo vệ QCN, mở đầu nhiệm kỳ HĐNQ (2023-2025) với vô vàn thách thức trong nỗ lực chung bảo vệ và thúc đẩy các QCN trên toàn cầu. Thế giới hậu đại dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt chưa từng có.
Thúc đẩy, bảo đảm các QCN cơ bản của toàn nhân loại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi những nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột đang hiển hiện và bất kể lúc nào cũng có thể tác động hoặc thậm chí “xóa sổ” thành quả của nhân loại gây dựng trong nhiều thập kỷ. Không đâu xa, ngay từ những ngày đầu năm 2023, những thảm họa thiên tai chấn động cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; xung đột Nga - U-crai-na kéo theo nhiều hệ lụy khủng hoảng năng lượng và làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai; tình trạng bất bình đẳng, đói nghèo, xung đột ở Trung Đông, châu Phi vẫn là những đe dọa luôn thường trực với những nỗ lực và đích đến “vì QCN cho tất cả mọi người” của LHQ.
Trong mối lo lắng, thách thức chung của toàn cầu, một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Phiên họp cấp cao HĐNQ mà Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra, đó là tình trạng suy giảm sự gắn kết và lòng tin xã hội. Có thể nhận thấy, người đứng đầu cơ quan LHQ đã chạm vào đúng và trúng lỗ hổng đe dọa đến công cuộc bảo vệ các QCN chung của thế giới. Ông đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến bảo đảm QCN trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, lạm dụng công nghệ, trong đó có nạn tin giả.
Và đúng như lời của Cao ủy Nhân quyền Volker Türk: “QCN là “ngôn ngữ chung” của nhân loại, có khả năng kết nối, đoàn kết thế giới, vượt qua chia rẽ”. Các quốc gia, khu vực cần bảo vệ “ngôn ngữ chung” đó bằng việc giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác đa khu vực và đoàn kết để xử lý những thách thức hiện nay. Hi vọng những bước tiến của công nghệ trong tương lai sẽ góp phần giải quyết các thách thức về đói nghèo, bất bình đẳng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. |
Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người
Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên HĐNQ LHQ càng phải chủ động, tích cực và bản lĩnh hơn. Nhìn lại chặng đường đến với vai trò thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ một cách khái quát và hình ảnh rằng: “Hành trang của Việt Nam đến với HĐNQ là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, cùng với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”.
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Việt Nam đã tích cực cùng các nước tiến hành công tác chuẩn bị cho Khóa họp 52 HĐNQ và đã tiếp tục tích cực tham vấn, tham gia thảo luận, có các bài phát biểu, đồng thời tham dự các hoạt động trong suốt Khóa họp.
Đồng thời, Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, dự thảo nghị quyết, đồng bảo trợ một số sáng kiến để HĐNQ thông qua tại cuối Khóa họp vào đầu tháng 4-2023, trên tinh thần thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ QCN, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của HĐNQ phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của HĐNQ, nâng cao hiệu quả của HĐNQ nhằm mục đích chung là thúc đẩy và bảo vệ QCN cho tất cả mọi người, đồng thời chú trọng vào các chủ đề ưu tiên chính của ta như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bình đẳng giới; quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng QCN của các nhóm dễ bị tổn thương; QCN trong thời đại chuyển đổi số; Quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; Quyền được có việc làm tử tế; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về QCN.
Với tư cách là thành viên của nhiều cơ chế đa phương, Việt Nam đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại HĐNQ với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Thế giới có cùng chung khát vọng thúc đẩy và bảo vệ QCN, Việt Nam trong vai trò của mình nhiệm kỳ này đang nỗ lực cùng 46 nước thành viên HĐNQ tìm ra mẫu số chung cho những khác biệt, xác định ưu tiên, chia sẻ nguồn lực, cùng hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các cam kết liên quan đến đối phó với biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; bảo đảm việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền được tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, chống phân biệt đối xử, thúc đẩy công bằng xã hội.
Đồng thời khẳng định “vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao đã bày tỏ nỗ lực “là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế” vì “Một HĐNQ hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ”.
Với kinh nghiệm và truyền thống nhân đạo, với sức bật của nội lực và vai trò chủ động tích cực, trách nhiệm trước các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để trở thành cầu nối đoàn kết vì sứ mệnh bảo vệ QCN cho tất cả mọi người một cách cân bằng, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.