Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc.
Đó là khẳng định của ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tại Khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11/2023 tại Geneve (Thuỵ Sĩ). Đoàn Việt Nam đến với kỳ bảo vệ Báo cáo Quốc gia lần thứ 5 thực thi Công ước CERD lần này với đại diện của 14 Bộ ngành và Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Việt Nam trong bảo đảm quyền cho người DTTS và người nước ngoài ở Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trình, Ủy ban CERD đối thoại với 6 quốc gia gồm: Bolivia, Bulgari, Đức, Morroco, Nam Phi và Việt Nam. Việc đối thoại giúp cho Ủy ban hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện trách nhiệm quyền con người của các nước thành viên CERD, từ đó có thêm thông tin, cơ sở để đưa ra khuyến nghị kết luận của ủy ban. Đây cũng là cơ hội để các nước thành viên nhận được tư vấn chuyên môn của các chuyên gia.
Ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ để các dân tộc thiểu số vươn lên
Trình bày báo cáo tại Phiên bảo vệ trước Uỷ ban Công ước CERD, trưởng đoàn Việt Nam, ông Y Thông một lần nữa khẳng định, cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất gồm 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14,1 triệu người. Tiếng Việt được chọn là ngôn ngữ chung cho cả nước, ngoài ra có khoảng 30 dân tộc có chữ viết riêng như Thái, Chăm, Mông, Khmer…
Hiến pháp hiện hành của Việt Nam nhấn mạnh “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của hệ thống hiến pháp của Việt Nam và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam.
Do phần lớn các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.
Người DTTS được hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, đào tạo nghề,việc làm, đất đai, nhà ở, tín dụng, hỗ trợ sản xuất... Ngoài ra, còn được hưởng các dự án đầu tư trực tiếp như xây dựng điểm tái định cư tập trung do nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng và đảm bảo được các quyền đối xử bình đẳng trước Tòa án, quyền an ninh cá nhân, chính trị về bầu cử, ứng cử, quốc tịch, tự do đi lại, cư trú, kết hôn và lập gia đình, sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Cũng tại Phiên thảo luận, trưởng đoàn Việt Nam, ông Y Thông, nhấn mạnh những tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy quyền cho người DTTS, đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS, vào hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở trên nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra – dân giám sát – dân thụ hưởng”.
Tại Việt Nam, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình cùng nhau xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh.
Kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc
Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả mọi người, bao gồm cả người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ như công dân Việt Nam…
Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.
Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc, cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kể từ lần rà soát trước (2019), Việt Nam đã phê chuẩn thêm 2 Công ước về quyền con người: Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Như vậy, hiện nay Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền con người.
Ông Y Thông cũng thông tin, trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người dân tộc thiểu số được bảo đảm và thúc đẩy.
Trong phát biểu cuối cùng tại phiên báo cáo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định: “Mặc dù không phải tất cả các thành viên của UB Công ước đều hài lòng với câu trả lời được đưa ra nhưng tôi cam kết rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng cung cấp thêm thông tin bằng văn bản đối với các câu hỏi chưa được trả lời tại đây trong 2 phiên đối thoại vừa qua”.
Trong 2 phiên đối thoại tích cực và hiệu quả này, đoàn Việt Nam đã tham gia đối thoại với các thành viên Ủy ban Công ước với thái độ cởi mở, hợp tác, trách nhiệm.
Ông Y Thông cũng nhắc lại cam kết của Việt Nam trong việc cải thiện đời sống hàng ngày để người dân tộc thiểu số và người nước ngoài tại Việt Nam được thụ hưởng các quyền của mình một cách tốt nhất.
Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số. Hiện có 181 quốc gia là thành viên của Công ước CERD và Việt Nam tham gia Công ước này từ năm 1982
Giáng Hương/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-kien-quyet-phan-doi-viec-chia-re-va-kich-dong-han-thu-giua-cac-dan-toc-post1062747.vov