Chiều ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, trong không khí kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024), 75 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (9/1949-9/2024), Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1994-2024) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lẵng hoa chúc mừng Viện Quyền con người nhân kỷ niệm 30 năm thành lập.

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể lãnh đạo Viện Quyền con người

Dự buổi Lễ có PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Văn Sáu, nguyên Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, Phó Đại sứ Liên bang Thuỵ Sỹ tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đối tác, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Về phía Viện Quyền con người có PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng; cùng tập thể cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, giảng viên, công chức, viên chức Viện Quyền con người qua các thời kỳ.

Chặng đường vẻ vang 30 năm

Báo cáo 30 năm thành lập và phát triển của Viện Quyền con người được trình bày tại buổi Lễ cho biết, Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, được thành lập năm 1994; năm 1996, được đổi tên thành Viện Nghiên cứu quyền con người; năm 2018 được đổi tên là Viện Quyền con người.

Viện có chức năng, nhiệm vụ là giáo dục, đào tạo về quyền con người trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện (cao cấp lý luận, thạc sĩ, tiến sĩ pháp luật về quyền con người); nghiên cứu lý luận và pháp luật về quyền con người; thực hiện các chương trình, đề án, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và tham gia giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước, nước ngoài về quyền con người theo quy định của pháp luật và của Học viện…

PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, công chức, giảng viên Viện Quyền con người luôn đoàn kết đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện trong thời kỳ đổi mới, đạt được nhiều thành tích, kết quả to lớn.

Trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ năm 2015 đến nay, Viện đã phối hợp với các đơn vị thuộc Học viện thực hiện tuyển sinh, đào tạo và đã có gần 500 học viên được nhận bằng thạc sĩ pháp luật về quyền con người. Từ năm 2017, môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy cho các lớp cao cấp lý luận chính trị. Bên cạnh đó, pháp luật về quyền con người cũng được đưa vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng theo chức danh. Năm 2021, Viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thí điểm ngành Pháp luật về quyền con người trình độ tiến sĩ; và đến nay, đã mở được 3 khóa với trên 30 nghiên cứu sinh.

Về hoạt động khoa học, Viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Trong 30 năm qua, Viện đã triển khai hàng trăm đề tài các cấp (cấp cơ sở, cấp bộ và cấp nhà nước). Riêng trong 5 năm, từ năm 2019 đến 2024, Viện đã và đang triển khai 19 đề tài cấp cơ sở, 5 đề tài cấp bộ và 1 đề tài cấp nhà nước; tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, cấp quốc gia và quốc tế. Một số đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và khá.

Những kết quả nổi bật

Cùng với công tác nghiên cứu phục vụ giảng dạy, đào tạo, Viện đặc biệt quan tâm chắt lọc kết quả nghiên cứu để xây dựng các báo cáo kiến nghị, tư vấn cho Đảng, Nhà nước về quyền con người. Đến nay, Viện đã có 3 báo cáo kiến nghị được gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó 02 báo cáo kiến nghị góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII và 01 báo cáo kiến nghị về nội dung quyền con người trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và thực hiện Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, Viện đã kiến nghị Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người.

PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người báo cáo Diễn văn 30 năm hình thành và phát triển đơn vị

Là cơ quan thường trực đề án, Viện làm nhiệm vụ tham mưu Giám đốc Học viện trong việc đôn đốc và phối hợp, hỗ trợ về nội dung cho các bộ; trực tiếp tổ chức thực hiện và đã đạt được khối lượng lớn công việc, trong đó có việc triển khai các hoạt động về nghiên cứu khoa học; tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị về quyền con người. Đáng chú ý là Hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Ban Điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến nay, Viện đã biên soạn 19 cuốn sách và tài liệu tham khảo, trong đó có 7 sách chuyên khảo và 12 cuốn sách, tài liệu tham khảo về quyền con người; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho 560 đại biểu là cán bộ của các bộ, ngành tham gia thực hiện Đề án, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, phóng viên, biên tập viên. 

Với những thành tích đạt được, Viện đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ngành trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Bằng khen và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương hữu nghị của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Bằng khen của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp...   

Ghi nhận những kết quả to lớn đơn vị đã đạt được trong thời gian qua, tại buổi Lễ, Viện Quyền con người đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Những định hướng phát triển trong thời gian tới

Thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện biểu dương những đóng góp xuất sắc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Viện Quyền con người qua các thời kỳ, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có những đóng góp to lớn của đội ngũ các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, viên chức của Viện Quyền con người qua các thời kỳ. Những thành tích của Viện suốt 30 năm qua là rất đáng trân trọng, tự hào, góp phần bảo đảm quyền con người, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu phát triển và đổi mới toàn diện Học viện, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc đề nghị tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Viện cần nỗ lực hơn nữa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: i) Viện cần phát huy thế mạnh là một cơ quan nghiên cứu hàng đầu và duy nhất của cả nước về quyền con người, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn, nhất là đi sâu nghiên cứu, tổng kết, bổ sung và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về quyền con người trong giai đoạn mới, nhất là khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; ii) Nâng cao chất lượng giảng dạy và hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch đào tạo các hệ lớp của Học viện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và hoàn thành tốt trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia, cùng cộng đồng quốc tế thực thi những giá trị quyền con người; iii) Tạp chí Pháp luật về quyền con người cần trở thành địa chỉ tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, là diễn đàn sống động, chất lượng, thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý tham gia phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam; iv) Tiếp tục duy trì quan hệ với các cơ sở đào tạo, các đối tác truyền thống, mở rộng thêm các đối tác mới ở nước ngoài, nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy về quyền con người. v) Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kỷ cương, dân chủ; tăng cường công tác xây dựng Đảng; đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo nguồn cán bộ kế cận đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của các thế hệ học viên và của xã hội. Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia về quyền con người; vi) Tập trung phối hợp thật tốt với các đơn vị trong Học viện, các bộ, ngành trung ương và địa phương để triển khai, thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm tạo ra bước đột phá mới trong giáo dục, đào tạo quyền con người, có sức lan tỏa ở Việt Nam. Trong năm 2025, tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, để có cơ sở kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục giai đoạn 2 của Đề án, và xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giáo dục quyền con người trong giai đoạn mới.

Đồng chí Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tin tưởng, với chặng đường 30 năm đầy ý nghĩa, với những kết quả đã đạt được và với tầm nhìn mới và một tâm thế mới, Viện Quyền con người sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích xứng đáng hơn, góp phần vào sự phát triển chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Đức Mạnh & Minh Hằng

Nguồn: https://hcma.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=18734