Theo báo cáo mới đây của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo số liệu thống kê, cả nước có 24.776.733 trẻ em (chiếm 25,75%). Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn đặc biệt khó khăn được cấp, hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,3 năm 2018 xuống 14 năm 2019. Số trẻ em tử vong do đuối nước giảm qua các năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống thư viện phục vụ trẻ em dần được kiện toàn, phát triển rộng khắp.
Trao áo ấm cho học sinh vùng cao. Ảnh: Thùy Dung. |
Năm 2020, phát hiện 2.209 đối tượng xâm hại trẻ em (giảm 110 đối tượng), xâm hại 2.008 em (giảm 109 em). Theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 (công bố tháng 12-2020) tổng số lao động trẻ em từ 5 tuổi đến 17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm tỷ lệ 5,36% trẻ em trong độ tuổi 5-17, giảm 4,24% so với kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%).
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, ước thực hiện đến cuối năm 2020 đạt 72% (năm 2019 là 70%). Duy trì 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. "Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn tăng lên. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được hình thành và phát triển. Các bộ, ngành và một số địa phương quan tâm tạo điều kiện để trẻ em có nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề của trẻ em.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em tiếp tục được hoàn thiện, giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Năm 2020, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em nhìn chung bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có trẻ em. Cục Trẻ em đã kịp thời tham mưu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ cho trẻ em. Đồng thời, phối hợp UNICEF xây dựng kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai, bão, lũ.
Cục Trẻ em cũng tham mưu lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành tăng cường rà soát, bổ sung, xây dựng và tham gia ký phê duyệt các kế hoạch phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Riêng trong năm 2020, Cục Trẻ em xây dựng và triển khai ký kết phối hợp liên ngành với 4 bộ, ngành: Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xử lý các vụ việc, vấn đề liên quan đến trẻ em.
Năm 2020, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 687.750 cuộc gọi, tăng 180.793 cuộc so với cùng kỳ năm 2019, tư vấn 29.507 ca. Cục tham mưu tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật Trẻ em và quyền trẻ em tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổ chức kiểm tra chuyên đề về bảo vệ trẻ em tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; tổ chức kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật địa phương về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương; đồng thời, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế lĩnh vực trẻ em...
BĂNG CHÂU
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/viec-thuc-hien-quyen-tre-em-da-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-649706