Chủ tịch nước là chức danh nguyên thủ quốc gia, có mối quan hệ với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ tịch nước không chỉ là một chức vụ mà còn là một cơ quan nhà nước, một cơ quan đặc biệt, thực hiện những hoạt động của quản lý nhà nước, hoạt động lập pháp và tư pháp. Bài viết làm rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong ân giảm án tử hình và đặc xá theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành.
Khát quát chung về quyền của Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013
Theo khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo đó, bộ máy nhà nước được tổ chức thành ba cơ quan: lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án nhân dân)” và trong tổ chức bộ máy nhà nước có một chế định đặc biệt đó là chế định Chủ tịch nước. Chủ tịch nước không đứng đầu các cơ quan trên nhưng lại có vai trò, mối quan hệ đối với ba cơ quan đó và được Hiến pháp quy định cụ thể.
Chủ tịch nước là chức danh nguyên thủ quốc gia, có mối quan hệ với cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Trong mối quan hệ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết đã được thông qua, và nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tán thành thì Chủ tịch nước có quyền trình Quốc hội xem xét quyết định. Như vậy, Chủ tịch nước không chỉ là một chức vụ mà còn là một cơ quan nhà nước, một cơ quan đặc biệt, thực hiện những hoạt động của quản lý nhà nước, hoạt động lập pháp và tư pháp.
Về trách nhiệm, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, như vậy, toàn bộ hoạt động của Chủ tịch nước chịu sự giám sát của Quốc hội.
Trong mối quan hệ với Chính phủ, Chủ tịch nước có thẩm quyền đối với cơ quan này, Chủ tịch nước thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động chấp hành điều hành và thực hiện một số quyền có tính chất lập pháp, như công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, thực chất đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình lập pháp, và cũng có những thẩm quyền trong hoạt động tư pháp như quyền đặc xá, đại xá… Chủ tịch nước là mắt xích quan trọng lãnh đạo các công việc của Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khuôn khổ thẩm quyền có quyền đưa ra các chính sách, quyết định cụ thể đối với Chính phủ nhằm thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại, Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo công tác với Chủ tịch nước, thông qua đó, Chủ tịch nước kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hoạt động của Chính phủ.
Trong mối quan hệ với Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND tối cao, Thẩm phán các tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSND tối cao; quyết định đặc xá và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đặc xá.
Thông qua các mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực nhà nước, Chủ tịch nước không chỉ thực thi nhiệm vụ và quyền hạn Hiến định của mình mà còn tác động đến việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quyền lực khác của Nhà nước. Bên cạnh đó, với vị trí đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước thực hiện chức năng thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đại diện cho quốc gia, dân tộc trong các quan hệ với các chủ thể bên trong và bên ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Khi đó, Chủ tịch nước trở thành một trong những biểu tượng của quốc gia, dân tộc; biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho sự thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và quan hệ đối nội, đối ngoại của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với Nhân dân trong nước, với các quốc gia, dân tộc và nhân dân trên toàn thế giới1.
Quyền của Chủ tịch nước trong ân giảm án tử hình và đặc xá
Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân theo quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho họ khả năng ăn năn hối cải, được cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành. Điều 258 BLTTHS quy định trường hợp được ân giảm đối với hình phạt tử hình như sau:
(1) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSND tối cao. Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;
(2) Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình. Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự (BLHS), hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. BLHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” (khoản 6 Điều 63).
BLHS năm 2015 cũng quy định cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm là hết sức đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện để xét giảm án của những người này chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, đó là: thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Quy định trên đây thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta; chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Xét về bản chất, đặc xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt. Khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ Chủ tịch nước quyết định đặc xá.
Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
Như vậy, theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đảm nhiệm vị trí đặc biệt này, Chủ tịch nước được trao nhiều quyền hạn liên quan đến hầu hết mọi hoạt động của Nhà nước trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền công bố Hiến pháp và luật của Quốc hội; quyền thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội, đối ngoại, một quyền mang tính chính trị rộng rãi; quyền đặc xá, một quyền mang tính “tư pháp đặc biệt”… Cần nói rõ ràng hơn, đặc xá không chỉ là việc thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước mà còn là công cụ, phương tiện quan trọng để “hỗ trợ” Nguyên thủ quốc gia – Chủ tịch nước thực thi nhiệm vụ đối nội, đối ngoại của mình hiệu quả hơn2.
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù, ân giảm án tử hình và đặc xá thể hiện rất rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tich nước, tuy nhiên, trong thực tiễn công tác tố tụng thời gian qua còn có sự nhận thức chưa thống nhất về các thủ tục này, đặc biệt là ân giảm án tử hình, cần làm rõ thêm các quy định, cụ thể sau: theo quy định của BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự, thủ tục xét ân giảm đối với người bị kết án tử hình là một thủ tục nằm trong giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, không phải trong giai đoạn thi hành án thì mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án đó sẽ bị triệt tiêu. Bởi lẽ:
Thứ nhất, về căn cứ pháp lý, Điều 367 BLTHS về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành thì sau khi bản án kết án tử hình có hiệu lực pháp luật, TAND tối cao và VKSND tối cao phải xem xét có kháng nghị hay không. Thời hạn xem xét quyết định việc kháng nghị là 2 tháng. Đồng thời, cũng trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án kết án tử hình có hiệu lực pháp luật, người bị kết án có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Như vậy, thủ tục xem xét để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án tử hình và thủ tục xét ân giảm bản án tử hình là hai thủ tục độc lập, cùng được xác định trong thời hạn tính từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật, không phải là hai thủ tục tiếp nối nhau. Mặt khác, việc xem xét, quyết định kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền là một hoạt động tố tụng, với đối tượng xem xét là bản án đã có hiệu lực pháp luật; dựa trên những căn cứ pháp lý được quy định cụ thể trong BLTTHS. Trong khi đó, việc xem xét cho ân giảm của Chủ tịch nước là thủ tục hành chính, trên tinh thần nhân đạo, khoan hồng, với đối tượng xem xét là người đã bị kết án (tử hình). Hai thủ tục này khác nhau hoàn toàn về tính chất và đối tượng, do đó không có tính loại trừ nhau. Vì vậy, thủ tục xét ân giảm không phải là thủ tục cuối cùng trước khi đưa người bị kết án ra thi hành nên không thể loại trừ hoàn toàn các hoạt động tố tụng, ví như việc kháng nghị giám đốc thẩm.
Thứ hai, về cơ sở lý luận, trong giai đoạn thi hành án, cụ thể là thi hành bản án tử hình, một số hoạt động tố tụng vẫn có thể được thực hiện. Ví dụ: Hội đồng thi hành án tử hình có thể ra quyết định tạm hoãn thi hành án nếu ngay trước khi thi hành án, người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm, hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS. Trong các trường hợp đó, một số quyết định tố tụng mới sẽ được ban hành như quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, quyết định chuyển bản án tử hình thành hình phạt tù chung thân…
Như vậy, có thể thấy quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Chủ tịch nước không triệt tiêu các hoạt động tố tụng khác của chủ thể tiến hành tố tụng, nếu căn cứ của các hoạt động đó mới xuất hiện hoặc vẫn tồn tại trong vụ án.
Thứ ba, về căn cứ thực tế, chẳng hạn, trong vụ án Hồ Duy Hải3, mặc dù Chủ tịch nước đã từng bác đơn xin ân giảm đối với người bị kết án nhưng tại nhiều thời điểm sau đó, Chủ tịch nước cũng có ý kiến tạm dừng việc thi hành tử hình hoặc yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, làm rõ và quyết định theo thẩm quyền nhằm bảo đảm việc kết án tử hình là đúng quy định của pháp luật. Thực tế giải quyết vụ án cho thấy, Chủ tịch nước cũng đã có ý kiến để Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại vụ án theo thẩm quyền.
Về đặc xá, Luật Đặc xá năm 2018 bao gồm 6 chương, 39 điều với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung so với Luật Đặc xá năm 2007 quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá, tuy nhiên, qua nghiên cứu, cần cân nhắc một số vấn đề trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đặc xá, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quyền của Chủ tịch nước trong quyết định đại xá, cụ thể như sau:
1) Thông tin về “những sự kiện trọng đại của đất nước” để áp dụng đặc xá chưa được quy định rõ trong Luật Đặc xá về thời điểm đặc xá. Theo đó, Chủ tịch nước sẽ xem xét quyết định việc đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định sự kiện trọng đại của đất nước, vì vậy, cần quy định cụ thể tiêu chí xác định thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước. Cũng như những trường hợp được xem là các trường hợp đặc biệt, làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Điều này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Đồng thời thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai áp dụng.
2) Theo quy định tại Điều 66 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách họ vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước. Quy định như vậy vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, vừa có tính răn đe đối với người bị phạm tội.
Tuy nhiên, đối với người được đặc xá thì lại không phải chịu thời gian thử thách như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Chính điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và phần nào tạo nên sự không đồng thuận của một bộ phận quần chúng nhân dân. Vì vậy, cần phải bổ sung một quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Chú thích:
1. Mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. http://lapphap.vn, ngày 01/9/2014.
2. Đặc xá không chỉ là việc thực hiện chính sách nhân đạo. http://lapphap.vn, ngày 09/ 01//5/2018.
3. Vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì giết người, cướp của năm 2009 và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình cho dù trước đó bác đơn xin ân xá. Wikipedia.org.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Đặc xá năm 2006, 2018.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
5. Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 09/5/2018 của Chính phủ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
ThS. Lê Duy Tường
Văn phòng Chủ tịch nước
Nguồn:https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/05/06/ve-quyen-cua-chu-tich-nuoc-trong-an-giam-an-tu-hinh-va-dac-xa/