Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là cơ quan liên chính phủ cao nhất trên thế giới trong lĩnh vực nhân quyền. Sự kiện ngày 13/11/2013 Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên là sự kiện đặc biệt vô cùng quan trọng. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho uy tín của Việt Nam trong vấn đề quyền con người.
“Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc - Cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất trong vấn đề quyền con người - mở ra một trang mới về uy tín và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam”. Đó là khẳng định của bà Martine Anstett, Phó Vụ trưởng Vụ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) khi trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Pháp. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất trong tổng số 14 quốc gia đã minh chứng cho hai vấn đề: Một là, các nước đã có sự đánh giá tích cực, khách quan về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Hai là, các nước đã thừa nhận những thành tựu, nỗ lực đóng góp của Việt Nam vào hoạt động nhân quyền quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên hiện nay, một số trang mạng ở nước ngoài đã xuyên tạc tình hình Việt Nam, phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam, vu cáo Việt Nam không có đủ năng lực để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nhiều bài viết tuyên truyền, nói xấu chế độ, chính quyền Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, xâm phạm quyền con người… mà cố tình quên đi hoặc phủ nhận những thành tựu nhân quyền Việt Nam (?!).
Vậy đóng góp của Việt Nam với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2018 là gì? Tại khóa 32 Hội đồng Nhân quyền (tháng 6/2016), Việt Nam cùng Bangladesh và Phillipines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Việt Nam cũng tổ chức các tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng Nhân quyền. Tại Khóa 31 (tháng 3/2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao Khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật. Tại Khóa 32 (tháng 6/2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển. Tại Khóa 33 (tháng 9/2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillipines, Trung Quốc và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người. Điều đặc biệt là các nước phương Tây, các nước đang phát triển đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền. Việc đánh giá cao thể hiện trong nhiều trường hợp Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng, ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. Thậm chí, một số nước phương Tây còn cử đoàn sang trao đổi về Hội đồng Nhân quyền (Mỹ có đoàn riêng; các nước châu Âu trao đổi qua kênh đối thoại song phương). Trong một số trường hợp, Việt Nam cũng được các nước tín nhiệm đứng ra làm trung gian hòa giải. Bản thân Đại sứ Việt Nam ở Geneva cũng từng được giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền. Hoặc vào năm 2019, sau khi Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ hai, Mỹ đã tin tưởng lựa chọn Việt Nam là nước trung gian cho việc đàm phán vấn đề vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: Internet.
Nhìn lại ba năm đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có thể thấy, Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền; đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại. Việc tham gia Hội đồng Nhân quyền giúp tăng cường tiếng nói, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để đề cao chính sách, thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; thúc đẩy được các vấn đề Việt Nam có lợi ích (quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu và quyền con người, quyền của người lao động trên biển… Bên cạnh đó, việc là thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng giúp Việt Nam có thêm công cụ đấu tranh, phản bác những luận điệu, thông tin sai lệnh về tình hình nhân quyền trong nước; hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước; thêm bạn bè; thêm kinh nghiệm tham gia các cơ chế đa phương, thực sự chuyển từ tham dự sang tham gia, từ tham gia sang đóng góp, định hình luật chơi với vấn đề từng được xem là rất nhạy cảm, đó là quyền con người.
Với những những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021) và vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của các nước ASEAN trong việc đề cử Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Tuy nhiên, một số thế lực thù địch, phản động cũng như các cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, cũng nhân dịp này, đồng thời dẫn chứng báo cáo của các tổ chức như Ân xá Quốc tế AI hay theo dõi nhân quyền HRW lại lên tiếng chỉ trích Việt Nam không xứng đáng hay dùng luận điệu, Hà Nội không thể chỉ dựa vào thành tựu chiến thắng Covid-19 mà có thể xóa hết “tẩy trắng” những vấn đề tồn tại về nhân quyền (?!).
Trong khi đó, theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Các chuyên gia Liên hợp quốc nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội. Ngoài những điều trên, các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam và được quốc tế ghi nhận. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015). Đồng thời, việc triển khai giảm nghèo bền vững hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm còn khoảng 2,7%. Thành tựu của chính quyền Việt Nam về công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới là điều được đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc ghi nhận. Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu” trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vượt qua đói nghèo, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc thực hiện quyền con người theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng đã được Việt Nam triển khai hết sức nghiêm túc và hiệu quả. Trong chu kỳ I và II, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo quốc gia, đồng thời tiếp thu những đóng góp của các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, còn một điều không thể không nhắc tới, đó là những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021) và vai trò chủ tịch ASEAN 2020, đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của các nước ASEAN trong việc đề cử Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thể hiện đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phát triển về quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Sự điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở những nỗ lực, ý thức của người dân trong việc chấp hành, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã kêu gọi, vận động người dân ủng hộ, tuân thủ chính sách, đồng thời đem lại quyền lợi cho người dân, bảo đảm quyền chính đáng của cộng đồng.
Với những thành tựu đã đạt được trong nước và quốc tế về nhân quyền, chúng ta có quyền tin tưởng vào kết quả tốt đẹp của Việt Nam trong việc tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, và đó cũng là sự phản bác thích đáng của chúng ta đối với những luận điệu thù địch, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Hoàng Thị Thu Thuỷ
Nguồn: http://thinhvuongvietnam.com/Content/minh-chung-cho-uy-tin-va-vi-the-cua-viet-nam-trong-van-de-quyen-con-nguoi-122115