Kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và cưỡng ép kết hôn là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều triệu trẻ em gái. Ước tính tới năm 2030, sẽ có hơn 800 triệu phụ nữ trên toàn cầu phải chịu đựng các hậu quả của tảo hôn, so với con số 650 triệu hiện nay.
Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi tròn 18 tuổi là 11%, xếp thứ 21 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 98 trên thế giới về mức độ trầm trọng của tảo hôn. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn trong nhóm các dân tộc thiểu số lại lên tới 21,9%.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc tập trung các nguồn lực vào phòng chống tảo hôn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nơi phần lớn trẻ em không được trang bị trang bị kiến thức về tảo hôn. Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trẻ em và thanh thiếu niên càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi học tập, giải trí trên mạng, đòi hỏi những giải pháp hiện đại phù hợp.
Ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức tuyên truyền phòng chống tảo hôn
Hiện nay, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên, sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ khác. Nhưng không gian mạng tiềm ẩn những nguy cơ tảo hôn và nhiều dạng thức lạm dụng trẻ em và thanh thiếu niên khác. Do đó, giới trẻ, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa, cần được trang bị các công cụ để bảo vệ bản thân.
“Dù có nhiều nguy cơ nhưng điện thoại thông minh cũng giúp các em gái tìm hiểu về thế giới bên ngoài.” Em Thơ, 15 tuổi, cho biết.
Trẻ em gái người đồng bào dân tộc thiểu số cần được nâng cao nhận thức về tảo hôn
Nền tảng "Em Vui" được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy để thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Ngoài website và ứng dụng điện thoại, “Em Vui” có mặt trên 6 kênh mạng xã hội phổ biến với giới trẻ là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter, tạo cơ hội tiếp cận tối đa với giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 - 24 tại 4 tỉnh dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị.
Thông qua việc cung cấp thông tin dưới những hình thức hấp dẫn như truyện kể, phim hoạt hình, trò chơi, v.v., nền tảng “Em Vui” là công cụ để giáo dục, truyền thông cho thanh thiếu niên, giúp các em có thể tự tin ứng phó và phòng chống tảo hôn, mua bán người. Qua đó, các em được nâng cao kiến thức pháp luật và tham gia đối thoại chính sách trực tuyến với các nhà lãnh đạo.
“Trẻ em gái có thêm kiến thức về quyền của mình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, định hướng nghề nghiệp và các kiến thức khác để giúp chúng em tiếp tục học tập và tránh nguy cơ tảo hôn và mang thai sớm.” – Em Huế ở Quảng Trị cho biết.
Đặc biệt, nền tảng được thiết kế theo hướng ít tốn dung lượng để có thể dễ dàng truy cập ở cả những vùng sâu vùng xa nơi kết nối internet không ổn định. Các thông tin quan trọng được chia sẻ trên nền tảng dưới dạng inforgraphic có thể xem ngoại tuyến với những người không có kết nối internet.
Sau hơn 8 tháng triển khai, nền tảng “Em Vui” đã thu hút hơn 31.000 lượt truy cập, thu hút hơn 3000 bạn trẻ tham gia các hoạt động trên ứng dụng.
Những nhân tố của sự thay đổi ngay trong cộng đồng
Các Câu lạc bộ Trẻ em và Diễn đàn dành cho thanh thiếu niên do Plan International hỗ trợ là nơi các bạn trẻ học hỏi và cùng nhau hành động nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và tạo ra một xã hội bình đẳng giới.
Em Tiến, trưởng ban trong Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi cấp xã ở Lai Châu, đã cùng các thành viên câu lạc bộ tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tháng để tuyên truyền phòng chống tảo hôn cũng như chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên cho nhau khi đối mặt với nguy cơ bị ép kết hôn sớm.
“Chúng em không chỉ nói lý thuyết mà đề cao việc thực hành. Có cả các cặp vợ chồng trẻ đến chia sẻ những câu chuyện riêng của các bạn. Ngoài chia sẻ về việc học tập, chúng em cùng nhau xây dựng các mô hình sinh kế như nuôi dê, trồng lúa gạo, v.v. để chứng minh rằng có rất nhiều cơ hội để chúng ta phát triển thay vì kết hôn khi chưa sẵn sàng. Em hiểu những nỗ lực của mình còn rất nhỏ bé, nhưng em luôn tin những bước nhỏ bé nhất này có thể tạo ra sự thay đổi,” Tiến nói.
Tiến tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của tập thể, em tin rằng thu hút nhiều bạn tham gia các hoạt động chung sẽ góp phần thay đổi các chuẩn mực và định kiến xã hội vốn là một phần nguyên nhân sâu xa của tình trạng tảo hôn.
“Em luôn nghĩ rằng việc ngăn ngừa kết hôn sớm không phải là trách nhiệm của riêng trẻ em gái và phụ nữ, mà trẻ em trai và nam giới cũng là nhân tố chính tạo nên sự thay đổi. Nếu cả bạn trai và bạn gái cùng nhau thuyết phục gia đình, sự đoàn kết có thể tạo nên chiến thắng."./.
Khánh Linh
Nguồn: http://m.laodongxahoi.net/ung-dung-cong-nghe-va-khuyen-khich-su-tham-gia-cua-cong-dong-phong-chong-tao-hon-1323614.html?fbclid=IwAR0Kqyrp9rKW2N8E2Q9Qa_5T8L4vyvC7BD0I4cMAGhHAWoEaf4woyX_c4_4