Trong tuyên truyền pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, cần mềm hóa các quy định của pháp luật bằng các câu chuyện minh họa, các tình huống cụ thể, bám sát thực tiễn.
Đây là nhận định chung của nhiều nhà quản lý, người làm công tác tuyên truyền tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc”. Hội thảo do Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội, nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng và tìm giải pháp đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, qua kết quả khảo sát tại 3 tỉnh biên giới gồm Hà Giang, Lạng Sơn và Lào Cai cho thấy, với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, biên giới, các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp vẫn đang được sử dụng và là phương thức chính. Hiện nay, một số nơi đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (nhóm zalo) để truyền tải, phố biến thông tin pháp luật. Đối với vùng dân tộc thiểu số, một số thôn, bản vận động người có uy tín như già làng, trưởng bản… biên tập nội dung, dịch sang tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền đạt đến đối tượng phù hợp.
Cũng theo ông Sơn, từ thực tế khảo sát có thể nhận thấy, trong thời gian qua, hoạt động giáo dục pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới được tăng cường, đẩy mạnh nhưng người được tuyên truyền chưa thực sự quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyên truyền chưa gắn và chưa liên hệ với phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của dân tộc, địa phương. Nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp, không phong phú, còn qua loa.
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho rằng, nội dung tuyên truyền cần đơn giản, dễ nghe, dễ hiểu, nói trúng và nói đúng. Đặc biệt, cán bộ tuyên truyền phải hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, gắn liền với hương ước, quy ước và đúng với tâm tư nguyện vọng của bà con.
Ông Đặng Văn Hào, Chánh Văn phòng Cục Điện ảnh đề xuất, việc tuyên truyền cho đồng bào phải sử dụng ngôn ngữ của đồng bào. Hiện nay, ngôn ngữ để tuyên truyền chủ yếu là tiếng Thái, tiếng Mông. Riêng với điện ảnh, nên xây dựng các tiểu phẩm ngắn, có thời lượng 5 – 7 phút, nội dung đi sâu và trúng vào vấn đề để người dân ý thức không vi phạm. Việc đầu tư cũng phải đồng bộ, từ máy quay đến tập huấn nhận thức của người tuyên truyền…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đề nghị việc tuyên truyền nên áp dụng song song các hình thức, vừa tuyên truyền trực tiếp, vừa sử dụng công nghệ thích hợp với từng đối tượng sử dụng. Khi kết hợp song song các hình thức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tiếp thu nhằm bổ sung, đổi mới tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc, góp phần phát huy hiệu quả chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc nói chung, cả nước nói riêng. Các ý kiến là cơ sở để những người làm công tác tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp hơn đối với đời sống thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên biên giới phía Bắc ngày càng giàu mạnh hơn, trở thành phên dậu vững chắc của Tổ quốc.
N.Hoa
Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tuyen-truyen-cho-dong-bao-dan-toc-phai-gan-voi-phong-tuc-tap-quan-huong-uoc-i698335/