I. Đặt vấn đề

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là vấn đề mang tính toàn cầu. Nó không chỉ là quyền con người cơ bản, mà còn là nhu cầu thiết yếu trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, nhất là trong thời đại 4.0 bùng nổ thông tin như hiện nay. Tự do ngôn luận trên môi trường mạng là một quyền rất dễ bị xâm phạm. T Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch đã lợi dụng tự do ngôn luận luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, phủ nhận các thành tựu đã đạt được, kể cả những thành tựu được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều cá nhân cũng lợi dụng quyền tự do ngôn luận này để phát tán các thông tin vu khống, bôi nhọ danh dự nhân phẩm, xâm hại đời tư của người khác. Việc ban hành và thực thi nghiêm chỉnh Luật An ninh mạng cũng chính là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng xâm hại, bảo đảm an ninh, chủ quyền, trật tự trên không gian mạng. Tuy nhiên việc thực hiện và bảo đảm tự do ngôn luận trên môi trường mạng ngày nay vẫn còn nhiều khía cạnh gây tranh cãi, hiện là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực thi Hiến pháp năm 2013.

II. Một số vấn đề lý luận cơ bản

2.1. Khái niệm

Tự do ngôn luận là một trong bốn quyền chính trị cơ bản luôn được đặc biệt coi trọng, đó là: tự do ngôn luận (freedom of speech), tự do biểu đạt (freedom of expression), tự do thông tin (freedom of information) và tự do lập hội và hội họp hòa bình (freedom of association and peaceful assembly). Về bản chất, tự do ngôn luận chính là quyền của mỗi cá nhân được biểu đạt, thể hiện và trình bày những ý tưởng, quan điểm và chính kiến của mình mà không có bất cứ sự can thiệp, tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện và trái luật. Như vậy, về mặt nội hàm, tự do ngôn luận là một quyền đa diện và đa chiều, nó bao gồm ba khía cạnh đặc trưng sau đây: 1) Quyền tìm kiếm thông tin và ý tưởng; 2) Quyền tiếp nhận thông tin và ý tưởng; 3) Quyền được phổ biến thông tin và ý tưởng.

Quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng là quyền được tự do thể hiện ý kiến, quan điểm trên môi trường mạng mà không trái với pháp luật quốc gia và quốc tế. Đây là quyền của người hoạt động trên môi trường mạng, được thực hiện thông qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, nhắn tin, gọi điện qua mạng di động và các hình thức dịch vụ tương tự khác mà không bị kiểm duyệt. Quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng cũng chỉ bị hạn chế theo nguyên tắc gây hại, ví dụ như phát ngôn có tính chất khiêu dâm, hoặc nguyên tắc xúc phạm, sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

2.2. Đặc điểm quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng

Bởi môi trường mạng là môi trường có tính liên kết cộng đồng; tính đa phương tiện; tính tương tác; khả năng truyền tải và lưu trữ lượng thông tin khổng lồ. Đặc điểm đó làm cho tự do ngôn luận trên mạng khác với tự do ngôn luận truyền thống. Một là, quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng rất dễ bị lạm dụng, vì vậy phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Là một môi trường mở, không có giới hạn về không gian và thời gian nên mỗi dòng bình luận, mỗi ý kiến nêu ra trên báo mạng điện tử cả thế giới đều biết và do đó hiệu quả tích cực hoặc tiêu cực đều có thể xuất hiện đồng thời và tác động tức thời. Chính vì vậy, mạng xã hội rất dễ bị lợi dụng để có những hành động lạm dụng quyền tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các quyền con người khác. Hai là, mạng xã hội có thể bị cơ quan cung cấp dịch vụ kiểm duyệt nội dung. Mặc dù trên mạng xã hội mỗi tài khoản cá nhân đều có thể đăng tải những gì mình thích, tuy nhiên, trên các mạng xã hội lớn rất nhiều nội dung sẽ bị quản trị viên gỡ bỏ theo quy định của từng mạng xã hội khác nhau. Ba là, nhà nước khó quản lý nội dung chia sẻ trên mạng internet. Đối với các trang thông tin điện tử, khi cá nhân muốn đăng bài thì phải được biên tập cho phù hợp với chủ đề, tôn chỉ mục đích... của trang báo điện tử đó. Sản phẩm báo chí xuất hiện trước công chúng phải được duyệt bài, biên tập. Tuy nhiên, đối với mạng xã hội, người dùng thậm chí không cần phải công khai danh tính mà vẫn dễ dàng đăng tải bất cứ nội dung gì mình thích thông qua tài khoản cá nhân mà không có bất cứ hoạt động kiểm duyệt nào từ phía cơ quan nhà nước. Những nội dung được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội thường rất phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn, nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhưng phần lớn lại không được kiểm chứng như việc đăng bài trên các trang báo chính thống. Điều này tạo ra một "rủi ro đạo đức" cho những thành viên mạng xã hội, khi họ sẵn sàng đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc sai sự thật, để phục vụ mục đích riêng của mình.

2.3. Ý nghĩa của bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng

Quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng được bảo đảm là tiền đề để bảo đảm các quyền con người khác. Không có quyền tự do ngôn luận thì quyền tự do báo chí cũng sẽ không tồn tại. Nhờ có tự do ngôn luận thông qua các phương tiện báo chí, con người được tham gia vào các sự kiện chính trị xã hội. Nhờ thể hiện ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông, công dân đã tham gia vào đời sống chính trị, thông qua tự do báo chí để phát hiện, tố cáo tệ nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực của nhà cần quyền.

Quyền tự do ngôn luận được bảo đảm thì quyền được tiếp cận thông tin cũng được bảo vệ. Quyền tự do thông tin cho phép con người có thể nhận được nhiều nguồn thông tin trái chiều, đa dạng, từ đó có cách nhìn đúng đắn hơn về các vấn đề. Ngược lại, khi con người sống trong xã hội thiếu thông tin họ sẽ bị hạn chế về khả năng sáng tạo và cơ hội thuận lợi để phát triển tài năng của bản thân.

Quyền tự do ngôn luận được bảo đảm thì quyền biểu tình cũng được bảo đảm. Khi quần chúng đi biểu tình, việc hô khẩu hiệu hay đưa ra những biểu ngữ đó chính là một biểu hiện của quyền tự do ngôn luận. Người dân thông qua biểu tình để bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, phản ứng của mình trước các chính sách của chính phủ hay các vấn đề xã hội đang gây tranh cãi.

Không có tự do ngôn luận thì cũng không có tự do tôn giáo. Ở những quốc gia mà tự do tôn giáo không được bảo đảm, các tổ chức tôn giáo hay tín ngưỡng khác ngoài dòng tôn giáo chính thống được nhà nước công nhận, sẽ không được phép hoạt động, hoặc sẽ bị hạn chế hoạt động. Việc truyền bá tư tưởng, giáo lý do đó cũng bị ngăn cấm hoặc bị chính quyền trừng phạt.

Không có quyền tự do ngôn luận thì quyền tự do hội họp, tự lập hội sẽ không tồn tại. Những cá nhân hoặc những nhóm người có tư tưởng, ý kiến khác với chính phủ, nhà nước sẽ không thể tập hợp. Họ cũng bị ngăn cấm trong việc tiếp nhận những nguồn thông tin khác với nguồn thông tin chính thống của chính phủ, nhà nước…

Như vậy, tự do ngôn luận là một quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu không có quyền tự do ngôn luận, thì nhiều quyền con người khác sẽ không được bảo đảm. Ngày nay, môi trường mạng là môi trường thông tin giao tiếp chủ yếu của nhân loại nên tự do ngôn luận trên môi trường mạng là thiết yếu và chi phối đời sống hơn bất kỳ môi trường, phương thức biểu đạt nào khác.

III. Cơ sở pháp lý về quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng

Cả pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đều ghi nhận và thừa nhận quyền tự do ngôn luận là một quyền con người cơ bản. Quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt được ghi nhânn lần đầu tiên tại Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyèn năm 1948 (UDHR): "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới". Tiếp đó, Điều 19 và 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) tái khẳng định lại nội dung quyền này.

Pháp luật quốc tế không ghi nhận tự do ngôn luận là quyền tuyệt đối. Khoản 3 Điều 19 ICCPR quy định những hạn chế của quyền tự do ngôn luận phải được quy định trong pháp luật và chỉ để nhằm các mục đích là: tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội. Bên cạnh đó, Điều 20 ICCPR đặt ra giới hạn cấm tuyên truyền cho chiến tranh (khoản 1) và ngôn luận gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực (Khoản 2). Tóm lại, việc giới hạn tự do ngôn luận phải đáp ứng đồng thời cả ba căn cứ: i) việc giới hạn phải được quy định trong luật; ii) nhằm đạt được những mục đích chính đáng; iii) bảo đảm sự cần thiết và cân xứng (biện pháp giới hạn phải là phương tiện ít xâm hại nhất trong số những biện pháp nhằm bảo vệ và phải tương xứng với lợi ích cần bảo vệ).

Mặc dù quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng cũng phải chịu những giới hạn chính đáng trên cơ sở các điều kiện, lý do áp dụng đối với quyền tự do ngôn luận nói chung nhưng do đặc thù về phương tiện biểu đạt nên biện pháp giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng có khác biệt với biện pháp giới hạn quyền tự do ngôn luận truyền thống. Trên thực tế, các quốc gia thường giới hạn quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng bằng hai biện pháp: kiểm soát nội dung biểu đạt trên mạng xã hội và kiểm soát việc tiếp cận internet. Nguy cơ vi phạm quyền tự do ngôn luận từ việc kiểm soát nội dung biểu đạt có thể ngăn chặn bằng việc bảo đảm thực thi nghiêm túc các điều kiện và lý do giới hạn quyền này tại Công ước ICCPR.

Pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo đảm quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do ngôn luận trên môi trường mạng nói riêng. Tại Việt Nam, mọi người không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc, nguồn gốc, địa vị…đều có quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt các loại thông tin khoa học, lịch sử, đạo đức, tự nhiên, kinh tế, văn học, nghệ thuật, tôn giáo,...Việc ghi nhận quyền này được thể hiện từ văn bản pháp lý có giá trị cao nhất là Hiến pháp năm 2013 (Điều 25), cho đến các văn bản luật: Luật công nghệ thông tin năm 2006, Luật Xuất bản năm 2012, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018…và nhiều văn bản dưới luật.

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 rằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của công dân, được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là một quyền tuyệt đối. Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Với nguyên tắc này, các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam không thể bị hạn chế một cách tùy tiện. Luật An ninh mạng năm 2018 quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng, tức là công dân không được sử dụng quyền tự do ngôn luận để thực hiện những hành vi đó (Điều 16, 17, 18 Luật An ninh mạng).

Nhằm bảo đảm thực hiện quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng của công dân, pháp luật Việt Nam cũng quy định những biện pháp xử lý (xử lý hành chính và xử lý hình sự) đối với những hành vi ngăn cản tự do ngôn luận tại Điều 167 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử"

IV. Thực trạng về tự do ngôn luận trên môi trường mạng

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế - văn hóa - xã hội ở Việt Nam. Về số lượng mạng xã hội, Việt Nam hiện được xếp trong nhóm những nước đứng đầu thế giới về mức độ tăng trưởng số người sử dụng.

Với chính sách cởi mở với Internet và sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam là một thực tế sinh động và đầy sức thuyết phục đối với việc tiếp cận Internet và mạng xã hội của người dân. Tất cả những điều đó cho thấy đảm bảo tự do báo chí và tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam không cấm mạng xã hội mà chỉ hạn chế những mặt trái do mạng xã hội gây ra, tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của người dân cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh - chính trị của đất nước. Ngoài ra, như đã nêu ở các phần trên, việc pháp luật thừa nhận việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân cũng chính là tiền đề cho việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận thông qua mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Chính vì pháp luật đảm bảo quyền tự do ngôn luận, trong các năm qua, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động, đặc biệt là trên mạng xã hội. Các phiên họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhất là các buổi chất vấn được truyền tải qua mạng xã hội ngày càng nhiều. Nhiều chương trình đối thoại, tranh luận, trả lời, thăm dò ý kiến, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hằng ngày trong đời sống.

Hiện nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam không những được bảo đảm tốt mà còn là nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn được báo chí phanh phui, trước khi cơ quan chức năng phát hiện, như: vụ án Trịnh Xuân Thanh bắt nguồn từ bài báo "Xe tư gắn biển xanh" là một minh chứng. Những năm gần đây, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tham gia tích cực việc giám sát, phản biện đối với chính sách của Nhà nước. "Quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới", tham gia phản biện, giám sát của cá nhân, tổ chức được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng, khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề là phản biện ở đâu và động cơ phản biện như thế nào để đảm bảo tính khách quan; tránh hiện tượng "bôi đen" xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng gây tổn hại cho người dân, xã hội và đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội thời gian qua đã nổi lên rất nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là việc, các phần tử thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội để chống phá nhà nước, cho đến hàng loạt các phát ngôn thù ghét, gây hấn, công kích nhau tràn lan trên mạng xã hội; các fake news hòng dẫn dắt, định hướng sai dư luận; các thứ văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lự, video xấu độc cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet; các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; các hành vi xâm phạm quyền riêng tư… Tất cả các hành vi này đều do chủ thể vượt quá giới hạn về quyền tự do ngôn luận để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các cá nhân khác. Mặc dù nó xảy ra trên môi trưởng ào, nhưng hậu quả để lại là thật, thậm chí còn rất nghiêm trọng. Báo chí đưa tin rất nhiều về các trường hợp tử tự chỉ vì bị bạn bè bôi nhọ danh dự trên facebook; thực tế xảy ra rất nhiều cái chết thương tâm như vậy…

V. Giải pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng

  • Việc hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng trong thời gian tới phải được đặt trong bối cảnh hoàn thiện pháp luật về quyền con người tại Việt Nam, phải gắn kết với việc tổng kết Nghị quyết số 48NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và đánh giá sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 04NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, trong đó có những vấn đề liên quan đến giới hạn tự do ngôn luận. Cụ thể một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu" và 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là:

  1. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".
  2. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
  3. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
  4. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
  5. Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hoá" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
  6. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
  7. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
  8. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học- nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
  9. Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

Quan điểm, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng là cơ sở quan trọng để thể chế hóa và hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận, đảm bảo quyền tự do ngôn luận được thực thi một cách có hiệu quả trong thực tiễn.

Việc hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận phải đặt trong quy định của Đảng, sự quản lý của nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận cũng phải thể hiện được những quan điểm cơ bản của Đảng về quyền tự do ngôn luận. Thực tiễn cho thấy các văn bản pháp luật của Nhà nước về quyền tự do ngôn luận đều được xây dựng, ban hành trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng về quyền này. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, cần phải nắm vững, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, quy định, chính sách của Đảng hiện này về vấn đề tự do ngôn luận.

  • Xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến quyền con người trên không gian mạng nói chung và quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng nói riêng. Mặc dù hiện tại chúng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến thực thi quyền con người trên không gian mạng nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đặc biệt là các quy định nhằm định hướng các chủ thể cung cấp thông tin trên không gian mạng cũng nhưu định hướng, khuyến khích người sử dụng hoạt động lành mạnh trên không gian mạng. Cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ quyền con người trên không gian mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cần có các giám sát phù hợp với các công ty đang hoạt động trên môi trường internet, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội; có các điều kiện trong quản lý các hoạt động trên internet đảm bảo chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia.
  • Cần có sự kết hợp giữa cơ quan chức năng và các công ty công nghệ thông tin, tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ nên làm nhiệm vụ giám sát việc thực thi của công ty công nghệ thông tin chứ không nên tham gia vào việc kiểm duyệt.

ThS Phan Thị Hồng

Viện Quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh