Tại tỉnh Ninh Thuận, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng các tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc, góp phần phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Mục tiêu là lấy học sinh làm trung tâm của mọi hoạt động, làm sao giúp học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái để các em tiếp thu kiến thức, không bị áp lực khi đi học. Năm nay là năm thứ hai, Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Các tiết học ở đây đều được thiết kế với những hoạt động trải nghiệm hoặc khởi động đầu giờ bằng những trò chơi tại chỗ, giúp học sinh và thầy cô giáo có những tiết học thật sự vui vẻ, thoải mái.
Em Kiều Thị Mỹ Duyên, Lớp 7A, Trường THCS Phan Đình Phùng nói: “Vào năm học, trường con triển khai trường học hạnh phúc. Con thấy thầy cô dạy rất là thoải mái. Giáo viên không gây căng thẳng cho học sinh. Học sinh đi học ai cũng vui vẻ, không bị căng thẳng gì hết".
Còn với em Kiều Hồng Vy, học sinh lớp 7A, Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ban đầu rất ngại đi học, không thích đến lớp, thế nhưng bây giờ với em mỗi ngày đi học đều rất vui. Từ thích đến trường đến thích học, các giáo viên ở đây đang nỗ lực tổ chức những giờ học làm sao cho học sinh thật sự thấy hạnh phúc. Và hạnh phúc trước tiên phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho học sinh.
“Con thấy đi học rất vui. Bạn bè gặp nhau nói chuyện. Thầy cô cũng vui vẻ dạy bài. Học sinh không ai bị áp lực học hành hay bị căng thẳng gì hết”, em Kiều Hồng Vy chia sẻ.
Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc ở 9 trường bậc học THCS. Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất tỉnh Ninh Thuận nên để học sinh không còn rụt rè, khi xây dựng trường học hạnh phúc, các giáo viên luôn gần gũi, giúp các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi đứng nói trước lớp. Cô Kiều Thị Huyền Trân, Giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Ninh Phước cho biết: Trong mỗi tiết dạy, giáo viên đều chú trọng rèn kỹ năng trình bày ý kiến trong học nhóm để nâng cao chất lượng học tập. Làm sao tạo nên một môi trường giáo dục mà học sinh khi đi học có những trải nghiệm thật sự vui vẻ, đáng nhớ, không bị áp lực.
“Tổ chức mô hình trường học hạnh phúc thì bản thân luôn thay đổi phương pháp bằng cách mô hình hóa, làm sao cho học sinh gần gũi với mình hơn. Mình cũng tập các em gần gũi với giáo viên hơn”, cô Kiều Thị Huyền Trân cho hay.
Theo thầy Hoàng Văn Lợi, hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán Trú Tiểu học, THCS Ngô Quyền, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thì tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương xây dựng trường học hạnh phúc ở các cấp học khác nhau, nhưng các tiêu chí cốt lõi phải có là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Điều đó có được nhờ vào tình yêu thương của thầy cô giáo và sự kết nối giữa gia đình, nhà trường: “Đầu tiên là sự chào đón của thầy cô đối với các em, đó là sự niềm nở, tiếp đón, tổ chức các hoạt động, các trò chơi dân gian. Các hoạt động thông qua trò chơi mà học để các em vừa ôn kiến thức, vừa vui vẻ đến trường để các em thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các em”.
Năm học này, tỉnh Ninh Thuận triển khai song song 2 chương trình, chương trình cũ 2016 đối với khối lớp 5,9,12 và chương trình phổ thông mới 2018 với các khối lớp còn lại. Học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, được hướng nghiệp sớm hơn, mục tiêu giáo dục cũng phù hợp với trường học hạnh phúc mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đặt ra ngay trong năm học này.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các nhà trường xây dựng và triển khai nhà trường hạnh phúc, làm sao tất cả nhà trường phải đảm bảo dân chủ, cởi mở, thân thiện trong quan hệ, trong giao tiếp để tạo môi trường tốt nhất cho cả học sinh, cán bộ giáo viên cùng tham gia hoạt động chung tạo ra kết quả tốt nhất trong dạy và học".
Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng trường học hạnh phúc trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với mong muốn lan tỏa tinh thần tiên phong của hiệu trưởng các trường, sẵn sàng đổi mới để mang đến trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh. Để mỗi ngày đến trường với các em thật sự là một ngày vui.
CTV Minh Triều/VOV-Ninh Thuận
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/truong-hoc-hanh-phuc-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ninh-thuan-post1059579.vov