Sáng 7/5, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, 82 tuổi, chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc màu da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Dự kiến, Tòa phúc thẩm Paris sẽ đưa ra quyết định vào ngày 22/8.
Sau phiên điều trần, bà Trần Tố Nga khẳng định sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Từ năm 2014, bà Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc da cam, đã đệ đơn kiện tại Tòa án Évry ở ngoại ô Paris. Vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã được đưa ra xét xử vào năm 2021. Tuy nhiên, Tòa án Évry đã bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng "quyền miễn trừ," do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ.
Vì vậy, Tòa án Évry không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác.
Phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm Paris bắt đầu từ 9 giờ sáng và kéo dài hơn 3 tiếng.
Trước các thẩm phán, hai luật sư tình nguyện giúp bà Nga trong vụ kiện gồm Bertrand Repolt và William Bourdon, đã bác bỏ việc miễn trừ tư pháp của các công ty hóa chất Mỹ, bằng các luận điểm như: các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự chủ, tự quyết định về sản xuất, nhận thức được tính nguy hiểm của chất độc dioxin, nhưng không có biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa.
Vì vậy, các công ty này không thể "núp" sau bóng của Nhà nước Mỹ, rồi phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình. Luật sư William Bourdon nhấn mạnh rằng "quyền được xét xử" là quyền cơ bản của một nạn nhân như bà Nga và mong có thể đưa vụ án trở lại thẩm quyền của Tòa án Évry để có thể đề cập đến những hồ sơ chi tiết.
Trong khi đó, luật sư của các công ty hóa chất Mỹ phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của thân chủ, khẳng định họ chỉ thực hiện theo yêu cầu rất tỉ mỉ, đầy tính kỹ thuật của quân đội Mỹ trong thời chiến và đôi khi họ bị trưng dụng.
Hai luật sư biện hộ cho bà Trần Tố Nga cho rằng các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Chia sẻ với báo chí về phiên xử tại Tòa phúc thẩm Paris, Luật sư Bertrand Repolt cho rằng không thể "đánh đồng vai trò của các công ty Mỹ với Nhà nước Mỹ. Thực tế các công ty hóa chất Mỹ có quyền tự chủ, tự quyết trong việc sản xuất chất độc màu da cam. Họ nhận thức được độc tính cao của sản phẩm, nhưng không hề có ý định sửa đổi các thành phần và vẫn cung cấp cho quân đội Mỹ. Vì vậy, các công ty này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ và không thể lập luận rằng họ đều hành động theo chỉ đạo của chính phủ và có "quyền miễn trừ của Nhà nước Mỹ".
Luật sư Bertrand Repolt nhấn mạnh: Ở đây chúng tôi không đề cập đến việc phán xét một nhà nước nào đó, mà chỉ đơn giản là đánh giá tính hiệu quả của việc thực thi các cam kết từ phía các tập đoàn hóa chất Mỹ. Và một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng chất độc da cam không phải là thứ vũ khí được phép sử dụng trong chiến tranh.
Dự kiến, Tòa phúc thẩm Paris sẽ đưa ra quyết định vào ngày 22/8. Nếu tòa đưa ra quyết định có lợi cho bà Nga, thì Tòa án Évry sẽ phải xét xử yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Nga. Nếu không, bên nguyên đơn sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa phá án (Tòa án tối cao).
Nhiều Việt kiều và các hội đoàn Pháp đến ủng hộ bà Trần Tố Nga tại phiên điều trần. (Ảnh: MINH DUY) |
Chia sẻ với những người đến ủng hộ vụ kiện, bà Nga cho biết: Tôi biết rằng cuộc đấu tranh này sẽ còn kéo dài nữa. Mặc dù sức khỏe của tôi ngày càng kém nhưng điều mà tôi mong muốn là qua vụ kiện này, những nạn nhân chất độc da cam sẽ ngày càng được nhiều người biết tới hơn nữa. Tôi rất mong muốn được mời gọi tất cả các bạn và cả những người Mỹ hãy đến với Việt Nam, để tận mắt có thể nhìn thấy hàng triệu nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Chính các bạn và tất cả mọi người đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho tôi.
Tham dự phiên điều trần, đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam bày tỏ sự khâm phục đối với ý chí của bà Trần Tố Nga trong vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ. Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành cùng bà Trần Tố Nga trong cuộc đấu tranh này.
Trước đó vào ngày 4/5, hơn 200 trăm người, gồm Việt kiều và người Pháp đã tham gia cuộc vận động ủng hộ bà Trần Tố Nga trước khi diễn ra phiên điều trần của Tòa phúc thẩm Paris.
Sự hiện diện của một số nghị sĩ và báo chí Pháp cũng cho thấy dư luận ở Pháp rất quan tâm và ủng hộ bà Nga trong vụ kiện này.
Thông tin về vụ kiện
Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng và mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, bị nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Các xét nghiệm y tế cho thấy nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn tiêu chuẩn quy định.
Bà Trần Tố Nga chuẩn bị suốt 4 năm từ 2009 tới 2013 cho vụ kiện. Tới tháng 5/2013, Tòa đại hình Évry (ngoại ô Paris) chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Tháng 4/2014, tòa mở phiên đầu tiên yêu cầu 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có mặt (do nhiều công ty đã giải thể).
Vụ kiện của bà Nga là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt. Bà là người duy nhất có thể đại diện nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc da cam.
Ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Évry đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto & Dow Chemical, đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa đại hình Évry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân “có chủ quyền.”
Dù vậy, bà Trần Tố Nga và ba luật sư Pháp, tình nguyện giúp bà Trần Tố Nga theo đuổi vụ kiện nhiều năm qua, tiếp tục kháng án. Tòa phúc thẩm Paris đã tổ chức phiên điều trần ngày 7/5/2024 và dự kiến đưa ra kết luận vào ngày 22/8/2024.
KHẢI HOÀN - MINH DUY
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Nguồn: https://nhandan.vn/toa-phuc-tham-paris-mo-phien-dieu-tran-cho-vu-kien-cua-ba-tran-to-nga-ve-chat-doc-da-cam-post808320.html