Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nếu tiếp công dân tốt sẽ nắm được thông tin, tài liệu, “nghe 2 tai”; một mặt nghe anh em báo cáo, một mặt phải nghe dân, lấy kết quả đó đối chứng với nhau

Số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Đó là một vài con số trong báo cáo giám sát bước đầu về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 được trình bày tại phiên họp mới đây của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo cũng thẳng thắn nhận định: Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.

Có nhiều câu hỏi đặt ra đó là số lượng người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng có phản ánh thực tế công tác tiếp công dân còn thiếu hiệu quả hay không? Tại sao những hạn chế, bất cập được nêu trong báo cáo về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo lại là nhận định tồn tại từ nhiều năm?

Phóng viên VOV trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIII liên quan vấn đề này.

Ông Lưu Bình Nhưỡng
Ông Lưu Bình Nhưỡng

Nhận thức về công tác tiếp công dân hiện nay chưa đầy đủ, chưa sâu sắc

PVTiếp công dân của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có nên hiểu chỉ là hoạt động giao tiếp đơn thuần hay không?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi khẳng định đó không phải là hoạt động giao tiếp đơn thuần. Trong Luật tiếp công dân quy định rất rõ tiếp công dân là việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, trong quá trình tổ chức tiếp công dân diễn ra rất nhiều việc nên không thể nói đó chỉ là việc giao tiếp đơn thuần.

PVTheo báo cáo giám sát giai đoạn từ 2016-2021, số lượt người đến cơ quan hành chính, Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,5%, số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Theo ông, con số này nói lên điều gì về chất lượng hoạt động tiếp công dân?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Cũng phải khẳng định thế này, việc gia tăng như vậy không phải hoàn toàn xuất phát từ việc tiếp công dân nhưng chắc chắn có liên quan đến việc tiếp công dân. Là vì nếu tiếp công dân tốt sẽ giúp người dân và cơ quan Nhà nước cùng nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm để từ đó thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Nó cũng có vai trò lớn trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Như vậy nếu tổ chức tiếp công dân tốt thì số lượng sẽ phải giảm bởi quá trình đó sẽ tỷ lệ thuận với việc nắm bắt và hiểu biết về vấn đề người dân đặt ra.

PVTừ thực tế tham gia giám sát của mình, ông thấy có những vấn đề gì?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Bản thân tôi là người đã trực tiếp tiếp công dân và mới đây đã thực hiện tiếp 10 đợt công dân, trong đó có 2 lượt có đoàn đông người. Nhiều công dân nắm vấn đề không chắc, thậm chí làm đơn gửi rất nhiều nơi; rồi việc trình bày trong đơn cũng không cụ thể nên cầm lá đơn của họ không biết là khiếu nại hay tố cáo, không phải kiến nghị cũng không phải phản ánh.

Đáng tiếc là có những người lặn lội từ rừng sâu, núi thẳm, tôi vừa tiếp 3 người ở tận Tây Nguyên ra, đều là người dân tộc thiểu số. Khi họ trình bày cũng rất khó hiểu, viết trong đơn cũng vậy, bản thân ngôn ngữ của họ cũng có phần hạn chế, nhận thức cũng lại hạn chế, nên chúng tôi phải hỏi để nắm bắt câu chuyện của họ như thế nào, nghe họ giải thích để có thể hướng dẫn họ. Mới thấy rằng, việc tiếp công dân là việc rất khó, không chỉ đơn giản là việc tiếp nhận và cầm đơn của họ là xong, thậm chí có trường hợp phải hướng dẫn.

Tôi rất chia sẻ với người dân nhưng cũng đề nghị người dân thông cảm với cán bộ tiếp công dân, cố gắng lắng nghe hướng dẫn, hai bên hợp tác tốt mới làm tốt được việc tiếp công dân, để có thể giải quyết tốt hơn nguyện vọng của công dân.

PVTheo dõi công tác tiếp công dân từ nhiều năm nay, theo ông, tồn tại lớn nhất trong công tác này hiện nay là gì?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi có mấy tồn tại lớn, thứ nhất là về nhận thức. Nhận thức về công tác tiếp công dân hiện nay chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, thậm chí cả cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và bản thân công dân cũng nhận thức chưa đến nơi đến chốn. có người coi trọng công tác tiếp công dân thì lãnh đạo, chỉ đạo rất tốt; nhưng người nhận thức không đầy đủ hoặc coi đó không phải vấn đề cơ bản trong hoạt động quản lý nhà nước thì người ta làm không đến nơi đến chốn, thậm chí tìm cách hạn chế việc đó.

Thứ hai, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải phân công kiểm tra, giám sát; và sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị trong quá trình tiếp công dân chưa đến nơi đến chốn. Nếu công tác này tổ chức theo đúng quy định của pháp luật hoặc phải bài bản thì chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Thứ ba là vấn đề năng lực của cán bộ công chức, đặc biệt công chức lãnh đạo; rồi công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Chúng ta thấy trong các cuộc tiếp công dân, có thể có sự có mặt của nhiều ngành, bộ phận liên quan mới có thể giải quyết được, hoặc có thể nắm đầy đủ theo đúng chuyên môn của mình, chứ 1 người không thể có đầy đủ chuyên môn.

Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác tiếp công dân có thể coi là "căn bệnh"

PVTheo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan liên quan cho thấy, hầu hết chủ tịch UBND các cấp chưa thực hiện đầy đủ số ngày tiếp công dân theo quy định, thậm chí có chủ tịch UBND tỉnh không tiếp công dân ngày nào trong 18 tháng và số ngày tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân toàn quốc không đạt 50% theo quy định. Kết quả này nói lên điều gì từ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đây là câu hỏi rất lớn đối với Chính phủ cũng như các cơ quan hành pháp trong những năm qua. Có thể nói, cũng có những địa phương, bộ ngành chăm lo đến công tác tiếp công dân rất nghiêm túc; nhưng nhìn chung, hầu hết cơ quan hành pháp, ở đây bao gồm các bộ ngành trung ương, 63 tỉnh thành phố, hơn 700 huyện và 11.000 xã, tỷ lệ tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, tiếp công dân một cách thực chất là không cao.

Tôi cho rằng rõ ràng chúng ta chưa coi trọng vấn đề này, cán bộ lãnh đạo có quá nhiều việc, chỗ này liên quan đến việc phải phân bổ thời gian vật chất và công tác phân công sao cho hợp lý, tránh tình trạng việc tiếp công dân là phải giao cho cấp phó, cho cán bộ còn mình thì đi khánh thành, khai trương, dự lễ kỷ niệm là không nên. Cần phải dành tâm huyết cho công tác này.

PVVậy theo ông người đứng đầu cao nhất của địa phương bỏ bê hoạt động tiếp công dân tác động như thế nào đối với hệ thống cán bộ cấp dưới trong công tác này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết nó tác động ngay đến cấp phó, giả sư khi phân công cấp phó làm, người ta sẽ làm chiếu lệ. Khi đã không quan tâm như thế thì anh cũng sẽ chẳng kiểm tra, giám sát cấp dưới, cũng chẳng lãnh đạo, chỉ đạo, không chấn chỉnh, thậm chí không lấy kết quả tiếp công dân để thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác thực tế của mình.

Như thế là rất đáng tiếc. Nó cũng ảnh hưởng đến công tác của chính người không thực hiện nhiệm vụ, đồng thời ảnh hưởng đến các cấp, ngành khác, trở thành một dây chuyền trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung cũng như lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành riêng về công tác tiếp công dân.

PVBáo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác tiếp công dân. Nhiều năm nay trong các báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước khi đánh giá về công tác tiếp công dân cũng có nhận định như vậy. Tồn tại này tại sao lại khó khắc phục như vậy?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đúng là câu chuyện này mọi người kêu ca nhiều, bản thân những người thực hiện công tác giám sát như chúng tôi cũng nhìn nhận đây là một trong những vấn đề có thể coi là “căn bệnh”. Nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo năng lực yếu kém, đặc biệt về chuyên môn, không hiểu vấn đề nên sợ phải đối mặt với vấn đề chuyên môn hóc búa không thực hiện được; còn nếu hiểu biết người ta sẵn sàng ngồi với dân. Nguyên nhân thứ hai là sợ trách nhiệm, dính vào câu chuyện này trách nhiệm thế nào, đây là kiểu cán bộ lo cầu an nên thường lảng tránh.

Bản thân tôi thì thấy việc tiếp dân rất thú vị, qua đó giúp tôi hiểu biết thêm nhiều, thậm chí có người dân có trình độ đã mang đến cho mình những thông tin rất bổ ích. Một vấn đề nữa là có những cán bộ thiếu trách nhiệm, thấy sai không dám đối diện, bởi họ biết vụ việc đã diễn ra rất nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Một ý nữa người ta có thể thấy là nhiều người tìm cách né tránh, đùn đẩy như thế để tìm cách trì hoãn, chìm xuồng vụ việc đi, không để vụ việc tiến triển.

Cần đưa vấn đề kiểm điểm công tác tiếp công dân để tính điểm nhận thức của cán bộ

PVVậy theo ông làm thế nào để người đứng đầu cơ quan nhà nước vượt khỏi tâm lý e ngại này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Để vượt qua được “cửa ải” này có 2 “chìa khóa”: thứ nhất phải nâng cao năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của cán bộ. Có những cán bộ, bản thân hay người thân dính vào vụ việc đó nên họ càng không muốn dính vào. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm sai phạm của người đứng đầu, nếu tiếp tục để những người đứng đầu, những người phụ trách mảng này, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, hoặc đùn đẩy, từ chối trách nhiệm thì phải có biện pháp xử lý. Nếu không xử lý có nghĩa là ta bỏ trống trận địa, tháo khoán để cho cán bộ tiếp công dân hoặc bản thân dễ dãi bỏ qua, như vậy dần dần câu chuyện này sẽ trượt dài.

PVTheo ông đâu là giải pháp căn cơ để hoạt động tiếp công dân có tác động tích cực và tạo bước chuyển cho hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Như tôi đã nói, vấn đề này phải nâng cao nhận thức, đặc biệt nhận thức từ cấp ủy cho đến chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội, người dân. Nếu không nâng cao được nhận thức, khó có thể nói “cửa ải” này có thể mở ra để chúng ta có thể đi tiếp một cách thông đồng bén giọt. Tiếp công dân không chỉ là vấn đề bước đầu mà nó còn là cánh cửa cho toàn bộ vấn đề phía sau. Nếu tiếp công dân tốt sẽ nắm được thông tin, tài liệu, hay là biện pháp “nghe 2 tai”, một mặt nghe anh em báo cáo, một mặt phải nghe dân, lấy kết quả đó đối chứng với nhau. Để nâng cao nhận thức, có thể thực hiện bằng việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và chấn chỉnh thường xuyên; đưa vấn đề kiểm điểm công tác tiếp công dân để tính điểm nhận thức của cán bộ.

Phải làm sao để nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, trong đó có cán bộ trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo cũng như cán bộ trực tiếp tiếp công dân và đặc biệt những người có thể đứng ra thay mặt lãnh đạo để xử lý các việc liên quan tiếp công dân. Những người này làm tốt có thể phân loại, tham mưu được tốt, chỉ cần vài vụ tiếp công dân được làm đến nơi đến chốn, sẽ tạo hiệu ứng tốt để tiếp tục với những vấn đề khác.

Đặc biệt, cần phải quan tâm tới chế độ, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ tiếp công dân; quan tâm hơn nữa đến cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp cán bộ làm công tác tiếp công dân là những người có hiểu biết, có kinh nghiệm, có năng lực, am hiểu kinh tế xã hội, pháp lý để có thể nắm bắt được một cách chính xác, kịp thời nguyện vọng của người dân, để tham mưu, kịp thời giải quyết.

Cuối cùng cần thực hiện cơ chế khen thưởng, xử lý trách nhiệm, xử phạt một cách kịp thời và nghiêm minh; có chế tài mạnh với những trường hợp thực hiện sai hoặc không đầy đủ, không hiệu quả trong công tác tiếp công dân. Đặc biệt với những người từ công tác tiếp công dân, làm không tốt gây ra hậu quả kéo dài về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước, phải có quy định rõ ràng.

PVXin cảm ơn ông./.

Vân Hồng/VOV1

Nguồn:https://vov.vn/chinh-tri/tiep-cong-dan-khong-chi-tiep-nhan-va-cam-don-la-xong-post931952.vov