Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đạt kết quả tích cực, ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Sản xuất dây điện tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VSIP Hải Dương. (Ảnh: nhandan.vn)
Sản xuất dây điện tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VSIP Hải Dương. (Ảnh: nhandan.vn)

Chiều 9/7, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024.

Về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, toàn ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các ý kiến tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, biểu quyết tán thành và được đưa vào dự thảo Luật. Đây là sự ghi nhận của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đối với tâm huyết, nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc đóng góp, xây dựng hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội toàn diện; hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tích cực phát triển người tham gia chính sách an sinh xã hội ảnh 1

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị. (Ảnh: VSS)

Về một số chỉ tiêu chủ yếu, trong bối cảnh kinh tế-xã hội trong đà phục hồi tích cực, có nhiều khởi sắc, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của ngành đạt kết quả tích cực và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đến hết tháng 6/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 18,305 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05%, tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,678 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,627 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,965 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 31,93% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 955 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Số người tham gia bảo hiểm y tế là 92,131 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 91,86% dân số; tăng 1,225 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024 tăng 19.870 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Công tác truyền thông chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng hiệu quả bài bản, chuyên nghiệp, truyền tải kịp thời, chính xác, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

Công tác giải quyết, thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động.

Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; kiểm soát chặt chẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế trong điều kiện các nguồn lực có hạn, bảo đảm chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và bảo đảm quyền lợi của người tham gia, tập trung mọi nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn…

Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả toàn ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát thực tiễn, dự báo từ sớm, từ xa các tình huống để chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các báo cáo để ngày càng ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành và thông tin, thuyết phục.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát các chỉ đạo của ngành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trên địa bàn trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp; tiếp tục rà soát các quy trình nghiệp vụ, kịch bản điều hành của ngành theo sát được thực tiễn, phòng chống rủi ro…

Về công tác thu, phát triển người tham gia cần tăng cường quản lý, không để sót các nhóm, nhất là các nhóm tiềm năng qua thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm thu đúng, thu đủ, quyết liệt trong giảm nợ. Toàn ngành đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, hiệu quả theo từng thời điểm, vùng miền. Tiếp tục bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, người lao động, doanh nghiệp với tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ, thuận tiện.

PV

Nguồn: https://nhandan.vn/tich-cuc-phat-trien-nguoi-tham-gia-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-post818213.html