Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể, thành văn hóa trong xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tối 6/11, tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Pháp luật năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra nền lập pháp Việt Nam thời đại mới. Vì vậy, 9/11 được chọn làm ngày Pháp luật Việt Nam, ghi trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.
Theo Thủ tướng, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian qua có nhiều tiến bộ, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế.
Hơn hai năm chống Covid-19, chính sách chống dịch được phổ biến hiệu quả bằng nhiều hình thức. "Trong thành công chung của đất nước thời gian qua có đóng góp quan trọng của công tác pháp luật. Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận việc đầu tư xây dựng và phổ biến pháp luật chưa tương xứng; chất lượng pháp luật chưa cao. Không ít vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới; tình trạng tảo hôn, vi phạm quy định giao thông, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán... do thiếu hiểu biết về pháp luật. Vi phạm pháp luật còn xảy ra ngay cả với cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.
Vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã xác định yêu cầu "thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật".
Để thực hiện chủ trương này, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược; coi đây là đầu tư cho phát triển. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và xuất phát từ thực tiễn để hoàn thiện. "Phải đưa hơi thở cuộc sống vào pháp luật", ông nói.
Công tác phổ biến pháp luật cần đổi mới, coi người dân là trung tâm, nhất là giới trẻ. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự giác nêu gương chấp hành pháp luật. "Mọi vi phạm pháp luật đều phải bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh", Thủ tướng nói và mong mỗi cá nhân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, tuân thủ pháp luật vì quyền lợi bản thân và cộng đồng.
"Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội", Thủ tướng nhắn nhủ.
Viết Tuân
Nguồn: https://vnexpress.net/thuong-ton-phap-luat-phai-tro-thanh-chuan-muc-ung-xu-trong-xa-hoi-4532816.html