Trong vòng ba mươi năm trở lại đây, con người đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến sự đảm bảo quyền và an toàn cá nhân như: đói nghèo, khủng bố, chiến tranh, xung đột sắc tộc, dịch bệnh, thiên tai… Tất cả những vấn đề trên đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra đối với mỗi quốc gia bài toán trong bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó duy trì và cải thiện điều kiện thiết yếu đảm bảo đời sống bình thường cho mỗi cá nhân.

Một cách khái quát nhất, bảo đảm pháp lý quyền con người là tổng hợp những điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi do hệ thống pháp luật tạo ra dựa trên nền tảng là hệ tư tưởng chính trị - pháp lý của mỗi quốc gia để mỗi cá nhân thực sự hưởng được các quyền và sử dụng các quyền đấy một cách đúng đắn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, hệ thống pháp luật ở đây bao gồm cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Chính vì thế, có thể nhận thấy bảo đảm pháp lý có phạm vi rất rộng, nội dung của nó bao quát gần như toàn bộ đời sống pháp luật trong nhà nước và xã hội của một quốc gia. Trong đó, bao gồm các yếu tố như quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trình tự thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó, những biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm quyền... Ngoài ra, một số thành tố khác có liên quan có thể kể đến như tư tưởng chính trị, pháp lý, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật (1)... Từ đây, có thể định nghĩa: Bảo đảm pháp lý quyền con người là toàn bộ những tiền đề, điều kiện thuận lợi về tư tưởng chính trị - pháp lý, pháp luật thực định, tổ chức và hoạt động thực tiễn của bộ máy nhà nước nói chung, của cơ quan nhà nước chuyên trách các vấn đề liên quan đến nhân quyền nói riêng, nhằm bảo đảm cho mỗi cá nhân được hưởng các quyền con người một cách thực sự và sử dụng các quyền đó một cách đúng đắn.

Từ định nghĩa trên, có thể hiểu bảo đảm pháp lý quyền con người đối với nhóm dễ bị tổn thương bao gồm nhiều hoạt động cụ thể ở từng cấp độ khác nhau như: hoạt động của cơ quan lập pháp trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật liên quan đến các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội; quá trình tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật; xây dựng và thực hiện những chính sách xã hội đối với nhóm người này; ý thức pháp luật của xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người của những người dễ bị tổn thương… Trong đó, hoạt động xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương được xem lại giai đoạn khởi đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng xuyên suốt công tác đảm bảo pháp lý quyền con người.

Ở Việt Nam, trong suốt những năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta còn chú trọng tham gia vào các Công ước của các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền của nhóm người dễ bị tổn thương như: Công ước về quyền trẻ em (2); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ… Qua đó cho thấy, với một quốc gia vẫn còn đang đối mặt nhiều khó khăn như nước ta, có thể nói đây là nỗ lực, trách nhiệm cũng như cam kết của Việt Nam trong quá trình đảm bảo pháp lý quyền con người đối với nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh việc gia nhập các công ước quốc tế, trong những năm qua, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền của nhóm người dễ bị tổn thương cũng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Có thể điểm qua một số nét nổi bật như sau:

Đối với quyền của phụ nữ. Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc thừa nhận vị thế của người phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở nước ta. Điều 26 nhấn mạnh: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Thực vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn các công việc trong bộ máy nhà nước, quản lý đời sống xã hội, phát huy tiềm năng của họ trong sự nghiệp phát triển đất nước. Bình đẳng giới trong đời sống chính trị được xem như nấc thang cao hướng đến sự bình đẳng về quyền lực của phụ nữ (3). Trong những năm qua, số ghế đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân luôn có mức ổn định đáng kể, dao động từ 20 – 25%. Phụ nữ có đại diện ở vị trí ra quyết định trong các ngành, các cấp, đặc biệt ở vị trí lãnh đạo cao như Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân… Bên cạnh đó, một số ngành kinh tế phụ nữ được cho là lực lượng lao động chính như: nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, y tế... Lao động nữ còn nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu với những sửa đổi phù hợp trong pháp luật lao động. Việt Nam là một trong những nước dành nhiều ưu tiên cho phụ nữ trong lĩnh vực nghỉ thai sản với thời gian nghỉ sinh con tương đối cao (4) so với Công ước bảo vệ thai sản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Đối với quyền của trẻ em.Việc bảo đảm các quyền trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhất định, nâng cao cơ hội tham gia của trẻ vào các hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (5). Với quan điểm trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là thế hệ tương lai của đất nước, Việt Nam nhận thấy việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cùng với việc trở thành một trong những nước châu Á đầu tiên và nước thứ hai trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, chúng ta còn tích cực thực hiện cam kết, hợp tác quốc tế nhằm cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp. Các chỉ số phản ánh tình hình phát triển của nhóm đối tượng này ở mức khả quan và có chiều hướng tăng dần qua nhiều năm. Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em nói chung. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) đã giảm từ 36,7/1000 trẻ năm 2000 xuống còn 15/1000 trẻ vào năm 2008. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân cũng đã giảm từ năm 2000 đến 2005 ở mức 7,3% xuống còn 5,1%. (6)

Đối với quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Đến nay, mặc dù cùng với sự phát triển của xã hội, sự phổ biến của phương tiện thông tin đại chúng thì những kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng người này tuy có giảm nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả mong đợi. Hành lang pháp lý bảo vệ cho nhóm người LGBT vẫn còn hạn chế nhất định mặc dù chúng ta đã có nhiều thay đổi trong khâu lập pháp. Cụ thể, trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tại khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” thay vì dùng từ “cấm” như luật trước đây. Ngoài ra, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 còn quy định người đồng tính, người chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng (7). Một số quy định trên cho thấy Nhà nước ta đã bắt đầu có những thay đổi nhất định, quan tâm hơn đối với nhóm người dễ bị tổn thương này so với trước.

Ths. Nguyễn Quang Thành

Th.s Trần Thị Thu Trang

(Nguồn: https://truongchinhtri.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/4990713)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2013), ABC về Hiến pháp (83 câu Hỏi – Đáp), NXB Tri Thức, Hà Nội

2. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên) (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội

3. Nguyễn Văn Động (2004), “Các quyền hiến định của công dân và bảo đảm pháp lý ở nước ta”, Luật học, số 1, tr. 23-26

4. Hoàng Thị Kim Quế (2012), “Quyền con người, đạo đức và pháp luật”, Nhà nước và pháp luật, số 3, tr. 19-24

5. Chu Hồng Thanh (2012), “Hiến pháp với việc xác lập, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, Luật học, số 1, tr. 36-39

6. Đào Trí Úc, Trương Thị Hồng Hà (Đồng chủ biên) (2018), Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội


(1) Nguyễn Văn Động (2004), “Các quyền hiến định của công dân và bảo đảm pháp lý ở nước ta”, Tạp chí Luật học, số 1, tr. 25

(2) Sau khi tham gia vào Công ước, nước ta đã tiến hành ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) và hiện nay được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016.

(3) Nhóm Giới và Phát triển cộng đồng (GENCOMNET): Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ về việc thực hiện công ước xóa bỏi mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) tại Việt Nam, Hà Nội, 2006, tr. 18.

(4) Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lotta Sylwander đã ghi nhận kết quả đáng khích lệ này của Việt Nam khi nâng mức nghỉ thai sản cho phụ nữ lên 06 tháng: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới ký Công ước về Quyền trẻ em. Thông qua biểu quyết ủng hộ việc kéo dài chế độ nghỉ thai sản lên sáu tháng, Việt Nam đã trở thành quốc gia đi đầu trong việc xây dựng các luật bảo vệ đời sống phúc lợi cho trẻ em và phụ nữ. Việt Nam trở thành một tấm gương đáng được noi theo cho toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy bảo vệ việc cho con bú”.

(5) Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013.

(6) Chính phủ Việt Nam – UNICEF: Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010, Hà Nội, 2010, tr. 92.

(7) Khoản 4 Điều 18.