Là một trong những sáng lập viên của Liên hợp quốc (LHQ) từ năm 1945, Vương quốc Anh luôn nỗ lực và tích cực trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cả trong nước lẫn trên phạm vi quốc tế. Vương quốc Anh hiện là thành viên của 7 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người,1 bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước chống tra tấn (CAT), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD); và đã phê chuẩn 6 nghị định thư bổ sung của các công ước quốc tế đó. Vương quốc Anh cũng là thành viên của Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR) từ năm 1950, đồng thời là một trong những thành viên đầu tiên của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) từ năm 1959.
Vương quốc Anh đã 3 lần tham gia cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR - Universal Periodic Review), một cơ chế hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ được thiết lập theo một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ vào tháng 4/2006 nhằm định kỳ đánh giá tình hình nhân quyền của tất cả 193 thành viên LHQ. Chính phủ Anh đã bảo vệ Báo cáo quốc gia về tình hình nhân quyền theo cơ chế UPR chu kỳ I vào tháng 4/2008, chu kỳ II vào tháng 5/2012 và chu kỳ III vào tháng 5/2017. Tại chu kỳ III của cơ chế UPR tháng 5/2017, Hội đồng Nhân quyền của LHQ đã tiến hành đánh giá tình hình nhân quyền của Vương quốc Anh dựa trên thông tin thu thập từ báo cáo của các cơ quan nhân quyền quốc gia của nước này (gồm Ủy ban Bình đẳng và quyền con người, Ủy ban Quyền con người Bắc Ailen và Ủy ban Quyền con người Scotland), báo cáo của các tổ chức thuộc xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực quyền con người tại Anh (Tổ chức Ân xá quốc tế, Hiệp hội Nhân đạo Anh, Hội người cao tuổi nước Anh, Liên minh vì quyền và bình đẳng sắc tộc, Mạng lưới quốc tế vì quyền trẻ em, Tổ chức chống tra tấn của những người Tin lành, Tổ chức AccessNow, v.v.)2 và quan trọng nhất là Báo cáo quốc gia của Chính phủ Anh.
Báo cáo quốc gia về tình hình nhân quyền của Vương quốc Anh do Bộ Tư pháp Anh xây dựng3 và được Chính phủ Anh đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền của LHQ vào tháng 2/2017. Báo cáo dài 20 trang và được xây dựng trong bối cảnh rất đặc biệt khi cử tri Anh bỏ phiếu về Brexit vào cuối tháng 6/2016. Nội dung chính của báo cáo đề cập đến những thành tựu nổi bật cũng như những thách thức và hạn chế của nước Anh (ở tất cả các vùng lãnh thổ hợp thành, bao gồm Anh, xứ Wales, Bắc Ailen và Scotland)4 kể từ sau khi tham gia cơ chế UPR chu kỳ II năm 2012 trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại nước Anh, tập trung vào hai nhóm quyền cơ bản là các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
1. Bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị
Đấu tranh với các hành vi bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái: Nhà nước Anh đã công khai tuyên chiến với các hành vi phạm tội như lén lút rình mò (stalking), hôn nhân cưỡng ép, khiêu dâm trẻ em vì mục đích trả thù, không bảo vệ trẻ em gái khỏi hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM). Nhà nước hình sự hóa một số hành vi bạo hành gia đình kiểu mới nhằm trấn áp những hành vi có tính chất cưỡng bức hoặc kiểm soát trong các mối quan hệ gia đình hoặc thân thiết. Nhà nước Anh cũng đã triển khai trên toàn quốc các án lệnh bảo vệ** chống bạo hành gia đình (Domestic Violence Protection Orders) và cơ chế báo tin bạo hành gia đình (Domestic Violence Disclosure Scheme), đưa ra các án lệnh bảo vệ trẻ em gái khỏi hành vi FGM và quy định nghĩa vụ bắt buộc phải báo tin (tố giác) đối với hành vi FGM, đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm quản lý những tội phạm tình dục hoặc những người có nguy cơ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái. Dịch vụ trợ giúp pháp lý luôn sẵn sàng được cung cấp cho những ai mong muốn thoát khỏi bạo hành gia đình hoặc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi luật gia đình.
Đấu tranh chống buôn bán người và buôn bán nô lệ: Quốc hội Anh đã ban hành Đạo luật về Nô lệ hiện đại (the Modern Slavery Act) vào năm 2015 nhằm xử lý vấn nạn nô lệ hiện đại, trong đó áp dụng khung hình phạt cao nhất là tù chung thân đối với người phạm tội, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Đạo luật này bao gồm những quy định về việc công khai thông tin về chuỗi cung ứng lao động của các doanh nghiệp và thiết lập cơ quan độc lập chuyên trách về chống nô lệ. Năm 2016, Chính phủ Anh cam kết dành ngân sách riêng cho công tác ngăn ngừa tình trạng nô lệ cũng như hỗ trợ lực lượng cảnh sát tham gia đấu tranh với loại tội phạm phức tạp và đa diện này. Chính phủ Anh khẳng định đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 8.7 của Liên hợp quốc về chấm dứt tình trạng nô lệ và đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung năm 2014 của Công ước của ILO về lao động cưỡng bức.
Đấu tranh chống các tội phạm liên quan đến phân biệt đối xử và thù ghét: Chính phủ Anh đã phát động Kế hoạch hành động quốc gia chống tội phạm có hành vi thù ghét kiểu mới vào năm 2016. Theo đó, các biện pháp được đưa ra bao gồm: giáo dục, xử lý tội phạm có hành vi thù ghét tại cộng đồng, gia tăng hoạt động trình báo, cải thiện dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và người làm chứng, nâng cao nhận thức về tội phạm có hành vi thù ghét. Từ tháng 4/2017, tất cả lực lượng cảnh sát Anh có nghĩa vụ phải cung cấp dữ liệu về tội phạm có hành vi thù ghét được phân loại theo tiêu chí tôn giáo (do thống kê cho thấy tỷ lệ tội phạm có hành vi thù ghét về sắc tộc và tôn giáo đã tăng mạnh trong những năm trước đó).
Bảo vệ quyền con người và chống khủng bố: Chính phủ Anh cho rằng các biện pháp chống khủng bố của mình đều phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của nước Anh. Các đạo luật liên quan đến chống khủng bố do Quốc hội Anh ban hành (như Đạo luật chống khủng bố 2010, Đạo luật Công lý và an ninh 2013,...) thường xuyên được xem xét bởi cơ quan đánh giá độc lập đối với các đạo luật chống khủng bố (IRTL). Các quy định của pháp luật Anh đặc biệt lưu ý lực lượng cảnh sát không coi sắc tộc, tôn giáo hoặc tín ngưỡng của một người như là lý do hợp lý để nghi ngờ người đó là phần tử khủng bố hoặc để chặn, khám xét và bắt giữ người đó. Các cơ quan an ninh và tình báo chống khủng bố đều được đặt dưới sự giám sát và phải chịu trách nhiệm trước Tòa điều tra các nhánh quyền lực (IPT) và Ủy ban Tình báo và an ninh của Quốc hội (ISC) về hoạt động và các chính sách của mình. Chính phủ Anh khẳng định việc trục xuất những công dân nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia của Anh về nước họ là cần thiết, nhưng phải có bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không bị tra tấn ở nơi đó. Các tòa án của Anh cùng với Tòa án Nhân quyền châu Âu coi việc sử dụng các bảo đảm về mặt ngoại giao là một lựa chọn pháp lý thích hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của những cá nhân bị trục xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về các biện pháp trục xuất có bảo đảm” với một số quốc gia khác trên thế giới.
Đối xử với phạm nhân: Các cơ sở giam giữ trên khắp nước Anh vẫn tiếp tục được giám sát một cách thường xuyên và độc lập bởi các thành viên của Cơ quan quốc gia về thực hiện cơ chế phòng ngừa, được thành lập theo Nghị định thư bổ sung cho Công ước chống tra tấn từ năm 2009. Tháng 11/2016, Chính phủ Anh công bố những đề xuất về “Cải cách và an ninh trại giam”, trong đó có sáng kiến bổ sung ngân sách, thay đổi cách thức làm việc và xây dựng các trại giam mới. Đáng lưu ý là trong cùng thời gian này, Chính phủ Anh cũng đã xem xét lại chính sách quản lý phạm nhân là người chuyển giới và đưa ra kết luận rằng, đối xử với một người theo bản dạng giới mà họ tự xác nhận thay vì như được ghi nhận theo pháp luật là cách tiếp cận an toàn nhất và hữu hiệu nhất để đưa ra các quyết định hợp lý, chẳng hạn như xác định địa điểm giam giữ ban đầu (ở các nhà tù dành cho nam và nữ). Chính phủ Anh hiện đang hiện đại hóa cơ sở vật chất của các trại giam nhằm giảm tải số lượng phạm nhân, đồng thời thiết kế tất cả các trại giam dành cho phụ nữ như là nơi để phục vụ mục đích tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho nữ phạm nhân gần gũi với môi trường gia đình trong khi vẫn duy trì các yếu tố có tính chất cải tạo đối với hành vi phạm tội mà họ gây ra. Việc giam giữ những trẻ em trong độ tuổi từ 10-17 vẫn được coi là giải pháp cuối cùng khi xử lý trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này.
Tiếp cận công lý: Chính phủ Anh tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận hiệu quả với các tòa án thông qua hệ thống miễn giảm án phí, nhờ đó những người không thể chi trả án phí sẽ không bị Tòa án từ chối thụ lý vụ việc. Hệ thống miễn giảm án phí này đặc biệt hướng tới trợ giúp những người thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp và hiện đang hưởng trợ cấp của nhà nước. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện các quy định cụ thể của Đạo luật Công bằng 2010.
2. Bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
Kinh doanh và quyền con người: Vương quốc Anh là nước đầu tiên trên thế giới có Kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề này vào tháng 9/2013 (sửa đổi, bổ sung vào tháng 5/2016). Nhà nước Anh đã tiến hành những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh doanh và quyền con người, trong đó có việc ban hành Đạo luật về nô lệ hiện đại năm 2015, sửa đổi Đạo luật về các công ty năm 2006, đưa ra hướng dẫn trong từng lĩnh vực riêng biệt, tiếp tục khuyến khích việc chấp nhận rộng rãi Bộ Quy tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người trên cơ sở tăng cường hợp tác giữa chính phủ, giới doanh nghiệp và các tổ chức thuộc xã hội dân sự.
Các cải cách về phúc lợi: Trọng tâm của các chương trình này là Đạo luật Cải cách phúc lợi năm 2012 và Đạo luật về Cải cách phúc lợi và việc làm năm 2016. Quá trình đơn giản hóa và cải cách hệ thống phúc lợi bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc áp dụng hệ thống “Tín dụng phổ quát” và bãi bỏ 6 nguồn hỗ trợ tài chính trước đây với chính sách chi trả hàng tháng dành cho những người có mức thu nhập thấp, dù họ có việc làm hay đang thất nghiệp.
Đấu tranh chống đói nghèo: Vương quốc Anh dành ưu tiên cho việc giải quyết tình trạng nghèo và yếu thế của trẻ em, đồng thời thực thi công bằng xã hội thực sự. Thông qua những quy định của Đạo luật Cải cách phúc lợi và việc làm năm 2016, Chính phủ Anh tiến hành những biện pháp pháp lý mới nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp của các bậc phụ huynh và giúp trẻ em có cơ hội học tập. Chính phủ Anh cũng đang hành động hướng tới mục tiêu trợ giúp mọi người có việc làm, phát triển sự nghiệp và giảm chi phí sinh hoạt tối thiểu (chẳng hạn như bằng cách tăng mức tiền lương tối thiểu trên toàn quốc).
Thúc đẩy bình đẳng giới, quyền của người cao tuổi và quyền của người khuyết tật. Chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ ở Vương quốc Anh hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử (18,1%) nhờ những chính sách tích cực của Chính phủ. Chính phủ Anh cũng mở rộng quyền tìm kiếm việc làm linh hoạt cho mọi đối tượng người lao động. Đạo luật An sinh xã hội mới năm 2014 dành ưu tiên cho sự độc lập và hạnh phúc, giúp mọi người có sự lựa chọn và quyền kiểm soát lớn hơn đối với vấn đề an sinh của mình. Liên minh hành động vì người cao tuổi – một tổ chức liên kết giữa xã hội dân sự và các tổ chức thuộc khu vực công và tư – cùng hợp tác nhằm tìm kiếm những phương thức mới giúp cải thiện cuộc sống của những người già gặp hoàn cảnh bất lợi nhất và ngăn chặn tình trạng họ bị tước bỏ quyền. Chính phủ Anh cũng cam kết tạo điều kiện cho tất cả những người khuyết tật ở Anh phát triển tiềm năng và đạt được khát vọng của mình thông qua các sáng kiến và chương trình hành động như hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, cải thiện điều kiện làm việc cho người khuyết tật, tăng trợ cấp cho nhóm đối tượng này, đảm bảo sao cho mọi người khuyết tật đều nhận được sự trợ giúp cần thiết.
Quyền hoạt động công đoàn: Đạo luật Công đoàn năm 2016 được ban hành nhằm hiện đại hóa khung pháp lý về quan hệ lao động việc làm tại Anh. Điểm đáng lưu ý là đạo luật này không cấm bãi công, nhưng đưa ra những quy định mới nhằm bảo đảm rằng, bãi công chỉ diễn ra như là kết quả của một quyết định rõ ràng và tích cực của những người có quyền bỏ phiếu quyết định. Bên cạnh đó, Đạo luật về củng cố quan hệ lao động và tổ chức công đoàn năm 1992 cũng có những quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử vì những lý do liên quan tới tư cách công đoàn viên của người lao động.
Vấn đề nhà ở: Đạo luật về nhà ở năm 1996 đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ các hộ gia đình thuộc nhóm yếu thế khỏi nguy cơ bị mất nhà. Chính quyền địa phương có nghĩa vụ bảo đảm cung cấp chỗ ở cho những gia đình vô gia cư đáp ứng đủ điều kiện về mặt thực tế (chẳng hạn như bị mất nhà ở nhưng không do lỗi của họ và đang thực sự có nhu cầu bức thiết về chỗ ở). Chính phủ Anh đã tăng ngân sách cho các chương trình hỗ trợ người vô gia cư lên mức gần 150 triệu bảng cho tới năm 2020. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh còn thiết lập khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo vệ mọi người dân, kể cả người Di-gan và người sống du mục, khỏi các hình thức phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử khác. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp chỗ ăn ở cho một số lượng hợp lý người Di-gan và người du mục thông qua hệ thống kế hoạch hóa của địa phương mình. Đến cuối năm 2016, Chính phủ Anh tuyên bố mở rộng Chương trình đồng sở hữu và nhà ở có mức giá phải chăng giai đoạn 2016-2021 với kinh phí bổ sung 1,4 tỷ bảng.
Chăm sóc sức khỏe: Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) vẫn là nơi cung cấp dịch vụ y tế phổ cập cho mọi công dân (đủ tiêu chuẩn) dựa trên nhu cầu chứ không phải trên khả năng chi trả của họ. Đạo luật chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội năm 2012 quy định một loạt trách nhiệm pháp lý trong việc xem xét nhu cầu của bệnh nhân nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng về phúc lợi y tế của người dân. Vương quốc Anh cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực y tế như tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, bệnh tim mạch và ung thư có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh còn thực hiện chiến lược quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử với mục tiêu giảm tỷ lệ tự tử xuống mức 10% vào năm 2020/20215. Chính phủ Anh hiện đầu tư thêm 1,4 tỷ bảng nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ về sức khỏe tâm thần cho trẻ em đến năm 2020.
Bảo vệ quyền trẻ em: Pháp luật và chính sách hiện hành của Vương quốc Anh vẫn tiếp tục bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về quyền con người theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Đạo luật trẻ em năm 1989 yêu cầu các tòa án phải coi lợi ích của trẻ em là nguyên tắc tối thượng khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ em đó. Các tòa án chuyên trách SEN (Nhu cầu học tập đặc biệt) được thành lập nhằm hỗ trợ trẻ em có nhu cầu học tập đặc biệt và giúp trẻ em hiểu rõ các thủ tục tố tụng khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đạo luật Trẻ em và gia đình năm 2014 trao thẩm quyền độc lập cao hơn cho Ủy ban quốc gia về trẻ em trong việc tư vấn và trợ giúp những trẻ em thuộc đối tượng hưởng an sinh xã hội hoặc đang phải sống xa nhà, đồng thời giám sát hiệu quả của đơn khiếu kiện liên quan đến trẻ em và cung cấp các dịch vụ tư vấn cần thiết cho trẻ em.
Thúc đẩy sự phát triển (kinh tế-xã hội) ở nước ngoài: Chính phủ Anh cam kết dành 0,7% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) cho viện trợ phát triển nước ngoài (ODA). Chương trình “Các mục tiêu toàn cầu”, trọng tâm của Chiến lược Viện trợ Anh, được thành lập nhằm thể hiện nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc đạt được những tiến bộ căn bản liên quan đến các quyền kinh tế, xã hội và chính trị. Một loạt các chương trình khác cũng đang được thực thi nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong các lĩnh vực như trợ giúp phụ nữ và trẻ em gái, chăm sóc y tế, hòa bình, an ninh và công lý.
3. Nỗ lực thực hiện các khuyến nghị và hướng đến cơ chế UPR chu kỳ IV
Tại chu kỳ của cơ chế UPR III tháng 5/2017, nước Anh đã nhận được 227 khuyến nghị từ các quốc gia thành viên LHQ, nhiều hơn so với 144 khuyến nghị ở chu kỳ II6 và 35 khuyến nghị ở chu kỳ I. Các khuyến nghị này tập trung vào bốn vấn đề chính như sau: (i) chấp nhận các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; (ii) khung pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và đấu tranh chống phân biệt đối xử ở cấp quốc gia; (iii) các quyền dân sự và chính trị; (iv) các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Trong một báo cáo được đưa ra sau đó7, vào ngày 29/8/2017, để thông báo trước cộng đồng quốc tế quan điểm của Vương quốc Anh về những kiến nghị nói trên, Chính phủ Anh chính thức tuyên bố “ủng hộ” 96 khuyến nghị (tức là thực hiện đầy đủ hoặc có ý định thực hiện đầy đủ), đồng thời “lưu ý” 131 khuyến nghị còn lại (tức là có tiến hành một số biện pháp nhất định, nhưng không thực hiện đầy đủ).
Trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị đó, Chính phủ Anh đã xây dựng báo cáo giữa kỳ8, vào ngày 26/8/2018, nhằm mục đích cập nhật những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại nước này kể từ sau khi tiếp nhận các khuyến nghị theo cơ chế UPR năm 2017. Báo cáo này đã nêu bật những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và Tòa án Anh trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực hiện các khuyến nghị nhận được và cải thiện tình hình nhân quyền tại Vương quốc Anh. Những nỗ lực đó tập trung giải quyết các vấn đề chủ yếu sau: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về quyền con người, trong đó có việc xác định địa vị của các điều ước quốc tế về quyền con người của LHQ trong hệ thống pháp luật quốc gia của Anh; đấu tranh chống tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; xử lý tình trạng phân biệt chủng tộc; thúc đẩy cơ hội tiếp cận công lý cho người dân; tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với hoạt động buôn bán người và buôn bán nô lệ; tổng kết tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại các lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Bên cạnh đó, có một điểm đáng lưu ý là từ tháng 8/2017 đến nay, Vương quốc Anh còn tích cực tham gia quá trình báo cáo định kỳ trước LHQ về quyền con người theo các cơ chế dựa trên công ước, bao gồm: báo cáo định kỳ lần thứ 6 theo Công ước chống tra tấn và báo cáo định kỳ lần thứ 8 theo Công ước CEDAW (cả hai báo cáo này đều được đệ trình vào tháng 11/2017). Hiện Vương quốc Anh không có báo cáo nào đệ trình quá hạn trước LHQ.
Cho đến nay, Vương quốc Anh vẫn tiếp tục những nỗ lực của mình nhằm thực hiện các cam kết về quyền con người theo cơ chế UPR. Theo dự kiến, Chính phủ Anh sẽ xây dựng một báo cáo giữa kỳ khác vào tháng 11/2019 và sau đó, đến tháng 11/2020 sẽ tiến hành tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia với sự tham gia của các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) để góp ý cho Báo cáo quốc gia tiếp theo của nước này. Tháng 7/2021, Báo cáo quốc gia của Vương quốc Anh sẽ bắt đầu được soạn thảo và sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền của LHQ vào cuối năm 2021. Theo lịch trình, Vương quốc Anh sẽ tham gia chu kỳ UPR tiếp theo vào tháng 5/2022.
TS. Lê Xuân Tùng
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh