Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; khó kiểm soát cảm xúc... Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dưới góc độ giới.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo diễn đàn thảo luận các quan điểm và đóng góp ý kiến chuyên môn có giá trị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng như trao đổi chuyên sâu các vấn đề quy định của pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên; thực tiễn thực hiện tư pháp đối với người chưa thành niên; vướng mắc trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và hướng hoàn thiện.

Theo đó, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc bảo vệ bản thân, phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.

Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo đã cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

 Thúc đẩy việc bảo đảm quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên ảnh 2

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu.

Bên cạnh đó, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến lồng ghép giới trong các quy định về quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; các quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội; quy định về công tác xã hội trong dự thảo Luật, các biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng với người chưa thành niên; bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên...

Tham gia đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân tối cao), cho biết: Việt Nam có nhiều bộ luật, luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, do được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật, một số quy định của pháp luật còn xung đột nhau. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, khó khăn khi áp dụng.

Qua thực tế giải quyết các vụ án hình sự với người chưa thành niên ở Việt Nam cho thấy, thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian còn dài; quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội còn nặng răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt nên sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi...

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng: Dự thảo luật còn chung chung, chưa bao quát hết các vấn đề giới trong tư pháp vị thành niên. Hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự, các chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới. Tuy nhiên, nhiều điểm trong Dự thảo Luật chỉ nhắc tới người có hiểu biết về tâm lý học và khoa học giáo dục.

Bên cạnh đó, người chưa thành niên xuất hiện trong Dự thảo luật, với tư cách là người bị hại, người làm chứng, hay người phạm tội, người bị buộc tội còn mang tính thụ động, ở vai trò là người được hỏi, người thực hiện các yêu cầu tố tụng, thay vì thể hiện nhu cầu, tiếng nói, đề xuất tâm tư, nguyện vọng hay thực hiện phản biện để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Vì vậy, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đề nghị, cần thúc đẩy Lồng ghép giới Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới của Dự thảo luật, giải quyết các vấn đề giới đã nêu, thúc đẩy việc bảo đảm quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên, thúc đẩy tư pháp người chưa thành niên có nhạy cảm giới; cần rà soát bổ sung, nhấn mạnh rằng tư pháp người chưa thành niên quan tâm bảo vệ quyền con người, nhân phẩm con người, nghiêm cấm kỳ thị, không phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới. Đồng thời, cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình.

Minh Thúy

Nguồn: https://nhandan.vn/thuc-day-viec-bao-dam-quyen-nhan-pham-cua-nguoi-chua-thanh-nien-post811997.html