Báo cáo của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 đã đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Chiều 15/4, Bộ Ngoại giao họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.

Phóng viên gửi câu hỏi đến Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt về việc có bình luận gì về các báo cáo của các cơ quan Liên Hợp Quốc và các bên liên quan về Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ 4.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, liên quan đến báo cáo của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thì Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phát biểu hôm 11/4.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời tại họp báo. Ảnh: Minh Nhật

"Một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Và một trong những nguyên tắc cũng mang tính nền tảng của quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đó là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.

Về những nội dung báo cáo khác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ sự không đồng tình với rất nhiều ý kiến, nội dung trong báo cáo đó. Bởi vì các báo cáo có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn để lấy ý kiến nhưng các tổ chức đã không tham gia vào tiến trình đó, thậm chí không có mặt ở Việt Nam nhưng họ gửi rất nhiều thông tin đánh giá sai lệch về tình hình của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao còn cho biết thêm: "Đối với báo cáo quốc gia của Việt Nam, chúng tôi đã có một tiến trình tham vấn rất rộng rãi với tất cả các bên liên quan để củng cố và xây dựng báo cáo của Việt Nam".

Ở chiều ngược lại, tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên Hợp Quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như là cách của Việt Nam tiến hành đối với báo cáo quốc gia của Việt Nam. "Chúng tôi hoàn toàn không được tham gia tham vấn gì về nội dung các báo cáo đó", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu.

"Trong khi chúng tôi rất minh bạch, công khai, bảo đảm tính bao trùm với sự tham gia của tất cả các bên liên quan thì các báo cáo khác không được tiến hành theo cách như vậy", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh những nguyên tắc khi làm UPR là "đối thoại, bình đẳng, khách quan và minh bạch".

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt mong muốn các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao các nước sẽ cân nhắc thận trọng khi sử dụng thông tin trong các báo cáo và sử dụng nguồn thông tin đã được kiểm chứng.

"Chính các Đại sứ - những người trực tiếp hiện diện tại Việt Nam, được chứng kiến đổi thay, tiến triển, tiến bộ của Việt Nam từng ngày, từng giờ sẽ mang đến những thông tin đầy đủ, khách quan nhất cho các Chính phủ trong quá trình trao đổi, khuyến nghị đối với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong đảm bảo quyền con người

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 trình bày tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên các lĩnh vực.

Tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ 3, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%) và 2 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Ảnh: Minh Nhật

Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực.

Việt Nam đạt được những thành tựu tích cực trong bảo đảm các quyền con người trên thực tế. Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam được hoạt động tự do. Báo chí phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của nhân dân.

Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có công nghệ viễn thông hiện đại, mức phổ cập internet cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng Internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019).

Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam, thường xuyên tích cực tham gia đóng góp vào việc xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công, nhất là cho các nhóm dễ bị tổn thương được tập trung thúc đẩy.

Bên cạnh những kết quả này, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức còn tồn tại và từ đó đề ra các hướng ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng tốt hơn nữa các quyền con người cho người dân...

Trần Thường

Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-truong-bo-ngoai-giao-bac-bo-bao-cao-sai-lech-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-2270758.html