Sáng 2/8, Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các địa phương khu vực miền trung và miền nam diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo về Nhân quyền 38 tỉnh, thành phố khu vực miền trung và miền nam.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định, đây là Hội nghị đầu tiên sau rất nhiều năm Ban Chỉ đạo về Nhân quyền địa phương được thành lập và kiện toàn, đồng thời sau một thời gian dài các hoạt động của đất nước bị ngưng trệ do tác động của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, diễn biến tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều phức tạp, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm quyền con người. Trong bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam đã nỗ lực tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ứng phó tốt đại dịch Covid-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân.

Hội nghị đã nghe Báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố miền trung và miền nam, và các tham luận của các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Đắk Nông, Quảng Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lâm Đồng. Các tham luận nêu bật thực tiễn kết quả bảo đảm quyền con người, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với nhóm người yếu thế, nhất là trong đại dịch Covid-19; giải quyết vấn đề tôn giáo, dân tộc; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thời gian tới…

Trong phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ ghi nhận kết quả công tác nhân quyền của các địa phương trên 6 mặt công tác từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức, triển khai bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ chống phá Đảng, Nhà nước; công tác phối hợp giữa các ban, ngành chặt chẽ, bài bản hơn; giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc; công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền có những chuyển biến tích cực, công khai, minh bạch... Bên cạnh đó, công tác của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền địa phương còn một số hạn chế: mô hình còn chưa được kiện toàn thống nhất, chưa bám sát tình hình thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nhân quyền địa phương…

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước ngày càng gia tăng với cường độ, liều lượng và tính chất ngày càng nghiêm trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các địa phương tập trung triển khai 5 nhiệm vụ:

Một là đặt công tác bảo vệ nhân quyền dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, Chính phủ điều hành, trong đó Công an, Đối ngoại là lực lượng chủ công;

Hai là rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, bất cập để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người;

Ba là công tác bảo vệ nhân quyền phải gắn kết với hệ thống chính trị, trước mắt là công tác dân vận của Đảng và phong trào của Mặt trận, gắn với Ban Chỉ đạo 35 đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Cần trao nhiệm vụ cho công an xã trong công tác nhân quyền;

Bốn là Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia các bài viết, bài cáo dư luận xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Năm là kiện toàn bộ phận thường trực, xác định đây phải là lực lượng đi trước, nắm tình hình các vụ việc, từ đó tham mưu thực hiện các đối sách liên quan đến công tác bảo đảm quyền con người, đấu tranh chống lại các âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá của các thế lực thù địch.

Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tin tưởng với sự quyết tâm, đồng lòng của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các địa phương cùng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, công tác nhân quyền trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo chủ trương, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam.

Hà Nhân

Nguồn: https://nhandan.vn/tao-su-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-nhan-quyen-post708431.html