Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất sửa đổi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm là có thể được nhận lương hưu. Dư luận cho rằng, đề xuất này là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Thêm sự lựa chọn cho người lao động
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm khoảng 22% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí (1,8 triệu người) thì tổng cộng có gần 5 triệu người được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng. Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội khác.
Những năm qua, tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này khiến NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, dẫn đến nảy sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội. Xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân không nhỏ là do khi đến tuổi nghỉ hưu, số năm đóng BHXH của NLĐ còn một khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn để được hưởng lương hưu. Chính vì vậy, NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH để tìm đến giải pháp nhận BHXH một lần.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Penony (Bắc Ninh). Ảnh: VĂN HỢP. |
Nghe thông tin về việc dự kiến giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và thậm chí 10 năm là có thể được nhận lương hưu, ông Nguyễn Văn Cường (54 tuổi) ở phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nhanh chóng thay đổi quyết định của mình. Ông Cường cho biết: “Tôi mới nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Thành Thiên. Tôi đã đóng BHXH được 13 năm, thay vì nhận BHXH một lần, tôi quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này có thể nhận lương hưu”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hùng Chính, Phó giám đốc Quản lý và điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Nếu đề xuất trên trở thành hiện thực sẽ góp phần hoàn thiện các chế độ hưu trí trên cơ sở kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững; tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng chế độ hưu trí nhằm ổn định cuộc sống khi về già. NLĐ có thể tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn nhận trợ cấp BHXH một lần. Đây cũng sẽ là cơ sở để ngành BHXH có thể đạt được mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đặt ra từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.
Cần có chính sách hỗ trợ đi kèm
Do điều kiện kinh tế khó khăn, anh Bùi Văn Hợp (quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) phải đến thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để làm công nhân may cho Công ty TNHH Penony. Anh Hợp cũng như không ít NLĐ khác phải đi làm ăn xa quê khó có thể hoàn thành mục tiêu đóng BHXH đủ 20 năm tại công ty mà anh đang làm việc. Anh Hợp chia sẻ: “Do đặc thù công việc, công nhân may rất dễ mắc các bệnh nghề nghiệp, bởi thế NLĐ khó có thể bảo đảm sức khỏe để làm công việc đó liên tục 20 năm trở lên, dẫn đến quá trình đóng BHXH có thể bị gián đoạn. Nếu giảm được số năm đóng BHXH là rất phù hợp. Tuy nhiên, nếu đủ số năm tối thiểu đóng BHXH thì NLĐ vẫn phải đủ tuổi hưu mới có thể nhận lương hưu. Bởi thế, chúng tôi mong rằng bên cạnh việc giảm thời gian đóng BHXH, Nhà nước cũng cần tính toán để giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm việc trong một số môi trường, ngành nghề đặc thù”.
Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để nhận lương hưu sẽ khuyến khích NLĐ có thêm động lực tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH tăng thì nguồn thu quỹ BHXH cũng tăng. Nhờ đó, quỹ BHXH sẽ được cân đối, bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng. Tuy nhiên, việc giảm số năm đóng BHXH sẽ khiến người nghỉ hưu phải nhận mức lương hưu thấp. Bởi thế, cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ để NLĐ sau này nhận lương hưu ở mức hợp lý, bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng-chuyên gia về an sinh xã hội, ở một số nước trên thế giới, NLĐ chỉ cần đóng đủ 5-10 năm BHXH là có thể được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, ngoài giảm số năm đóng BHXH, các quốc gia này thường có các chính sách hỗ trợ đi kèm. Đối với nước ta, để người về hưu không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần thiết kế những chính sách đồng bộ đi kèm như: Hỗ trợ người dân có việc làm bền vững, khuyến khích NLĐ tự tạo việc làm tham gia BHXH tự nguyện, gắn chính sách bảo trợ xã hội với BHXH...
VĂN THI
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-dieu-kien-thu-huong-quyen-loi-bao-hiem-xa-hoi-661868