Quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách. Thực tiễn chứng minh, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách càng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội càng tăng.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng cơ cấu dự kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách khóa XV tăng cao nhất từ trước tới nay. 

1. ĐBQH hoạt động chuyên trách là đại biểu dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH tại các cơ quan của Quốc hội hoặc tại đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố.

ĐBQH hoạt động chuyên trách đóng vai trò rất quan trọng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vì thế, Đảng ta đã có chủ trương tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa XII) đã nêu: “Thực hiện tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực”.

Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng yêu cầu: Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng ĐBQH, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là xu thế tích cực

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm một số Phó thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VPQH 

2. Trước năm 1992, hầu như toàn bộ ĐBQH đều hoạt động kiêm nhiệm, chỉ một số ít người nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội; các ủy viên Hội đồng Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới làm việc toàn thời gian tại Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Thuật ngữ “ĐBQH chuyên trách” xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992. Theo quy định của luật này, số lượng ĐBQH chuyên trách do Quốc hội quyết định. Trên cơ sở quy định này, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, số ĐBQH chuyên trách được bầu chiếm tỷ lệ 5,56% tại Quốc hội khóa IX. Tuy đây là con số không lớn so với hiện nay nhưng vẫn là một bước tiến quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Bước sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002), số ĐBQH chuyên trách tăng lên 6,89%.

Số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tăng tuy chưa nhiều nhưng mang lại sự cải thiện đáng kể trong chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 đã tạo ra bước đột phá khi quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất là 25% tổng số ĐBQH.

Tại Quốc hội khóa XI (2002-2007), số ĐBQH chuyên trách được cử tri bầu chiếm tới 23,69%. Tuy vẫn thấp hơn quy định của luật nhưng số lượng ĐBQH chuyên trách đã tăng gấp gần 4 lần so với nhiệm kỳ trước. Từ Quốc hội khóa XII (2007-2011) tới Quốc hội khóa XIII (2011-2016), tỷ lệ ĐBQH chuyên trách tăng dần lên tới 30,8%.

Năm 2014, Quốc hội khóa XIV khi xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã có đánh giá kỹ lưỡng về vai trò của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Từ đó khẳng định sự cần thiết cũng như những đóng góp mang tính quyết định của đội ngũ ĐBQH hoạt động chuyên trách tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Từ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận, Quốc hội đã quyết định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ ít nhất 25% theo luật năm 2001 lên thành ít nhất 35% so với tổng số ĐBQH. Năm 2020, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%. Theo dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV do UBTVQH ban hành, Quốc hội khóa XV sẽ có 133 ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và 67 ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương, tổng là 200 đại biểu hoạt động chuyên trách, chiếm 40% tổng số ĐBQH, cao nhất từ trước tới nay.

3. Đánh giá về vai trò của ĐBQH hoạt động chuyên trách, trong báo cáo tổng kết công tác của UBTVQH nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nêu rõ: “Hoạt động của ĐBQH chuyên trách ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội”.

Ngày 15-4, phát biểu tại hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử ĐBQH lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: ĐBQH hoạt động chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội. Chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp rất quan trọng của ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Vai trò của ĐBQH hoạt động chuyên trách lớn như vậy, nên việc tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trong Quốc hội là xu thế tích cực và tất yếu. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu ĐBQH chỉ mang tính định hướng để phấn đấu thực hiện. Quyền quyết định cuối cùng về việc lựa chọn ĐBQH thuộc về cử tri, thể hiện qua lá phiếu bầu cử của cử tri. Do vậy, trong các khóa Quốc hội, việc một số chỉ tiêu về cơ cấu không đạt được như kế hoạch không phải là chuyện lạ lẫm. Chẳng hạn, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định cơ cấu dự kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 25%, nhưng thực tế cử tri chỉ bầu được 23,69% tổng số ĐBQH khóa XI là đại biểu hoạt động chuyên trách. Hay cơ cấu ĐBQH trẻ tuổi, đại biểu nữ cũng nhiều khóa không đạt mục tiêu đề ra, do người ứng cử trẻ tuổi và nữ ứng cử ĐBQH chưa nhận được sự tín nhiệm cao từ cử tri.

4. Thực tế, người ứng cử là ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu đều là những cá nhân được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên ngành phù hợp; có kinh nghiệm hoạt động nghị trường tốt do đã có quá trình cống hiến lâu dài ở Quốc hội hoặc dày dặn kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn ở cơ quan, tổ chức; có khả năng đóng góp vào thành công chung của Quốc hội trên các mặt lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước hay ngoại giao nghị viện. Những người này khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng đều nhận được sự tín nhiệm rất cao.

Tuy nhiên, do phần lớn người ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách đang công tác tại các cơ quan Trung ương nên chưa có nhiều thời gian gắn bó với cơ sở, tiếp xúc với cử tri nơi ứng cử. Bởi vậy, chưa có cơ hội để “thể hiện mình” trước cử tri, nhân dân nơi ứng cử. Trong khi đó, những người ứng cử ở địa phương đã có thời gian rất dài sinh sống, làm việc ở nơi ứng cử, nên cử tri biết rất rõ về họ. Đây là lý do khiến một số trường hợp người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Gần đây nhất, tại Quốc hội khóa XIV, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu 197 người ứng cử, nhưng chỉ có 182 người trúng cử, 15 người không trúng cử. Trong số những người không trúng cử có những trường hợp là ĐBQH khóa trước, hoạt động rất năng nổ, trách nhiệm và hiệu quả trong Quốc hội, đó là điều rất đáng tiếc.

Thực tế ấy đặt ra một vấn đề rất khó khăn cần được giải quyết là làm sao để những người ứng cử thực sự có chất lượng do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu phải ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng cử tri nơi ứng cử? Để giải quyết được điều này, quan trọng nhất là phải tổ chức được càng nhiều cơ hội cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử càng tốt. Đồng thời, người ứng cử do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu phải trau dồi thật tốt kỹ năng tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử để thể hiện rõ nhất năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết của bản thân; tìm hiểu rất kỹ về phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa của cộng đồng dân cư nơi ứng cử để thực hiện vận động bầu cử mang lại hiệu quả cao.

Hy vọng, tại Quốc hội khóa XV, những người ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ giành được sự tín nhiệm cao của cử tri để trở thành ĐBQH, trở thành hạt nhân trong mọi hoạt động của Quốc hội khóa XV.

CHIẾN THẮNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap/y-kien-cu-tri/tang-so-luong-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-la-xu-the-tich-cuc-657103