Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULIE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ, sáng 13-4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức: Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề "Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam”.
Phiên thảo luận nhằm cập nhật thông tin và trao đổi về kết quả hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về TGPL cho các đối tượng có liên quan trong thời gian qua, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại phiên thảo luận. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, TGPL ở Việt Nam là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những đối tượng được TGPL theo quy định của pháp luật. TGPL vừa thể hiện truyền thống đạo lý, tính nhân văn của người Việt Nam, vừa thể hiện trách nhiệm cao của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người, trong đó có các quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước về quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW... Hiến pháp năm 2013 cùng với nhiều đạo luật và văn bản dưới luật ban hành gần đây đã đặt cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả TGPL.
Các đại biểu điều hành phiên thảo luận. |
Luật TGPL năm 2017 được ban hành với mục tiêu nâng cao chất lượng TGPL, sử dụng nguồn lực có hiệu quả và lấy người được TGPL làm trung tâm. Sau hơn 3 năm thực hiện Luật TGPL năm 2017, công tác TGPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan nhà nước nhằm giúp các đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL một cách dễ dàng, thuận lợi và miễn phí.
Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn quốc thực hiện được 310.081 vụ việc và số lượng vụ việc TGPL cũng tăng đều qua các năm. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã được chuẩn hóa và thường xuyên được bồi dưỡng trau dồi kỹ năng hành nghề. Đến nay, đây là đội ngũ nòng cốt đảm nhận hầu hết các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Nhiều trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70 - 90 vụ việc TGPL tham gia tố tụng/năm (năm 2020 có 1 trợ giúp viên pháp lý thực hiện 96 vụ/năm).
Quang cảnh phiên thảo luận. |
Trong giai đoạn hiện nay, TGPL đang tiếp tục đứng trước yêu cầu nâng cao hiệu quả và chất lượng. Tại phiên thảo luận, trên cơ sở các thông tin, chia sẻ về kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức trong hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về TGPL, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất, kiến nghị nhằm hành động hiệu quả hơn trong việc tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả, có chất lượng công tác TGPL.
Tin, ảnh: BĂNG CHÂU
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tang-cuong-tiep-can-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-ngheo-va-doi-tuong-yeu-the-tai-viet-nam-656696