1. Khái niệm về quyền con người
Quyền con người là sự kết tinh của những giá trị văn hóa, của tất cả các dân tộc trên thế giới, là mối quan tâm đặc biệt và là mục tiêu hành động hàng đầu của Liên hợp quốc. Tôn trọng quyền con người, có cơ chế bảo đảm quyền con người chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội, của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền, Việt Nam vừa phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, vừa phải thường xuyên chú trọng giáo dục quyền con người. Với tư cách là một bộ phận của giáo dục pháp luật hiện nay, giáo dục quyền con người đang được các trường quan tâm, đặc biệt đặt trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đổi mới giáo dục phải đổi mới từ nội dung, chương trình, sách giáo khoa, tư duy,… cho đến việc đổi mới việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một tấm gương sống giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết”. Vì vậy, việc giáo dục quyền con người trong các nhà trường nên bắt đầu từ giáo dục đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, bởi vì những cán bộ quản lý giáo dục này sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn tới người học và cơ sở giáo dục mà họ quản lý.
Quyền con người là một khái niệm rộng, được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights). Định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu như sau:
Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.
Bên cạnh đó, nhân quyền còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người. [7].
Ở Việt Nam, các định nghĩa về quyền con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng đưa ra cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế [2].
2. Thực trạng giáo dục quyền con người trong đào tạo cán bộ quản lý giáo dục
Hoạt động giáo dục nhân quyền trong các trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục nhằm trang bị kiến thức về nhân quyền cho sinh viên, hướng tới sự tôn trọng quyền con người của thế hệ trẻ tiến bộ được thực hiện bằng cả hình thức chính khóa và không chính khóa. Hình thức không chính khóa chủ yếu được thực hiện thông qua tuần sinh hoạt công dân ngay khi sinh viên mới nhập trường, hoặc thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Hình thức chủ yếu của giáo dục quyền con người trong các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục là hình thức chính khóa. Các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục hiện nay, khi đào tạo hệ cử nhân quản lý giáo dục từ năm 2014 đều dùng chung giáo trình “Pháp luật đại cương” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành., Các nội dung giáo dục về quyền con người như giáo dục về quyền sở hữu, quyền thừa kế,... được lồng ghép trong một số chương trong Luật Dân sự, Công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, Luật Hình sự... Tại nhiều trường, việc giáo dục quyền con người được lồng ghép vào một trong số môn học khác, như: Chính trị học, Bình đẳng giới trong giáo dục, mà chưa có một môn học riêng về quyền con người. Thêm vào đó, nội dung nhân quyền lồng ghép giảng dạy trong các môn học khác còn sơ khai, phụ thuộc vào yêu cầu của các bộ môn đối với giảng viên và kiến thức về lĩnh vực quyền con người của giảng viên.
Do đó, giáo trình mặc dù có đề cập nhưng trên thực tế ở một số trường, nội dung quyền con người thường bị né tránh trong các giờ giảng, do nhiều nguyên nhân hoặc có đề cập đến chỉ mang tính chất giới thiệu, thiếu khái quát, thậm chí đưa những nội dung chưa hoàn toàn đúng về nhân quyền, do những hạn chế của giảng viên về vấn đề này. Chính vì vậy, sinh viên cũng chỉ được tiếp xúc với nhân quyền ở mức rất hạn chế, kiến thức nhân quyền thu được rời rạc. Do vậy, không thể có một cái nhìn toàn diện về quyền con người, từ đó khó có thể hình thành ý thức tôn trọng quyền con người trong sinh viên, cũng như học viên cao học, học viên của các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Giáo dục quyền con người hiện nay trong các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu để đề ra những phương hướng, biện pháp thực sự hữu ích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục về quyền con người ở nước ta. Việc thiết kế lại chương trình đào tạo cử nhân cũng như bồi dưỡng bồi dưỡng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là chìa khóa để đổi mới giáo dục. Đây là yếu tố quan trọng, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
3. Đề xuất giải pháp tăng cường giảng dạy quyền con người tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng
3.1. Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân
Trong đó, cần tập trung vào các nội dung sau:
- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông song song, đồng bộ với thực hiện Đề án Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.
- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục nghề nghiệp song song, đồng bộ với thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục đại học. Trong đó có tính tới đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc sửa đổi giáo trình pháp luật hoặc pháp luật đại cương để giảng dạy cho sinh viên các trường đại học không thuộc khối ngành Luật, Hành chính, Nội chính; tích hợp/lồng ghép quyền con người vào các môn học chuyên ngành Luật thuộc khối ngành Luật, Hành chính, Nội chính; đồng thời xây dựng môn học độc lập về quyền con người và giáo trình dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thuộc khối ngành Luật, Hành chính, Nội chính.
- Chỉnh lý, bổ sung khung chương trình đào tạo thạc sỹ pháp luật về quyền con người và mở mã ngành đào tạo tiến sỹ pháp luật về quyền con người.
- Triển khai có lộ trình việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, để cung cấp và trang bị các kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức về quyền con người, vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của bảo vệ, bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người.
3.2. Đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị
Bên cạnh đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần tiếp tục nghiên cứu từng bước xây dựng và biên soạn tài liệu giảng dạy, mở các khóa bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
- Thực hiện giáo trình mới về lý luận và pháp luật về quyền con người, giảng dạy cho các lớp cao cấp lý luận tại hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
- Chỉnh sửa, bổ sung nội dung quyền con người vào chương trình trung cấp lý luận chính trị.
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ của các cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cán bộ trong các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng.
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ thực thi pháp luật, lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp, bộ đội biên phòng, lực lượng công an, thẩm phán, kiểm sát viên...
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho nhà báo, cán bộ quản lý các cơ quan truyền thông, báo chí.
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho các luật sư, luật gia,...
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp; gắn vai trò, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh với bảo vệ quyền con người.
- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ Quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo.
4. Kết luận
Giáo dục quyền con người trong các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan tới sự thành bại trong giáo dục nước ta, vì vậy rất cần được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để công tác giáo dục quyền con người thực sự có ý nghĩa, góp phần hình thành văn hóa quyền con người cho các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục, biết xây dựng và hoạch định thực thi chính sách dựa trên sự tôn trọng quyền con người, quản lý dựa trên sự tôn trọng và phát triển quyền con người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN (2013), Nghị quyết số 29/NQTW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Hội đồng Anh (2000), Giáo dục quyền công dân và giáo dục quyền con người, Các khái niệm và tranh luận chính, Tập1.
- Liên hợp quốc (1995), Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995 - 2004), đoạn 2.
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Giáo dục, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội.
- United Nations, Human Rights (2006). Questions and Answers, New York and Geneva, tr.4.
- Nguyễn Thị Thu Hằng (2017), Quyền con người, một nội dung quan trọng cần đưa vào giảng dạy trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, Tạp chí Quản lý giáo dục, số 12 năm 2017.
- Phạm Xuân Hùng (2016), Phát triển đội ngũ giảng viên quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực, Luận án tiến sỹ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người (1998). Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.130.
- Tường Duy Kiên (2017), “Giáo dục quyền con người theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 11-2017.