Theo các đại biểu, nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dường như chưa chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình; trong khi trên thực tế, hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn.

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 8-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba vừa qua.

Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân là trẻ em
 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. 

Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả"; tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ  quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề.

Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân là trẻ em
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Nhiều quy định trong dự luật không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nội dung của dự thảo luật dường như chưa chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình; trong khi trên thực tế, hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn.

Đại biểu dẫn chứng: Theo thống kê của Tổng đài 111 trong năm 2021, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (72,84%). Nhấn mạnh đây mới chỉ là thống kê của một tổng đài, đại biểu cho rằng, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những nội dung được quy định tại dự thảo luật hầu như chỉ hướng tới người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cụ thể, theo đại biểu, Điều 9 của dự thảo luật quy định về quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, hầu như không phù hợp nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình; không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của dự thảo luật này; và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại. Thậm chí, quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.

"Với sự non nớt, nỗi sợ hãi khi bị bạo lực gia đình, các em không thể cung cấp đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc. Khi trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người thân, cũng không hy vọng người đại diện, người giám hộ của các em cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác....", đại biểu phân tích.  

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo luật là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em. 

“Thậm chí, nhiều quy định chưa phù hợp với đối tượng bị bạo lực là người già yếu, người khuyết tật, người khuyết tật nặng vì các quy định còn nặng tính hành chính”, đại biểu nói thêm.

Trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật và cần có chương riêng trong dự thảo luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân là trẻ em

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa: Đề nghị có quy trình đặc thù riêng cho trẻ em trong phòng, chống bạo lực gia đình. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nêu, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ở tổ và hội trường về dự thảo luật này có đến 28 nội dung đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Một số nội dung đã được ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu nhưng trong dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình không hề có ý kiến về việc tiếp thu và giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

"Trong khi đây là vấn đề cần được hết sức chú ý trong luật này, nhất là việc xác định trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt; đề nghị bổ sung các biện pháp đặc thù, có quy trình đặc thù riêng cho nhóm đối tượng này trong phòng, chống bạo lực gia đình", đại biểu nhấn mạnh. 

Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung 1 mục về giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Đồng thời, đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng này. Trong đó quy định về nguyên tắc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-doi-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-can-nhung-quy-dinh-rieng-phu-hop-hon-voi-nan-nhan-la-tre-em-704866