Trong phiên họp sáng 12/5, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong phiên họp sáng 12/5. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong phiên họp sáng 12/5. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là tên gọi mới của dự án Luật Bản dạng giới do cá nhân đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất xây dựng.

Ngày 10/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật (khi xem xét dự kiến Chương trình năm 2024) và đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2023.

Đề xuất mỗi người chỉ được công nhận chuyển đổi giới tính duy nhất 1 lần trong đời

Trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, hồ sơ đề nghị đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; đổi tên Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính.

Đồng thời, làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.

Toàn bộ hồ sơ đã được chỉnh lý lại, trong đó kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuyển đến đại biểu.

Vì vậy, bố cục, nội dung trong hồ sơ đề nghị đã được thay đổi cơ bản; các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý chiếm khoảng 60% dung lượng đề nghị xây dựng Luật.

Sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, chính sách của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời; bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung chính sách quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực…

Về thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính, dự thảo Luật nêu rõ, công dân nộp đơn đề nghị công nhận giới tính đến cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện. Trong đó, hồ sơ đề nghị gồm: Giấy khai sinh, Lý lịch tư pháp, Xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân, và Giấy xác nhận đã can thiệp y học.

Chậm nhất là từ 8 đến 11 ngày, cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện cấp giấy Công nhận giới tính mới và ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch.

Do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Cần tiếp tục đánh giá tác động các chính sách của luật một cách thấu đáo

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, Thường trực Ủy ban và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Về các nội dung cụ thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật Chuyển đổi giới tính cũng như thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật để tập trung điều chỉnh vấn đề chuyển đổi giới tính phù hợp với yêu cầu quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự.

Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề thuộc 3 nhóm chính sách về: điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật có hiệu lực…

Sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ảnh 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Tham gia ý kiến thảo luận, Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh bày tỏ nhất trí, ủng hộ đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật; cho rằng dự án Luật này sẽ góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân.

Về thời gian trình, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề xuất lùi lại 1 kỳ so với đề xuất của đại biểu để bảo đảm chất lượng. Đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa, phối hợp chặt chẽ với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong quá trình hoàn thiện, xây dựng dự án Luật.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu bảo đảm chất lượng dự án tốt nhất, có tính thuyết phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần làm rõ thế nào là chuyển đổi giới tính do còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động các chính sách của luật một cách thấu đáo ngay cả khi đã trình luật với Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần nghiên cứu cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự để có các quy định phù hợp. Ngay cả với các nước thừa nhận chuyển đổi giới tính, việc thực hiện quy định pháp luật về lĩnh vực này cũng vẫn có vướng mắc, vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cần nghiên cứu kỹ để lường trước các trường hợp thực tế, bảo đảm luật hợp lý, khả thi trong áp dụng.

Hồ sơ đề nghị đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã bảo đảm đầy đủ thành phần, tiêu chuẩn trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định tại Điều 37 trong Bộ luật Dân sự.

Sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong dự án luật vẫn còn những nội dung có ý kiến khác nhau, nếu được Quốc hội đồng thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần nhiều phân tích, thảo luận để bảo đảm nội dung quy định được hợp lý, khả thi.

Thông qua hình thức biểu quyết bằng phiếu bầu, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong trường hợp Quốc hội phê duyệt, dự án Luật dự kiến sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

VĂN TOẢN

Nguồn: https://nhandan.vn/se-trinh-quoc-hoi-xem-xet-quyet-dinh-dua-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-vao-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-post752293.html