Trong những năm qua, với quan điểm “quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm”, Việt Nam đã và đang tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế trong những vấn đề liên quan đến nhân quyền. Trên cơ sở tinh thần đó, Việt Nam chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn song phương, đa phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) theo hình thức trực tuyến.


Với các cơ chế của Liên hiệp quốc về quyền con người, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm khi tham gia làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội và các diễn đàn khác của Liên hiệp quốc nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế về nhân quyền.

Việt Nam đã thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, nhất là trong tiến trình thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền, góp phần vào việc củng cố vai trò của Hội đồng Nhân quyền như một cơ chế quan trọng nhất của Liên hiệp quốc trong việc xử lý các vấn đề về quyền con người. Trong đó, Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Điều này được minh chứng kể từ khi tham gia năm 2008, đến nay, Việt Nam đã trình bày và đối thoại thành công các báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ I (2009), II (2014) và III (2019). Các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại phiên rà soát UPR qua chu kỳ đã và đang được thực hiện nghiêm túc và tích cực, thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…

Đầu tháng 7 vừa qua, tại Geneve, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 41, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR. Tại Phiên họp lần này, các quốc gia đã đánh giá rất cao về quá trình chuẩn bị nghiêm túc Báo cáo quốc gia Rà soát Định kỳ Phổ quát về bảo đảm và phát huy quyền con người của Việt Nam. Các quốc gia đều hoan nghênh thành tựu đạt được của Việt Nam thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong chu kỳ rà soát lần này. Tại Phiên họp lần này, các quốc gia đưa ra 291 khuyến nghị thì Việt Nam đã đồng ý tới 241 khuyến nghị, một tỷ lệ rất cao tới 83%. Điều đó cho thấy, mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Không chỉ chủ động, tích cực với các cơ chế của Liên hiệp quốc về quyền con người, trong khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong quá trình hình thành và hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Việt Nam đã tích cực đóng góp trong việc soạn thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, được lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11-2012. Đây là văn kiện đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, là sự cam kết của các nước ASEAN trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là Chủ tịch của AICHR. Tháng 5-2020, với sự nỗ lực của Việt Nam, AICHR đã ra thông cáo báo chí liên quan đến dịch Covid-19, đây là tiền lệ đầu tiên trong AICHR. Nỗ lực này thể hiện sự hợp tác và thống nhất trong ASEAN, nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền con người trong khu vực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các diễn đàn của ASEAN hoạt động thành công và hiệu quả, các hoạt động trong khuôn khổ AICHR cũng như vậy. Các nước thành viên AICHR đã trao đổi và thống nhất có những dòng hành động sẽ tổ chức trực tuyến. Gần đây nhất, Việt Nam đã đại diện cho AICHR báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao tại phiên đối thoại những kết quả đã làm được. Cụ thể là sự nỗ lực của các nước thành viên liên quan tới nhiều lĩnh vực như quyền được học tập, giáo dục, các vấn đề môi trường, những lĩnh vực ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Các lĩnh vực của AICHR cụ thể như vậy thể hiện cách tiếp cận gần người dân, không bỏ ai lại phía sau. Đây cũng là những đặc trưng của quyền con người trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, Việt Nam luôn tỏ thiện chí và sẵn sàng hợp tác, đối thoại song phương với các nước trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mặc dù quan điểm của Việt Nam và các nước liên quan còn có sự khác biệt. Với cách tiếp cận xây dựng, Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan cho các nước hiểu rõ và chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đáp ứng và tạo điều kiện cho đại diện của nhiều nước được tham gia thực địa đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị tại Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác song phương về quyền con người chính là việc Việt Nam thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người với một số nước và đối tác như Hoa Kỳ, EU, Úc, Na Uy, Thụy Sỹ. Các cơ chế đối thoại diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, có nội dung thực chất và đã phát huy kết quả tích cực, thu hẹp khác biệt, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề quyền con người các bên cùng quan tâm.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hiệp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu… Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Minh Phương