Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948 có vị trí đặc biệt trong luật quốc tế về nhân quyền. Tuyên ngôn là nền tảng cho hai công ước cơ bản về nhân quyền cùng được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1966 cũng như các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền của các tổ chức liên chính phủ khu vực cũng dẫn chiếu đến Tuyên ngôn.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948 có vị trí đặc biệt trong luật quốc tế về nhân quyền. Tuyên ngôn là nền tảng cho hai công ước cơ bản về nhân quyền cùng được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1966 cũng như các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền của các tổ chức liên chính phủ khu vực cũng dẫn chiếu đến Tuyên ngôn. Dù có những đánh giá khác nhau, tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đa số đồng ý rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một văn kiện lịch sử, là nguồn cảm hứng bất tận cho các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. Cho đến nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, tiếp cận dưới nhiều góc độ như tư tưởng, lịch sử, chính trị, pháp lý... Ngoài cuốn sách này, một số tác phẩm tiêu biểu khác có thể kể như: "A World Made New: Eleanor Roosevelt and the Universal Declaration of Human Rights" của Mary Ann Glendon (Random House, 2002), "The Universal Declaration of Human Rights: Origins, Drafting, and Intent" của Johannes Morsink (University of Pennsylvania Press - Pennsylvania Studies in Human Rights, 2000), "Inventing Human Rights: A History" của Lynn Hunt (W. W. Norton and Company, 2007), "Universal Human Rights: Origins and Development" của Stephen James (LFB Scholarly Publishing, 2007)...

Chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền dù đã được dịch và giới thiệu từ lâu trong các tuyển tập văn kiện quốc tế về nhân quyền do nhiều cơ quan, tổ chức xuất bản, nhưng đến nay chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu toàn diện về các điều khoản của Tuyên ngôn. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn và tổ chức dịch cuốn “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: mục tiêu chung của nhân loại" (The Universal Declaration of Human Rights: A Common Standard of Achievement) (có thể dịch sát nghĩa là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: một chuẩn mực chung cần đạt được). Cho dù thời gian xuất bản đã cách đây khá lâu (nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn ra đời), nhưng các phân tích về tính pháp lý và bối cảnh lịch sử mà các tác gải đưa ra trong cuốn sách này vẫn còn nguyên giá trị.

Cuốn sách bao gồm các bài viết của các tác giả, cá nhân hoặc theo nhóm, phân tích từng điều khoản của Tuyên ngôn (từ Điều 1 đến Điều 30). Mỗi bài viết thường bao gồm các mục: Giới thiệu khái quát, Quá trình soạn thảo điều luật trong bối cảnh chung của việc soạn thảo Tuyên ngôn; Các chuẩn mực quốc tế liên quan; Các chuẩn mực khu vực (châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...); Một số khía cạnh liên quan khác. Do các bài viết đều có phần nội dung đề cập đến lịch sử soạn thảo, có một số nội dung nhất định bị trùng lặp. Để tiện cho việc theo dõi của bạn đọc, chúng tôi bổ sung một số thông tin về danh sách các thành viên của Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn, tóm tắt quá trình soạn thảo Tuyên ngôn... ở phần Phụ lục cuối sách.